Có đi xa mới biết nhớ nhà

Có đi xa mới biết nhớ nhà

Giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng với đại đa số người dân Việt Nam. Với những người trẻ xa xứ như du học sinh, khoảnh khắc này càng ý nghĩa. Dù đang ở nơi đâu, trong giây phút đất trời chuyển giao, tâm hồn họ vẫn hướng về quê cha đất tổ.

132 1 Co Di Xa Moi Biet Nho Nha

Du học tự túc, Quân tự đi làm, tự chi trả học phí và sinh hoạt Ảnh: NVCC

Thức trắng xuyên giao thừa

Ba cái Tết xa quê, Nguyễn Bá Quân sinh viên năm hai, ngành Kinh doanh khách sạn và du lịch ở Hàn Quốc đã quen cảm giác đón giao thừa nơi đất khách, nhưng đây là năm đầu tiên Quân ở lại Hàn Quốc một mình, không đón tụ họp với bạn bè Việt Nam.

“Mặc dù rất muốn về quê đón tết nhưng em chưa đủ điều kiện kinh tế. Vé máy bay năm nay đắt hơn rất nhiều so với mọi năm, tiền quà cáp khi về cũng là vấn đề vô cùng đau đầu. Hơn nữa em phải đi làm để trang trải học phí cho kỳ học kì tới”, Quân nói.

Quân chia sẻ, Hàn Quốc đang vào kỳ nghỉ đông nên mình có thời gian tập trung đi làm ở cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 suốt 365 ngày. Tết cũng làm như bình thường mặc dù vắng vẻ hơn.

Giao thừa mọi năm, Quân thường tụ họp các anh chị em người Việt để nấu ăn, xem Táo quân, chơi thâu đêm. Năm nay hầu hết mọi người về nước, một số khác thì bận làm thêm không xin nghỉ được.

“Quả thật có đi xa mới biết nhớ nhà. May là có Internet, cứ gọi điện về nói chuyện với gia đình thôi. Cuộc sống còn nhiều điều phải lo nên không quá buồn”, Quân vừa trông cửa hàng vừa trả lời ngắn gọn.

132 2 Co Di Xa Moi Biet Nho Nha

Đi học cả ngày, vài SV tranh thủ về nhà sớm và đang chuẩn bị mâm cơm Tất niên cho nhóm 13 du học sinh ở Bordeaux, Pháp, chiều 30 tết giờ địa phương Ảnh: NVCC

Không phải làm việc như Quân nhưng Bùi Gia Bảo học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Thụy Sỹ, đang trao đổi ở Pháp vẫn không thể về quê do… bận học.

Bảo chia sẻ lịch thi ở Thụy Sỹ thường kết thúc trong tháng 1, sinh viên sau đó được nghỉ 1 tháng, hầu hết bạn bè VN đều biết và đặt sớm vé máy bay, giá không đắt, tầm 13 triệu đồng khứ hồi.

“Nhưng học kỳ trao đổi ở Pháp lại khá nặng nề, Tết rơi vào đầu tháng 2, phải học với nhiều giảng viên thỉnh giảng khoảng 8 tiếng/ngày/môn, thậm chí 10 tiếng. Học ngày đêm để hoàn thành dự án, nhiều bài tập nhóm trong học kỳ, từ thuyết trình, viết, kiểm tra đến khóa luận. Vì vậy, không thể tìm ra thời gian rảnh rỗi cho Tết”, Bảo nói.

Bảo hào hứng kể, khu học của Bảo lúc giao thừa không có pháo bông, không văn nghệ đêm giao thừa, nhưng quan trọng bởi theo bạn Tết là dịp để mọi người gặp nhau, do đó du học sinh tuyệt đối không ngồi một mình “tự kỷ”, lướt mạng xã hội mà thèm thuồng không khí ở quê nhà.

“Hãy phải ra ngoài gặp bạn để trò chuyện về dự định cho ngày mai”, Bảo nói.

132 3 Co Di Xa Moi Biet Nho Nha

Bánh chưng và những món Việt của những du học sinh xa xứ trong đêm giao thừa Ảnh: VIETSOC Sheffield

Cái Tết chớp nhoáng

Khi pháo hoa đang nổ vang ở TP.HCM cũng là lúc H.N.T, sinh viên năm cuối ĐH Kỹ thuật Swinburne, Úc đang “bay lượn” trên bầu trời trong chiếc máy bay từ Úc về TP.HCM. Chuyến bay khứ hồi được mua bằng đồng tiền từ những giờ làm thêm của T. và tất cả kế hoạch về Việt Nam phần lớn do T. sắp xếp.

T. cho biết lần này về Tết không hề nói với gia đình, vì muốn gia đình bất ngờ đến phút cuối. Vả lại, T. cũng không muốn nhà phải cất công lên sân bay chờ đợi mà lỡ khoảnh khắc thiêng liêng đêm giao thừa.

Sau khi xuống sân bay, T. sẽ tìm ngay một chuyến xe có thể đưa bạn trở về quê hương Phan Thiết vào sáng mồng 1 cùng gia đình sum vầy sau nhiều năm học tập xứ người.

“Hy vọng mọi chuyện đều ổn, về đến nhà chắc mẹ mình sẽ mừng lắm”, T. nói và cho biết trong khoảng thời gian ở Việt Nam sắp tới cũng sẽ kiếm việc làm thêm để trang trải thêm cho cuộc sống sau khi quay về học tập ở Úc bởi gần như toàn bộ khoảng tiền dành dụm bấy lâu đều đã dành cho việc đi lại lần này.

132 4 Co Di Xa Moi Biet Nho Nha

Gia đình đón Vũ Bá Sang khi về nước Ảnh: NVCC

Trong khi đó, Vũ Bá Sang, sinh viên ngành Khoa học và kỹ thuật tính toán trường ĐH Liên Bang Đông Bắc mang tên M.K.Ammosov (Nga) cho biết giao thừa năm Kỷ Hợi cũng là lần đầu tiên Sang ăn Tết cùng gia đình sau nhiều năm học tập ở một trong những khu vực lạnh giá nhất thế giới.

“Khi mới về nhà khí hậu khác quá nên mình phải mất vài hôm làm quen lại, với cả mọi người cũng nói toàn… tiếng Việt nên mình cũng hơi lạ tai. Từ hôm về mình đi chơi với bạn bè, thăm người thân và thầy cô, cũng như giúp mẹ chuẩn bị Tết.

Mấy năm trước nhà mình không có trang trí gì để gộp lại vào lần em về nên chuẩn bị rất đẹp. Đón Tết vui và to hơn mọi năm”, Sang nói.

Sang chia sẻ hiện tại không khí Tết của nhà bạn đang rất ấm áp, mọi người trước đó đã mua sắm đồ đạc, quần áo, giày dép cùng nhau, rồi đi mua đào, rửa xe, mua hoa quả để bày mâm ngũ quả, cùng nhau gói bánh chưng, và giờ là sum họp trong giây phút giao thừa.

“Em sẽ mang chè Thái Nguyên, mấy đồ trang trí cây đào kèm theo mấy chữ Chúc mừng năm mới An khang thịnh vượng để tặng các bạn Nga, dù các bạn ấy không biết tiếng Việt”, Sang nói và cho biết sau giao thừa vài ngày sẽ bay về Nga để chuẩn bị học kỳ mới.

Ăn Tết sớm

132 5 Co Di Xa Moi Biet Nho Nha

Đêm giao thừa xem Táo quân, ca hát, ăn uống của du học sinh Việt tại Vương quốc Anh Ảnh: VIETSOC Sheffield

Học tập tại TP Molde (Na Uy), Ngô Thị Thảo Uyên thạc sĩ Logistics Quản lý chuỗi cung ứng ở Na Uy và nhóm bạn châu Á đón Tết âm lịch trong sự hối hả của học kỳ mới.

“Tháng 4 tuyết mới bắt đầu tan, bây giờ lạnh lẽo lắm, mỗi ngày chỉ có 5 tiếng nhìn thấy ánh Mặt Trời mờ mờ. Thành phố Uyên sống cũng không có nhiều SV hay cộng đồng người Việt nên giao thừa năm nay buồn lắm!”, Uyên chia sẻ.

Uyên cho hay lịch học bận rộn nên nhóm Uyên gồm 3 nữ sinh VN, 1 người bạn Trung Quốc, 1 bạn Hàn Quốc đã ăn Tết sớm hơn một tuần, tổ chức bữa tiệc nhỏ chia sẻ món ăn truyền thống cho nhau. Uyên làm chả giò, rau câu, gỏi cuốn với nấu chè ăn cho ấm người.

“Tết năm nay thiếu bánh chưng, bánh tét, không mứt, hoa mai hoa đào, nhưng bữa cơm quây quần cũng đủ an ủi những tâm hồn xa nhà giữa vùng đất tuyết phủ trắng đất trời”, Uyên nói.

Theo tuoitre.

 

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan