Kính thưa luật sư, Tôi mong luật sư trả lời giúp tôi câu hỏi dưới đây:
Tôi có chỗ quen biết muốn bảo lãnh tôi sang Đức làm việc cho họ. Họ là người Việt Nam đã sang Đức nhập quốc tịch khá lâu rồi và có nhà hàng (khách sạn).
Họ nói có thể bảo lãnh tôi sang làm việc theo hợp đồng 3 năm. Phí đi là 12 nghìn USD.
Trong thời gian đó tôi có thể về Việt Nam tùy thích nếu tôi có đủ điều kiện tài chính. Tôi có thể ra ngoài tùy thích mà không bị chính quyền Đức bắt giữ. Vậy những lời họ nói có đúng không thưa luật sư?
Xin cảm ơn luật sư! NQ Vuông
Trả lời:
Xin chào bạn! Với câu hỏi của bạn, Công ty Luật Minh Khuê xin giải đáp như sau:
Đức là một trong những nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu ÂU (EU).
Theo nguyên tắc "tính tối cao" (supremacy) của luật EU, thì Luật EU có hiệu lực cao hơn luật quốc gia trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan đến chính sách kinh tế - xã hội và thậm chí có hiệu lực cao hơn cả hiến pháp của các nước thành viên . . Chính vì thế mà hệ thống pháp luật nước Đức cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật EU nói chung.
Cốt lõi của chính sách kinh tế và xã hội của EU được đúc kết trong ý tưởng về 4 tự do cơ bản gồm: Tự do dịch chuyển hàng hóa, Tự do dịch chuyển người lao động, Tự do dịch chuyển vốn và Tự do cung cấp dịch vụ.
Trong đó, vấn đề mà bạn đề cập đến thuộc "Tự do dịch chuyển người lao động". Đây là một nguyên tắc cơ bản được quy định rất cụ thể tại Hiệp định về hoạt động của Liên minh châu Âu (TFEU).
Với chính sách này, ngoài đối tượng hưởng lợi chính là những công dân mang quốc tịch là một trong những nước thành viên của EU, ngay cả những ai không mang quốc tịch nước thành viên EU, mà là thành viên gia đình hoặc là người thân của công dân mang quốc tịch thuộc một nước thành viên EU, cũng vẫn được hưởng những lợi ích từ chính sách này như:
- được phép cư trú với mục đích làm việc; được tìm kiếm việc làm tại một trong các nước thành viên EU;
- được làm việc ở đó mà không cần giấy phép lao động; tự do di chuyển trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia thành viên EU;
- ở lại đó ngay cả khi đã hoàn tất thời hạn làm việc tại đó;
- được đối xử bình đẳng trong việc tiếp cận việc làm, điều kiện làm việc, lợi ích xã hội cũng như những chính sách khác về thuế,...
Theo đó, luật EU có quy định:
- Các thành viên gia đình công dân EU mà không có quốc tịch của một nước thành viên EU vẫn được hưởng các quyền bình đẳng như các công dân EU khác. Đối với thời gian lưu trú không quá ba tháng, yêu cầu duy nhất là họ có một tài liệu hoặc thủ tục nhận dạng hợp lệ hoặc hộ chiếu. Nước thành viên thuộc EU mà họ lưu trú có thể yêu cầu những người có liên quan đến đăng ký nhận diện ở trong nước trong một khoảng thời gian hợp lý và không phân biệt thời gian.
- Đối với thời gian lưu trú hơn ba tháng, nếu là thành viên gia đình hoặc người thân của công dân EU, mà không mang quốc tịch của một nước thành viên sẽ phải nộp đơn xin giấy phép cư trú. Các giấy phép này có hiệu lực trong năm năm kể từ ngày họ cư trú.
Như vậy với việc bạn được bảo lãnh bởi một gia đình người Việt Nam đã nhập quốc tịch Đức, thì hiển nhiên bạn cũng sẽ được hưởng những quyền lợi hợp pháp như chúng tôi đã đề cập ở trên.
Cơ sở pháp lý:
- Hiệp định về hoạt động của Liên minh châu Âu (TFEU).
Trên đây là những giải đáp của Công ty Luật Minh Khuê cho thắc mắc của bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty chúng tôi.
Bài viết có tham khảo một số nội dung từ website chính thức của Liên minh châu Âu (EU).
Trân Trọng!
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT Công ty Luật Minh Khuê
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC