Vừa qua, Đức ban hành Luật Meldegesetz (đăng ký chỗ ở với chính quyền địa phương), có hiệu lực từ ngày 1/11 trên toàn Liên bang. Tuy nhiên, trên thực tế, Luật Meldegesetz sẽ không ảnh hưởng nhiều tới bà con cộng đồng người Việt tại đây.
Trang phục truyền thống của Việt Nam trong một lễ hội văn đường phố tại Đức.
Luật Meldegesetz được Chính phủ Đức ban hành nhằm quản lý việc di chuyển chỗ ở của công dân cũng như người nước ngoài đang sinh sống trên lãnh thổ nước Đức. Luật Meldegesetz trước đây chỉ áp dụng tại từng bang nhất định song hiện nay đã được áp dụng trên toàn quốc.
Siết chặt quản lý người nhập cư
Theo Luật Meldegesetz, mỗi khi người thuê nhà chuyển chỗ ở, họ phải xin xác nhận của người cho thuê nhà. Trong vòng tối đa hai tuần sau khi cho thuê nhà, chủ nhà có nghĩa vụ phải làm giấy xác nhận cho người thuê nhà về các thông tin như tên, địa chỉ người cho thuê nhà; người thuê nhà dọn đến hay dọn đi; địa chỉ căn hộ cho thuê; tên của người thuê nhà và thời điểm dọn đến hay dọn đi. Sau đó, người thuê nhà phải trình giấy xác nhận của người cho thuê nhà lên Cơ quan đăng ký chỗ ở địa phương.
Luật này cũng quy định, nếu không có giấy xác nhận này, cả chủ nhà và người thuê nhà có thể bị phạt tới 1.000 Euro. Luật đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm của chủ nhà trong trường hợp phát hiện giấy xác nhận là giả mạo, người cho thuê nhà có thể bị phạt tới 50.000 Euro.
Hiện nay, ở Đức có khoảng 130.000 người Việt đang học tập và làm việc, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức; 85 % trong số còn lại đã có quy chế cư trú hợp pháp. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bà con sống không có giấy tờ hợp pháp. Đây chính là những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ Luật Meldegesetz.
Vẫn cần lưu tâm
Ông Trần Quốc Việt (sinh sống tại Munich) chia sẻ: “Đa số bà con người Việt hiện sinh sống ở Đức đều có cuộc sống và công việc tương đối ổn định, theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ, ít thay đổi chỗ ở… nên việc Luật Meldegesetz được áp dụng ở từng bang hay trên toàn nước Đức không có tác động nhiều đến bà con. Nhưng những bà con chưa có giấy tờ hợp pháp hiện đang sống chui trong các gia đình cư trú hợp pháp trong cộng đồng cần hết sức lưu ý Luật này bởi nếu bị chính quyền sở tại phát hiện thì không riêng bản thân người đó phải chịu phạt tiền, bị buộc phải về nước hoặc phải chuyển đến trại tị nạn mà chính người chứa chấp cũng phải chịu mức phạt không nhỏ”.
Tại những nơi bà con người Việt sống tập trung như ở Berlin, Hamburg, Hannover, Gottingen, Leipzig, Magdeburg, Dresden,Chemnitz…, các thông tin về luật, chính sách mới của chính quyền sở tại có thể đến được với bà con nhanh hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, ở những nơi mà bà con người Việt sống nhỏ lẻ, ít tiếp cận với báo chí cộng đồng và đặc biệt là đối với những bà con không biết tiếng Đức thì việc tuân thủ Luật Meldegesetz cũng là một vấn đề.
Tuy nhiên, Luật cũng ràng buộc phía chủ thuê nhà với mức phạt không nhỏ khi phát hiện có người cư trú bất hợp pháp nên khi có người đến thuê nhà, chủ nhà sẽ chủ động hơn trong việc thông báo các thông tin này cho bà con. Chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm thông báo với người đi thuê nhà để tránh những trường hợp phạm luật ngoài ý muốn.
Năm 2011, Liên hiệp người Việt tại Đức được thành lập, thể hiện quyết tâm cao và tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Đức, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đa số bà con trong cộng đồng. Liên hiệp đại diện cho lợi ích của cộng đồng người Việt tại Đức trong quan hệ với chính quyền sở tại, là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng với quê hương đất nước, đồng thời là nhân tố tăng cường đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở Đức.
Thế hệ người Việt thứ hai ở Đức hội nhập khá thành công, được chính quyền sở tại đánh giá cao trong các cộng đồng nhập cư ở Đức (hơn 50% học sinh đỗ trung học hạng ưu, nhiều em là thành viên các đội tuyển học sinh xuất sắc của Đức).
Theo Lê Ánh Tuyết (từ Berlin)
Thế giới và Việt Nam
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC