Mới đây, cô gái Linh Đặng, hiện đang sống và làm việc tại Mỹ Tho, Tiền Giang đã chia sẻ câu chuyện về người bạn nước ngoài mà cô tình cờ quen biết trong một lần ra Hà Nội du lịch cách đây khoảng 2 tháng.
Những gì anh bạn người nước ngoài này trải qua trong chuyến đi khiến cô không khỏi cảm thấy xấu hổ.
Cô gái đến từ Tiền Giang kể: “Mình hay du lịch một mình, hôm đó đang loay hoay ở nhà thờ lớn, muốn chụp tấm ảnh đứng ở nhà thờ nên phải nhờ bạn ấy. Thế rồi hai đứa bắt chuyện làm quen luôn.
Sau đó nói chuyện thấy cũng vui vẻ nên thường lòng vòng các quán xá cùng nhau. Bạn ấy đi du lịch vòng quanh thế giới nên ở nước này một thời gian rồi lại đến nước khác.
Trước bạn ấy đến Thái Lan. Bảo là ở Thái, dịch vụ du lịch rất tốt nên muốn quay lại. Lịch trình là sau Thái Lan, bạn ấy sẽ qua Cam-pu-chia rồi quay lại Việt Nam.
Thời điểm bạn ấy trở lại Việt Nam cũng trùng với sinh nhật mình nên hai đứa có hẹn sẽ gặp nhau để uống bia”.
Tuy nhiên, kế hoạch gặp gỡ của họ dường như là bất khả thi khi mới đây, trong một lần trò chuyện qua mạng, Linh Đặng khá bất ngờ khi cậu bạn nước ngoài chia sẻ rằng sẽ: “Không bao giờ trở lại Việt Nam nữa”.
Hỏi ra mới biết, lí do khiến vị khách du lịch “một đi không trở lại” là vì hàng loạt trải nghiệm “xấu xí” mà anh chàng gặp phải khi ở Việt Nam. Người bạn nước ngoài than phiền với Linh Đặng khiến cô không khỏi cảm thấy xấu hổ:
“Ai cũng “chặt chém” tôi, thật sự là rất tệ. Gần như là ai cũng làm thế với tôi, ở mọi thành phố.
Khách sạn tôi ở tại Đà Lạt này, tài xế taxi ở Hà Nội này, rồi có một ông cố đòi tiền tôi vì tôi đỗ xe ở chỗ đó, nhưng khi tôi quay lại đó để đòi tiền, và có một anh cảnh sát tới hỏi chuyện thì anh ta mới chịu trả lại tiền cho tôi. Tôi hoàn toàn thất vọng.
Mấy cửa hàng cố moi tiền tôi mua bia mặc dù tôi đã mua rồi. Tôi đi chợ với một cô bạn và cô ấy bảo rất bực mình vì bà kia bắt tụi tôi trả tiền gấp đôi so với người khác chỉ vì tôi là người nước ngoài.
Mọi thứ thật kinh khủng. Tôi thích chuyến đi nhưng lại sợ cách người ta đối xử với du khách”.
Cô gái đến từ Tiền Giang chia sẻ, bản thân cô cũng là một người thích đi du lịch, khám phá những vùng đất mới dọc dải đất hình chữ S.
Tuy nhiên, chính cô cũng từng không ít lần bị “chặt chém” khi đi du lịch: “Mình rất yêu Việt Nam, cảnh vật tươi đẹp, con người thân thiện. Nhưng quả thật đi nhiều mình cũng phải thừa nhận rằng một số dịch vụ du lịch cũng như tư tưởng bán hàng thật sự tệ.
Thông qua câu chuyện của mình, Linh Đặng cũng bày tỏ hi vọng mỗi người làm dịch vụ chỉ cần có ý thức hơn một chút trong việc đối xử với du khách để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển hơn.
Đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài
Câu chuyện mà cô gái trẻ chia sẻ đang trở thành chủ đề bàn luận của cư dân mạng. Không chỉ với du khách nước ngoài mà không ít bạn trẻ cũng kể chuyện về những lần bị “chặt chém” khi đi du lịch ngay ở trong nước.
Những câu chuyện về hai nữ du khách người nước ngoài phải “móc hầu bao” trả cho tài xế taxi đến 510 nghìn đồng với quãng đường 3km; Khách Tây bị “chặt chém” ở phố cổ khi mua túi bánh rán giá 700 nghìn đồng; Hay chuyện của người bạn ngoại quốc mà cô gái Linh Đặng chia sẻ xuất hiện nhiều trên các trang báo, mạng xã hội khiến chúng ta không khỏi cảm thấy buồn và xấu hổ.
Mặc dù nước ta có rất nhiều phong cảnh tuyệt vời, con người thân thiện, nhưng theo thống kê, từ 80-90% khách du lịch nước ngoài không quay lại Việt Nam, mà nguyên nhân đầu tiên khiến họ khó chịu là bởi tình trạng “chặt chém”.
Những gánh hàng rong hay quán xá vỉa hè, cả kể nhà hàng sang trọng cũng luôn buộc họ vào nghi ngờ, cảnh giác. Bởi họ sợ bị lừa, mua phải giá cao cắt cổ.
Người bán hàng ít khi sử dụng một mức giá cố định, mà dựa trên người mua là ai. Mặc dù không phải là tất cả, nhưng không ít khách Tây phải mua giá cao hơn thông thường, hoặc bị trả thiếu tiền thừa và coi như không biết…
Đây là những cách làm thiếu chuyên nghiệp, chỉ vì lợi ích trước mắt mà để lại ấn tượng không tốt với du khách, gây thiệt hại cho ngành du lịch về lâu về dài – khi mà du khách nước ngoài “một đi không trở lại”
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cũng tin rằng đây chỉ là một phần nhỏ, “con sâu làm rầu nồi canh” và không nên đánh đồng tất cả mọi dịch vụ, mọi người bán hàng đều như vậy.
Bạn Nguyễn Quỳnh Thương bày tỏ: “Tùy từng người thôi, ở đâu cũng có người tốt người xấu. Đi du lịch thì đại đa số là tiếp xúc với mấy người bán hàng với làm dịch vụ, nhưng không phải ai cũng xấu.
Mình có làm ở một cửa hàng, khách nước ngoài ra vào cũng rất nhiều, mỗi lần vào, họ đều ghi lại cảm nhận về Hà Nội, về Việt Nam và cả về cửa hàng ở quyển nhật ký của khách hàng.
Hầu hết đều thấy rằng họ rất hài lòng, nào là “wonderful, friendly“ các thứ…mình đọc mà sướng hết cả người!”
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC