Hiện nay có một số cách để điều trị ung thư, ví dụ: kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch, hoặc nhắm vào một số khu vực để ngăn chặn ung thư di căn, một số khác nữa ví dụ như điều trị tế bào CAR-T mới được thông qua gần đây – lấy tế bào miễn dịch ra khỏi cơ thể để sản xuất bằng công nghệ gen. Tất cả những cách làm này đều có thể phát huy tác dụng, nhưng cũng đều có mặt bất lợi lớn như khó chuẩn bị, quản lý dài dòng, hoặc phản ứng phụ gây phiền phức…
Để giải quyết những mặt trái đó, một nhóm nghiên cứu tại đại học Stanford đã phát triển một phương pháp trị liệu ung thư hiệu quả hơn. Họ cho biết chỉ cần tiêm 1 mũi tiêm gồm 2 chất hóa học vào trong khối u thì sẽ kích hoạt phản ứng phòng vệ trên toàn cơ thể, tấn công tất cả các khối u đã bị di căn khác.
Họ đã thí nghiệm trên chuột và kết quả là thành công mỹ mãn, phương pháp này có thể tiêu diệt những tế bào ung thư lan xa nhất trên cơ thể chuột. 87 trong tổng số 90 con chuột đã được chữa khỏi. Mặc dù ung thư tái xuất hiện ở 3 con, nhưng các khối u đã bị đẩy lùi ở đợt trị liệu thứ hai, theo nghiên cứu có bình duyệt cho biết.
Do vậy, các chuyên gia trong nhóm đang tuyển khoảng 15 bệnh nhân bị lymphoma (ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào) ở cấp độ nhẹ để tiêm thử lâm sàng.
Họ nhấn mạnh rằng cách này rất tiết kiệm và khó có thể gây phản ứng phụ tai hại thường thấy như trong các mô phỏng miễn dịch khác.
“Khi chúng tôi dùng 2 chất này cùng lúc, chúng tôi thấy các khối u bị tiêu diệt trên toàn cơ thể,” giáo sư ngành ung thư Ronald Levy nói.
“Cách này không cần phải xác định các mục tiêu miễn dịch nhắm vào khối u cụ thể và không yêu cầu phải kích hoạt toàn bộ hệ thống miễn dịch hay điều chỉnh các tế bào miễn dịch của bệnh nhân.”
“Tất cả những tiến bộ về trị liệu miễn dịch này đang thay đổi cách người ta hành nghề y,” ông Levy nói.
“Cách của chúng tôi là tiêm một lần một lượng chất rất nhỏ hỗn hợp của cả hai chất hóa học để kích hoạt các tế bào miễn dịch trong bản thân khối u. Ở chuột, chúng tôi thấy một hiệu ứng rất kỳ diệu trên khắp cơ thể con vật, kể cả việc loại bỏ các khối u.”
Với liều lượng vài micro-gram một lần tiêm, phương pháp này tái kích hoạt các tế bào T chuyên chống ung thư.
Các tế bào T nhận ra các loại protein bất thường và tiêu diệt chúng. Nhưng khi khối u phát triển nó thường áp đảo và ngăn chặn hoạt động của các tế bào T. Hai chất hóa học này sẽ đánh thức tế bào T và kích thích nó hoạt động mạnh mẽ. Các tế bào T sau đó sẽ rời khối u ban đầu và đi tìm các tế bào ung thư khác trong cơ thể.
Ông Levy nói: “Đây là một cách làm rất có mục tiêu, chúng ta tấn công các mục tiêu cụ thể mà không cần xác định chính xác loại protein mà tế bào T đang nhận diện.”
Nếu thử nghiệm trên người thành công, Ông Levy tin rằng việc điều trị sẽ có tác dụng với nhiều loại ung thư. “Tôi nghĩ số loại khối u mà chúng ta có thể điều trị sẽ không có giới hạn, miễn là hệ miễn dịch có thể phát hiện được”, ông nói.
Thành Đô tổng hợp
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC