Foto: Cô gái có tên Phạm Thị Trà My - ảnh Telegraph
Theo trang báo Anh, khi biết mình có lẽ đã cận kề với cái chết, cô gái trẻ đã cố gắng dùng hết sức mạnh còn lại để viết một tin nhắn mô tả sự tuyệt vọng cuối cùng cho gia đình ở quê nhà, một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Gia đình Phạm Thị Trà My hiện đang sinh sống ở một vùng nông thôn của tỉnh Hà Tĩnh, trên bờ biển phía Đông Bắc Việt Nam, đã cùng nhau gom đủ số tiền khoảng 30.000 bảng để My ra nước ngoài, với hy vọng sẽ tìm được một cuộc sống tốt hơn và chính vì món tiền lớn này mà cô gái có lẽ đã cảm thấy mình nợ gia đình một lời giải thích và thậm chí là một lời xin lỗi - Telegraph viết.
Tin nhắn cuối cùng được cho là của Phạm Thị Trà My- ảnh Telegraph
Trong giới hạn tối đen của chiếc thùng xe đông lạnh bị đóng kín, nơi sắp trở thành chỗ kết thúc của My và 38 người di cư khác, cô gái 26 tuổi đã viết cho mẹ những lời cuối cùng.
"Con xin lỗi mẹ. Con đường ra nước ngoài của con không thành công. Mẹ mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm! Con sắp chết rồi con không thể thở được ... Thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh, Việt Nam ... con xin lỗi mẹ, mẹ ơi ".
Phạm Thị Trà My có lẽ muốn chắc chắn rằng cô đã gửi tin nhắn kèm những lời cuối cùng dành cho cha mẹ nhưng cũng để lại thông báo trong chiếc điện thoại về gốc tích của mình.
Trang báo uy tín của Anh cho rằng, nội dung nói về phần xuất sứ của người nghi là nạn nhân Phạm Thị Trà My có thể được hiểu là một kỹ thuật phổ biến được sử dụng bởi những người di cư để đảm bảo chính quyền biết nơi hồi hương thi thể của họ, trong trường hợp họ chết trong suốt các cuộc hành trình đầy nguy hiểm.
Phạm Thị Trà My được cho là đã trải qua chuyến đi dài 6.230 dặm, kết thúc tại một khu công nghiệp gần cửa sông Thames, ở Vương Quốc Anh. Hành trình đã đưa cô gái trẻ bắt đầu từ Hà Tĩnh đến Trung Quốc, nơi cô hy vọng sẽ có một chuyến đi ổn thỏa đến Anh.
Anh trai của Phạm Thị Trà My, Phạm Mạnh Cường, cho biết em gái anh đã bay từ Trung Quốc sang Pháp vào đầu tháng này.
Nhiều nhà hoạt động ở London thắp nến kêu gọi sự ủng hộ giành cho các nạn nhân.
Anh Cường cho biết em gái anh, sống ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, rời đi vào ngày 3 tháng 10, đi đến thủ đô Hà Nội, để hoàn tất các giấy tờ sau đó sang Trung Quốc.
Từ Trung Quốc, My đã cố gắng thực hiện hành trình tiếp theo tới Anh, bằng cách sử dụng 30.000 bảng mà một người quen của gia đình My đã nói với báo The Guardian rằng, gia đình cô đã cố gắng xoay sở để có được.
Tuy nhiên, khi đến nơi, cô đã bị cảnh sát Anh chặn lại và trở về Pháp.
Phạm Thị Trà My - ảnh Telegraph.
"My đã bay sang Trung Quốc và ở đó vài ngày, sau đó rời Pháp. My gọi chúng tôi khi cô ấy đến từng điểm đến. Nỗ lực đầu tiên cô ấy thực hiện để vượt biên sang Vương quốc Anh là ngày 19 tháng 10, nhưng cô ấy đã bị bắt và quay trở lại." - Báo Telegraph thuật lại lời anh Cường khi trao đổi với hãng tin BBC.
Quyết tâm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho chính mình ở Anh, cô Phạm lại đặt mình vào tay những kẻ buôn lậu. Cô ấy đã dặn gia đình đừng liên lạc với cô ấy bởi vì những người tổ chức đã không cho phép cô ấy nhận các cuộc gọi.
Chiếc xe tải chở theo thùng đông lạnh đóng kín có 39 người bên trong
Gia đình cô Phạm, cho biết họ không nghe thấy thông báo gì từ cô cho đến khoảng 10:30 tối giờ Anh vào thứ ba ngày 22 tháng 10, khi họ nhận được tin nhắn điện thoại cuối cùng của cô. Họ đã không nghe từ cô ấy kể từ đó.
Đến lúc này, chiếc xe container mà cô đang đi đã đến Zeebrugge và đang chờ để được đưa lên một chiếc phà đi qua Vương quốc Anh.
Chiếc xe đã đến Purfleet Docks lúc 12.30 sáng (khoảng hai giờ sau tin nhắn cuối cùng của My), họ được đón bởi một chiếc xe tải dự định sẽ di chuyển từ Ireland qua Holyhead và được điều khiển bởi một tài xế có tên là Mo Robinson, từ Portadown, Bắc Ireland.
Tài xế Robinson cho xe rời Purfleet lúc 1.05 giờ sáng và camera quan sát cho thấy anh này lái chiếc xe tải về phía Khu công nghiệp Waterglade ở Grays, Thurrock, nơi sau đó anh ta đỗ xe trên Đại lộ phía Đông.
Anh ta được cho là đã liên lạc với dịch vụ xe cứu thương vào lúc 1h40, ngay sau khi tìm thấy thi thể của cô Phạm và những người khác ở phía sau thùng container trên chiếc xe tải của mình.
Những tiết lộ rằng trong số những người chết có ít nhất một người mang quốc tịch Việt Nam, đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về việc xử lý vụ án của Cảnh sát Essex.
Các cảnh sát viên trước đó đã thông báo với các phương tiện truyền thông rằng họ tin rằng tất cả các cơ thể trong xe tải đều có quốc tịch Trung Quốc.
Việc cảnh sát Essex ban đầu tuyên bố tất cả người chết đều là người Trung Quốc dường như đã dẫn đến một cuộc chiến ngoại giao với Bắc Kinh khi Trung Quốc chỉ trích chính quyền Anh vì đã không ngăn chặn được một kịch bản khủng khiếp tương tự, khi trước đó, vào năm 2000, 58 công dân Trung Quốc được tìm thấy đã chết trong một container ở Dover.
Steve Harvey, một cựu sĩ quan Europol, người đã làm việc trong lĩnh vực ngăn chặn buôn bán người trong 20 năm và đã từng trực tiếp tham gia điều tra về vụ việc ở Dover, nói: "Đây là một khởi đầu không gọn gàng cho một cuộc điều tra tội phạm rất nghiêm trọng... Tôi không nghĩ rằng cảnh sát Essex đã tự mình làm bất cứ điều gì...".
Hòa Bình - Báo Giao Thông
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC