Ngượng vì sự tử tế
Lê Mai Hương (Hương Mysheo), cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, hiện đang học thạc sĩ tại Philadelphia, Mỹ cho biết những ngày đầu mới đặt chân đến đây, cô cảm thấy “ngượng ngùng” trước sự quan tâm của tất cả mọi người mà cô gặp.
“Ở Mỹ, từ cụ già đi ngoài đường tới bác thu ngân trong siêu thị, ai cũng thấy mình là “Hello, how are you?”. Ở Việt Nam thì cứ nghĩ là “How are you” dịch thành “Bạn có khỏe không?” và chỉ dùng khi mình gặp bạn bè người quen và mình hỏi thăm ân cần. Hồi đầu nghe chưa quen thì sẽ thấy mình được quan tâm ghê gớm, nghĩ bụng “Có quen đâu mà cứ hỏi han tử tế thế nhỉ?!”.
Thế nhưng, cứ ở Mỹ một thời gian bạn sẽ hiểu rằng nó cũng là từ để chào, người ta không kỳ vọng bạn phải đáp lại. Dù sao thì cũng thấy đỡ chạnh lòng khi một mình nơi xứ người”, Hương kể.
Du học sinh Việt kể “điều ngượng” trên đất Mỹ
Sống và học tập ở Mỹ một thời gian, Hương mới thực sự hiểu về người Mỹ.
Không chỉ ngỡ ngàng với sự thân thiện của người Mỹ, sống và học tập ở đây Hương mới biết người Mỹ rất hảo tâm. Mỹ cũng là quốc gia làm tình nguyện nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Myanmar.
“Họ cho đi rất nhiều. Có rất nhiều tổ chức và hoạt động tình nguyện bạn có thể tham gia sau giờ học. Với Hương, đây là một cách tuyệt vời để kết bạn với người bản địa cũng như hiểu thêm về nước Mỹ, về thế giới. Ví dụ mình đã có lần đi phân loại dụng cụ y tế cho Project Cure, mới hiểu được hệ thống y tế của Mỹ và những công đoạn để vận chuyển hàng cứu trợ tới một nước xa lắc xa lơ tới tay người cần”, Hương nói.
Theo báo cáo Chỉ số Hảo tâm Thế giới CAF do Quỹ Hỗ trợ từ thiện (CAF) ở London, Anh, tại Mỹ, 75% dân số trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ, 44% dân số trên 15 tuổi làm tình nguyện viên. Điểm hảo tâm của nước này là 61%.
Nữ thạc sĩ tương lai cũng chia sẻ rằng, thời gian đầu mới đến Mỹ cô nhầm tưởng rằng người Mỹ lạnh lùng và ích kỷ bởi lúc đầu cô bị mấy bạn cùng bàn “bơ”, không thèm hỏi thăm xem đến từ đâu, quê hương thế nào, có gì hay ho để kể cho họ. Nhưng sống được một thời gian thì cô hiểu đó chỉ là cách hành xử bình thường của người Mỹ.
“Khi đến Việt Nam thì trong mắt người Mỹ bạn là “người nước ngoài” và đã đặt chân tới nước ta thì họ là du khách, họ sẽ rất hứng thú khi nói chuyện với bạn, tìm hiểu về lối sống văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, khi bạn đã tới Mỹ rồi thì bạn chỉ là một trong số nhan nhản những gương mặt Châu Á xuất hiện hàng ngày trên đường phố, trong quán ăn trong cuộc đời họ. Thậm chí, có lẽ họ còn nghĩ bạn cũng là… người Mỹ nên “I don’t care!” (Tôi không quan t’m!)”, Hương lý giải.
Lê Mai Hương (Hương Mysheo) hiện đang là chủ của một website và fanpage học IELTS miễn phí dành cho những bạn trẻ có ước mơ du học.
Tức anh ách vì bị “bơ”
Mai Hương kể rằng, trong những tuần học đầu tuần khi thảo luận với nhóm bạn Mỹ, cô luôn mang tâm trạng hậm hực, “tức anh ách” vì cho rằng các bạn Mỹ “bơ” mình.
Hương kể: “Lúc ở nhà, làm gì cũng thong thả, mở đầu cuộc thảo luận thường là không khí e dè “nhìn nhau chẳng nói nên lời,” sau đó từng người sẽ được hỏi ý kiến trong không khí hòa bình tôn trọng lẫn nhau. Ai ngờ qua bên này, thầy giáo bảo bắt đầu là các bạn ấy thi nhau “bắn” và bắn không ngừng nghỉ.
Mình ngồi ở góc bàn nên cảm giác người ta còn quay lưng vào mặt mình và không thèm đếm xỉa tới cái con bé châu Á này. Mặc dù rất muốn “lên tiếng” nhưng trong hoàn cảnh như thế cũng khó để chêm lời vào. Cô gái trong lòng vô cùng bối rối, thậm chí là còn ngạc nhiên vì cảm giác không được coi trọng, trong khi những thầy cô bạn bè người Mỹ trước đây của mình thì rất tử tế.
Rất may, sau khi chia sẻ với bạn cùng phòng, chị ấy giải thích cho về tính cách của người Mỹ. Họ là những người rất chủ động và chủ nghĩa cá nhân cực cao. Sống trong một đất nước tự do mọi mặt, họ chẳng có gì ngần ngại khi phát biểu ý kiến cá nhân. Còn bạn, nếu bạn không lên tiếng, họ sẽ mặc định là bạn không có gì để nói, hay bạn không muốn nói, chứ họ sẽ không chờ đợi bạn mở miệng hay ân cần mời bạn cho vài lời vàng ngọc đâu.
Thay vì về nhà hậm hực thì mình được khuyên hôm sau hãy đến lớp sớm, chọn ghế ngồi vào giữa “tụi Mỹ” để chúng nó phải chú ý tới mình. Quả thực là khi mình đã cất tiếng được rồi thì họ rất lịch sự, tôn trọng và lắng nghe mình”.
Sự khác biệt trong văn hóa ứng xử không chỉ là trở ngại khiến du học sinh khó hòa nhập với môi trường mới mà còn khiến những người bạn Mỹ “điên đầu, tổn thọ”.
“Đó chính là lối nói vòng vo của đa số người Việt. Câu trả lời của bạn là A, nhưng khi đứng lên bạn cứ phải tung hỏa mù, tản mát một lúc rồi mới “bập” vào từ khóa là A được, và sau đó lại vòng vo thêm một đoạn nữa. Lỗi này to lắm! vì nó làm “tổn thọ” thầy giáo Mỹ. Khi bạn diễn giải mà không liên quan tới chủ đề chính, thầy sẽ phải cố hiểu xem ý bạn muốn nói là gì, đoán xem cái bạn đang cố ám chỉ là gì. Vì vậy, các bạn muốn đi du học thì hãy luyện ngay lối tư duy thẳng, mạch lạc. Có thể luyện luôn trong IELTS Speaking: Hỏi gì trả lời nấy, sau đó đưa lý lẽ và ví dụ. Cấu trúc này đơn giản mà dễ theo dõi cho cả người nói và người nghe”, Hương đưa ra lời khuyên.
Học tập ở Mỹ không căng thẳng như nhiều người lầm tưởng, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hương vẫn còn dư thời gian để đi mua sắm, lượn phố, tham gia các sự kiện và hoạt động tình nguyện.
Học tập ở Mỹ không căng thẳng như nhiều người lầm tưởng, biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hương vẫn còn dư thời gian để đi mua sắm, lượn phố, tham gia các sự kiện và hoạt động tình nguyện.
Học hỏi liên tục để không bị “khớp”
Là người có kinh nghiệm làm việc trong môi trường nước ngoài và cũng đạt điểm IELTS cao, Hương rất tự tin khi sang Mỹ du học. Ấy thế mà, những ngày đầu tiên lên lớp, cô vẫn bị “khớp”. Không phải thầy nói nhanh hay dùng từ khó mà lý do rất đơn giản là khi giảng bài, thầy giáo thường lấy ví dụ với một số sản phẩm hay thương hiệu lớn của Mỹ mà cô chưa từng nghe đến.
“Lúc ở nhà, trong đám bạn cũng được coi là thành phần tri thức, vậy mà sang “thế giới thứ nhất” là chẳng liên quan gì luôn. Ở đây không ai biết tới Vinamilk hay Cà phê Trung Nguyên, chỉ toàn những cái tên lạ hoắc như Target, Costco, Wendy rồi Geico… Nhớ có một lần thầy giáo cho bài tập thảo luận về một sản phẩm có tên Sodastream, trong khi các bạn người Mỹ đang phát biểu ầm ầm thì mình vẫn phải cặm cụi tìm hiểu xem nó là cái gì, rồi hỏi lại người ta xem cái máy đó tính năng thế nào, thường ai dùng, dùng ra làm sao. Một hồi mới biết hóa ra nó là máy chuyển nước lọc thành nước có ga và thường chỉ trẻ con thích uống nước kiểu này thôi. Vò đầu bứt tai, công nhận cái này “quê” mình không có thật”, Hương chia sẻ.
Để “giải ngố” cho bản thân, Hương quyết tâm học hỏi bằng cách đi siêu thị và lượn lờ shopping. “Đi siêu thị mới biết họ ăn gì, uống gì, mặc gì và dùng đồ như thế nào. Thế rồi cách bán hàng, trưng bày và đóng gói bao bì cũng rất khác so với ở nhà. Có lần mình đang lưỡng lự không biết mua lọ dầu gội đầu nào thì có chị tới tươi cười nói, “Em cứ mua đi, kể cả dùng thử rồi mà không thích cứ mang trả lại.” Thế nên, mua hàng ở Mỹ thì yên tâm lắm”, Hương nói.
Hương bảo, lấy điểm A ở Mỹ không khó lắm, chỉ cần tích cực phát biểu trên lớp và về nhà chăm đọc sách, ôn bài là ổn. Biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, Hương vẫn còn dư thời gian để đi mua sắm, lượn phố, tham gia các sự kiện và hoạt động tình nguyện.
“Năm vừa rồi, dù cuộc sống và học hành cũng bận rộn, nhưng mình vẫn sắp xếp được để “phủ sóng” trên các hội nhóm học IELTS, thực hiện video, các lớp học IELTS miễn phí, xây dựng trang web học IELTS riêng. Khi làm những việc này, mình cũng chỉ nghĩ là ngoài kia hẳn cũng có những cô gái như mình ngày xưa, cặm cụi học tiếng Anh và mơ tới ước mơ du học”, Hương chia sẻ.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC