Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn đã trao đổi về vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chúng ta sẽ sửa đổi những điều luật không đúng bằng cách gia hạn đăng ký quốc tịch hoặc cải chính sau thời điểm 1/7.
– Trước 1/7, người Việt định cư ở nước ngoài phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, vì sao lại có quy định này?
– Luật Quốc tịch 2008 quy định, từ thời điểm luật này có hiệu lực đến trước ngày 1/7/2014, kiều bào nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch. Như vậy kiều bào có thời gian từ 2009 để làm việc này và 1/7 là hạn cuối cùng.
Nghị định 78/2009 quy định, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mà hộ chiếu Việt Nam không còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký.
Một số lưu ý về luật quốc tịch Việt Nam và hướng dẫn đăng ký giữ quốc tịch
– Bộ Ngoại giao nhận thấy tâm tư của kiều bào như thế nào?
– Từ nhiều năm qua chúng tôi đã thông báo cho kiều bào về quy định này. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 6.000 kiều bào đăng ký trên tổng số 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài. Đây là con số rất nhỏ, gây thiệt thòi cho bà con. Vì thế, kiều bào bày tỏ mong mỏi Đảng và Nhà nước sửa đổi bổ sung kịp thời để quyền lợi của họ được đảm bảo.
Chúng tôi đã báo cáo sơ bộ lên Chính phủ, kiến nghị nên có thời hạn mở cho các kiều bào gia hạn đăng ký. Theo tôi, việc gia hạn này là đúng và có ý nghĩa rất lớn.
– Vì sao thời gian dài mà tỷ lệ đăng ký lại thấp như vậy?
– Nguyên nhân là chúng ta không lường hết được khó khăn khi kiều bào sống rải rác ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, có điều kiện làm việc khác nhau. Hầu hết họ làm kinh doanh không nhiều thời gian để khai thác thông tin. Một số không quan tâm đến vấn đề đăng ký quốc tịch, chỉ khi chúng tôi thông báo họ mới biết.
Các kiều bào đều cho rằng giữ quốc tịch là quyền thiêng liêng của mỗi người. Số lượng ít người đăng ký lại quốc tịch phản ánh thực trạng là bà con luôn mong muốn có quyền độc lập, tự chủ trong vấn đề này.
Kiều bào muốn bảo vệ quốc tịch nhưng phải trong hoàn cảnh được tự do chứ không phải ghì ép bằng việc đăng ký hay không đăng ký. Không ai muốn bỏ đi quốc tịch và cũng không muốn phải xin lại quốc tịch mình đã mang.
Tôi cho rằng, ngày 1/7 sắp tới là thời điểm thí điểm, hy vọng thời điểm này sẽ giúp chúng ta rút ra những kinh nghiệm tốt cho quá trình xây dựng và thi hành luật pháp.
– Việc mất quốc tịch Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, công việc của kiều bào?
– Khó khăn đầu tiên là việc đầu tư về Việt Nam sẽ không được nhìn nhận là đầu tư của người Việt ở trong nước mà là của người Việt Nam từ nước ngoài. Như vậy các ưu đãi, quyền lợi cho nhà đầu tư sẽ bị thiệt hơn. Nếu giữ được quốc tịch, việc hồi hương hay thăm thân nhân cũng thuận lợi hơn.
Bà con có 2 quốc tịch trước hết là được hưởng tất cả các ưu đãi, đảm bảo quyền lợi tại cả hai quốc gia. Khi bà con về Việt Nam có thể sử dụng quốc tịch Việt Nam để sinh sống theo pháp luật nước nhà.
Luật Quốc tịch hiện nay không nêu rõ là được phép mang 2 quốc tịch. Tuy nhiên, chúng ta áp dụng cơ chế mềm dẻo, nếu Việt kiều đã mang quốc tịch các quốc gia họ đang sinh sống mà nước đó không yêu cầu phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì chúng ta vẫn chấp nhận cho bà con giữ quốc tịch. Ngược lại khi bà con muốn đăng ký quốc tịch Việt Nam thì bà con vẫn được giữ quốc tịch thứ 2 nếu quốc gia kia không yêu cầu phải bỏ.
– Bộ Ngoại giao kiến nghị gì để tháo gỡ vấn đề này?
– Quá trình áp dụng thực tiễn cho thấy Luật Quốc tịch 2008 đã bộc lộ bất cập, gây phản cảm lớn cho cộng đồng bà con người Việt ở nước ngoài. Một số kiến nghị sửa đổi điều trong Luật quốc tịch cũng đã được Thủ tướng ủng hộ. Tuy nhiên việc này phải được Quốc hội thông qua.
Chúng ta có thể sử dụng các biện pháp tạm thời như Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao phối hợp với nhau gia hạn trình Thường vụ Quốc hội. Nhìn chung, Quốc hội và Chính phủ đều ủng hộ nguyện vọng gia hạn đăng ký giữ quốc tịch của kiều bào.
Theo: Vnexpress.net
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC