Cô gái quốc tịch Thụy Điển/Iceland gốc Việt Iris Dager (Nguyễn Mai Thanh) (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Tên tôi là Iris Dager. Tên tiếng Việt là Nguyễn Mai Thanh. Tôi sinh ngày 21/9/1992. Tôi được nhận nuôi tới Thụy Điển khi mới 2 tháng tuổi (tháng 11/1992). Cha nuôi của tôi là người Thụy Điển và mẹ là người Iceland vì thế tôi là người mang 2 quốc tịch nói trên", Iris nói với phóng viên Báo Dân trí vài ngày trước khi cô sẽ trở về Việt Nam lần thứ 4.
Lần này đặc biệt hơn những lần trước là Iris sẽ dành một tháng ở quê hương chôn rau cắt rốn để bắt đầu hành trình góp nhặt những manh mối ít ỏi, nhằm tìm lại người mẹ Việt - người đã để cô lại bệnh viện 31 năm trước đó. Bà đã rời đi với mà chỉ để lại cho con gái nhỏ cái tên "Mai Thanh".
"Tôi sinh ra tại bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Mẹ tôi đã để lại một số thông tin cho các y tá của bệnh viện nhưng chúng không phải là thông tin chính thức và tôi không rõ chúng có chính xác hoàn toàn hay không. Theo các y tá, mẹ ruột của tôi tên là Ngô Thị Dung. Bà có thể 18 tuổi vào thời điểm sinh ra tôi (có nghĩa là mẹ có thể sinh năm 1974) và đến từ huyện Gia Lâm, Hà Nội", Iris nói.
Iris vào thời điểm được nhận nuôi ở Hà Nội năm 1992 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Cô cho rằng, mẹ cô đã để lại các thông tin này (dù chưa thể biết tính chính xác đến đâu) dường như là vì bà nghĩ cô sẽ quan tâm tới chúng khi cô lớn lên. Đây là một trong những động lực để Iris quyết định sẽ tìm lại mẹ sau hơn 30 năm xa cách, dù cô thừa nhận những manh mối mà cô có là quá ít ỏi và chưa chắc chắn.
Sau khi được gia đình Dager nhận nuôi, Mai Thanh sống dưới cái tên mới, trong vòng tay yêu thương của một gia đình đa văn hóa. Dưới sự chỉ dạy và nuôi dưỡng của bố mẹ nuôi - những người đã cho cô một cuộc sống tuyệt vời, Iris thực sự cảm thấy hạnh phúc. Cô từng sống ở cả Thụy Điển, Iceland, Đan Mạch, học đại học ở Anh và Scotland; làm việc, du lịch, đi làm tình nguyện ở Pháp, Hy Lạp, North-Macedonia, Ấn Độ, Kenya… Cô hiện là một cố vấn cho cơ quan cảnh sát Iceland, hợp tác với các cơ quan cảnh sát quốc tế.
Iris hiện là một blogger du lịch, cố vấn của cơ quan cảnh sát Iceland (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Iris có một cuộc sống trong mơ so với nhiều người. Cô gái trẻ là một blogger du lịch và thừa nhận rằng cô may mắn khi đã đi tới nhiều hơn "hơn hầu hết những người ở cùng độ tuổi với tôi".
Dù cô thừa nhận cuộc đời đang rất hạnh phúc, nhưng trái tim cô vẫn cảm thấy cần một mảnh ghép, cần một câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai? Nguồn gốc của tôi từ đâu?".
Chuyến về quê đặc biệt
Iris dự kiến trở lại Việt Nam từ 25/3-25/4, dành một tháng để bắt đầu lần theo các manh mối nhằm tìm ra mẹ đẻ. Với cô gái đã thực hiện nhiều hành trình tới nhiều nơi trên thế giới, chuyến đi này đầy thú vị và háo hức vì cô chưa biết điều gì sẽ đợi mình phía trước.
Iris chụp ảnh lưu niệm ở Sapa, Lào Cai trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Iris đã trở về Việt Nam 3 lần từ khi còn nhỏ và đây là lần đầu tiên cô tự trở về nơi chôn rau cắt rốn để trải nghiệm, tìm hiểu về một phần máu thịt trong mình với tư cách một người trưởng thành.
"Với tôi, chuyến về quê lần này đặc biệt hơn rất nhiều các chuyến xê dịch khác. Tôi thấy thực sự căng thẳng, điều mà tôi chưa bao giờ cảm thấy trong các chuyến đi trước. Tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam tìm lại mẹ trong nhiều năm qua và giờ đây tôi cảm thấy điều này rất siêu thực. Nó siêu thực đến nỗi tôi thậm chí còn chưa kịp hình dung mọi thứ sẽ điên rồ như thế nào nếu tôi may mắn tìm được mẹ ruột của mình. Tôi nhận ra có lẽ tôi sẽ cần tất cả sự may mắn trên thế giới để tìm thấy mẹ, vì vậy tôi đang cố gắng không kỳ vọng quá nhiều nhưng chỉ nghĩ đến việc có thể tìm thấy mẹ khiến tôi vô cùng háo hức", cô chia sẻ.
Iris trong tà áo dài Việt Nam khi còn nhỏ. Cô tự hào vì đã được sinh ra ở Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Tôi từ lâu đã muốn tìm lại nguồn gốc của mình. Có rất nhiều lý do, nhưng đầu tiên là câu hỏi: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Khi đi khám bác sĩ, tôi thường được hỏi gia đình có tiền sử bệnh tật gì không. Tôi chỉ đành nhún vai vì tôi không biết", cô giải thích.
Việt Nam trong ký ức của cô gái trẻ là một nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, người dân thân thiện và đồ ăn tuyệt vời "tới mức một người kén ăn như tôi cũng cảm thấy mê đắm". Iris cho rằng dòng máu Việt Nam chảy trong người đã khiến cô trở thành một người thân thiện, chăm chỉ làm việc như những đồng hương khác mà cô từng gặp trong đời.
"Mỗi khi gặp người Việt Nam hoặc đi qua nhà hàng Việt Nam, có thứ gì đó xuyến xao trong tôi, điều mà không bao giờ xảy ra khi tôi nghĩ về quốc gia khác. Như thể là kết nối tâm linh với quê hương, xứ sở nơi tôi sinh ra chăng? Và tôi tự hào vì được sinh ra ở Việt Nam", Iris cho biết.
Iris bắt đầu đăng tải thông tin trên mạng xã hội để khởi động cuộc tìm kiếm mẹ ruột (Ảnh chụp màn hình: Facebook).
"Con không bao giờ trách mẹ!"
"Tôi đã từng tò mò vì sao mẹ ruột lại để lại tôi cho người khác nhận nuôi, nhưng tôi chưa và không bao giờ trách mẹ vì bất cứ lý do nào. Tôi chưa bao giờ thấy tức giận, đau khổ hay tổn thương vì điều đó. Nếu có bất cứ cảm xúc nào, tôi ngưỡng mộ vì mẹ vì có thể đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời bà, là cho tôi đi. Tôi biết ơn vì mẹ đã mạnh mẽ (khi quyết định sinh ra tôi)", Mai Thanh nói khi được hỏi về cảm xúc của cô với mẹ ruột.
Thông qua Báo Dân trí, Mai Thanh muốn gửi thông điệp tới mẹ ruột: "Nếu mẹ đọc được những dòng này thì con chỉ muốn nói là, mẹ không cần phải tự trách mình. Với con, mẹ vẫn là một người tuyệt vời. Dù con đã cố tưởng tượng và chuẩn bị tinh thần cho mọi kịch bản có thể xảy ra khi tìm mẹ, nhưng con vẫn không thể tưởng tượng được mẹ đã phải trải qua những gì khi quyết định để lại con. Tất cả những gì con mong muốn là mẹ có một cuộc sống đầy đủ tình yêu, niềm vui, và hạnh phúc và mẹ không bị ám ảnh với quá bận tâm với những ký ức đau buồn hay tiếc nuối hay lo lắng về con".
"Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ điều gì có thể ngăn cản mẹ, bằng cả trái tim mình, con thực sự hy vọng mẹ sẽ liên lạc để tìm lại con. Điều này rất có ý nghĩa với con vì con thực sự mong gặp được mẹ", Iris chia sẻ.
Nguyễn Mai Thanh có một tháng để tìm mẹ ruột ở Việt Nam trước khi trở về nước. Cô mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ người Việt Nam và chia sẻ câu chuyện để có thể tìm thấy mẹ nhanh hơn. Độc giả Báo Dân trí nếu có bất cứ thông tin nào có thể giúp ích, vui lòng liên hệ email: [email protected]
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC