Người Việt tại đây đối mặt với nhiều khó khăn như nguy cơ mắc bệnh tăng rất cao, nếu mắc bệnh thì nguy cơ bị bệnh nặng hoặc tử vong rất cao do hệ thống y tế của Ấn Độ bị quá tải. Điều kiện sống, đi lại, mua các nhu yếu phẩm trong dịch cũng khó khăn, bên cạnh những sức ép về tâm lý mà người Việt phải đối mặt.
Ông Hải cho biết Đại sứ quán đã tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.000 người Việt về nước và hiện chỉ còn khoảng 100 người ở lại.
Đại sứ cũng duy trì liên hệ với bà con và sẵn sàng tư vấn, can thiệp nếu cần, hỗ trợ về mặt giấy tờ, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men hoặc can thiệp để công dân Việt Nam được chữa trị.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang nỗ lực để thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn, sức khỏe và cuộc sống của các công dân Việt Nam ở nước sở tại, VOV dẫn lời ông Đỗ Thanh Hải – Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ – cho biết.
Theo ông Đỗ Thanh Hải, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát rất nhanh ở Ấn Độ, cũng giống như những người dân địa phương, người Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là nguy cơ lây nhiễm cao, chẳng hạn cứ 3 người xét nghiệm thì có khả năng là 1 người bị nhiễm.
Khó khăn thứ hai là điều kiện sống không thuận tiện. Những lệnh phong tỏa, giới nghiêm làm cho việc đi lại, mua bán nhu yếu phẩm khó khăn hơn so với thường ngày. Nguy cơ thứ ba là rủi ro về mắc bệnh cao và khi đã mắc bệnh thì rất dễ bị nặng, dễ tử vong.
Đa số người Ấn Độ bị nhiễm bệnh đều chữa trị ở nhà. Khi có bệnh nặng, họ mới đến bệnh viện. Hiện tại, bệnh viện rất thiếu hụt thuốc men, thiếu hụt giường bệnh, thiếu hụt ôxy, thiếu hụt máy thở và thiếu hụt các phòng chăm sóc đặc biệt.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đang có mặt tại Bệnh viện Apollo ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, nơi anh Nhân – một kỹ sư Việt Nam xây trụ sở cho Đại sứ quán đang được điều trị COVID-19 – Ảnh: Facebook của Đại sứ Phạm Sanh Châu
Thách thức thứ tư là sức ép tâm lý, tình cảm. Những người ở xa quê, ở trong môi trường dịch bệnh, đối phó với rất nhiều thách thức trong cuộc sống có tâm lý rất căng thẳng.
Ông Đỗ Thanh Hải cho hay, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một trong những ưu tiên của đại sứ quán và các cơ quan đại diện là bảo hộ công dân, hồi hương bà con về nước phòng dịch. Có khoảng 1.000 người Việt Nam sống tại Ấn Độ, nhưng qua 6 chuyến bay, chỉ còn xấp xỉ 100 người Việt Nam ở lại.
Tham tán nhấn mạnh, đại sứ quán luôn duy trì liên lạc với bà con, đường dây nóng luôn được mở để lắng nghe và có những tư vấn, có những hỗ trợ cần thiết.
Ngoài ra, đại sứ quán cũng hỗ trợ trực tiếp. Một số kỹ sư xây dựng của Việt Nam tại Ấn Độ bị mắc COVID-19 và một số trường hợp tiến triển nặng đã được đại sứ quán phối hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ tạo điều kiện được vào viện chữa trị.
“Trong quá trình công tác, rất nhiều cán bộ của đại sứ quán đã bị nhiễm bệnh. Nhưng chúng tôi vẫn lấy nguyên tắc là đặt nhiệm vụ lên trên. Qua đó, vừa duy trì đảm bảo sức khỏe của cán bộ nhân viên vẫn bám trụ tại địa bàn để hỗ trợ bà con cộng đồng, đồng thời hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao” – ông Đỗ Thanh Hải nói.
Theo Tuổi trẻ
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC