Chiều 10-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Luxembourg.
Trong không khí chân tình, cởi mở, Thủ tướng đã ân cần thăm hỏi cuộc sống, công việc của kiều bào. Dù lịch trình làm việc dày đặc, nhưng việc dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ và trả lời từng câu hỏi của những bà con kiều bào tại Luxembourg đã để lại nhiều cảm xúc.
Kiều bào quan tâm tới sửa Luật đất đai...
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ (kiêm nhiệm Luxembourg) Nguyễn Văn Thảo cho biết tuy cộng đồng người Việt tại đây số lượng không lớn, chỉ khoảng 600 người, nhưng đã có những người tham gia vào các cơ quan chính quyền, tổ chức nghiên cứu khoa học, tài chính - ngân hàng và có tiếng nói, vị thế nhất định tại các tổ chức này.
Đại diện bà con nêu một số câu hỏi liên quan tới sửa đổi chính sách đất đai; quảng bá văn hóa Việt Nam tại Luxembourg; định hướng chính sách trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chính sách thu hút du học sinh...
Du học sinh Nguyễn Bảo Hân cho biết tại Luxembourg cộng đồng du học sinh khoảng 50 người, song điều mà bản thân cô và cộng đồng du học sinh luôn trăn trở là việc ở lại hay trở về Việt Nam để làm việc khi chính sách trong lĩnh vực công chưa đủ hấp dẫn.
"Liệu trong tương lai Việt Nam có thay đổi các chính sách về nhân lực giúp cho học sinh quay trở lại với Việt Nam đóng góp nhiều hơn hay không?" - Ngọc Hân bày tỏ.
Anh Vũ Xuân Thắng, chuyên gia nghiên cứu viễn thông tại Đại học Luxembourg, cho rằng hợp tác giữa hai nước về nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, đổi mới sáng tạo chưa thực sự mạnh mẽ.
Anh Thắng đặt câu hỏi về định hướng trong lĩnh vực này, khẳng định cộng đồng người Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia tích cực, đóng góp cho hợp tác trong lĩnh vực này.
Dù ở đâu cũng có thể yêu nước
Thủ tướng thông báo với kiều bào về tình hình đất nước, những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đến nay, thu nhập GDP bình quân đầu người là 4.000 USD, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, vị thế, vai trò của đất nước ngày càng được nâng lên.
Khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, là "máu thịt" của đất nước, Thủ tướng cho rằng mọi chính sách đều hướng tới con người và sự phát triển, bao gồm cả người dân trong nước và kiều bào sinh sống ở nước ngoài, vì mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc ấm no của người dân. Thủ tướng giao Đại sứ quán Việt Nam tại EU thành lập Cộng đồng người Việt tại Luxembourg.
Với đề nghị nâng tầm quan hệ hai nước giữa Việt Nam - Luxembourg, tạo thuận lợi cho kiều bào, Thủ tướng thông tin cùng với việc ký kết các hiệp định, chương trình hợp tác hai nước sẽ tập trung vào chuyển đổi số, tài chính xanh, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức... Sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước và tạo nền tảng cho bà con kiều bào đóng góp tốt hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.
Với câu hỏi "nên ở lại hay về" vốn là điều băn khoăn, trăn trở ở nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam, thể hiện cho tình yêu nước. Song Thủ tướng cho rằng việc ở lại hay trở về không còn là vấn đề lớn, Đảng và Nhà nước tôn trọng quyền lựa chọn mỗi người. Điều quan trọng là mỗi người có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no để lo cho gia đình, lo cho đất nước, luôn có trái tim và tình cảm đóng góp xây dựng cho đất nước.
Thủ tướng trò chuyện thân mật với kiều bào - Ảnh: Dương Giang
"Bà con làm việc thành công và vẫn nghĩ cho đất nước là rất quý giá, việc đóng góp có thể bằng nhiều cách. Điều quan trọng là dù ở đâu, trái tim, công việc của mình đóng góp cho đất nước. Yêu nước không hạn chế phạm vi, địa bàn, trong nước hay ngoài nước, miễn đóng góp cho đất nước là yêu nước" - Thủ tướng nói và cho biết Việt Nam đang có nhiều chính sách thu hút nhân tài, như tuyển thẳng, có đãi ngộ cao hơn, bảo vệ người dám nghĩ dám làm...
Thông tin về sửa đổi Luật đất đai, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng đây là sự quan tâm lớn, việc sửa đổi luật lần này xem xét sửa đổi toàn diện. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết chính sách pháp luật về đất đai, với 12 nhóm chính sách cơ bản trong các mối quan hệ về đất đai...
"Việc sửa đổi sẽ lấy ý kiến nhân dân, thông qua sau khi thảo luận tại Quốc hội, nên bà con quan tâm rất mong đóng góp ý kiến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia xây dựng luật" - ông Hà nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC