Tôi không bao giờ đi ngủ sau 23h đêm
Tôi và bạn – người đang đọc những dòng chữ này – sinh hoạt hoàn toàn ngược nhau. Lúc bạn thức thì tôi ngủ, còn lúc bạn ngủ thì tôi lại thức.
Này nhé, ngay bây giờ, khi tôi đang viết những dòng chữ này là tôi đã ngủ dậy được quãng 2 tiếng rồi.
Như tôi đã viết (và thuyết giảng rất nhiều lần), “một ngày cốt ở giờ dần mà ra”, tức là giờ quý nhất trong 1 ngày là giờ dần, tức từ 3 giờ đến 5 giờ sáng.
Tôi thường tỉnh dậy vào giờ này để hít thở sâu, tọa thiền, tập yoga và khí công. Tôi ngồi vào bàn viết báo và check e-mail, post tin đầu ngày lên facebook cá nhân thường là quãng hơn 5 giờ sáng.
Cụ thể bây giờ, đúng bây giờ là 5h13 phút. Tôi viết xong và gửi bài đi thường là xung quanh 6 giờ sáng.
Tôi ăn sáng trước 7 giờ và thường là 6h30. Trước khi ăn sáng, sau khi đã gửi bài viết và check e-mail, tôi thường dành quãng 30 phút để đọc sách.
Bởi vì tôi nhớ nằm lòng câu nói của Will Rogers rằng, người ta có hai cách để học hỏi. Một là đọc sách và hai là gần gũi với những người khôn ngoan hơn mình. Tiếng Anh là “A man only learns in two ways, one by reading, and the other by association with smarter people”.
Tôi làm tất cả mọi công việc này để quãng hơn 7 giờ là tôi đến cơ quan, hoặc đi giảng, hoặc tham gia gặp gỡ theo lịch xếp sẵn.
Cũng như vậy, tôi đi ngủ lúc 22h tối (có hôm lúc 21 giờ). Tôi không bao giờ đi ngủ sau 23 giờ đêm, trừ bất khả kháng hay trường hợp đặc biệt. Ấy vậy mà phần lớn mọi người thức sau 21 giờ, 22 giờ đêm. Có người người sau 23 giờ mới đi ngủ.
Cá biệt, có những kẻ muốn “phá hoại sức khỏe” hoặc các khách tôi gọi là muốn “rước bệnh vào người”, hoặc cách nữa tôi gọi là “muốn đến nghĩa trang sớm hơn” bằng cách thức khuya sau 23h đêm, thậm chí quá nửa đêm khi đã sang ngày mới.
Bạn và tôi có giờ giấc ngủ khác nhau, thậm chí ngược nhau. Tức phải có 1 trong 2 bên vô lý. Khoan đừng kết luận, đừng chỉ trích hay phán xét, hãy cố gắng đọc hết bài đã ạ.
Tôi cũng xin nói luôn rằng bài viết này không chỉ dựa trên nghiên cứu của tôi thông qua việc đọc và học cả trăm cuốn sách đủ các thứ tiếng, Anh, Nga, Pháp, Trung, Việt,… mà là những gì tôi đã thực hành nhiều năm nay.
Đó là trải nghiệm của tôi. Xin nhắc lại là trải nghiệm có thật. Là thói quen của tôi. Vậy nên khi đọc, có thể bạn thấy có gì đó hoàn toàn mới và ngược đời, thậm chí giật mình đánh thót, nhưng cũng có những gì đó thấy quen quen vì hình như đã đọc ở sách nào đó rồi.
Không sao. Và xin nhắc lại, tôi chỉ viết ra những trải nghiệm thật của tôi, những gì tôi đã chứng kiến, tôi đã thực chứng trên cơ thể tôi. Bạn cũng đừng vội tin tôi ngay, hãy đọc kỹ, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi nếu cảm giác có vẻ hợp lý thì ứng dụng. Và minh chứng rõ nhất thiết thực nhất là kết quả mà bạn thực chứng sau một thời gian ngắn ứng dụng.
Bạn có biết một ngày mới bắt đầu lúc 23h đêm?
Những người kém hiểu biết thì cho rằng khi ta ngủ dậy là ngày mới bắt đầu. Có người nghĩ rằng ngày mới bắt đầu lúc trời sáng. Có người cho rằng ngày mới bắt đầu lúc 5 giờ hay 3 giờ. Tất cả là chưa đúng!
Những nhà khoa học thì rất chuẩn xác và họ nói ngay rằng ngày mới bắt đầu lúc 0 giờ hoặc gọi cách khác là 24 giờ hay còn gọi là 12 giờ đêm. Cũng chưa chuẩn!
Hôm nay tôi chia sẻ để bạn biết sự thật rằng, 23h đêm là thời gian bắt đầu cho một ngày mới. Ngày mới thật sự bắt đầu trước nửa đêm tận 60 phút đấy nhé bạn. Tôi sẽ phân tích sau.
Phải nhớ thật kỹ giờ của từng bộ phận trong cơ thể
Các bạn biết rất rõ (trừ những ai quá lười đọc hoặc chưa tìm hiểu để có kiến thức sơ đẳng về cơ thể và sức khỏe), rằng cơ thể có lục phủ và ngũ tạng.
Nhưng các bạn chưa biết giờ nào là giờ của bộ phận nào. Xin chia sẻ cái này trước, vì điều này liên quan cực kỳ mật thiết đến giờ giấc ngủ nói riêng và cách sống ĐÚNG cũng như sức khỏe của bạn.
3 đến 5 giờ sáng là giờ dần. Đây là giờ của phổi. 5 đến 7 giờ sáng là giờ mão, giờ của ruột già (hay còn gọi là đại tràng).
7 đến 9 giờ sáng là giờ thìn, giờ của dạ dày (hay còn gọi là vị). 9 đến 11 giờ sáng là giờ tỵ, giờ của lá lách (hay còn gọi là tỳ).
11 đến 13 giờ trưa là giờ ngọ, giờ của tim (hay còn gọi là tâm). 13 đến 15 giờ chiều là giờ mùi, là giờ của ruột non (hay còn gọi là tiểu trường).
15 đến 17 giờ chiều là giờ thân, giờ của bọng đái (hay còn gọi là bàng quang). 17h đến 19h chiều là giờ dậu, giờ của thận.
19 đến 21 giờ tối là giờ tuất, giờ của bao tim (hay còn gọi là bào). Từ 21 đến 23 giờ đêm là giờ hợi, giờ của tam tiêu. Từ 23 đến 01 giờ sáng là giờ tý, giờ của mật (hay còn gọi là đởm). Từ 1 đến 3 giờ sáng là giờ sửu, giờ của gan (hay còn gọi là can).
Hãy giúp phổi thải độc, chứ đừng làm hại nó
Vậy bạn thấy ngay nhé, những ai bị bệnh phổi nhất định ho vào giờ dần, tức 3 đến 5 giờ sáng. Phổi là để thở. 3 đến 5 giờ sáng là phổi thải độc.
Nếu mình ngủ dậy, mở cửa sớm mai, không khí trong lành nhất vì qua đêm, bụi lắng hết xuống rồi, khí dương bắt đầu có mà ta thở nhẹ và sâu, thở chủ động thì có gì tốt hơn để giúp phổi thải chất độc từ chính phổi ra.
Giờ này ngủ dậy là tuyệt nhất. Đó là lý do tại sao lại có câu “Một ngày cốt ở giờ dần mà ra”.
Bạn còn thở là bạn sống. Thở hắt ra mà không hít vào được là hết mạng người. Mạng người được tính bằng từng hơi thở. Ấy vậy mà không ít người, trong đó rất có thể có bạn, rất coi thường hơi thở. Chỉ khi nào bị nghẹt mũi, khó thở thì bạn mới thấy sự quý giá của mỗi hơi thở.
Hơi thở là kết nối giữa thân và tâm. Hơi thở là kết nối giữa sự sống và cái chết. Hơi thở là kết nối giữa ý thức và tiềm thức (hay còn gọi là tàng thức hoặc nhà Phật gọi là a lại da thức). Hơi thở là kết nối giữa thân và tâm. Đấy, bạn ghi nhớ vào đi nhé.
Người có trí thì quan tâm đến hơi thở đầu tiên. Người quan tâm đến hơi thở và biết thở chủ động gọi là thiền sinh, tức học sinh thực tập thiền. Xin nhắc lại là thở chủ động, tức là ý thức về hơi thở. Còn tất cả những người còn lại vẫn thở (bởi không thì sẽ chết), nhưng thở tự động, thở như 1 cái máy.
Người thiền giỏi và có thể hướng dẫn người khác thiền thì gọi là thiền sư. Tuy nhiên danh từ thiền sư là chỉ để nói đến các bậc thầy rất lớn, thiền ở mức rất cao như thiền sư Khương Tăng Hội, Vạn Hạnh, Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ,…(Tiếng Anh gọi là zen master).
Những người dạy thiền ở tầng thấp (như tôi chẳng hạn) chỉ được gọi là thầy giáo dạy thiền (tiếng Anh là meditation teacher hoặc zen teacher).
Vậy nên nếu bạn không chịu ngủ dậy vào giờ dần, tức bạn đang tự động đưa mình đến nghĩa địa sớm hơn lẽ ra phải như thế đấy.
Đừng để chất thải trong người quá 7h sáng
Và bạn biết rồi, như đã nêu ở trên, 5 đến 7 giờ là giờ sáng của đại tràng tức ruột già. Giờ này đại tràng thải chất độc, tức là phân. Người khỏe mạnh nhất định đi đại tiện vào giờ này. Tuyệt đối không sai.
Làm sao mà cứ đến giờ này thì bạn muốn đi đại tiện và không thể khác được. Làm sao ngày bạn chỉ đi đại tiện 1 giờ duy nhất là giờ mão. Nếu bạn đi đại tiện không đúng giờ này là rất không tốt cho đại tràng và hệ tiêu hóa. Mà lưu ý rằng, bạn cần biết cách để đi hết chất thải ra ngoài, cho đại tràng sạch (Tôi sẽ viết riêng 1 bài về điều này).
Nếu 5 đến 7 giờ sáng mà bạn vẫn ngủ, tức chất thải đang ách lại trong ruột già. Theo bạn có tốt không? Phân là chất độc. Chất độc lẽ ra phải được tống khứ ra khỏi cơ thể mà vào giờ này, chỉ vì bạn thèm ngủ hoặc là có thói quen tai hại – ngủ dậy muộn mà cả cơ thể phải gánh chịu số phân này.
Đấy là chưa nói rằng khi bạn đi đại tiện thì tự động được đi tiểu tiện, tức cũng tống khứ nước tiểu ra khỏi bàng quang. Mà dĩ nhiên nước tiểu thì khó có ai hiểu là để lâu trong cơ thể là tốt.
Đấy, nếu bạn vẫn không chịu dậy sớm để đi đại và tiểu tiện đúng giờ thì bạn đã cho mình cái “cơ hội” được đến nghĩa địa sớm hơn nhé. Bạn không biết thương ruột già và bàng quang cũng như cả cơ thể quý giá của mình ư? Vậy nên tôi khuyên những ai thích ngủ dậy muộn thì vẫn nên dậy đúng giờ thìn để đi xả chất thải, sau đó vào ngủ tiếp.
Khuyên vậy thì khuyên chứ tôi biết họ cũng ít nghe vì họ cho rằng ngủ sướng hơn, khoái hơn, tội gì mà dậy. Không thở thì chết, không ăn thì đói, không uống thì khát chứ việc để chất thải lâu trong người có chết ngay đâu mà sợ??? Ngủ muộn đưa bạn đến nghĩa địa sớm là vì vậy đấy.
Muốn sống lâu, nhất định phải ăn sáng
Giờ tiếp theo là giờ thìn, tức 7 đến 9 giờ. Giờ này của dạ dày. Dạ dày hoạt động vào giờ này. Nếu bạn không ăn sáng trước 7 giờ thì dạ dày bóp cái gì nào. Bóp cái dạ dày rỗng tuếch à?
Dạ dày tiết ra các chất để chuyển hóa thức ăn mà không có thức ăn thì theo bạn tốt hay xấu cho dạ dày nói riêng và cơ thể nói chung?
Có một thông tin mà tôi nghĩ là bạn chưa biết, trong dạ dày có rất nhiều a xít và độ chua trong dạ dày tương đương với độ chua của nước quả chanh đấy nhé. Nếu đến giờ thìn bạn có thói quen không hoặc chưa ăn sáng thì nguy cơ bị bệnh dạ dày rất cao.
Bạn không biết đấy, hệ tiêu hóa là bộ não thứ 2. Còn dạ dày lại là trái tim của bộ não. Nếu dạ dày không bóp, không tiêu hóa thức ăn thì 1 loạt bộ phận tiếp theo bị ảnh hưởng lây. Không chỉ ruột non, ruột già mà cả gan, thận, lá lách, túi mật, tim, phổi… bị ảnh hưởng theo dây chuyền. Tất cả cơ thể chịu ảnh hưởng.
Vậy nên, chẳng may bạn biết ai ngủ trễ, kể cả ngày nghỉ, đến tận 7 giờ sáng thì thức tỉnh họ ngay bằng cách cho họ đọc các thông tin này.
Tôi cũng khuyên những ai có thói quen dậy muộn hoặc lười hoặc ngại ăn sáng 1 câu rằng NHẤT ĐỊNH PHẢI ĂN SÁNG. Nếu không ăn trước 7 giờ sáng được thì thà ăn trước 9h sáng còn hơn không ăn. Nếu không, đường đến nghĩa địa sẽ gần lại nhiều lắm đấy ạ.
Làm việc quần quật từ 21h -23h là sát hại Tam tiêu
Bây giờ tôi nói về giờ tuất tức 21 đến 23 giờ đêm. Đây là giờ của tam tiêu.
Nhiều người không hiểu tam tiêu là gì và vai trò quan trọng ra sao. Dễ hiểu thế này: Tam tiêu là ba khoang rỗng trong cơ thể con người gồm có thượng tiêu, trung tiêu và hạ tiêu.
Thượng tiêu là khoang rỗng trên cùng từ miệng xuống tâm vị dạ dày chứa tim và phổi. Trung tiêu là khoang rỗng ở giữa từ tâm vị dạ dày đến môn vị dạ dày chứa tỳ vị. Hạ tiêu là khoang rỗng dưới cùng từ môn vị dạ dày đi tới hậu môn chứa gan và thận. Bạn đã thấy tam tiêu quan trọng chưa nào!
Lại nữa, sự hoạt động của tam tiêu thể hiện ở sự khí hóa đồ ăn, tức là làm cho vật chất trong cơ thể hóa thành khí. Khí này lại hóa thành một chất khác trong cơ thể. Đây là các phản ứng hóa học, sinh học bên trong cơ thể.
Bạn cũng có thể đã từng nghe thấy nói rằng thượng tiêu như mây mù, trung tiêu như bọt nước sủi, hạ tiêu như nước chảy. Nghe rồi chứ ạ. Nhưng nay mới hiểu đúng không nào.
Bạn có giật mình khi nghe thấy rằng tam tiêu chính là cái nhà để ở, chính là cái ví để đựng tiền, chính là cái làn, cái giỏ cho các bà, các mẹ đi chợ, là quần áo để mặc.
Nếu giật mình thì tốt rồi. Giật mình để ngộ ra. Giật mình để quyết tâm thay đổi tư duy, đổi thay thói quen xấu và quyết tâm chăm sóc tam tiêu.
Thêm một ý nữa mà những ai đọc sách đều đã nắm rõ, rằng ở thượng tiêu phổi hô hấp, phân bố khí và chất dinh dưỡng vào các mạch máu và đưa đi khắp cơ thể.
Ở trung tiêu thì lá lách vận hoá, hấp thu tinh hoa của đồ ăn và nước đưa lên phổi. Ở hạ tiêu, các chất tinh hoa được tàng trữ tại thận, các chất cặn bã được tống ra ngoài bằng đại tiện và tiểu tiện.
Khí của hạ tiêu đi xuống chứ không nhận vào thêm. Ngoài ra tam tiêu còn có chức năng bảo vệ lục phủ, ngũ tạng trong cơ thể ta. Đấy, bạn thấy chưa ạ?
Ấy vậy mà có người vẫn quần quật làm việc nặng nhọc vào quãng thời gian mà tam tiêu cần nghỉ ngơi tức 21 đến 23 giờ đêm. Tôi muốn nói đến những ai cố tình phá hoại sức khỏe của mình chứ không kể đến những ai, do tính chất công việc, phải làm ca, làm đêm.
Bạn là kẻ cố tình. Tội vi phạm luật 1 cách cố tình nặng hơn vô tình rất nhiều đấy nhé. Nếu ta không bị làm việc vào giờ tuất mà cố tình bắt cả thân và tâm làm việc thì họa vô lường.
Ngay cả việc bạn suy nghĩ bậy, xem phim hay đọc báo tiêu cực, không có tính nuôi dưỡng, để 6 giác quan vất vả… cũng có hại cho tam tiêu. Tốt nhất là giờ này nên nghỉ ngơi.
Người khôn thì giờ tuất ngồi thiền. Có người biết sống đúng thì nghe nhạc nhẹ, uống trà, thư giãn, ngắm trăng thanh gió mát, hưởng mây bay thông reo.
Họ làm tất cả những gì có thể để tam tiêu được nghỉ ngơi thư giãn tối đa nhất. Nếu bạn bóc lột thân và tâm của bạn vào giờ của tam tiêu tức là bạn đã tự đưa mình đến nghĩa điạ sớm hơn đấy ạ.
Như đã nói ở trên, tôi đi ngủ vào giờ tam tiêu. Thường tôi ngồi thiền từ 21h đến 22 giờ và sau đó đi ngủ. Rất có lợi cho sức khỏe. Giúp ta khỏe mạnh, minh mẫn, cường tráng, an lạc. Rất tuyệt vời. Trải nghiệm đi và bạn sẽ THẤY. Tức thì. Chỉ cần 1 tuần thôi là bạn thấy ngay sự khác biệt.
Tại sao người ta hay chết lúc 3h sáng: Hãy cứu gan
Từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng là giờ của mật. Giờ này mật tiết chất độc ra. Bạn cảm nhận được ngay mà. Bởi miệng đắng. Buổi sáng ngủ dậy, bạn thấy miệng đắng là do mật tiết ra chất độc vào giờ tý đấy nhé.
Xin nhắc lại, theo đông y thì 23 giờ là bắt đầu ngày mới. Ngoài chuyện mật thải độc ra, nếu tại thời điểm ngày mới mà bạn không ngủ, không nghỉ ngơi thì rất có hại cho cơ thể. Hại nhất là mật. Mà mật liên quan chặt chẽ đến gan.
Vậy nên, nếu không muốn đến nghĩa địa sớm, xin đừng thức đến tận giờ tý. Cơ thể bạn, bao gồm cả thân và tâm, không thích bạn đưa họ đến nghĩa địa sớm đâu nhé.
Cuối cùng tôi muốn bàn đến khung giờ sửu, tức từ 1 đến 3 giờ sáng. Đây là giờ của gan. Cũng xin nói luôn rằng có rất nhiều người chết vào giờ này.
Nguyên nhân là do gan có đến 64 chức năng. Khi mà gan yếu, các chức năng này không hoạt động được nữa thì ta chết. Nếu có người nhà bị bệnh nặng, khi thức đêm chăm bệnh nhân, nên lưu ý khung giờ này.
Nếu 1 giờ sáng mà bạn vẫn không ngủ thì rất hại gan. Giờ này gan thải độc. Giờ này gan đang cần bạn nghỉ ngơi nhất, cần bạn ngủ thật sâu nhất. Ấy vậy mà có người lại dại dột đi chống lại gan, làm tổn thương gan. Thật chẳng có cái dại nào dại hơn cái dại này. Rất thương!
Tôi muốn nhấn mạnh đến 1 ý rằng gan và mật hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau như một. 23 giờ là lúc kinh mạch của túi mật được mở ra. Nếu bạn chưa hoặc không ngủ thì sẽ làm tổn hại lớn tới đảm khí.
Tại sao ư? Bởi tất cả 11 cơ quan bao gồm lục (tức 6) phủ và ngũ (tức 5) tạng đều phụ thuộc vào túi mật. Nếu đảm khí hư, hỏng, yếu, thiếu sẽ dẫn tới việc giảm chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hơn thế nữa, khả năng miễn dịch giảm xuống.
Nguy hiểm hơn nữa còn ở chỗ nếu đảm khí bị tổn thương (do đảm khí hỗ trợ trung khu thần kinh) thì quý vị có nguy cơ rất cao mắc các bệnh về thần kinh. Đó là lý do tại sao những người mất ngủ triền miên dễ bị các triệu chứng hay bệnh như uất ức, tâm thần phân liệt, bồn chồn, ám ảnh,…
Từ 1 đến 3 giờ sáng cần ngủ rất ngon, rất sâu. Bạn nên nhớ nằm lòng rằng đây là thời gian kinh mạch của gan vượng nhất. Lúc này gan thải độc, sản xuất ra lượng máu mới.
Nếu bạn chưa ngủ hay không ngủ, có nguy cơ bạn sẽ có sắc mặt xanh xao, dần dần có thể sẽ mắc các bệnh về gan. Thức khuya vào giờ sửu, bạn rất có nguy cơ bị bệnh viêm gan siêu vi B.
Nguyên nhân rất dễ hiểu, là do cơ thể quá suy nhược, thậm chí bị rối loạn và virus cứ thể mà tấn công, xâm nhập vào cơ thể. Cơ thể yếu quá, bó tay, virus vào tự do, vô tư, thoải mái.
Và bạn cũng giúp tôi ghi tâm khắc cốt rằng tim chủ huyết mạch, tức là làm cho huyết dịch vận hành trong các mạch máu để dinh dưỡng và tư nhuận. Còn gan có chức năng lưu giữ và điều tiết máu.
Vậy nên nếu quá 23 giờ sáng mà không đi ngủ sẽ làm can huyết bất túc dẫn tới tình trạng tim không cung cấp đủ máu. Khi đó tim sẽ đập mạnh, loạn nhịp, run sợ, có thể dẫn đến cao huyết áp, xuất huyết não và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Đấy, ngủ đúng giờ là tối quan trọng. Ngủ đúng giờ còn quan trọng hơn cả ngủ đủ giờ. Nếu ban ngày bạn ngủ suốt cả ngày, dù có ngủ từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối cũng thua ngủ sâu vài tiếng lúc cần, tức quãng thời gian cho mật và gan.
Ngủ sâu 4 tiếng: Bí quyết vàng
Theo kiến thức và kinh nghiệm của cá nhân tôi, chúng ta cần ngủ sâu nhất 4 tiếng từ 23 giờ đến 3 giờ sáng. Nếu muốn tăng giờ ngủ, tức nếu muốn kéo giấc ngủ dài hơn lên 6 tiếng, nên đi ngủ từ 21 giờ. Nếu bạn muốn ngủ 8 tiếng mỗi đêm, có thể ngủ dậy lúc 4 giờ 30, hoặc gần 5 giờ sáng.
Tôi có biết một số người quyết tâm đi ngủ lúc 21 giờ tối, thậm chí sớm hơn. Những người sống lâu thường ở trên núi cao. Trên đó, một mặt không khí rất trong lành, vì nhiều cây xanh, ít xe cộ, nhà máy,.. Mặt khác họ đi ngủ rất sớm, vì không bị lôi kéo vào các thiết bị hiện đại cũng như trào lưu “sống về đêm” của người thành phố.
Hơn thế nữa, có thể bạn không tin, nhưng nhiều gia đình và nhiều người đi ngủ từ 8 giờ tối, tức giờ của bào, tức bao tim. Thật là tuyệt vời.
Tại sao có những người sống khỏe đến 100 tuổi. Bí quyết của họ là gì. Xin nhắc lại là SỐNG KHỎE đến trăm tuổi chứ không phải là nằm bất động hay sống lay lắt trong bệnh tật đau khổ đến tuổi đó.
Bà nội tôi sống ở xã Đông Hòa, ngoại ô thành phố Thái Bình, khỏe mạnh đến 93 tuổi. Trước khi mất, bà vẫn khỏe và minh mẫn.
Tôi nhớ nhất rằng trong điếu văn, ông trưởng thôn Hà Văn Tăng kể về những “chức vụ” mà bà tôi có đến tận 3. Đó là xã viên hợp tác xã nông nghiệp xã Đông Hòa, hội viên người cao tuổi xã, hội viên chùa Phù Sa.
Đấy. Chỉ thế thôi. Vậy mà bà tôi sống khỏe đến chết. Có nhiều nguyên nhân (và có lẽ tôi sẽ viết riêng) nhưng không thể không kể đến rằng suốt cuộc đời bà luôn dậy sớm. Dậy sớm là thói quen rất tốt là bao nhiêu năm của cả ông lẫn bà. May thay, tôi được hưởng tính cách tốt này.
Lời giải cho những người phải làm ca đêm
Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến nhóm những người do đặc thù công việc phải làm khuya, làm ca đêm. Nếu biết cách vẫn có thể cải thiện được tình hình. Chuyện này cũng giống như thức ăn của ta đang âm vẫn có cách dương hóa vậy. Đã có bài toán chắc chắn có lời giải.
Những người này nên làm nhẹ nhất có thể. Nhưng quan trọng hơn là họ cần học và thực tập làm việc trong chánh niệm. Chánh niệm vô cùng và vô cùng quan trọng.
Chánh niệm tiếng Anh là mindfulness. Chánh niệm đang được đưa vào các cơ quan, trường học, doanh nghiệp của hầu hết các nước phát triển trên thế giới. Các trung tâm chánh niệm mindfulness centers được thành lập rất nhiều ở Mỹ cũng như các nước. Một khóa học cả chục ngàn đô la đấy nhé.
Tôi cũng được nhiều nơi ở nước ngoài mời đến hướng dẫn sống và làm việc trong chánh niệm. Người phương tây có cái rất hay mà bạn nên học, đó là thấy cái gì hay, khoa học, thiết thực là họ học tập ngay, ứng dụng ngay và ứng dụng rất triệt để, rất quyết tâm. Hay thế đấy. Và đã mời là họ thường mời chuyên gia, tức những người có nghiên cứu sâu và thực chứng trong lĩnh vực đó.
Tôi cũng mong các cơ quan, nhất là chính phủ, bộ Y tế, các cơ quan và trường học, bệnh viện và doanh nghiệp trong nước quan tâm đến mindfulness. Ít nhất có thể bạn đọc ngay cuốn sách nổi tiếng mà rất mỏng “Trị liệu ung thư bằng chánh niệm” của thầy Pháp Đăng.
Chính thầy bị ung thư nhưng chính thầy cũng tự chữa trị ngon lành cho thầy bằng chánh niệm. Đấy, vi diệu thế đấy.
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng 1 lời khuyên ngắn gọn:
Theo Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC