Chồng Tây- vợ Việt: Phải là tình yêu đích thực

Chồng Tây vợ Việt hay vợ Tây, chồng Việt nếu không có tình yêu, sự sẻ chia, đồng cảm thì sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc

Cách đây không lâu, tại buổi giới thiệu cuốn sách “Làm dâu nước Mỹ” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Lưu, tôi được gặp một anh chàng nước ngoài rất đặc biệt. Anh ấy chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện, giao lưu giữa tác giả và nhiều độc giả trẻ xung quanh, thi thoảng lại thoáng lên một nụ cười.

Không gian quá ư chật chội nhưng anh đã khéo chọn cho mình một chỗ ngồi, gần nhất đủ để lắng nghe cuộc giao lưu mà không làm phiền ai. Gần cuối buổi giao lưu, nhờ sự giới thiệu của chị Thanh Lưu, tôi mới biết anh ấy là chồng của chị. Không như ý nghĩ thiển cận ban đầu của tôi, anh ấy rất “sành” tiếng Việt, “nghe tiếng Nghệ An giỏi hơn nhiều người Bắc” và đã có hẳn một công trình nghiên cứu tiến sĩ về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975.

Lúc đó, những “dữ kiện” mà tác giả Thanh Lưu chia sẻ tại buổi giao lưu mới được tôi lắp ghép lại. Hóa ra, người mà từ đầu chí cuối buổi nói chuyện chị khen ngợi “chỉ yêu và lấy Jasson chứ không phải là ai khác” lại chính là người đang hiện diện trước mặt tôi.

Nếu như một độc giả nước ngoài tên Jesse Peterson đã từng chia sẻ trên báo mạng vov.vn rằng: “chồng Tây – vợ Việt” là điều vô cùng khó khăn và những người nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm tình yêu, lời khuyên tốt nhất là học tiếng Việt trước, hiểu văn hóa Việt trước rồi sau đó hãy đến Tình Yêu”.

Điều đó hẳn đúng với nhiều người, không cứ gì với bất cứ chàng trai Tây nào mà còn với tất cả chàng trai, cô gái khi quyết định gắn kết cuộc đời của mình với một người khác cần tìm hiểu “cho rõ ngọn nguồn lạch sông”, như ông cha ta từng nói câu cửa miệng “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”.

Sự khác biệt và cao hơn là mâu thuẫn về lối sống, văn hóa sinh hoạt và truyền thống gia đình sẽ là rào cản lớn khiến cho hai người khó hòa hợp.

Chồng Tây- vợ Việt: Phải là tình yêu đích thực - 0

Vợ chồng Jason và Thanh Lưu (váy đỏ bên phải) cùng độc giả

Quay trở lại với câu chuyện của anh Jason và chị Thanh Lưu: sự ngưỡng mộ và ấn tượng ban đầu luôn đẹp, nhưng cả hai người phải trải qua một thời gian khá dài để hòa hợp, đặc biệt về phía gia đình. Anh là một người Mỹ. Còn mẹ chị lại là một thanh niên xung phong, trải qua nhiều đau khổ và gian nan trong chuyện gia đình. Tình cảm của anh chị gặp phải sự phản đối kịch liệt của người thân.

Chị Thanh Lưu chia sẻ: gia đình chị phản đối vì cho rằng sự khác biệt văn hóa sẽ là rào cản ngăn cách hai người. Tuy vậy, nhờ sự giúp đỡ thành tâm của bạn bè, những trò chơi tình ái lắt léo của hai người cuối cùng đã tìm thấy con đường thẳng sáng sủa như nó cần phải thế. Họ cưới nhau, làm lành với hai bên gia đinh bằng đứa con gái đầu lòng xinh đẹp có cái tên rất Việt Nam “Cà Kiu”.

Trong cuốn tự truyện “Làm dâu nước Mỹ”, chị Thanh Lưu khẳng định:

“Chúng tôi nhận ra rằng, sau tất cả, điều quan trọng nhất là hai người yêu nhau tha thiết. Có thể, tương lai bất trắc sẽ xuất hiện nhiều người vô duyên và nhiều chuyện bất thình lình như chuyện vừa xảy đến, nhưng chỉ cần còn yêu nhau, chúng tôi rồi cũng sẽ vượt qua”.

Chồng Tây- vợ Việt: Phải là tình yêu đích thực - 1

“Tôi là một phụ nữ đang học làm dâu nơi xứ lạ từng ngày…Tôi có một gia đình nhỏ rộn tiếng cười của con trai và con gái, có một người chồng “mắt xanh mũi lõ” biết nói tiếng Việt vanh vách, biết ăn mắm tôm (và thậm chí còn biết nêm bao nhiêu chanh, đường, ớt là vừa miệng). (Ảnh: Khám phá)

Nếu như trước đây, sự ngưỡng mộ và cảm tính ban đầu khiến cho “mỗi lần nhận lời ướm hỏi nào đó của Jason, chị đều có cảm giác mình đang bước vào cuộc phiêu lưu vì chị không cho phép mình hỏi ý kiến bất kì ai” thì khi đã bước vào hôn nhân, đến với nước Mỹ khi đã hoàn thành tấm bằng Tiến sĩ văn học, chị đã bắt đầu cuộc sống mới bằng việc “học lại từ đầu, từ cách đổ rác cho đến lái xe, chuyện đi lại, mua sắm, ăn uống…”.

Theo chị, “mình phải cố gắng mở mắt mở lòng, mỗi ngày cố gắng học một điều mới thì cuộc sống không có gì khó khăn cả”. Và chị tin rằng: “Nếu như mình cố gắng hòa nhập, cố gắng học hỏi thì đi bất kì đâu với lòng khát khao khám phá, mình sẽ có được vị trí trong mảnh đất mới”.

Còn Jason và ba mẹ anh khi đón Thanh Lưu sang Mỹ luôn cố gắng giúp chị hòa nhập, hơn thế là lối sống văn hóa của gia đình nhà chồng. Không chỉ giúp vợ học những thói quen của gia đình, anh Jason còn là cầu nối giữa vợ và ba mẹ, giúp mọi người hiểu hơn về nhau.

Mẹ chồng của chị “dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hi” vẫn luôn tìm cách tìm hiểu văn hóa Việt Nam để con dâu bớt lẻ loi. Trong nhà bố mẹ chồng chị treo nhiều tranh Việt Nam, kệ tủ bày đồ gốm Việt, bếp sẵn nước mắn, bánh đa nem. Bà cũng mua nhiều cuốn sách dạy nấu món ăn Việt Nam.

Sống tại Mỹ nhưng chị đã có hẳn một không gian Việt giữa lòng thanh phố New York mà chồng và bố mẹ chồng đã tạo nên. Đối với chị “những yêu thương của bố mẹ chồng, nước Mỹ xa lạ đã trở thành mái nhà ấm áp, nơi đi xa chị đã mong được trở về”.

Có thể bạn đọc sẽ cho rằng Thanh Lưu là một cô gái may mắn khi lấy được chồng Tây vừa ý, có được hạnh phúc vẹn đầy khi mái ấm của chị tràn ngập tiếng cười con trẻ và sự quan tâm của gia đình chồng. Nhưng, nếu không có tình yêu, không có sự cảm thông chia sẻ giữa vợ- chồng, giữa mẹ chồng- nàng dâu thì có lẽ sẽ không có mối tình “Chàng Tây- Nàng Việt”, càng không thể có một gia đình đúng nghĩa.

Nhiều người cũng khẳng định “Yêu nhau là để làm cho nhau tốt lên”.

Chồng Tây vợ Việt hay vợ Tây, chồng Việt cũng chỉ là những sự “bén duyên” tình cờ, nhưng nếu không có sự sẻ chia, đồng cảm thì sẽ chẳng bao giờ có hạnh phúc nở hoa./.

Yên Thái/vov


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan