Theo luật của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, thí sinh giành vòng nguyệt quế trong trận chung kết năm sẽ nhận được phần thưởng là 35.000 USD (khoảng 800 triệu VND), đây cũng chính là tổng chi phí cho 4 năm du học Australia.
Trong số 18 nhà vô địch Olympia trước đó thì có tới 17 người chọn du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Chỉ duy nhất thí sinh Lương Phương Thảo cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, là quán quân năm thứ 3 chọn Đại học Monash.
Hầu hết các quán quân đều lựa chọn ở lại làm việc tại Australia thay vì trở về quê hương. Chỉ có 2 người chọn trở về nước để làm việc, một người hiện chưa đi du học. Điều này khiến nhiều người lo ngại việc "chảy máu chất xám" và gay gắt cho rằng Đường lên đỉnh Olympia đang đào tạo nhân tài cho nước ngoài.
Lê Viết Hà
Sau khi giành vòng nguyệt quế chung kết Olympia năm thứ 7, Lê Viết Hà (cựu học sinh THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) lên đường sang Australia du học. Anh tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, đó là cử nhân Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính từ Đại học Swinburne.
Lê Viết Hà (THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi) - Quán quân Olympia năm 7.
Từ tháng 12/2017, Viết Hà trở về Việt Nam làm việc với vai trò cán bộ chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư của một công ty lớn. Anh cũng đang hoàn thành bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Deakin, Australia.
Lương Phương Thảo
Lương Phương Thảo (cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) sau khi giành được vòng nguyệt quế ở Olympia mùa 3, cô lên đường sang Australia học tập. Cô tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Monash, Melbourne, chuyên ngành Marketing.
Lương Phương Thảo (THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) - quán quân Olympia năm thứ 3.
Năm 2016, Phương Thảo về Việt Nam làm việc cho một công ty quảng cáo ở TP.HCM. Đồng thời, mở màn là cô gái đầu tiên trở về quê hương sau khi kết thúc 4 năm du học.
Nguyễn Hoàng Cường
Trở thành quán quân Olympia năm 18, Nguyễn Hoàng Cường (cựu học sinh THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) là người nắm giữ 3 kỷ lục tại Olympia, là: Trả lời đúng 12/12 câu hỏi phần thi Khởi động; người có số điểm thi quý cao nhất 320 điểm; tổng điểm cao nhất (370 điểm).
Nguyễn Hoàng Cường (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) - quán Quân Olympia năm 18.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 vừa qua, Hoàng Cường đạt tổng điểm 53,4 cho 6 môn thi, trong đó, điểm Ngoại ngữ tiếng Pháp của cậu đạt 9,8/10.
Theo thông tin từ gia đình, Hoàng Cường sẽ sang Australia học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne theo học bổng của chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào tháng 2 năm sau.
15/18 nhà vô địch Olympia giờ ra sao?
Trần Ngọc Minh (quán quân Olympia năm đầu tiên): Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne (Australia), ngành telecom với kết quả thuộc top 5% xuất sắc, Ngọc Minh được trao học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ. Hiện chị làm việc ở Canberra, Australia.
Phan Mạnh Tân (quán quân Olympia năm 2): Lên đường du học ở Australia, anh hoàn thành chương trình nghiên cứu tiến sĩ. Anh làm kiến trúc sư phần mềm ở công ty IBM, Melbourne, Australia - tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới.
Võ Văn Dũng (quán quân Olympia năm 4): Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne, ngành Information Systems & Business (Accounting), hiện là kế toán viên ở Melbourne.
Đỗ Lâm Hoàng (quán quân Olympia năm 5): Tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet, hiện làm việc tại Melbourne.
Lê Vũ Hoàng (quán quân Olympia năm 6): Tốt nghiệp chuyên ngành Electrical Engineering, đang học lên PhD ở ĐH Kỹ thuật Swinburne. Anh là người sáng lập và giám đốc công nghệ của công ty VIoT.
Huỳnh Anh Vũ (quán quân Olympia năm 8): Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne, được giữ lại làm giảng viên ngành Kinh tế tại trường này.
Hồ Ngọc Hân (quán quân Olympia năm 9): Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne. Hiện anh học tiến sĩ tại Sydney, Australia để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học.
Phan Minh Đức (quán quân Olympia năm 10): Tốt nghiệp ngành Thương mại, Đại học Kỹ thuật Swinburne. Hiện làm trợ giảng và được chuyển thẳng lên Tiến sỹ.
Phạm Thị Ngọc Oanh (quán quân Olympia năm 11): Tốt nghiệp ngành Thương mại Kế toán và Tài chính, Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Đặng Thái Hoàng (quán quân Olympia năm 12): Tốt nghiệp ngành Xây dựng, Đại học Kỹ thuật Swinburne, làm việc cho công ty xây dựng tại Melbourne.
Hoàng Thế Anh (quán quân Olympia năm 13): Sinh viên Đại học Kỹ thuật Swinburne, ngành Viễn thông.
Nguyễn Trọng Nhân (quán quân Olympia năm 14): Năm 2015 trở thành sinh viên Đại học Kỹ thuật Swinburne, chuyên ngành Kỹ sư phần mềm.
Văn Viết Đức (quán quân Olympia năm 15): Sinh viên của Đại học Kỹ thuật Swinburne năm 2016, ngành Kỹ sư Xây dựng
Hồ Đắc Thanh Chương (quán quân Olympia năm 16): Du học sinh tại Đại học Kỹ thuật Swinburne năm 2018.
Phan Đăng Nhật Minh (quán quân Olympia năm 17): Ngành Hóa học, Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. Với giấc mơ nghiên cứu khoa học, dự định của cậu là hoàn thành 3 năm học cử nhân tại Swinburne, sau đó học thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia hoặc một quốc gia khác.
Bảo Ngọc - vtc.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC