Em có người chị mới sang Mỹ được vài tháng. Ở Việt Nam chị ấy học trường quốc tế, rất giỏi, điểm rất cao. Mới ra trường đã xin vào được một tập đoàn lớn, lương 8 triệu/tháng. Sau 2 năm được đề bạt lên làm trưởng phòng, lương gần 20 triệu.
Chưa kể Tết, công ty thưởng tới 7 tháng lương. Điều kiện tốt như vậy nhưng chỉ đã từ bỏ và quyết định sang Mỹ lấy chồng. Từ đó cuộc sống chẳng những không tốt đẹp hơn mà còn tồi tệ đi rất nhiều. Qua đó chỉ phải nai lưng làm phục vụ, rửa chén, làm những việc chân tay mà trước đây chỉ không phải đụng đến. Lương thì chưa tới 1000 đô. Thời gian đầu chỉ chịu không nổi, muốn bỏ. Nhưng vì đồng tiền bát gạo nên phải làm, nếu bỏ thì thất nghiệp, vậy thôi.
Có đến gần 10% lao động Mỹ thất nghiệp, và tất nhiên người Việt ở Mỹ cũng phải chịu chung số phận. Tại bất cứ công sở hoặc nhà máy nào, khi cần sa thải nhân công thì tất nhiên người da màu và nhập cư sẽ “được” ưu tiên đầu tiên. Còn việc nhận thêm người thì ngược lại. Cũng đơn giản thôi, người nước họ còn chưa được vào hết thì lấy đâu ra đến lượt mình?
Sự khác nhau giữa thất nghiệp ở Mỹ và Việt Nam
Bên Mỹ không phải như Việt Nam, có việc làm đã là may mắn, chứ không có chuyện đòi hỏi đó là việc gì, lương bao nhiêu, có phù hợp với trình độ của mình hay không. Như mấy anh chị du học bên Mỹ về thì cứ đòi công việc và lương phải xứng đáng tầm vóc của mình. Mang suy nghĩ như vậy thì ở Việt Nam cũng thất nghiệp chứ đừng nói bên Mỹ.
Ở Việt Nam, mấy cậu thanh niên có thất nghiệp cũng không sao. Buổi sáng xin mẹ mấy ngàn đồng, ra quán cà phê đầu hẻm kêu ly cà phê rồi ngồi tán dóc với mấy cậu đồng thất nghiệp. Trưa về lục cơm nguội ăn cũng sống qua ngày. Chồng làm lương khá tí xíu là có thể nuôi cả gia đình, vợ ở nhà làm nội trợ thôi cũng được. Nhưng Mỹ thì không có chuyện đó.
Tại New York, một thanh niên Mỹ 26 tuổi đã nhảy từ tầng lầu 9 của một chung cư rẻ tiền xuống đất tự tử. Nguyên do: Anh ta thất nghiệp, không có tiền trả tiền thuê phòng nên thà chết sướng hơn. Ở các nước Âu – Mỹ, không có chuyện ở lì nếu chưa trả tiền nhà. Khi chủ nhà (thông qua luật sư) báo cảnh sát, đương sự lập tức bị tống khỏi nơi cư ngụ, đồ đạc bị vứt ra đường, muốn đi đâu thì đi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn cách “chán sống” này. Nếu không có chỗ ở, bạn có thể đến các nhà tạm trú, được các hội từ thiện nuôi ăn mặc. Còn kẹt quá thì cứ kêu Sở Xã hội, sẽ được tặng tem phiếu thực phẩm. Theo luật, người thất nghiệp muốn lãnh tiền trợ cấp phải đi xin việc. Cứ lên mạng hoặc đọc báo thấy ở đâu cần người thì tìm đến, nếu người ta không thuê thì xin một cái giấy xác nhận “Anh (chị) A. có đến xin việc nhưng…” rồi đem về nộp cho Sở Xã hội để được xét trợ cấp. Trước đây, thời gian lãnh trợ cấp thất nghiệp tối đa là sáu tháng, bây giờ thì được trợ cấp dài dài.
Ở VN, người Việt mình nói chung biết tằn tiện, có mười đồng chỉ dám tiêu tám đồng. Vì thế, khi bị mất việc, đa số ráng cầm cự được ít lâu, chứ không quẫn trí làm liều như anh chàng Mỹ nhảy lầu kia. Những người lúc còn làm việc nếu được trả lương bằng chi phiếu thì chủ đã trừ trước các loại thuế, tiền an sinh xã hội nên được lãnh trợ cấp thất nghiệp.
Sự khác biệt giữa công việc mà lao động Việt và người bản địa đang làm để kiếm sống
Trước đây, đa số người Việt đến Mỹ theo diện “tị nạn” đều được trợ cấp xã hội; khi đi làm (cắt cỏ, giúp việc ở tiệm buôn, tiệm ăn Việt Nam hay làm móng tay) thì được trả công bằng tiền mặt, nhưng chính quyền không biết, không cắt trợ cấp, thành ra họ không đủ tiêu chuẩn để xin trợ cấp thất nghiệp. Người nào không biết lo xa, có bao nhiêu tiền cứ tiêu xài, sắm xe, sắm nhà cho thiên hạ lé mắt thì đến khi thất nghiệp, cả nhà và xe đều có thể bị tịch thu vì chưa trả góp xong.
Có cô đi làm mỗi tháng được 1.200 đô thì khoản trả tiền thuê phòng hàng tháng đã tốn 400 đô, trả góp chiếc xe mới cũng mất 400 đô mỗi tháng, số tiền còn lại để xài chẳng được bao nhiêu. Thình lình cô ta bị mất việc. Liệu cổ sẽ cầm cự được bao lâu, khi nào sẽ bị đuổi ra khỏi nhà, khi nào sẽ bị tịch thu xe?
Một ông khác đi làm hưởng lương 90 ngàn đô một năm, nhưng mua căn nhà giá 400 ngàn đô nên mỗi tháng phải trả góp tiền nhà 2.500 đô. Đến khi bị mất việc, tiền trợ cấp thất nghiệp mà ông nhận được chỉ đủ trả tiền nhà. May sao, bà vợ ông kiếm được việc làm, lương chẳng bao nhiêu nhưng họ vẫn rất vui mừng.
Hay chuyện một ông được người anh bảo lãnh, mới sang Mỹ có hai tháng. Người anh đang thất nghiệp, phải nhờ người quen cùng ký tên bảo lãnh tài chính cho em. Cả gia đình năm người mới sang Mỹ chưa biết ăn ở ra sao. Số tiền gia đình ấy mang sang Mỹ chỉ có 4.500 đô, mà đi chữa bệnh tim đã hết 3.000 rồi. Mà những người được bảo lãnh theo diện đoàn tụ thì không được nhận bất cứ khoản cứu trợ nào của Chính phủ vì người bảo lãnh đã cam kết lo hết.
Ai có ý định sang Mỹ định cư thì nhớ lưu ý
Nói vậy để những ai ở Việt Nam sắp đi Mỹ theo diện đoàn tụ phải liệu trước. Đừng lầm tưởng nước Mỹ là thiên đường mà sang đến nơi có thể hối không kịp. Ở bang California thiếu gì người chỉ biết đi lượm từng lon bia, từng bình nhựa trong các thùng rác, bán lấy tiền kiếm sống. Hay những người có thân nhân ở Mỹ, cũng đừng tưởng chỉ cần gọi điện thoại báo “Cha vô bệnh viện, mẹ ngã gãy chân, em bị xe đụng…” là sẽ có tiền gửi về ngay.
Tất nhiên cũng có những người Việt hải ngoại là triệu phú, nhưng đa số đều sống đắp đổi, chỉ có thế hệ sau nhờ học hành đến nơi đến chốn mới có việc làm ổn định, lương khá, nhưng đa phần họ không xem việc giúp đỡ người thân là bổn phận, chẳng cần biết cô, dì, chú, bác là ai nữa. Cũng có một số chịu học tiếng Việt, nghiên cứu về Việt Nam, quan tâm đến đồng bào, đất nước nhưng không nhiều.
Mặt khác, không phải các bạn trẻ đều tốt nghiệp đại học cả, nhất là những người qua Mỹ ở tuổi trung học. Chẳng hạn có bạn qua Mỹ năm mười sáu tuổi, trình ra học bạ ở Việt Nam đã học xong lớp 10, sẽ được xếp học chung lớp 11 với học sinh bản xứ. Nhưng làm sao có thể hiểu bài thầy cô giảng và làm bài tập? Môn toán thì không sao, vì họ giỏi, làm bài được, nhưng các môn khác thì chịu thua.
Thế nên không ít người đành bỏ học, ra làm “thợ vịn” cho các ông thợ đồng hương đã có thâm niên đi sửa nhà, cắt cỏ vườn, giống như thanh niên trong nước ở thôn quê lên thành phố làm thợ hồ, chạy xe ôm vậy. Nếu tiếng Anh khá hơn, mấy anh này có thể làm cho các công ty xây dựng của người Mỹ, ít lâu sau học được nghề (xây nhà, bắt ống nước, chạy dây điện, đặt máy lạnh, máy nước nóng, cắt cỏ, đốn cây…) thì có thể ra mở công ty riêng. Họ quảng cáo trên các báo tiếng Việt và trụ được nhờ lấy công rẻ hơn các công ty Mỹ.
Bây giờ đã không còn cảnh như cách đây vài ba chục năm, thời mà nhiều người về Việt Nam quên tiếng mẹ đẻ, nói ngọng nghịu, cầm đũa gắp thức ăn cũng khó khăn, hay mấy ông ưa “nổ” mình là kỹ sư, bác sĩ nữa. Giờ Việt kiều về nước có khi còn được người ta bao ăn hay nuôi luôn nữa kìa.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC