Cuộc sống chưa biết của người Việt làm nail nơi đất khách

Anh Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1988, quê Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) sang Nga từ năm 2008. Anh hiện sống tại Cmonilo, nhà số 114, thành phố Chelyabinsk. Tùng đang là nhân viên nail (nghề làm móng) có tay nghề cao tại Spa Saigon, thuộc Tổng công ty OOO Binlco.

Trao đổi với PV báo điện tử Nguoiduatin.vn, anh đã chia sẻ rất nhiều về cuộc sống, những khó khăn của một thợ nail Việt nơi xứ người.

Cuộc sống chưa biết của người Việt làm nail nơi đất khách - 0

Anh Nguyễn Văn Tùng

Ngủ nhờ ở nơi sản xuất khung tranh vì theo đuổi đam mê

Kể lại quãng thời gian mới bước chân vào nghề khi còn ở Việt Nam, Tùng khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước khi sang Nga, Tùng học nghề nail ở Hải Phòng ba tháng rồi chuyển qua làm ở Hàng Nón (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội). Lúc mới xin việc, người chủ tiệm nào trông thấy người thanh niên bảnh trai, nét mặt luôn tươi rói ấy thì đều hỏi: “Liệu có làm được không, sao con trai lại làm nghề này, tôi chưa thấy bao giờ cả”.

Khi được một chủ tiệm nail ở Hàng Nón yêu cầu thử việc, Tùng làm thẳng vào tay chân của bà chủ khiến chị này hết sức ngạc nhiên về bộ nail đẹp tuyệt. Sau hôm làm thử đầy ấn tượng, anh được bà chủ nhận vào làm luôn.

Buổi đầu tiên chưa thuê được nhà, Tùng cứ liều đi làm và đến tối anh hỏi chị chủ cho ngủ nhờ. Thấy chị chủ tiệm phân vân, Tùng đưa cho họ chứng minh thư, sau đó đặt vấn đề nhờ thuê nhà vì mới ra Hà Nội. Anh được đưa đi ngủ nhờ một tháng ở nơi sản xuất khung tranh ảnh, vừa bẩn lại ngủ ở dưới đất trên phố Quốc Tử Giám. Phải một tháng sau Tùng mới tìm được nhà thuê.

Sáng đi làm, tối về ngủ, tôi phải đi bộ từ Quốc Tử Giám đến chỗ làm việc. Mưa gió cũng ráng chịu vì mình yêu nghề. Có lần, tôi về nhà bác ở Hà Đông, thấy tôi vất vả, bác khuyên: “Về quê đi, lang thang ngoài này làm gì, về đi phụ xây”. Tôi chỉ bảo sẽ không bao giờ bỏ nghề này”, Tùng nói.

Làm thuê được hơn một năm, anh định mở cửa hàng nhưng không thành nên quyết định sang Nga.

Thời gian đầu anh gặp rất nhiều khó khăn vì khí hậu và cách thức làm việc cũng như giờ giấc bên này. Khách bên Nga yêu cầu làm rất nhiều công đoạn nên Tùng phải học hỏi thêm.

 Cuộc sống chưa biết của người Việt làm nail nơi đất khách - 1

Một bộ tác phẩm nail mà anh Nguyễn Văn Tùng làm

Thợ nail cũng dễ bị kiện

Theo lời kể của Tùng, làm nail ở Việt Nam không cần phải mát xa tay cho khách nhưng bên Nga làm mất cả tiếng đồng hồ mới xong một bộ tay. Khách hàng bên Nga thường khó tính hơn người Việt, điều đó cũng giúp anh học được nhiều điều.

Tùng cho biết:

Giá bên này nếu so với Việt Nam thì là cắt cổ.

Làm manikiu (làm tay nước) có giá 210 nghìn VNĐ và làm pendikiu (sửa chân) là 490 nghìn VNĐ. Nếu khách chỉ sơn móng đơn giản, giá là 70 nghìn đồng/bộ. Vẽ móng theo độ đẹp và cầu kì từ 50 nghìn đồng /1 móng, làm móng giả 850 nghìn đồng/1 bộ. Giá một bộ móng đắt nhất là 100 USD. Trong các công đoạn thì đắp hoa 3D là đắt nhất, vẽ 3D thì rẻ hơn”.

Muốn làm những bộ nail tốt và đẹp đòi hỏi người thợ phải yêu nghề, kiên trì và phải có óc sáng tạo, sau đó là tâm hồn. Với anh, tâm hồn thoải mái mới sáng tạo được nhiều kiểu đẹp và phải làm sao cho mỗi khách một kiểu khác nhau, phải hiểu khách muốn gì.

Trong công ty của anh Tùng có 30 người Việt Nam nhưng chỉ duy nhất có anh là thợ chuyên vẽ nail. Những người khác làm về thuốc thảo dược spa, chăm sóc sức khỏe và nhà hàng ăn. Ngoài làm trực tiếp, Tùng còn dạy thêm mấy người phụ về nail, giúp họ nâng cao tay nghề.

Mỗi ngày, anh làm việc 12 tiếng. Anh niềm nở:

“Làm bên này không như Việt Nam, khách muốn đến phải đặt giờ trước. Có khi họ đặt trước một tuần. Làm phải có admin sắp xếp giờ, sau đó nhân viên mới bắt tay làm. Mỗi vị khách đều quy định giờ giấc rất nghiêm ngặt. 30 phút là 30 phút, lệch là khách khác bị nhỡ, lúc mới sang cũng áp lực nhưng dần dần tôi cũng quen”.

Tùng chia sẻ, vì yêu nghề nên anh cảm thấy vui khi đông khách. Lúc mới sang Nga, anh làm họ ngạc nhiên vì làm quá nhanh. Khi đi thi lấy chứng chỉ nail bên Nga, tất cả mọi người chứng kiến đều quá bất ngờ vì Tùng làm theo kiểu Việt Nam mà ở Việt Nam giờ giấc là vàng.

Khi được hỏi việc mang nghệ thuật vào nail có khó khăn không, anh khẳng định là không.

Điều quan trọng là người thợ có tâm hồn và yêu nghề. Trước đó, Tùng đã vẽ mẫu trước, khách hàng thích kiểu gì họ chọn. Móng dài, ngắn anh đều vẽ được. Cái khó là nhiều người móng ngắn nhưng cứ đòi hỏi phải làm vẽ y như trong tranh.

Tại thành phố Tùng ở chỉ có mình anh là người Việt làm nail còn toàn là tiệm nail của người Nga. Giá làm nail bên này khá cao nên người Việt không mặn mà, chủ yếu khách hàng người Nga.

 Cuộc sống chưa biết của người Việt làm nail nơi đất khách - 2

Những tác phẩm của anh Nguyễn Văn Tùng làm rất độc đáo

Phải gạt bỏ lòng tự trọng

Trò chuyện hồi lâu, Tùng bảo: “Nhiều người hay nói, làm nghề nail là gạt bỏ lòng tự trọng. Điều đó rất đúng vì khách hàng có đủ kiểu người. May mắn là người Tây họ rất biết tôn trọng, kể cả người quét rác”.

Là con trai, nhiều lúc ngồi làm móng chân cho khách hàng nữ Tùng cũng thấy ngại. Ngại vì họ là phụ nữ, ngồi mặc váy ngắn trong khi anh thì cặm cụi tỉa tót móng chân móng tay cho họ. Vì yêu nghề, anh sẵn sàng gạt bỏ mọi tự ti, mặc cảm.

Gặp khách khó tính, có lúc làm xong họ đổi ý phải xóa đi, đau xót như cắt ruột vì bao nhiêu tâm huyết mình dành cho bộ nail ấy. Đó là lúc gạt bỏ lòng tự trọng vì khách hàng là thượng đế”, anh Tùng cho biết thêm.

Tại Spa Saigon, thuộc Tổng công ty OOO Binlco mà Tùng đang làm việc có những quy định rất khắt khe. Nếu thợ nail làm xong mà khách hàng không thích và than vãn là sẽ bị phạt. Nặng thì phạt bằng đúng giá tiền dịch vụ ấy.

“Tôi may mắn chưa bị phạt lần nào, mấy nhân viên tôi dạy cũng có bị phạt nhưng lỗi nhẹ chỉ vì không hiểu họ nói gì. Chẳng hạn không phân biệt được màu sắc, không đáp ứng được yêu cầu của khách. Trước khi sơn màu phải hỏi khách xem thích màu gì, thể hiện thái độ tôn trọng họ, sau đó tư vấn để họ theo mình.

Trong nghề này, tuyệt đối không được để họ bắt mình làm theo ý họ. Như thế chẳng khác nào đi mò kim đáy biển. Muốn khách hàng theo mình ta phải có kĩ năng thật cứng, tay nghề cao, hỏi họ thường mặc đồ như thế nào, màu gì, sau đó tư vấn khách làm theo ý thợ. Điều quan trọng người thợ làm nail phải nhớ là lần này làm kiểu gì để lần sau phải làm khác cho khách, tránh trùng lặp”, Tùng chia sẻ.

Những buồn phiền trong nghề với một người tâm huyết với nail như anh chẳng thấm vào đâu, Tùng kể, anh chỉ bực mình vì khách hàng đông quá, có người thích cái này thích cái kia và hạch sách thợ.

Một câu chuyện mà Tùng cảm thấy bị xúc phạm nhất khi làm nail là có một khách hàng khi mới đến đã chê anh không biết làm. Chưa hết, vị khách này gắt gỏng: “Nếu anh làm bị hỏng tôi sẽ bắt đền”.

Vị khách này hạch sách sao không làm như các salon khác. Cuối cùng anh đành chọn giải pháp không làm nữa. Đó là lúc Tùng buồn nhất vì phải nói là không biết làm. Anh bảo, họ đã không thích thì mình có làm đẹp đến đâu họ vẫn chê bai.

Những lúc phải lấy da chết, cạo da chai, mang giày cho khách… cũng là lúc anh chán nhất nhưng vì yêu nghề, anh vẫn miệt mài. Khác biệt ngôn ngữ, một điều Tùng còn thấy tiếc đó là không chuyển tải hết được cảm xúc nghệ thuật cho khách hàng. Tùng chia sẻ, cuối năm nay anh có dự định về Việt Nam mở tiệm riêng.

Anh phân trần: “Tôi không muốn làm bên này nữa. Nghề này rất độc hại, nhất là khi ta làm móng giả, móng bột vì mùi lưu huỳnh, quỳ tím rất độc, quá trình mài và tạo dáng móng rất bụi. Cũng may tôi làm bên này có máy hút mùi, loại máy này bên Việt Nam chưa có. Dẫu vậy, người trong nghề như tôi lâu không ngửi cái mùi của các công đoạn làm nail là thấy nhớ…”.

Nguồn: báo điện tử Nguoiduatin.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan