Hoàng Thị Thế (sinh năm 1901) tại Yên Thế, Bắc Giang. Bà là con của Hoàng Hoa Thám với bà Đặng Thị Nho - người vợ ba đảm đang tháo vát tham gia cuộc khởi nghĩa.
Hoàng Thị Thế khi nhỏ (đứng cạnh cha Đề Thám).
Khi khởi nghĩa Yên Thế suy yếu, năm 1909, Hoàng Thị Thế bị thực dân Pháp bắt. Mẹ bà bị đày sang Guyanne (Pháp) và qua đời trên đường đi. Cha bà sau đó cũng bị sát hại vào năm 1913.
Lúc đầu Hoàng Thị Thế được giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Đến năm 1917, toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut nhận làm người giám hộ Hoàng Thị Thế và đưa bà sang Pháp. Khi ấy, Hoàng Thị Thế 16 tuổi, lấy tên là Marie Beatrice Destham, theo học tại trường nội trú Jean d’Arc ở Biarritz.
Trong một cuốn sách về Hoàng Thị Thế, tác giả Claude Gendre lý giải việc Albert Sarraut trước đó ra lệnh truy sát Hoàng Hoa Thám, sau lại nhận làm cha đỡ đầu của con gái “Hùm thiêng Yên Thế”. Claude Gendre cho rằng Albert Sarraut muốn đưa Hoàng Thị Thế đi xa khỏi vùng Bắc Bộ. Ông ta sợ Hoàng Thị Thế sẽ tiếp bước cha mình mà phất lên ngọn cờ khởi nghĩa, sợ những nghĩa quân sẽ hội tụ lại xung quanh hậu duệ của Đề Thám.
21 tuổi, Hoàng Thị Thế xin về Việt Nam, bà tiếp tục theo học ở Sài Gòn, sau đó quay về Hà Nội làm thủ thư ở phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Thời gian này, bà tranh thủ giúp đỡ người nghèo và thanh niên yêu nước. Điều này khiến thực dân Pháp lo ngại, đưa bà trở lại Pháp khi bà 26 tuổi.
Ở Pháp, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống Paul Doumer trở thành người cha đỡ đầu và giúp bà một khoản trợ cấp. Năm 1932, khi Paul Doumer bị ám sát, Hoàng Thị Thế là người đầu tiên sơ cứu cho vị tổng thống Pháp.
Hoàng Thị Thế bén duyên với điện ảnh từ năm 1930. Vai diễn đầu tiên của bà là đóng một công chúa Trung Hoa (trong bộ phim La Lettre). Năm 1931, bà đóng bộ phim La donna Bianca. Năm 1935, 1936, bà tham gia bộ phim thứ ba Le secret de l’emeraude.
Bà Hoàng Thị Thế trong một bộ phim.
Hoàng Thị Thế kết hôn năm 1931 với con trai một gia đình đại tư sản giàu có, danh tiếng ở Bordeaux tên là Robert Bourgès. Họ có với nhau một người con trai. Tới năm 1940, bà ly hôn. Một giai thoại kể rằng, thời gian này, Hoàng Thị Thế đi học nghề bói với một nhà tu hành, và hành nghề bói vận số khá nổi tiếng.
Năm 1959, Hoàng Thị Thế được Ngô Đình Diệm mời về Sài Gòn nhưng bà từ chối và quyết định trở về quê hương của mình. Năm 1961, Hoàng Thị Thế về tới Hà Nội. Sau đó, bà làm việc tại thư viện ở Bắc Giang, nơi chôn rau cắt rốn của bà.
Thời gian ấy, bà có viết cuốn hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu, nói về những năm tháng sống cùng gia đình ở Yên Thế. Cuốn hồi ký sau đó được thi sĩ Hoàng Cầm dịch sang tiếng Việt (lấy bút danh Hoàng Kỳ Anh). Cũng trong cuốn hồi ký này, bà cho biết trước đây, khi thanh thế của Đề Thám còn mạnh, gia đình bà từng có giao ước, hứa hôn giữa bà với con của một vị hoàng đế Trung Hoa.
Năm 1974, Hoàng Thị Thế về Hà Nội, sống tại căn hộ số 31 nhà E1, khu tập thể Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội).
Theo lời anh Hoàng Anh - con trai thi sĩ Hoàng Cầm - bà Thế được đón về Hà Nội, được phân cho căn hộ trong khu tập thể, có phụ cấp, có người giúp việc theo tiêu chuẩn hậu duệ của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Ngày 9/12/1988, Hoàng Thị Thế qua đời, mộ bà đặt tại Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang (thuộc khu di tích khởi nghĩa Yên Thế).
zing.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC