Ba Lan và nạn kỳ thị chủng tộc mà người Việt đang gặp phải

Ba Lan và nạn kỳ thị chủng tộc mà người Việt đang gặp phải

Sau buổi chiếu phim của một đạo diễn trẻ Việt Nam trong Liên hoan Điện ảnh Ngũ vị hương năm ngoái 2017, đã có cuộc gặp gỡ giao lưu giữa khán giả và đạo diễn.

132 1 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Ola Nguyễn với Ban Giám khảo MasterChef Polska 2018 gồm Anna Starmach, Magda Gessler Michel Moran.

Khi được hỏi về cảm giác khi đến Ba Lan lần đầu, Lê Bình Giang, người đạo diễn trẻ đó, đã trả lời là mới chỉ trong vòng mấy ngày có mặt tại Ba Lan thôi mà đã gặp hiện tượng kỳ thị, phân biệt chủng tộc.

Đạo diễn trẻ hỏi lại người dẫn buổi giao lưu và khán giả: "Phải chăng người Ba Lan không ưa thích người châu Á?"

Người dịch, một cô gái Việt Nam thế hệ hai, đã bỏ mất phần hai của câu về sự phân biệt chủng tộc.

132 2 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Ba Lan ngày nay là nước có đại đa số dân thuộc một dân tộc Ba Lan và cùng theo đạo Công giáo, chỉ gần đây mới có thêm lao động nhập cư hoặc các nhóm dân thuộc tôn giáo khác đến sinh sống

Nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một người Việt nói về vấn đề kỳ thị trên một diễn đàn công cộng nằm bên ngoài những diễn đàn, hội thảo, hội nghị do các tổ chức phi chính phủ của Ba Lan tổ chức.

Gia tăng và lan sang cả người Việt

Hiện tượng kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nước ngoài, nhất là từ Phi châu, gốc Ả Rập, đạo Hồi tại Ba Lan là có và càng ngày càng gia tăng.

Tại các thành phố lớn như thủ đô Warszawa hay Kraków, điều này thường xuyên diễn ra, và đối với những người di dân nói trên hiện tượng này xuất hiện nhiều dưới dạng bạo lực.

Hiện nay Ba Lan có chính phủ cánh hữu, thiên về dân tộc chủ nghĩa và họ dường như coi thường vấn đề này, không dứt khoát lên án, loại trừ.

Theo nhiều chính trị gia đối lập thì chính phủ của Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) còn khuyến khích tinh thần bài ngoại.

Nhiều chính trị gia cánh hữu đã công khai bài ngoại, và đổ cho người di dân mang tới Ba Lan 'nguy cơ truyền bệnh' và những tệ nạn xã hội, là nguyên nhân của những hành xử tiêu cực.

Họ cho rằng hạn chế nhập cư, nhất là người dân từ các nền văn hóa và tôn giáo khác, là để đảm bảo cho nền an ninh quốc gia, cho an toàn cho người dân và cho sự thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Ba Lan.

Một yếu tố nữa có tác dụng mạnh cho vấn đề này là truyền thông quốc gia, Đài truyền hình TVP và đài phát thanh PR nằm hoàn toàn trong tay đảng cầm quyền và hoàn toàn thực hiện các chính sách của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa.

Có thể nhận thấy, tuy không phải thật sự rõ nét, có những yếu tố "bài Việt" trong chương trình của đài truyền hình quốc gia Ba Lan. Những tin tức, những phóng sự nhấn mạnh đến tính tiêu cực của cộng đồng người Việt, ngay cả trong thế hệ thứ hai, đã được phát sóng trong năm nay.

Song song với vấn đề phân biệt và kỳ thị các xu hướng phát-xít và dân tộc chủ nghĩa khá phổ biến và gia tăng tại Ba Lan, nhất là trong giới trẻ.

132 3 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Lễ kỷ niệm 100 năm Ba Lan độc lập tháng 11/1918-2018: Các nhóm thiên hữu ngày càng có mặt đông đảo trên đường phố Ba Lan những dịp lễ lớn để đề cao tinh thần dân tộc

Đầu năm nay một phóng sự đặc biệt của các nhà báo Ba Lan của đài truyền hình tư nhân TVN đã đưa các hình ảnh các cuộc gặp gỡ của các nhóm tân Nazi Ba Lan, tôn thờ Adolf Hitler và cùng các nhóm tân Nazi của Đức hô lớn "Sieg Heil!".

Người nước ngoài gốc Á châu, Đông Nam Á, người Việt Nam gặp phải kỳ thị và phân biệt chủng tộc thường dưới dạng nhẹ hơn là chỉ qua cử chỉ và lời nói. Chính vì vậy các trường hợp này ít xuất hiện trên truyền thông Ba Lan và trong cộng đồng người Việt thường có khái niệm nhẫn nhục và chấp nhận, hoặc tự vệ bằng cách trả thù vặt… sau lưng.

Nhân làn sóng các bình luận mang tính kỳ thị, phân biệt chủng tộc nổ ra khi một sinh viên Ba Lan gốc Việt, Ola Nguyễn Minh Tâm. đạt danh hiệu Vua đầu bếp của cuộc thi MasterChef Ba Lan.

Trang web của đài TVN tổ chức ra cuộc thi đã phải xóa bỏ nhiều bình luận của người xem truyền hình Ba Lan không chỉ đả kích các ứng viên Việt Nam và Romania, mà còn cho rằng cuộc thi không nên để một cô gái gốc Việt chiến thắng.

Đây là dịp cộng đồng Việt Nam tại đây có cơ hội bàn về vấn đề này.

Không phải là nhà xã hội học cũng có thể nhận thấy rằng hiện tượng xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào môi trường làm việc, môi trường sống và những yếu tố cá nhân của mỗi một người.

Đối với người Việt thế hệ thứ nhất tại Ba Lan, nhất là những người mới sang, không biết tiếng Ba Lan không biết nhiều về văn hóa và xã hội Ba Lan thì "không hiểu, không biết, nhẫn nhục và chấp nhận" là phản ứng thường xuyên và phổ biến.

Nhưng tệ hơn là nhiều thanh thiếu niên Ba Lan, ngay cả trong nhà trường, có xu hướng kỳ thị phân biệt với các bạn đồng lứa gốc Việt Nam của mình.

Việc gọi các bạn Việt Nam bằng từ miệt thị, hoặc nói bóng gió về màu da, màu tóc được nhiều gia đình ghi nhận qua lời kể của con em họ.

Như đã nói ở trên hiện tượng có xu thế gia tăng và được nhiều chính trị gia, chính khách chấp nhận như là để bảo vệ cho tính thuần chủng của dân tộc Ba Lan, tính yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của mình.

Nếu kỳ thị và phân biệt chủng tộc không có ý nghĩa đặc biệt với người Việt trưởng thành, thế hệ thứ nhất, thì hiện tượng này trong nhà trường và xã hội đối với các cháu thanh thiếu niên gốc Việt lại là một vấn đề nghiêm trọng mà cả chính quyền Ba Lan và cộng đồng người Việt không có những phương pháp đối phó, phản ứng thích hợp.

Người Việt có những hạn chế cố hữu

Những hạn chế trong cộng đồng Việt Nam cũng tạo thuận lợi cho kỳ thị và phân biệt chủng tộc.

Người Việt có mặt tại Ba Lan đáng kể từ sau năm 1989, ngoài thế hệ sinh viên nghiên cứu sinh và gia đình họ, xuất hiện những người sang Ba Lan trực tiếp từ Việt Nam và từ các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa khác.

Thông cảm, thương hại, đồng cảm hoặc miễn cưỡng chấp nhận là tình cảm chung của người Ba Lan trong vòng hai chục năm sau khi họ dành lại tự do và dân chủ cho người Việt.

Về nghề nghiệp, người Việt có mặt chủ yếu trong ngành buôn bán và ẩm thực, nơi họ phải tiếp xúc hàng ngày với người bình dân Ba Lan, và va chạm trong giao tiếp liên quan đến tiền bạc, chất lượng hàng hóa, dịch vụ là đương nhiên.

132 4 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Tờ rơi giới thiệu một Lễ hội Văn hóa Việt Nam do cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tổ chức vào đầu tháng 9/2018

132 5 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Nhiều người Việt Nam ở Ba Lan đi lên từ nghề buôn bán quần áo

132 6 Ba Lan Va Nan Ky Thi Chung Toc Ma Nguoi Viet Dang Gap Phai

Người Việt Nam giới thiệu món ăn của mình cho người bản xứ ở Ba Lan

Gần 30 năm sau Hội nghị Bàn tròn năm 1989, thay đổi thể chế từ xã hội chủ nghĩa sang dân chủ, cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng như tại các nước hậu cộng sản, đã phát triển mạnh và có nhiều thay đổi, có những gương mặt tươi sáng của thế hệ thứ hai.

Nhưng trong nhiều khía cạnh thì nhiều thành viên của cộng đồng này thật sự đã dậm chân tại chỗ.

Trong số họ luôn có những nhóm mới sang, luôn có đại đa số không biết và không muốn biết tiếng nói và văn hóa của nước sở tại.

Cũng luôn có những nhóm chỉ muốn nhanh chóng làm giàu- bất chấp pháp luật- để quay về Việt Nam sinh sống.

Luôn có những người sẵn sàng giết chó tại đây để làm thịt vì thịt bò, thịt lợn… quá thừa mứa và nhàm chán.

Và nếu không thể giết thịt tại chỗ, họ sẵn sàng nhập khẩu trong vali sau mỗi một lần về Việt Nam.

"Nhập gia tùy tục" chỉ là những khẩu hiệu suông như vô vàn các khẩu hiệu khác từ Việt Nam.

Làn sóng kỳ thị trên Internet Ba Lan nhân việc Ola Nguyễn thắng MasterChef là cơ hội để chúng ta bàn nhiều hơn về các hạn chế của người Việt tại Âu châu trước các hiện tượng xã hội ở châu Âu hiện nay.

Và đây là điều đang hết sức cần thiết.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, ông Ngô Văn Tưởng, cựu sinh viên du học Ba Lan và hiện sống tại Warsaw.

Nguồn: Ngô Văn Tưởng/ BBC


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan