Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho phép tiêm chủng 2 loại vaccine chống Covid-19. Ảnh: New York Tim
Ông Nguyễn H. - cựu doanh nhân, 62 tuổi - từ California, Mỹ chia sẻ với Zing bài viết về trải nghiệm vượt qua bệnh Covid-19 của các thành viên trong gia đình, cũng như những biến chuyển trong lòng nước Mỹ vì dịch bệnh.
Ông bà sui gia với gia đình - cha mẹ của con rể tôi - đều trên 70 tuổi nên từ khi dịch Covid-19 xảy ra, hai cụ đều "cố thủ" trong nhà, thậm chí không cho con cháu đến thăm. Tính người Việt mình hay lo xa, chứ không như nhiều người Mỹ khác ở đây.
Sau gần 9 tháng phòng tránh cẩn thận, thấy tình hình cũng đã ổn hơn, sự cảnh giác ban đầu bắt đầu giảm dần. Hơn nữa, ông bà sui gia cũng nhớ con cháu vì lâu ngày không được gặp.
Vậy nên, trong dịp Lễ Tạ ơn (ngày 26/11), ông bà tổ chức bữa cơm tối và mời toàn bộ 3 gia đình con trai cùng các con dâu - trong đó có con gái tôi - về sum họp. Ai ngờ sau bữa tối đó, tất cả, từ ông bà đến các con trai, con dâu và vài đứa cháu (tổng cộng 11 người) đều mắc Covid-19.
California trở thành tâm dịch của nước Mỹ
Từ khi tới Mỹ, tôi và bà xã sống với gia đình con gái ở bang California. Khi hai vợ chồng con gái tôi có triệu chứng nhiễm bệnh và có kết quả xét nghiệm dương tính, nguy cơ lây nhiễm cho người trong nhà rất cao, vì thế tôi và bà xã ra ngoài thuê nhà Airbnb để ở.
Sau hơn 10 ngày, bà xã tôi ngã bệnh và dương tính với virus. Vợ chồng tôi quay về nhà vì vợ chồng con gái đã khỏi bệnh.
Ban đầu, khi các thành viên trong gia đình bị lây nhiễm, điều lo lắng và hoang mang nhất hướng về cháu trai gần 5 tuổi - con của vợ chồng con gái tôi. Tuy nhiên, cháu tôi may mắn không bị lây nhiễm. Về phần mình, tôi cố gắng chú ý việc sát trùng tay, đeo khẩu trang trong nhà thường xuyên. Đến nay, sau gần một tháng, cả gia đình đã bình phục và tôi chưa một lần xét nghiệm dương tính. Tôi cũng không hiểu vì sao tôi không bị lây bệnh.
Triệu chứng tiêu biểu của những người mắc bệnh Covid-19 trong gia đình tôi là sốt, ho, đắng miệng, mệt mỏi, biếng ăn. Cách điều trị bao gồm uống thuốc hạ sốt, thêm các thuốc bổ để tăng đề kháng, uống thêm C và nước cam tươi.
Con gái tôi mua lều, ấm xông hơi bằng điện và gói lá xông ở ngoài tiệm thuốc bắc để xông hàng ngày.
Tất cả thức ăn đều đặt qua mạng và được giao tận nhà nên cũng đỡ phải ra ngoài. Sau chừng 3-5 ngày thì cơn bệnh lui dần và chừng 10 ngày sau là khỏe hẳn. Ở Mỹ, mỗi ngày có trên 200.000 ca nhiễm, ca tử vong lên tới 2.000 đến 3.000. Gia đình tôi nhiễm bệnh nhưng đều bình phục tốt cũng có thể gọi là điều may mắn.
Hiện nay, cộng đồng người Việt ở California đã có rất nhiều người nhiễm bệnh và nhiều người chết vì Covid-19. California đã trở thành tiểu bang có số người nhiễm trên 2 triệu, cao nhất nước Mỹ và lệnh "Ở nhà" lần 2 đã được ban hành.
Mong sớm được tiêm chủng để về thăm mẹ ở Việt Nam
Trận đại dịch đã tàn phá nước Mỹ, bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống an sinh xã hội, nhất là vấn đề chăm sóc y tế. Nền kinh tế đi xuống, người thất nghiệp gia tăng, sự điều hành của chính quyền thiếu hiệu quả càng làm trầm trọng thêm những vết thương do dịch bệnh gây ra.
Đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho phép tiêm chủng 2 loại vaccine chống Covid-19. Những lô vaccine đầu tiên đã được tiêm nhưng số lượng còn hạn chế, còn phải nhiều tháng nữa mới có đủ vaccine cho những người muốn tiêm phòng.
Tôi chỉ mong sớm được tiêm chủng và các chuyến bay thương mại có thể bắt đầu trở lại để có tôi dịp về quê ở với mẹ ở Việt Nam. Điều mong ước nhỏ nhoi đó chắc sớm thành rồi, và đó là điều vui nhất mà đứa con đi xa mong đợi bấy lâu nay.
Tôi đã lưu lại nước Mỹ gần tròn một năm, bằng thời gian khởi phát dịch Covid-19 từ Vũ Hán và lan đi khắp thế giới.
Những ngày đầu tiên, chính xác là những tháng đầu tiên, cho đến tận tháng 3/2020, nước Mỹ vẫn còn bình thản trước những biến động của đại dịch, chính quyền vẫn chưa thực sự có những cảnh báo cho dân chúng. Còn người dân Mỹ, vốn tính ưa đi lại và tụ tập, cũng chẳng để ý gì những hiểm nguy đang rình rập. Họ vẫn vô tư đi ra ngoài cà phê, ăn uống, đi làm, đi chơi... mà chẳng bao giờ đeo khẩu trang.
Chỉ đến khi dịch bùng phát dữ dội, số lượng người nhiễm và người chết tăng chóng mặt thì chính quyền cấp tiểu bang mới bắt đầu có những biện pháp hướng dẫn phòng tránh dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách xã hội khoảng 1,8 m.
Thế nhưng, hầu như chẳng mấy ai thực hiện, trừ người dân từ các nước châu Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy vậy, ngay cả một số người đến từ châu Á như Ấn Độ cũng ít khi đeo khẩu trang.
Hiện số ca tử vong vì Covid-19 ở California đã lên tới hơn 24.000. Ảnh: Getty.
Cảnh tượng giống như ngày tận thế
Đến gần cuối tháng 3, tình hình trở nên tồi tệ quá mức, thống đốc tiểu bang California ban bố lệnh "Shelter at home" - mọi người dân phải ở nhà, chỉ đi ra ngoài cho những nhu cầu thiết yếu như đi chợ hay đến bệnh viện - nhằm làm chậm sự lây lan của virus corona.
Nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới đã bị tổn thương trước đòn tấn công của virus "nhỏ xíu", khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới cuộc đọ sức Goliath và David trong Thần thoại Hy Lạp.
Chuyện tưởng như khó tin nhưng đã thực sự xảy ra ngay trên đất nước cờ hoa! Vào buổi chiều trước khi lệnh "Ở nhà" có hiệu lực, dân chúng đổ xô đi mua thực phẩm và hai nhu yếu phẩm chống dịch là giấy vệ sinh và khẩu trang.
Hàng hóa trong các cửa hàng thực phẩm bị vét sạch, từ thịt cá rau quả tươi đến đồ hộp, đồ khô. Gạo cũng cạn sạch! Các kệ hàng trống trơn, ngay cả những nhân viên đứng quầy bán thịt cá cũng sửng sốt, họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cảnh tượng giống ngày tận thế vậy.
Từ chỗ không coi trọng việc đeo khẩu trang ở thời kỳ đầu dịch bệnh, nhiều nơi ở Mỹ đã chuyển sang bắt buộc đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng. Ảnh: Bloomberg.
Những cửa hàng bán sỉ như Cotsco hạn chế số lượng lương thực và thực phẩm được mua, giấy vệ sinh luôn trong tình trạng cháy hàng dù mỗi người chỉ được mua một lốc.
Khẩu trang khan hiếm tới mức gần như không thể mua được, mãi sau đó vài tuần mới thấy khẩu trang được rao bán với giá cao gấp hàng chục lần.
Dân Mỹ thay đổi cách sống
Số người mắc bệnh ở Mỹ quá nhiều nên không phải ai nhiễm virus đều được nhập viện điều trị. Nhiều bệnh viện quá tải, chỉ còn chỗ cho những ca bệnh nặng. Những ca bệnh nhẹ phải tự điều trị ở nhà.
Dụng cụ xét nghiệm virus hạn chế nên không phải ai cũng được xét nghiệm khi có triệu chứng, điều đó làm gia tăng sự lây nhiễm trong cộng đồng.
Các cơ sở giáo dục từ nhà trẻ đến đại học đều đóng cửa. Cháu ngoại tôi gần 5 tuổi cũng phải nghỉ học ở nhà trẻ, con rể tôi nghỉ việc, ở nhà và nhận trợ cấp thất nghiệp, để trông con. Những đứa trẻ lẽ ra cần được gặp gỡ bạn bè đồng trang lứa và thầy cô, nay phải quẩn quanh ở nhà vì đại dịch, quả là một thiệt thòi không nhỏ.
Tuy vậy, nhờ có chương trình học online mà bọn trẻ có dịp gặp lại thầy cô và bạn bè, dù chỉ là qua chiếc iPad. Có điều, học online có những hạn chế khiến việc giao tiếp của cô giáo và học trò gặp trở ngại. Không theo kịp với quá trình học, đôi lúc bọn trẻ cảm thấy bị bỏ rơi.
Các nhân viên y tế trong phòng bệnh điều trị Covid-19 ở Apple Valley, California. Ảnh: New York Times.
Trong điều kiện dịch bệnh, việc tổ chức học online kịp thời là điều tốt nhất có được với trẻ nhỏ, còn mong gì hơn được.
Về mặt tiêu dùng, tôi nhận thấy dịch bệnh đang tạo nên những thay đổi lớn trong cách sống của người Mỹ. Việc hạn chế ra ngoài đang thúc đẩy mua hàng qua mạng tăng mạnh hơn, khi ngay cả những người lớn tuổi cũng chuyển qua mua hàng trực tuyến, chứ không còn chỉ có những người trẻ tuổi như trước đây.
Người Mỹ trước đây ít nấu ăn ở nhà vì quá bận rộn với công việc, một người đôi khi làm nhiều công việc mới đủ trang trải cho những nhu cầu trong cuộc sống, họ thường ăn nhà hàng nhưng nay lại chuyển sang nấu nướng ở nhà nhiều hơn.
Xu hướng này còn kéo dài và có thể sẽ thay đổi cách sống của người Mỹ sau dịch. Các nhà hàng, công ty du lịch, hãng máy bay… sẽ ít khách hơn và có nguy cơ giảm doanh thu rất cao.
Nguồn: Đỗ Quyên/ Zing.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC