Những điều mà trong quá khứ là điều không thể chấp nhận được, thì hiện tại lại là những điều hết sức thông thường: chung sống mà không kết hôn.
Tại Đức, hiện có khoảng ba triệu cặp vợ chồng sống chung nhưng không đăng ký kết hôn.
Theo Viện nghiên cứu dân số liên bang thì: số lượng các cuộc đăng ký kết hôn đã giảm đi trong nhiều năm qua. Không chỉ những cặp đôi trẻ, mà ngày càng có nhiều những người lớn tuổi cùng chung sống mà không đăng ký kết hôn. Thông thường, để tránh bất lợi trong hưu trí hoặc để tưởng nhớ tới người bạn đời quá cố.
Hiện nay, cùng chung sống mà không có kết hôn đang là một khuynh hướng nổi trội, thậm chí cùng chung sống ngay cả khi một người bạn đời vẫn còn đang chính thức kết hôn với người khác. Một ví dụ nội bật là trường hợp của Tổng thống Đức ông Joachim Gauck.
Tuy nhiên: Khi người bạn đời qua đời thì sẽ có sự vỡ lẽ về những hậu quả tệ hại.
Theo cảnh báo của ông Jan Bittler, chuyên gia về luật thừa kế, giám đốc Hiệp hội của Đức về Luật thừa kế (DVEV) thì: Không có quy định về quyền thừa kế đối với các cặp vợ chồng không kết hôn. Nếu không có di chúc, thì người bạn đời còn sống thậm chí không được hưởng phần thừa kế quy định bắt buộc (Pflichttei). Bẽ bàng, nhưng đó là thực tế: người này không có chỗ trong danh sách những người được hưởng thừa kế theo luật quy định.
Chỉ có con cái của người quá cố được quyền thừa kế. Hoặc người vợ hoặc chồng trên giấy tờ, mặc dù người này từ lâu đã chia tay và không còn chung sống với người đã mất. Chủ tịch Diễn đàn luật thừa kế Đức, ông Anton Steiner cũng nhấn mạnh: người bạn đời cùng chung sống nhưng không đăng ký kết hôn, sẽ không nhận được bất kỳ quyền thừa kế nào.
Thậm chí không có cả quyền xin thừa kế vật kỷ niệm của người quá cố.
Nếu người quá cố không có con cái thì cha mẹ hoặc họ hàng của người quá cố sẽ được hưởng thừa kế. Thậm chí ngay cả một người anh em họ có thể là đồng sở hữu thừa kế một ngôi nhà. Hậu quả phổ biến: Người bạn đời còn sống thường bị „đuổi“ ra khỏi ngôi nhà được để lại. Trường hợp may mắn, thì người bạn đời còn sống phải phụ thuộc vào thiện chí của người được hưởng quyền thừa kế.
Việc không có bản di chúc có thể dẫn tới sự khánh bại cho người bạn đời còn sống. Thậm chí người này còn không có cả quyền xin thừa kế vật kỷ niệm của người quá cố. Ngay cả với việc tổ chức tang lễ, người quả phụ không thể tự một mình quyết định.
Một luật sư về luật thừa kế ở München cảnh báo: Với những cặp vợ chồng chung sống không kết hôn thì không có quyền luật bảo vệ hỗ trợ nào như với trường hợp dành cho các cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn. Việc một cặp đôi đã nhiều năm cùng chung sống với nhau như vợ chồng, hoàn toàn không có giá trị luật pháp gì.
Lời khuyên của ông Bittler: Những ai muốn tránh trường hợp người bạn đời của mình không được nhận thừa kế gì, nên lập di chúc trong thời gian còn sống. Tuy nhiên, mỗi người phải tự mình thực hiện điều này.
Những đôi vợ chồng không đăng ký kết hôn không thể lập một bản di chúc chung như những đôi vợ chồng có đăng ký kết hôn. Điểm bất lợi của việc lập bản di chúc riêng cho từng người: Bản di chúc này có thể được hủy bỏ hoặc lặng lẽ và bí mật được thay đổi bất cứ lúc nào. Mỗi người có thể tự mình quyết định, thậm chí quyết định trái với thỏa thuận trước kia. Một sự rằng buộc giữa đôi bên là hoàn toàn không có.
Những điều xảy ra khi không có di chúc chung.
Cách duy nhất để có thể làm di chúc chung là làm một hợp đồng thừa kế tại văn phòng công chứng. Những đôi vợ chồng không kết hôn, muốn đảm bảo quyền thừa kế cho người còn lại khi một trong 2 người qua đời, có thể thực hiện theo cách này. Trong đó họ có thể quy định rằng họ có quyền được thừa kế lẫn nhau, và con cái cũng như những người họ hàng khác là những người thừa kế tiếp theo.
Ví dụ, một cặp vợ chồng không kết hôn có hai người con chung và đồng sở hữu một căn nhà. Khi người cha qua đời, nếu không có hợp đồng thừa kế hoặc di chúc, thì những người con sẽ được thừa hưởng một nửa căn nhà. Trong những trường hợp như vậy tranh chấp là điều không thể tránh khỏi. Nếu những người con muốn bán phần thừa kế của mình, tuy nhiên người mẹ lại không muốn bán, thì trường hợp xấu nhất là người mẹ sẽ bị „đuổi“ ra khỏi nhà và ngôi nhà sẽ bị đem bán đấu giá.
Một trường hợp ác mộng khác: Cặp với chồng sống chung trong một căn hộ hoặc một ngôi nhà, mà chỉ thuộc sở hữu của một trong hai người. Nếu người sở hữu qua đời, thì người bạn đời còn sống chỉ có thể tiếp tục sống trong nhà hoặc căn hộ 30 ngày, nếu những người thừa kế muốn „đuổi“ người này ra ngoài đường.
Giải pháp cho những trường hợp này cũng là hợp đồng thừa kế, trong đó cặp vợ chồng quy định người bạn đời còn sống là người có quyền thừa kế duy nhất. Một giải pháp kém an toàn hơn là: Bản di chúc trong đó có người chủ sở hữu quy định người bạn đời là người thừa kế duy nhất hoặc được phép sống trọn đời trong căn nhà này.
Hợp đồng thừa kế có nhiều ưu điểm chắc chắn hơn.
Ông Steiner giải thích: Di chúc có thể được thay đổi hoặc xé bất cứ lúc nào, khi hoàn cảnh sống thay đổi và hoặc cặp đôi chia tay. Một Hợp đồng thừa kế đã được niêm phong tại văn phòng công chứng, đảm bảo sự chắn chắn. Nó không thể được thay đổi hoặc hủy bỏ hoàn toàn một cách đơn phương.
Một thỏa thuận chỉ có thể được hủy bỏ hoặc sửa đổi chung trước sự có mặt của một công chứng viên. Việc chia tay không tự động đồng nghĩa với việc hợp đồng không còn hợp lệ. Bất cứ ai đã ký hợp đồng thừa kế, thì không thể đơn phương thay đổi ý nguyện thông qua một bản di chúc.
Lời khuyên của các công chứng viên: để giữ tính linh hoạt, ngay từ ban đầu nên có điều khoản để có thể rút lui thay đổi. Như thế mỗi bên có quyền rút ra khỏi một điều khoản hay toàn bộ hợp đồng.
Bên cạnh đó các cặp vợ chồng nên làm hợp đồng rõ ràng về việc, liệu người còn sống có được phép lập một bản di chúc khác không, hay người này phải phụ thuộc vào quy định chung đã thỏa thuận. Với nhưng cặp vợ chồng có kết hôn thì việc tư vấn về việc trao thừa kế cùng là hết sức cần thiết.
Vấn đề tiếp theo: thuế thừa kế.
Dù là theo Hợp đồng thừa kế hay theo di chúc cá nhân: „trong mọi trường hợp thì vấn đề tiếp theo đối với những cặp vợ chồng không kết hôn là khoản tiền thuế thừa kế“ – Ông Bittler cho biết. Đối với những cặp vợ chồng không kết hôn thì việc thừa kế có thể tốn rất nhiều tiền. Sở thuế xử lý những trường hợp này như những trường hợp dành cho người lạ. Điều đó có nghĩa là: Với những người không kết hôn, sẽ phải trả mức thuế thừa kế cấp ba và khoản miễn thuế thừa kế chỉ có trị giá tối đa là 20 nghìn Euro.
Những tài sản vượt mức này đều bị đánh thuế, thậm chí với mức thuế rất cao từ 30 tới 50 %. Trong những trường hợp nhất định, những bất lợi về thuế có thể giảm thiểu bằng hình thức tặng gia tài khi còn sống hoặc chuyển đổi tài sản cá nhân sang tài sản kinh doanh.
Giải pháp hấp dẫn nhất về mặt tài chính: chứng nhận kết hôn. "Một cuộc hôn nhân là hình thức trốn thuế tuyệt hảo" – ông Steiner cho biết. Không chỉ về quyền lợi về luật thừa kế,mà những cặp vợ chồng có kết hôn còn có ưu điểm về khoản miễn thuế thừa kế có trị giá lên tới 500 nghìn Euro và mức thuế thừa kế ưu đãi cấp 1.
Nguồn: Đặng Hà Ngọc Mai - THOIBAO.de
Tại sao kết hôn tại Đức thường là một giải pháp rẻ và hợp lý nhất cho tương lai? - Tạp chí NƯỚC ĐỨC
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC