Điểm nóng Mariupol qua lời kể của người Việt sơ tán từ Ukraine

Điểm nóng Mariupol qua lời kể của người Việt sơ tán từ Ukraine

Thành phố cảng Mariupol là một trong những điểm nóng nhất trong cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Nhờ những hành lang nhân đạo mà 2 bên thiết lập, những người Việt tại đây đã thoát được ra ngoài...

1 Diem Nong Mariupol Qua Loi Ke Cua Nguoi Viet So Tan Tu Ukraine

Thành phố Mariupol chịu nhiều tổn thất trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine (Nguồn: Sky News)

Thành phố cảng chiến lược Mariupol ở niềm Nam Ukraine là điểm nóng nhất trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" hiện nay của Nga ở Ukraine, không chỉ nằm trong tỉnh Donetsk, đây còn là thành phố lớn nhất bên bờ Biển Azov, trung tâm sản xuất và xuất khẩu thép khổng lồ của Ukraine.

Trước khi xung đột xảy ra, có 19 gia đình người Việt sinh sinh sống và buôn bán tại chợ trung tâm thành phố. Theo Tham tán Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, hiện vẫn còn khoảng 16-17 người Việt bị kẹt ở Mariupol. Số phận của họ là điều đáng quan tâm nhất đối với các đại sứ quán Việt Nam tại Nga và Ukraine vào lúc này.

Ông Nông Đức Nam, người Bạc Liêu, là bộ đội phục viên sang Mariupol từ năm 1988, chân thật kể, gia đình ông có 5 người, cậu con trai lớn Nông Đức Anh, sinh năm 2000 ở Kharkov hiện đã tản cư đến Vinnytsia, còn vợ người Ukraine, ông và hai người con 8 tuổi và 2 tuổi sống tại quân Zhoble ở Mariupol. Sáng 6/3, một quả đạn đã bắn trúng tòa nhà của ông, tuy nhiên quả đạn bắn vào tòa nhà bên cạnh mới làm vỡ cửa kính, “đồ gỗ trong nhà hỏng hết luôn.”

Gia đình ông Nông Đức Nam phải xuống hầm trú ẩn cách nhà 1,5km. Có 1000 người trú ẩn trong đó “lúc đầu 700 người về sau thêm 300 người”, ông Nam kể: “Không có nước, không có khí đốt, không có điện thoại, cắt hết sóng… đến ngày 15-16/3 khát nước mà không dám uống phải để dành cho cháu bé”. Dưới hầm tránh bom cả nhà ông đắp chung một chiếc chăn “lạnh ơi là lạnh”.

Đến ngày 16/3, sau khi quân đội Nga chiếm được khu vực gia đình ông trú ẩn, ông Nam quyết định sơ tán khỏi Mariupol. Ông Nam cho biết ban đầu ông phải đi bộ 2km “vừa đi vừa cúi đầu, đạn nó rơi tùm lum, cứ chíu chíu qua đầu.”

Sau đó ra đến nơi tập trung để lên xe buýt của quân đội Nga đón, gia đình ông di chuyển đến đia điểm cách thành phố 30km. Ông và gia đình phải ở lại đó 1 tuần vì cháu nhỏ bị tiêu chảy, rồi sau đó được chở bằng xe buýt đến Taganrog thuộc tỉnh Rostov. Ông Nam kể: “Họ chở xe từ ngày 22/3. Có 80km mà phải 24 tiếng mới đến được. Vào cửa khẩu của Nga đông quá phải chờ 12 tiếng…Từ Taganrog xuống tàu về Tambov mất thêm 1 ngày nữa.”

Theo lời ông Nam, chợ trung tâm, nơi tất cả các gia đình người Việt sống ở Mariupol đều kinh doanh ở đó đã cháy rụi, “hàng hóa chuẩn bị để bán ngày 8/3 không còn gì”. Ông cho biết vẫn còn 3 gia đình nữa chưa liên lạc được “không biết thế nào.”

Chị Phạm Thị Kim Thủy, sinh năm 1966, sống tại Mariupol từ năm 1992, cùng chồng và con gái 15 tuổi Lê Thị Thúy An, dù đã tản cư an toàn đến thành phố Rostov của Nga song vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ trước những gì xảy ra với gia đình.

Chị Thủy kể, ngày 22, 23/4 chị vẫn ra chợ bán hàng, tuy nhiến đến ngày 24/2 (thời điểm bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga), “thì sáng nghe thấy tiếng súng, mình không biết vẫn ra chợ bán hàng. Ra tới chợ thì bảo là chợ đóng cửa không cho bán nữa…. về nhà tưởng ở nhà chỉ tạm 1 tuần thôi, nhưng sau đó thấy bảo đánh nhau ghê lắm ở ngoài vùng ven thành phố vì Mariupol giáp với Donetsk … Từ hôm đó ngày nào cũng có tiếng súng nổ lớn, sau đó cắt điện, cắt nước, cuối cùng là cắt khí đốt, mạng Internet cũng không hoạt động.”

 2 Diem Nong Mariupol Qua Loi Ke Cua Nguoi Viet So Tan Tu Ukraine

Một cư dân Mariupol vẫn cố bám trụ ở lại thành phố (Nguồn: Sky News)

Nhà chị Thủy ở trung tâm thành phố Mariupol. Ngày 8/3, gia đình chị vẫn có thể nấu ăn ngoài đường để kỷ niệm ngày “Quốc tế Phụ nữ” song đến sáng 9/3 máy bay ập tới ném bom, hai quả bom nổ thật khủng khiếp, “cửa sổ nhà vỡ tung tóe luôn”. Hoảng quá, chị khoác ba lô đựng giấy tờ chạy xuống hầm trú ẩn.

Theo lời chị Thủy, kể từ hôm đó nhà chị sống ở dưới hầm “gần 1 tháng trời, ngày nào, đêm nào máy bay cũng ném bom rung cả hầm …  Mỗi lần tiếng máy bay rú là 2 trái bom rớt xuống, máy bay mà rú là đóng cửa hầm ngay lập tức bởi vì chắc là 2 quả bom sẽ nổ to mà không biết ở góc nào thôi”.

Theo lời kể, căn hầm nơi nhà chị trú ẩn người tới mỗi ngày một đông, khoảng gần 300 người, cả trẻ em, người già, em bé nhất mới 7 tháng tuổi. Dưới hầm không có gì để sưởi, chỉ mặc áo khoác ấm, ngủ ngồi trên ghế.

Chị kể tiếp: “Ăn có gì đâu, một ngày uống 2, 3 hớp nước. Rồi miếng bánh mì khô hoặc miếng bánh xốp nhỏ, mà về nhà không được. Lúc đó xe tăng Nga đã tiến vào thành phố.”

Nhà chị Thủy ở sát hầm nên sáng sớm có thể chạy về nhà lấy đồ ăn. Tuy nhiên việc về lấy đồ ăn rất nguy hiểm. Chị Thủy cho biết anh Lê Hoàng Hà, chồng chị một lần về lấy đồ ăn dù không bị “tên bay đạn lạc” xong bị ngã, mà ngoài đường toàn các mảnh thủy tinh của cửa sổ các tòa nhà vỡ ra, rất nguy hiểm.

Đến ngày 22/3, do không còn gì để ăn, con gái Lê Thị Thúy An đã thuyết phục chị Thủy chạy khỏi thành phố. Chị kể, con nó bảo: “má ơi mình không đi thì mình chết đói thôi”, chính vì vậy, mặc dù chân đau do bệnh khớp, chị đã uống thuốc giảm đau để chuẩn bị sáng sớm cả nhà cùng sơ tán. Sáng sớm 22/3, gia đình chị Thủy ra khỏi hầm cùng một bà già và con chó nhỏ. Chị cho biết theo chỉ dẫn của các binh sĩ Nga, gia đình chị phải đi men theo các tòa nhà xung quanh đầy hố bom để tránh đạn “các tòa nhà hỏng hết, xe trơ trọi, đường phố hỏng hết không còn gì”, trên đầu thì “đạn bắn chiu chíu, quá trời đất luôn”, chị kể.

Con gái động viên “chỉ đi 10 phút thôi rồi bom sẽ dịu bớt” tuy nhiên trên thực tế gia đình chị Thủy phải đi bộ 5km dưới làm bom đạn réo trên đầu, chân đau chị không thể đi nhanh được và con gái đã phải rất cố gắng để dìu mẹ trên đường. Chị Thủy kể “Tới được điểm xe buýt đón người tản cư mừng quá. Hôm đó có 4 chuyến thì mình đi chuyến cuối cùng luôn.”

 3 Diem Nong Mariupol Qua Loi Ke Cua Nguoi Viet So Tan Tu Ukraine

Các cư dân hiếm hoi còn ở lại Mariupol (Nguồn: Sky News)

Từ Mariupol, gia đình chị Thủy đi xe buýt của quân đội Nga khoảng hơn 100km đến thành phố Vodyane, chị Thủy cho biết “ở đó họ cho ăn uống đầy đủ nhưng tiếng súng vẫn vang lên ở gần đó” nên nghỉ lại một đêm gia đình chị Thủy lại đăng ký đi tiếp vì “chỉ sợ nó tấn công lại chạy không kịp”.

Ban đầu gia đình chị Thủy đăng ký đi ngả Zaparozie để sang khu vực miền Tây của Ukraine, tuy nhiên sau đó nghe thông báo là không có xe nên gia đình chị đăng ký đi quan biên giới tới tỉnh Rostov của LB Nga.

Chị Thủy kể chị có cô con gái lớn học Đại học Y khoa năm thứ 3 tại Kiev hiện đã tản cư đến Lvov, “gần 1 tháng nay mất liên lạc với cha mẹ, cháu khóc suốt. Cháu bảo thuê người đi tìm cha mẹ, vì bom rơi đạn nổ ngày nào cháu nghe tin cũng khóc.

Thế là nó tìm được số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đấy. Nó đưa cho số bảo điện ngay cho Đại sứ quán để Đại sứ quán giúp về Việt Nam.”

Những điều tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống như đứng ngoài trời hít thở không khí trong lành thì nay lại trở thành đáng quí.

Chị Thủy kể: “Gần 1 tháng chị đâu có hít thở gì, toàn hít thở dưới hầm, mỗi lần ngoáy vào mũi toàn màu đen không, sợ lắm.” Chị Thủy cũng tâm sự: “Chị về Việt Nam thôi bởi chị sợ lắm, thành phố bây giờ còn gì nữa đâu em. Thành phố chỉ còn là đống tro thôi… Chị không biết là những người còn lại ở cái hầm đó sẽ sống chết ra sao nữa. Tại vì họ không thể lên được mà cũng không còn gì ăn nữa, không biết làm sao nữa. Khổ lắm.

Ở dưới đấy các cụ già họ xin từng miếng nước í, thương lắm”. Chị Thủy cũng bày tỏ rất lo lắng cho số phận của 3 gia đình người Việt còn mắc kẹt vì khả năng thoát ra của họ rất khó khăn “họ không có chỗ nào để chui lên được nữa” vì đang ném bom ở cái khu đó.

Tham tán Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết: “Bà con ở các địa phương của Nga rất nỗ lực giúp đỡ và chia sẻ những tình cảm, cũng như nơi ăn chốn ở để cho bà con ở Ukraine sang ổn định và sẽ về nước trong thời gian sớm nhất.

Việc đón bà con ở Ukraine sang đối với Đại sứ quán, với cộng đồng ở đây khó khăn chúng ta đều có thể vượt quan được. Nhưng khó khăn đối với chính bà con chúng ta tại Ukraine là vượt qua bom đạn, khoảng cách để… có thể sang được đất Nga.

Ngoài ra đó là sự phối hợp với chính quyền Ukraine cũng như chính quyền Nga để tạo điều kiện tối đa cho bà con sang Nga thì đó là khó khăn rất lớn mà bà con ở khu vực chiến sự phải đối mặt”./. 

Nguồn: Duy Trinh/ Vietnam+


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan