Du học sinh Việt “bóc trần” cuộc sống ở nước ngoài không mơ mộng như những thước phim

Du học sinh Việt “bóc trần” cuộc sống ở nước ngoài không mơ mộng như những thước phim

Mỗi ngày làm thêm từ 12 – 15 giờ, việc học hành bị bỏ bê, lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi bị trục xuất và nỗi lo lắng về tương lai… đó chính là những gì mà nhiều bạn du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đang phải đối mặt.

132 1 Du Hoc Sinh Viet Boc Tran Cuoc Song O Nuoc Ngoai Khong Mo Mong Nhu Nhung Thuoc Phim

Khi nhắc đến du học sinh, mọi người nghĩ đó là những bạn trẻ có cuộc sống đáng mơ ước và một tương lai xán lạn. Đặc biệt là những ai du học tại Hàn Quốc – một đất nước với gam màu hồng bởi vô số cảnh đẹp, đời sống phát triển, văn minh và có phần “sang chảnh” như những thước phim của họ. Điều ấy có lẽ đúng đối với những bạn được gia đình “hậu thuẫn” về tài chính, còn những bạn trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn với ao ước “lột xác sống”,”đổi đời” thì sự thực ra sao?

Làm, làm và … lại làm

Trung bình mỗi ngày các du học sinh làm thêm từ 12 – 15 giờ, thậm chí là 18h đồng hồ, đủ loại công việc lao động chân tay vô cùng vất cả như thu hoạch mía, rửa bát, bốc vác, dọn vệ sinh, quét sơn, quét vôi thuê… Nhiều bạn ban đầu còn chưa quen, tay lúc nào cũng đỏ ửng, lớp da tay cứ bong tróc từng mảng, đôi chân thì lấm lem. Chuyện nằm ngủ nướng, vùi đầu vào “ổ chăn” thêm 5 phút là điều xa xỉ đối với các du học sinh, bởi trễ vài phút đã là chuyện lớn. Bữa ăn vội vã trên xe buýt hay ngủ trên tàu điện ngầm đã trở nên quen thuộc với họ. Những giây phút xấu hổ ban đầu cũng đành phải quên đi, vì không ăn không có sức làm lấy tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống và gửi về cho ba mẹ món nợ mấy trăm triệu trước đó chạy vạy để được sang đây.

Bạn Nguyễn Văn Mạnh, sinh viên ngành Ngôn ngữ và văn học Hàn tại Đại học Soongsil, chia sẻ: “Sang Hàn rồi, việc gì mình cũng làm. Đi làm quán phở , làm đêm, làm xưởng, làm xây dựng khi nghỉ hè, làm ở quán karaoke, dạy Tiếng Việt, đi dịch… hầu như đã trải qua. Vì khi đi làm, biết có tiền. Trong khi tụi bạn học đại học ở nhà còn hằng tháng xin bố mẹ tiền thì mỗi tháng mình đi làm kiếm được tiền.

132 2 Du Hoc Sinh Viet Boc Tran Cuoc Song O Nuoc Ngoai Khong Mo Mong Nhu Nhung Thuoc Phim

Nhưng mỗi lúc gọi điện về, không ai hỏi dạo này khỏe không? Học tập thế nào? Mà chỉ là kiếm nhiều tiền chưa? Gửi về nhiều không? Rồi bị đem ra so sánh. Lúc ấy chỉ biết cố gắng mà làm và làm thôi. Có những ngày mình làm suốt từ chiều đến tận sáng hôm sau.” Nguyễn Văn Mạnh- chàng sinh viên hiện đang du học tại Hàn đã có những chia sẻ thẳng thắn về cuộc sống của cậu ở đây.

Học, nghỉ học và … lại học

Tôi tự hỏi, mỗi ngày lao động cật lực đến thời gian ngủ còn không đủ như vậy, các bạn lấy đâu ra sức khỏe và thời gian để học tập? “Ngày mình ngủ chưa đủ 5 tiếng, đi học luôn trong tình trạng mệt mỏi. Giáo viên nói gì cũng gật đầu, nói đúng cũng gật, mà sai thì cũng … gật nốt. Nhiều buổi phải xin nghỉ vì ốm quá.“, Văn Mạnh tâm sự. Khi bạn làm việc kiệt sức, thì việc tập trung học hành là không thể. Tôi biết nhiều trường hợp du học sinh nghỉ học ở nhà để ngủ bù; một số khác thì vắng tới 70% số buổi trên lớp để đi làm. Đã có không ít trường hợp học sinh, sinh viên nước ta sang Hàn Quốc du học nhưng lại bị trục xuất về nước, lí do là nghỉ quá số buổi quy định.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Mạnh, Hồng Nhung (đang học ở Hàn Quốc) cho hay cô cũng sang Hàn được 1 năm, gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc cân bằng giữa học và làm. “Thực sự mình bị vỡ mộng. Lịch học kín mít, căng thẳng tột độ vào những ngày gần thi. Có hôm làm về đến nhà người cũng bải hoải cả rồi, chẳng thiết tha gì học nữa. Giây phút ấy cứ nằm khóc, vì thấy tương lai mù mịt quá”, cô gái chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ sang Hàn học tập nhưng tranh thủ đi làm thêm để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt.

Đi làm, vắng mặt nhiều, nhà trường cảnh cáo, đành phải giảm giờ làm, thậm chí là nghỉ làm để tập trung vào bài vở. Khi ấy lại không đủ tiền sống, thế là quay về tình trạng đi “cày” như ban đầu. Lại đi làm, lại vắng mặt, lại nhà trường cảnh cáo…; kèm theo đó là nơm nớp lỗi lo sợ rằng có một ngày nào đó mình cũng bị trả về nước, hay sự băn khoăn về một tương lai bất định. Vất vả, quẩn quanh thường trực trong cuộc sống, thậm chí bị ép giá làm thêm, trừ tiền (có những nơi ép giá 3000 – 4000won/1h khoảng 60 nghìn đồng – mức giá rất thấp), nhưng hầu hết khi được hỏi thì họ không muốn về Việt nam mà cố gắng bám trụ tại đất nước có chi phí đắt đỏ này.

Vì thế, không cách nào hơn là việc cố gắng dung hòa giữa học và làm. Mạnh suy nghĩ rằng: “Cũng khá là khó khăn vì tự phải thích ứng với công việc và học tập, nhất là ban đầu. Mình vừa học vừa làm, suốt từ sáng đến 11h đêm mới đặt chân vào phòng, dù mệt lắm nhưng cũng cố gắng học xong rồi mới ngủ. Giờ mình đã có đủ tiền tiết kiệm để chuẩn bị đóng cho học phí đại học và 2 kỳ vừa qua mình giành được học bổng. Cuộc sống ở Hàn là một thử thách rất lớn, nhưng nếu biết cân bằng thì sẽ vượt qua được. ”

“Cuộc sống ở Hàn là một thử thách rất lớn, nhưng nếu biết cân bằng thì sẽ vượt qua được”.

Vậy mới nói, tầm nhìn quyết định tầm vóc, tâm thế quyết định tất cả. Cuộc sống của một du học sinh ở Hàn Quốc màu hồng hay xám, luẩn quẩn hay năng động, thú vị là do cách nhìn và hành động của mỗi người.

Nếu đó là màu hồng, vậy xin chúc mừng các bạn. Còn màu xám thì sao? Nó có thể khiến bạn thất vọng, chán chường đồng thời cũng khiến bạn trở nên mạnh mẽ, chai sạn, và hy vọng về một tương lai tương sáng hơn.

PV

 

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan