Chợ đêm của người Việt tại Ba Lan

Chợ đêm của người Việt tại Ba Lan

Trung tâm Polskie là khu vực quần thể thương mại bán buôn do người châu Á đầu tư có quy mô lớn nhất tại châu Âu hiện nay. Polskie khác biệt, bởi đây là trung tâm duy nhất chỉ hoạt động về đêm, người Việt thường gọi nôm na là “chợ đêm”.

Tôi đến thăm Trung tâm thương mại Polskie tại Warszawa vào một đêm hè, trung tuần tháng 7. Mùa này ở Ba Lan, vốn dĩ, đêm chỉ kéo dài chừng hơn 5 tiếng (từ 10h30 tối đến 4h sáng hôm sau) nên cảm thức về Đêm cứ khiến lòng người lắm khi hụt hẫng, nhất là lúc đi đến cái nơi “lấy đêm làm ngày” này.

132 1 Cho Dem Cua Nguoi Viet Tai Ba Lan

Ảnh chụp lúc 4 giờ sáng, ngày 10/7/2016 trước một lối ra của Trung tâm Thương mại Polskie.

Khu thương mại Á Châu – Wolka Kosowska, nằm ở ngoại ô Warszawa, cách trung tâm thành phố chừng 30 phút di chuyển bằng xe hơi. Ban đầu, chỉ có trung tâm của người Tàu, sau đó, người Việt Nam, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia đầu tư, xây dựng thêm các trung tâm thương mại khác như: Trung tâm ASG, Trung tâm EACC… Trung tâm Polskie là một trong số đó. Có thể nói, đây là khu vực quần thể thương mại bán buôn do người Châu Á đầu tư có quy mô lớn nhất tại châu Âu hiện nay. Polskie khác biệt, bởi đây là trung tâm duy nhất chỉ hoạt động về đêm, người Việt thường gọi nôm na là “chợ đêm”, riết rồi thành quen.

Vừa trở về sau chuyến du lịch hè cùng gia đình tới 5 quốc gia EU, trên chiếc du thuyền hàng đầu thế giới, vẻ mệt mỏi hãy còn vấn vương trên nụ cười, nhưng anh Nguyễn Hoàng Tuyển, chủ tịch tập đoàn Vinatapol – nhà đầu tư, quản lý trung tâm Polskie, đã vui vẻ dẫn tôi đi tham quan, tìm hiểu toàn cảnh khu vực “chợ đêm” mà các anh đã dày công gây dựng. Đi tới đâu, các chủ cửa hàng Tây, Ta cũng xởi lởi, “tay bắt mặt mừng” với anh Tuyển. Thế mới thấy được thành công thực sự của phương châm kinh doanh “Cùng nhau tới thành công” (Razem do sukcesu), mà các anh đã đề ra và bám sát ngay từ đầu.

Anh Giang, quê ở Hải Dương, bán buôn trong Trung tâm Polskie cho biết “Trung tâm này nhộn nhịp nhất vào khoảng 2 -6 giờ sáng, ban ngày cũng có một số quầy hàng mở cửa đến trưa, nhưng chủ yếu là để sắp xếp, ra hàng, bày biện lại gian trưng bày. Hàng hóa ở đây cơ bản được nhập về từ Pháp, Italia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Việt Nam…”.

Suốt từ 2- 6 giờ sáng, dạo quanh hàng trăm gian hàng bán buôn tấp nập, khách tới xem, chọn hàng, đóng gói rồi giao cho các “cửu vạn” vận chuyển, sắp xếp lên các xe tải lớn nhỏ rồi tỏa đi các hướng. Không khí tấp nập, vội vã nhưng không quá ồn ào. Người bán, mua không chỉ có người Việt, mà còn có các chủ hàng người Ba Lan, người Séc, người Trung Quốc. Tất cả như những chú ong vui vẻ, chăm chỉ, tranh thủ lấy hàng đêm để kịp về cho phiên chợ ngày mới.

132 2 Cho Dem Cua Nguoi Viet Tai Ba Lan

Một góc trong “chợ đêm” Polskie.

Anh Tuấn, quê ở Nghệ An, kinh doanh hàng xén ở Trung tâm thương mại Ptak, thuộc thành phố Lodz – cách Warszawa chừng 200km, chia sẻ: “Từ lúc có “chợ đêm”, người buôn bán ở các tỉnh lẻ tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức cho việc đi lấy hàng. Mỗi tuần, tôi chỉ cần đi tranh thủ 1-2 lần vào ban đêm nên không ảnh hưởng đến việc kinh doanh ban ngày”.

Được biết, Trung tâm Polskie khai trương vào ngày 2/9/2007 – nhằm ngày quốc khánh Việt Nam, như một nghĩa cử hướng về nguồn cội. Lúc đầu, Trung tâm Polskie cũng hoạt động ban ngày như các trung tâm khác. Tuy nhiên do mới thành lập sau, lại nằm khá sâu phía trong, cho nên mấy năm đầu rất lận đận, suýt nữa đã phải tuyên bố phá sản. Việc chuyển hẳn sang hoạt động ban đêm chính là bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh, thể hiện sự sáng tạo và nắm bắt tốt nhu cầu từ người kinh doanh của ban lãnh đạo công ty. Nhờ bước đi sáng suốt ấy, từ năm 2010 đến nay, trung tâm đã phát triển ngày một sầm uất, thịnh vượng.

Trên đường về sau chuyến du đêm náo nhiệt, qua câu chuyện tâm tình với doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuyển, tôi biết rằng, để có thành công như ngày hôm nay, anh đã phải trải qua không ít bận lao đao, từ chuyện đầu tư về quê hương với tâm nguyện xây dựng một số công trình phi lợi nhuận nhưng đã xảy ra mâu thuẫn với những người thân, đến chuyện đi tiên phong đầu tư xây dựng 3 nhà máy dệt may ở Trung Quốc, đã phải bán tháo khi thời cuộc thay đổi, rồi thời điểm Trung tâm Polskie đối diện với nguy cơ phá sản ở những năm đầu. Vì thế, có giai đoạn người ta từng đồn rằng anh bị phát điên bởi bị sốc trước những thất bại quá lớn, nhưng rồi bằng niềm tin vững vàng và một ý chí mạnh mẽ, anh đã vượt qua tất cả. Đến nay, ngoài đầu tư tại Trung tâm Polskie này, anh còn đầu tư nhiều nơi trong nước như ở bãi biển Cửa Sót, Hà Tĩnh – quê anh, ở quần thể Bến du thuyền quốc tế Marina tại Nha Trang,…

Anh Tuyển tâm sự: “Niềm tin vào Phật pháp đã cho anh sức mạnh, không bị gục ngã bởi những thất bại và tĩnh tâm trước những sóng gió, can qua. Mỗi khi vào Trung tâm, nhìn những “cơ đồ” mà anh và các doanh nhân Việt khác đã tâm huyết dựng lên trên miền đất lạnh này, niềm hứng khởi lại khiến anh như được tiếp thêm năng lượng để tiếp tục vươn tới. Giờ, những người như anh nỗ lực phấn đấu là nhằm hướng tới những giá trị lâu dài, bền vững cho cộng đồng, cho màu cờ sắc áo, cho quê hương, chứ nếu chỉ vì mình và gia đình thì có khi lại tự mất động lực em ạ!”.

132 3 Cho Dem Cua Nguoi Viet Tai Ba Lan

Chia tay “chợ đêm” với doanh nhân Nguyễn Hoàng Tuyển, tôi thấy mừng vì những bước đi vững chắc, ổn định của cộng đồng mình tại Ba Lan, dù đã qua thời “gió bạc, mưa vàng” nhưng đang ngày càng trở nên bền vững và chuyên nghiệp hơn.

Ánh nắng ban mai rọi xuống, ngước nhìn những lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trước các Trung tâm thương mại do người Việt đầu tư trên đất khách, lòng tôi chợt trào dâng một niềm vui khó tả. Thật tự hào thay!

Báo Dân Trí

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan