Ở cái tuổi 20 đầy ước mơ, hoài bão, nhiều lựa chọn, 3 cô gái đã quyết thực hiện "giấc mơ xuất ngoại" để kiếm nhiều tiền phụ giúp gia đình trang trải nợ nần và thay đổi cuộc sống.
Những năm gần đây cụm từ "du học nghề có lương" được mọi người biết đến nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ chọn con đường du học nghề ở "trời Tây" với giấc mộng đổi đời thay vì nhắm tới những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Hai chị em Huyền (ngoài cùng bên trái) và Quyên lựa chọn du học nghề vì muốn được định cư ở châu Âu (Ảnh: NVCC).
"Cứ ở nhà, biết bao giờ giúp bố mẹ trả hết nợ?"
5 năm trước Nguyễn Thị Thùy Dung (26 tuổi, quê Gia Bình, Bắc Ninh) vừa theo học ở một trường cao đẳng y vừa học ngoại ngữ với ý định sang Nhật làm việc. Dung nghĩ cầm tấm bằng cao đẳng ở quê rất khó xin việc, có khi phải "chạy tiền" mới có một công việc làng nhàng.
Nghĩ rồi cô lén bố mẹ, âm thầm dự tính, học thêm tiếng Nhật để có thể sớm đi nước ngoài làm việc.
"Nhà tôi đông anh em, điều kiện kinh tế khi đó khó khăn. Bố mẹ nuôi 4 chị em tôi ăn học chỉ với nguồn thu nhập duy nhất từ quán bán đồ ăn sáng, rất vất vả. Vì vậy, tôi quyết tâm học tiếng để sau ra trường đăng ký sang Nhật làm việc.
Ban đầu, bố mẹ hướng cho tôi học xong làm ở quê nhưng nghĩ hoàn cảnh gia đình khi đó khó khăn quá, giờ xin việc lại phải mất một khoản tiền trong khi đi làm với đồng lương ít ỏi thì không biết bao giờ mới trả được nợ", Dung nói về quyết định đi nước ngoài làm việc.
Dung cho biết, hành trình sang Đức dù gặp không ít khó khăn mà động lực để cô cố gắng hết mình là khoản nợ để có thể đi (Ảnh: NVCC).
Đang học năm 2, Dung tình cờ tiếp cận một công ty chuyên về du học nghề ở Đức khi doanh nghiệp này đến trường giới thiệu về chương trình. Lần đầu tiên nghe đến "du học nghề có lương", lại có cơ hội định cư lâu dài ở một đất nước phát triển, Dung gác ngay dự định đi Nhật trước đó và quyết định thử sức mình ở "trời Tây".
Cô chia sẻ, thời điểm đưa ra quyết định liều lĩnh đó cô còn chưa hình dung được nước Đức và công việc bên đó thế nào nhưng thấy cơ hội có thể kiếm thu nhập cao, lại còn có thể định cư lâu dài thì rất muốn thử sức.
"Thời điểm đó chi phí đi Đức khoảng 300 triệu đồng và phải có khoản đảm bảo, chứng minh tài chính khoảng 5.000 Euro (khoảng 150 triệu đồng). Vừa lo không có tiền đi, lại thi trượt nên chán nản, tôi đã xin làm nhân viên bán hàng siêu thị, lương tháng 6 triệu.
Gần 1 năm đi làm thu nhập chỉ đủ sống, bố mẹ ở quê vẫn suốt ngày phải lo đi làm trả nợ, tôi lại quyết nghỉ việc về ôn thi tiếng Đức. Lúc đó chỉ nghĩ bằng mọi giá phải sang Đức, cố gắng sang đó làm để có tiền giúp bố mẹ trả nợ và lo cho các em ăn học", Dung kể.
Sau khi thi đỗ chứng chỉ B2 tiếng Đức, Dung bắt đầu hành trình sang châu Âu đầu năm 2020. Hiện cô đang làm công việc chăm sóc người già tại một viện dưỡng lão ở thành phố Hamburg, Đức.
Công việc của Dung kéo dài 8 tiếng mỗi ngày với khung thời gian từ 6h - 14h, thi thoảng có tăng ca. Thời điểm bắt đầu vào nghề đó, Dung nhẩm tính, trung bình cô nhận được 1.200 Euro (hơn 30 triệu đồng/tháng) chưa trừ chi phí.
"Nếu trừ đi các khoản ăn, ở, mỗi tháng tôi dành được 15 triệu đồng gửi về cho gia đình, có tháng ốm đau thì còn 10 triệu đồng. Sang Đức 2 năm, toàn bộ số tiền tôi gửi về Việt Nam đủ để bố mẹ trả nợ", Dung cho biết.
Ở nơi đất khách quê người, mỗi lúc gặp khó khăn Dung rất nhớ gia đình, nhưng nghĩ về bố mẹ, cô lại có động lực để vượt qua. Cô bộc bạch, chỉ nghĩ đến việc bố mẹ ở quê không phải lo nghĩ chuyện tiền nong cô lại có thể tiếp tục cố gắng.
"Dù rất muốn ở gần bố mẹ nhưng hoàn cảnh không cho phép nên tôi phải lựa chọn đi làm xa quê hương. 3 năm trước, nếu không quyết tâm đi nước ngoài làm việc thì không biết bao giờ tôi mới có thể đạt được mục tiêu hiện tại.
Giờ tôi đã trả xong được mọi khoản nợ cho bố mẹ, có thể lo được cho các em có tương lai tốt hơn. Hành trình của tôi bên này, như vậy là không uổng phí", Dung nói.
Sau hơn 3 năm bên Đức, Dung hiện tại đã có mức lương gần 3.000 Euro/tháng (khoảng 76 triệu đồng), trừ hết mọi chi phí, mỗi tháng cô gửi về cho bố mẹ gần 30 triệu đồng. Sắp tới, nếu vượt qua được kì thi tốt nghiệp, Dung có thể xin được thẻ định cư lâu dài ở Đức, xa hơn cô có thể xin nhập quốc tịch Đức.
Mục tiêu, cơ hội định cư nơi "trời Tây"
Người ôm mộng đổi đời, người bất đắc dĩ đi nước ngoài làm việc vì hoàn cảnh gia đình, còn hai chị em Nguyễn Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Đỗ Quyên (quê Thanh Chương, Nghệ An), lựa chọn du học nghề là vì hai cô gái muốn được định cư ở châu Âu.
Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, sau nửa năm ra trường, làm kế toán cho một công ty, Huyền nghỉ việc vì lương thấp, công việc vất vả. Cô quyết định theo người chú đăng ký sang Đức du học nghề.
Cô em gái kém Huyền 4 tuổi mới nhận được giấy báo nhập học của một trường đại học có tiếng ở Việt Nam cũng rẽ ngang để theo chân chị sang châu Âu du học nghề.
"Gia đình tôi khá cơ bản, bố mẹ đều làm nhà nước. Tôi chọn sang Đức du học nghề không phải vì áp lực kiếm tiền mà từ khi còn học cấp 3 tôi đã đề xuất với bố mẹ sau này muốn được sống ở nước ngoài.
Trước khi đi, bố mẹ nói vui là đầu tư cho đi học rồi thì sang đó nhớ lo học hành, làm việc kiếm tiền để trả nợ cho bố mẹ", Huyền chia sẻ.
Hành trình du học nghề, các du học sinh gặp không ít khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống, học tập khác rất nhiều so với ở Việt Nam (Ảnh: NVCC).
Huyền nhớ lại, 6 tháng đầu thật sự rất khó khăn vì vốn tiếng Đức của những du học sinh mới sang như cô gần như bằng không. Có 6 tháng phải học ngoại ngữ chuyên ngành mà nếu không vượt qua được thì phải học lại, rất mất thời gian.
Vượt qua khó khăn ban đầu, hiện cả hai chị em Huyền đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở thành phố Hamburg. Công việc của cô bắt đầu từ 8h - 15h, thu nhập mỗi tháng trung bình 3.300 Euro (hơn 80 triệu đồng), trừ thuế, tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Huyền để dành được khoảng 2.000 Euro (tương đương 50 triệu đồng).
Sau 3 năm học nghề, Huyền được cấp chứng chỉ nghề và có một công việc với mức thu nhập cao (Ảnh: NVCC).
"Sau hai năm sang Đức, hai chị em tôi đã trả xong nợ cho bố mẹ. Giờ ra trường có thể tự lo cuộc sống bản thân, được sống ở một đất nước giàu đẹp, văn minh đúng như những gì tôi kỳ vọng. Cuộc sống 3 năm đi học bên này phải trải qua nhiều khó khăn nhưng khi vượt qua được thì công sức, thời gian mình bỏ ra thực sự được đền đáp xứng đáng", Huyền nói.
Huyền chia sẻ, sau 3 năm học nghề, những du học sinh như cô được cấp chứng chỉ nghề, dễ dàng có một công việc để nuôi sống bản thân
"Chính sách định cư ở Đức rất cởi mở. Sau khi đi làm 2 năm, tôi hoàn toàn có cơ hội định cư lâu dài, sau 8 năm, có thể được nhập quốc tịch", Huyền cho biết.
Sau 5 năm du học nghề ở Đức, Quyên giờ đây có một cuộc sống đúng như cô mong muốn (Ảnh: NVCC).
Còn với Đỗ Quyên, cô cho biết, quyết định từ bỏ cơ hội được học ở một trường đại học có tiếng ở Việt Nam để lựa chọn con đường du học nghề, ban đầu nhiều người nói cô bồng bột. Nhưng sau 5 năm, Quyên thấy quyết định đó hoàn toàn đúng đắn.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC