Ông Nguyễn Văn Tám và vợ, cùng 67 tuổi, quê Thừa Thiên Huế, sang Mỹ thăm con gái từ sau Tết năm 2020. Chuyến đi tưởng chỉ một tháng, không ngờ kéo dài thành hai năm bởi Covid-19.
Ở cùng gia đình con nhưng ngày nào ông bà cũng than buồn. "Nhiều lúc bố mẹ khóc mình thương lắm, cũng cố gắng tìm cách để ông bà về", chị Vân Nguyễn, 29 tuổi, con gái ông bà Tám chia sẻ.
Chị không thống kê được từ tháng 5/2020 đến nay đã hỏi đại lý vé máy bay bao nhiêu lần. "Lần nào họ cũng báo giá 4.000-5.000 USD mỗi người, tiền đâu ra", Vân than thở.
Nhóm người thăm thân và du học sinh Việt từ Canada và Mỹ gặp nhau tại sân bay Hàn Quốc, cùng về qua đường Campuchia. Cả nhóm đã hết thời hạn cách ly hôm 7/12 và về nhà an toàn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại bang California, chị Vân làm nghề nail, thu nhập khoảng 4.000 USD mỗi tháng. Một mình phải lo cho sáu người, kinh tế rất eo hẹp. Vài tháng qua, ông bà mâu thuẫn với con rể, buộc chị phải thuê nhà ra ở riêng, đồng nghĩa càng nặng gánh hơn.
Thương con gái, vợ chồng ông Tám động viên nhau chờ đường bay thương mại mở cửa. Nhưng càng trông càng không thấy. Cuối năm 2020, họ nhận được thư báo đăng ký hồi hương từ lãnh sự quán Việt Nam, giá vé vẫn 4.000 USD mỗi người. Một lần nữa cặp vợ chồng già kìm nén sự nóng ruột, đợi tin từ quê nhà.
"Gần đây bố mẹ nhất quyết muốn về, giá mấy cũng chịu", chị Vân nói.
Sau gần hai năm ở Mỹ, ông bà Tám đi làm thêm và tích cóp được 10.000 USD. Họ tính dùng số tiền này về sửa ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp, một ít sửa phần mộ cho con trai cả và một ít để lại làm răng. "Nhưng chứng kiến con gái một mình gồng gánh nuôi chồng con và hai thân già này, chúng tôi gạt mọi dự định", ông Tám giãi bày.
Cuối tuần trước, chị Vân xem được một video trên YouTube chia sẻ cách về Việt Nam qua đường Campuchia. Theo hướng dẫn, chị gia nhập một group có hơn 10.000 thành viên và mới biết từ khi Campuchia mở lại đường bay với các nước ASEAN, đã có cả nghìn người Việt về nước theo lối này. Hai đêm gần đây chị gần như thức trắng đọc mọi bài viết và liên lạc nhiều người hỏi thêm về độ an toàn.
Cùng lúc, chị đọc được thông tin chính phủ Việt Nam dự kiến mở lại đường bay thương mại quốc tế. Nhưng bố mẹ muốn về càng sớm càng tốt, chị quyết định vẫn để ông bà về qua ngả Campuchia. Nếu tính tổng từ vé, bảo hiểm, đi lại tới cách ly... chỉ khoảng 3.000 USD cho cả hai người. "Con số này giúp bố mẹ tiết kiệm được một khoản lớn", chị chia sẻ.
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để phòng chống dịch Covid-19, từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam dừng toàn bộ các chuyến bay thương mại. Hàng trăm nghìn người Việt mắc kẹt ở nước ngoài kể từ thời điểm đó.
Tối 10/12, chính phủ đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022. Trước mắt là mở đường bay với Bắc Kinh/Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles (Mỹ).
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nhu cầu về nước đang rất lớn đối với những lao động Việt Nam đã hết hạn hợp đồng, học sinh, sinh viên, người đi công tác bị mắc lại ở nước ngoài. Việc mở lại đường bay cũng sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh, làm việc tại các dự án.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế "là yêu cầu của thực tiễn trong tình hình bình thường mới, đặc biệt trước nhu cầu đi lại tăng cao vào cuối năm".
Lúc đọc được thông tin này, Vân Giang, 35 tuổi, quê Hải Phòng lóe lên tia hy vọng mới. Nữ lao động ở Slovakia vừa phải hủy vé về qua đường Campuchia, bởi vì cô chưa tiêm vaccine nên không thể nhập cảnh. "Tiếc lắm, giá vé chưa đến 800 euro", cô nói. Khi hủy, cô bị trừ 200 euro, số tiền còn lại được thông báo sẽ hoàn sau sáu tuần.
Vân Giang đi lao động ở quốc gia ở Đông Âu này từ tháng 10/2019, ba tháng sau cô bảo lãnh thêm chồng. Covid-19 đã khiến cặp vợ chồng rơi vào cảnh khốn đốn. Giấy tờ đi làm của chồng Giang không xử lý được, đồng nghĩa không được đi làm cho tới đầu tháng này mới được nhận vào một công ty bánh mỳ. Còn cô, không chịu được công việc nặng nhọc trong nhà máy ôtô đành phải nghỉ gián đoạn vài tháng, hiện làm trong một công ty gói quà.
Xác định Covid-19 ở đâu cũng khó, cặp vợ chồng chắt bóp chi tiêu, cố bám trụ. "Nhưng hoàn cảnh như thêm thử thách, mình phát hiện mang bầu", Giang, hiện bầu tháng thứ bảy, chia sẻ.
Nghĩ đến ít nhất một năm nằm nhà ôm con, trong khi tất cả đồng hương ra khỏi xóm trọ từ sáng sớm đến đêm, cô muốn stress. Hiện tại mỗi lần đi khám thai, cô tốn 50 euro mỗi giờ thuê phiên dịch. "Nhỡ may con ốm đau, thật không dám hình dung nữa", Vân Giang giãi bày.
Từ tháng 6, cô đã tìm hiểu các chuyến bay về nước. Nhưng dù chuyến bay giải cứu hay charter (chuyến bay được thuê trọn gói theo hành trình đề nghị), giá đều gấp hai đến ba lần thu nhập của cô. Một người đồng hương từng đặt vé về nhưng bị lừa, mất sạch 3.000 euro khiến Giang càng không dám mạo hiểm.
Bài liên quan: Việt kiều về nước qua ngã Campuchia vì chuyến bay giải cứu đắt cắt cổ
Tuần trước biết nhiều người đã thành công về nước qua đường Campuchia. Hành trình phải di chuyển nhiều chặng, kết hợp nhiều phương tiện, rất vất vả với bà bầu bảy tháng, Giang vẫn đặt vé ngay lập tức. Hy vọng vỡ vụn khi cô không đủ điều kiện lên máy bay. "Mình buồn và lo, không ngủ được cả tuần nay", cô chia sẻ.
Với đường bay thương mại mở, không yêu cầu tiêm hai mũi, Giang dự định sẽ về được quê nhà với chi phí khoảng 2.500 euro. Về tới đất quê hương và có người thân đùm bọc, mẹ con cô sẽ không còn phải lo lắng nữa.
Đường về nhà của Nguyễn Hồng Quang, 26 tuổi, nghiên cứu sinh tiến sĩ Vật lý tại Đại học bang Iowa (Mỹ) cũng gian nan không kém. Khi đại dịch hoành hành, các trường đại học đóng cửa là cơ hội hiếm có để Quang được đoàn tụ với người vợ kết hôn năm 2018. Nhưng hai năm chờ đợi, trên 5 lần mừng hụt trước các dự kiến mở lại đường bay, anh nản.
Đầu tháng 11, đọc được thông tin Campuchia mở lại đường bay, Quang lên kế hoạch để về. "Về bằng chuyến charter mất cả trăm triệu, mấy ai chi nổi. Bất đắc dĩ tôi mới phải về đường Campuchia thôi", Quang nói.
Tổng cộng mọi chi phí cho chuyến bay, bảo hiểm và cách ly bảy ngày tại Tây Ninh mất khoảng 40 triệu đồng, theo Quang đã rẻ được hơn một nửa. Không như một số người miêu tả hành trình vất vả, anh chọn đường bay từ Iowa, transit ở Hàn Quốc rồi về Campuchia, tổng thời gian 27 tiếng. Khi vào Campuchia, vì cùng khối ASEAN và đông người Việt nên đi lại càng thuận tiện.
Ảnh chụp từ nơi cách ly của Hồng Quang, tại một khách sạn ở Tây Ninh, hôm 10/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chỉ vài ngày nữa chuyến bay của ông bà Tám sẽ cất cánh. Chị Vân đã lo chu toàn mọi thủ tục cho bố mẹ. Chị cũng tham gia hai nhóm nhỏ, nơi tập hợp những người về cùng khung giờ và chuyến bay để gửi gắm. Ông bà lớn tuổi, không biết tiếng Anh, nay lại đi chuyến bay phức tạp hơn thông thường. "Mọi thứ có vẻ ổn thỏa rồi nhưng tôi vẫn không thể yên lòng được cho đến lúc bố mẹ được an toàn trong khu cách ly ở Việt Nam", chị nói.
Còn Hồng Quang, chưa có dự định gì khi hết thời gian cách ly ba ngày tới. "Chỉ cần được hít hơi thở đất quê hương, còn gì cần hơn nữa", anh nói. Dù vậy Quang biết sắp tới khoảng thời gian đầy mong chờ. Cái Tết sum họp với vợ đang đến gần.
Vân Giang xác định phải lên được máy bay trước tuần 36 của thai kỳ (thời điểm các hãng hàng không nhận chuyên chở). Hôm nay cô vẫn tranh thủ đang kỳ Giáng sinh để đi gói quà. Đường phố khắp nơi đã trang hoàng lấp lánh, còn cô đang chờ tàu bị kẹt tuyết không thể lăn bánh, về tới nhà ít nhất cũng quá 23h đêm.
Theo VnExpress
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC