Giấc mộng trời Âu

Giấc mộng trời Âu

Nâng bàn tay của khách ngắm thêm lần nữa, Loan cẩn thận dũa và tỉa lại để hoàn thiện bộ móng tay cho người phụ nữ Ba Lan. Người khách nhoẻn nụ cười nhẹ nhàng tỏ vẻ hài lòng với bộ móng tay mới của mình.

 

 

132 1 Giac Mong Troi Au

Ở các bàn bên cạnh, mấy thợ làm móng khác cũng đang tất bật tập trung vào công việc. Người thì làm gel, người thì dũa, người thì đang vẽ các hoa văn...

Mặc dù ai cũng bận bịu nhưng họ vẫn không ngừng nói chuyện, tán gẫu với nhau bằng tiếng Việt, thỉnh thoảng được đệm bằng dăm ba câu tiếng Ba Lan.

Căn phòng nhỏ chừng khoảng 15m2 nhưng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đủ 5 bàn để làm móng cho khách. So với các anh chị em trong tiệm, Loan làm chậm hơn vì cô cũng mới bắt đầu làm mấy hôm nay, sau quá trình học việc được hơn 2 tháng.

Loan sang Ba Lan theo diện đi du lịch rồi xin visa ở lại làm việc. Nói là đi du lịch nhưng thực ra Loan phải mất rất nhiều tiền cho dịch vụ trung gian để có được tấm visa vào Pháp trong thời hạn 1 tháng.

Từ Pháp Loan bay thẳng sang Warszawa, thông qua cò, cô được lo các thủ tục giấy tờ để xin thẻ cư trú theo mục đích lao động. Đã một năm chờ đợi mà tờ giấy thông hành để Loan đi làm hợp pháp vẫn chưa có. Loan sang đúng thời điểm nhà nước Ba Lan siết chặt lại việc xin giấy phép lao động cho người có visa du lịch. Mặc dù đã đệ đơn kiện lên sở ngoại kiều nhưng kết quả vẫn rất mờ mịt.

Tiến thoái lưỡng nan, ở lại thì Loan phải làm việc chui, nếu quay về Việt Nam thì mọi thứ sẽ đổ xuống sông xuống biển và Loan không thể quay lại Ba Lan được nữa. Loan không có con đường nào khác là chờ đợi và hy vọng.

Những chiếc lá thu vàng bên khung cửa rơi làm cho không gian thêm buồn sâu thẳm. Sau mùa thu lại là một mùa đông dài tuyết trắng buồn bã mà Loan không mong đợi bởi cô đang mòn mỏi dõi mắt chờ đón những tia nắng của mùa xuân ấm áp nhưng lại quá xa vời.

132 2 Giac Mong Troi Au

Loan là một cô gái xinh đẹp, với dáng người theo kiểu thắt đáy lưng ong, đảm đang đậm chất Á Đông. Cô có giọng nói ấm áp, nụ cười dịu dàng luôn tạo cho người đối diện một sự thiện cảm cũng như tin tưởng khi gặp gỡ. Ngược lại với những nét đẹp đó, Loan lại sở hữu ánh mắt sâu nhưng đượm buồn, lúc nào cũng chất chứa tâm sự.

Sinh ra ở một làng quê heo hút của miền Trung, khi vừa lên đầy 2 tháng tuổi thì mẹ Loan mất. Ở cái vùng quê nghèo sống bằng nghề phá núi, đập đá, bà đã ra đi vì vụ nổ mìn lấy đá, bị đá đè lên người mà bà không kịp thoát. Loan chỉ nghe người thân kể lại là mẹ Loan đã phải đi làm khi mới đẻ xong chưa được đầy tháng. Bà ra đi vào một buổi chiều đông, mưa phùn lất phất. Ngày bà ra đi, đứa con đỏ hỏn khóc khản cổ không ai dỗ được có lẽ vì Loan thiếu sữa và đặc biệt là thiếu hơi ấm, vòng tay, lời ru ngọt ngào của mẹ.

Sau khi mẹ Loan mất được thời gian ngắn thì Bố Loan đi bước nữa. Ông cũng muốn có người chăm sóc cho Loan, muốn có người phụ nữ ôm ấp, à ơi cho đứa con gái của mình. Tuy nhiên, khi lấy vợ mới được vài tháng thì mẹ kế mang bầu. Bà không muốn nhận trách nhiệm nuôi Loan. Vợ chồng cũng rất nhiều lần cãi vã. Vì muốn yên chuyện và vì cũng là một người đàn ông nhu nhược, Bố Loan đã đồng ý với vợ đưa Loan về để bà ngoại của Loan nuôi dưỡng.

Rồi Loan cũng lớn lên nhờ sự chăm sóc của bà ngoại, nhờ những dòng sữa bú mày của những người nuôi con nhỏ thôn quê, nhờ những củ khoai, củ sắn của người bà thân thương mà Loan yêu hết mực.

Có lẽ khoảng thời gian vất vả tuổi thơ cũng như sự không may mắn của số phận đã tạo nên một ánh mắt buồn sâu thăm thẳm ở người phụ nữ mới ngoài đôi mươi này.

Bà ngoại của Loan cũng đã nỗ lực hết sức để cho Loan được ăn học. Tuy nhiên, ngày  Loan tốt nghiệp phổ thông, mặc dù là một học sinh khá, Loan vẫn phải dừng lại con đường học hành tiếp theo của mình. Loan buồn nhưng cô đành chấp nhận vì khó có sự lựa chọn với cuộc sống của Loan lúc bấy giờ.

Với vẻ xinh đẹp, dịu dàng của một cô thôn nữ, Loan được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Hầu như ở các vùng quê, khi lớn lên đủ tuổi lập gia đình, ông bà, bố mẹ đều muốn con mình sớm ổn định. Và mong muốn của Bà ngoại Loan cũng giống như vậy. Bà cũng muốn Loan lấy chồng sớm để bà được yên tâm, đỡ lo lắng khi tuổi đã xế chiều.

- Loan này, bà muốn tìm một nơi để con có thể gửi gắm cuộc đời của con. Bà cũng sống còn chẳng được là bao nữa.

- Bà…., nhưng con còn nhỏ mà bà?

- Ngày xưa bằng tuổi con bà đã đẻ ra mẹ con rồi đấy. Nhìn quanh làng trên xóm dưới, bà thấy được mắt nhất là thằng Dũng. Tuy nó là con nhà nghèo nhưng hiền lành, tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người. Hơn hết, không đâu bằng lấy chồng cùng làng con ạ, vừa dễ cảm thông lại vừa gần bà.

Một thời gian sau, nghe theo lời bà, Loan đã chọn Dũng một anh thợ xây, sống ở cùng làng. Vì Loan chỉ nghĩ đơn giản được lấy chồng gần nhà để có cơ hội chăm sóc bà. Đám cưới của Loan với Dũng được tổ chức nhanh chóng sau thời gian ngắn ngủi tìm hiểu của 2 bên.

Sau ngày về chung một mái nhà, hai vợ chồng cũng tập trung làm ăn. Hàng ngày, Dũng đi xây, còn Loan đi học may rồi vào làm cho một công ty may đặt tại địa phương. Dù làm việc rất vất vả, quần quật suốt ngày, nhưng với những đồng lương ít ỏi chỉ đủ cho hai vợ chồng trang trải sinh hoạt hàng ngày cũng như cho các việc ma chay, hiếu hỉ ở xóm quê nghèo.

Một ngày Dũng nói với Loan.

- Chẳng nhẽ mình cứ sống lay lắt như thế này?

- Mình còn trẻ mà anh, hai nữa biết làm gì bây giờ khác được anh!

- Thằng Lâm bạn anh dạo này phất lắm. Nó xây được nhà, lại mua được cả xe SH nữa đấy. Nghe nói nó buôn bán bất động sản. Nó đang hùn vốn. Anh tính sẽ lo ít tiền để làm ăn cùng nó.

- Làm ăn là như thế nào vậy anh? Với lại có đáng tin cậy không?

- Nó là đứa lớn lên ở quê với anh từ nhỏ, lại không chơi bời. Nó thông minh, tinh ranh lắm nên em đừng lo. Anh tính lấy hơn chục triệu tiền mừng cưới, cộng với cầm sổ đỏ nhà mình để vay ngân hàng đưa nó 100 triệu.

Là người con gái mới lớn ở một vùng quê chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hủ tục trọng nam khinh nữ, gia trưởng, tư duy về quyền quyết định thuộc về đàn ông trong gia đình đã ăn sâu vào lớp nghĩ của hầu hết mọi người, Loan cũng ầm ừ coi như đồng ý với chồng. Thực ra trong sâu thẳm ai mà chẳng muốn giàu, ai mà chẳng muốn cuộc đời thay đổi đi lên.

Được mấy tháng đầu tiên, Lâm thường đưa tiền cho Dũng mỗi tháng vài triệu nói là tiền lãi từ việc buôn bán bất động sản. Nhưng nào ngờ, Lâm lấy tiền đó để hùn cho người khác cho vay nặng lãi. Khi Dũng biết chuyện Dũng muốn thu hồi tiền về. Lâm trấn an:

- Mày không phải lo, phải tin tưởng tao chứ. Đợt này mọi thứ nó khó khăn chung nên mình làm ăn phải chấp nhận. Cứ tin tao đi rồi tao trả mày cả gốc cả lãi.

Tiền không đòi lại được, nên Dũng cũng không còn cách nào khác, đâm lao phải theo lao. Không lâu sau đó được vài tháng thì chủ hụi của Lâm bị vỡ nợ. Lâm cũng nói thẳng với Dũng là tiền phải đợi bao giờ Lâm có thì mới trả được.

Khoản tiền là quá lớn đối với một đôi vợ chồng trẻ mới cưới ở một vùng quê nghèo. Dũng và Loan tiếc đến mất ăn, mất ngủ. Từ bây giờ ngoài việc kiếm tiền lo cuộc sống hàng ngày thì đôi vợ chồng lại phải gánh trên vai tiền lãi suất ngân hàng mỗi tháng.

Nhiều lần trong thâm tâm Dũng cũng nghĩ tới việc làm liều một việc xấu gì đó để có tiền nhưng bản tính nhút nhát lại kéo Dũng lại. Hằng đêm, trên chiếc giường mới cưới, không khí nặng nề ngày càng đè nén trong suy nghĩ của đôi vợ chồng trẻ. Mỗi người thả mình trong một dòng suy nghĩ riêng, nhưng tựu chung lại là bế tắc, buồn bã và đầy hoang mang.

Ở công ty, Loan làm cùng với Thắm. Thắm là một cô gái ở làng bên. Sau khi thi đại học 2 năm không đỗ, Thắm cũng muốn tìm một công việc để làm và Thắm đã chọn làm công nhân may ở gần nhà. Tuy nhiên đây chỉ là công việc tạm thời của Thắm vì Thắm luôn nghĩ phải làm một cái gì đó để có cuộc sống khá hơn những cô gái khác cùng làng quê.

 

 

 

132 3 Giac Mong Troi Au

Một ngày, Thắm đọc thông tin trên mạng là có thể đi du lịch ở Châu Âu rồi ghé sang Ba Lan xin lao động và ở lại. Do ý nghĩ phải thay đổi cuộc đời luôn túc trực trong đầu, nên Thắm có một niềm tin là Thắm sẽ thành công, Thắm sẽ đến được Châu Âu. Trong suy nghĩ của hầu hết những người ở quê, thì sống ở nước ngoài được coi là thiên đường với công việc nhẹ nhàng, dễ dàng, cuộc sống sang chảnh như những hình ảnh đẹp của Việt kiều mà lâu lâu  họ vẫn gặp ở trên mạng xã hội.

Qua tìm hiểu và giới thiệu của một số người, Thắm đã liên hệ với một công ty dịch vụ du lịch. Đắn đo suy nghĩ Thắm cảm thấy bất an nếu một thân một mình sang trời Tây. Nếu có người đi cùng chắc sẽ tốt hơn nên Thắm tìm cách rủ mấy người bạn đi cùng nhưng không ai dám mạo hiểm với Thắm. Sau cùng, Thắm nghĩ tới Loan, một người đang khó khăn về kinh tế, có thể cần một sự thay đổi nào đó vả lại Loan là người hiền lành, đáng tin tưởng. Sẽ thuận lợi hơn khi có người như vậy đi cùng.

- Loan này, chị có muốn đổi đời không?

- Sao em?

- Em đang tính đi Châu Âu làm việc, nhưng ngại đi một mình nên muốn rủ chị đi cùng.

- Đi Châu Âu?

- Đúng vậy, đi Ba Lan.

- Nhưng đi bằng cách nào? Và tiền đâu để đi.

- Mình sẽ đi theo con đường du lịch, sau đó qua Ba Lan rồi nhờ dịch vụ xin cho ở lại lao động. Còn tiền cũng không mất nhiều đâu, khoảng 100 triệu. Em có thể cho chị vay 60 triệu. Sau này sang đó chị đi làm trả em dần cũng được.

- Nhưng chị đi sao được. Thứ nhất chị còn chồng, còn bà chị và 40 triệu đối với chị bây giờ cũng quá lớn.

- Chị ơi, thế chị định ở nhà để cứ như vậy à. Tiền lương của chị không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Chị tính như thế nào cho tương lai của anh chị đây. Em tính chị cứ sang đó, ổn định rồi đón anh sang. Thậm chí chị có thể đón được cả bà chị sang ấy. Lúc đấy cuộc sống sẽ khác. Còn tiền, thôi chị lo hai ba mươi triệu cũng được. Còn lại em cho chị vay.

Loan thấy Thắm nói cũng có lý. Chẳng nhẽ cuộc sống cứ mờ mịt mãi như thế này sao. Loan phân vân thêm:

- Thế em đã tìm hiểu kỹ chưa.

- Em cũng vào mạng tìm hiểu kĩ rồi. Em còn viết hỏi ý kiến trong các nhóm ở cộng đồng mình ở bên đó. Họ nói sang bên đó làm ít nhất một tháng cũng được một nghìn đô. Chị tính gần bằng tiền 1 năm chị em mình làm ở công ty này. Hai nữa, đôi khi cũng phải liều mới khá được chị ạ.

- Thôi để chị suy nghĩ thêm và bàn thêm với anh Dũng đã nhé.

- Chị cố gắng trả lời em nhanh để em còn lo làm thủ tục với bên dịch vụ ạ.

Tối hôm ấy, sau bữa cơm, Loan cũng trao đổi với Dũng về việc đi Tây. Lúc nghe chuyện, Dũng cũng bất ngờ và cảm thấy lo.

- Đi có thành không hay rồi lại mất cả chì cả chài. Mất vợ như chơi. Người ta đã bảo "Có vợ mà cho đi tây/ Như xe không khóa để ngay bờ hồ"

- Cái đấy anh không phải lo, em không phải là người như vậy – Loan trấn an chồng. Nếu em đi được, anh chịu khó ở nhà chăm sóc bà. Em sang ổn định được sẽ đón cả anh và bà sang cùng. Nếu cuộc sống mình cứ như thế này mãi thì bao giờ mới trả hết nợ, bao giờ mới khá lên được. Nên mình cũng phải liều anh ạ.

Nghĩ một hồi rồi Dũng cũng ậm ừ:

- Thôi tùy em quyết định.

Rồi cái ngày sang trời Tây cũng đã đến.

Chiếc máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Chopin, tên của một nhà soạn nhạc thiên tài thế giới người Ba Lan. Hít một hơi thật sâu để cảm nhận cái không khí của trời Tây, Loan và Thắm cứ ngỡ như mình vẫn đang nằm trong mơ. Hai cô gái quê đã được đi nước ngoài, đã có mặt ở Châu Âu thật rồi. Mặc dù vẫn còn nhiều suy nghĩ mông lung, nhưng trong đầu của 2 cô gái trẻ đã thiết kế ra biết bao tương lai sán lạn từ trong suốt quá trình bay đến tận lúc này khi bàn chân của họ đã an toàn nơi mặt đất.

Do đã có sự liên hệ từ trước, nên Loan và Thắm đã được bên dịch vụ giấy tờ thuê nhà cho để ở tạm ở gần khu chợ Hoa ở Warszawa. Sau hai ngày nghỉ ngơi và tự đi loanh quanh ở khu chỗ ở, Hoa và Thắm đã được dẫn đi lăn tay, nộp giấy tờ để xin giấy phép lao động tại Ba Lan. Sau khi làm việc xong ở Sở ngoại kiều, dịch vụ đưa cho Loan và Thắm tờ giấy hẹn được đóng dấu và nói đó là căn cứ để Loan và Thắm ở lại hợp pháp ở Ba Lan trong khi chờ quyết định của Sở Ngoại kiều.

Rất may, ngay trong ngày hôm đó, Thắm đọc được thông tin tìm người ở ghép được đăng trên facebook. Thắm và Loan đã chuyển đến ở ghép tại một căn hộ cũng gần ngay đó. Căn hộ này gồm 2 phòng ngủ và 1 phòng bếp. Phòng bên cạnh là của Tuấn và Trung. Tuấn và Trung đều làm ở nhà hàng và đi từ 9h sáng cho đến tận 10h đêm mới về đến nhà.

Tuấn đã có thẻ lao động 5 năm còn Trung cũng mới sang được 2 tháng nhưng là người lao động bất hợp pháp, không có giấy tờ.

Sau khi ổn định chỗ ở, được Trung và Tuấn mách bảo, Loan và Thắm đã đi ra khu chợ Hoa để xin việc. Hai cô gái chọn địa điểm này để xin việc vì thứ nhất là gần khu trọ, thứ 2 là cả hai vẫn chưa có giấy tờ để làm việc hợp pháp, mà khu chợ Hoa lại dễ dàng cho những người chưa có giấy tờ xin việc hơn. Ở Ba Lan, ngoài những khu trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại do người Việt làm chủ thì vẫn còn tồn tại vài chợ nhỏ, nơi người Việt buôn bán cũng khá nhiều. Chợ Hoa là một trong những số đó.

Lần đầu tiên đến khu chợ Hoa, Loan cũng khá bất ngờ và thất vọng so với những gì mình hình dung trước đó. Bất ngờ vì Loan thấy số lượng người Việt ở đây quá đông.

Phần lớn những người kinh doanh trong chợ là người Việt, đâu đó có những người da đen, những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Thất vọng vì Loan thấy giữa thủ đô của Ba Lan, một đất nước của Châu Âu lại tồn tại một khu chợ tuềnh toàng như vậy. Nó giống như những khu chợ tạm ở Việt Nam. Mọi thứ không được tổ chức quy củ và sạch sẽ. Trừ 2 ngày cuối tuần là đông khách còn lại khung cảnh những ngày trong tuần của khu chợ khá đìu hiu. Các quầy hàng quần áo, giày tất được bày bán gần như ngoài trời.

Đâu đó là tiếng chửi đổng cả bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Ba Lan bồi của những người chủ hàng dành cho những người khách tây.

Thỉnh thoảng lại có dăm bảy người tụ tập ngồi đánh tá lả. Một số cô thì ngồi cắn hướng dương, ăn vặt tán gẫu. Những người đàn bà trông có vẻ lam lũ, hớt hơ hớt hải mang thực phẩm châu Á đến cho những tiểu thương người Việt. Dọc con đường nhỏ trong chợ Loan bắt gặp một hai cô đẩy xe cút kít đi bán xôi, bán chè. Tất cả những gam màu đó làm cho Loan thấy lo cho những tháng ngày sắp tới của mình.

Thắm có điều kiện dư dả hơn nên có tiền đóng học phí và xin vào học làm móng cho một quầy làm nail của người Việt. Với Loan bây giờ là phải lao đầu vào kiếm tiền ngay.

Vì Loan phải lo tiền ăn, tiền ở hàng tháng, rồi còn tính tiền trả cho Thắm cũng như gửi tiền về quê nhà. Loan xin làm bán hàng cho một quầy đồ lót của một chị người Việt. Nói là bán hàng nhưng Loan chỉ là phụ bán vì cô đâu đã biết tiếng Ba Lan.

Công việc hàng ngày của Loan bắt đầu từ 6h sáng. Loan phải bê các thùng hàng từ kho ra bày ở quầy. Nói thì đơn giản vậy chứ ngày nào cô cũng phải dành riêng 4 tiếng đồng hồ để mang đồ ra và bày lên các chiếc giá hàng. Sau đó Loan sẽ phụ bán hàng.

Những hôm đầu Loan chỉ biết dùng ngôn ngữ cơ thể để chọn đồ cho khách. Loan dùng các ngón tay hoặc điện thoại để cho khách biết về giá cả. Sau 4 tiếng tiếp theo đứng bán hàng là đến giờ thu gom hàng. Từng bộ tất, từng bộ quần lót, áo con lại được thu gom xếp vào từng thùng. Tổng cộng có hàng mấy chục thùng các tông như vậy. Và công việc thu gom lại mất thêm hơn 3 giờ đồng hồ nữa.

Mặc dù là người lao động chân tay khi còn ở Việt Nam, nhưng với Loan gần 12 giờ đứng bán hàng cũng khiến Loan cảm thấy rất mệt mỏi. Ngày đầu tiên đi làm về, Loan không kịp tắm rửa, ăn uống và cô lên giường nằm thiếp luôn đến tận sáng. Có những ngày, cô về đến nhà đầu óc quay cuồng, chân tay mỏi nhừ, nôn ra cả mật xanh.

Thời gian đầu, trước khi đi ngủ, Loan đều phải nâng hai chân lên tường để cho máu bị tích tụ cả ngày ở 2 chân dồn xuống cơ thể. Có những ngày mưa gió, Loan phải cùng nhà chủ chạy hàng vào kho đến ướt hết cả người, rét run cầm cập. Khi về nhà Loan bị ốm, nhưng sáng hôm sau vẫn phải gượng dậy để đi làm, vì nghỉ một ngày là một ngày không có lương, mặc dù lương của Loan cũng không phải là cao. Mùa đông đã đến, những bông tuyết bắt đầu rơi.

Mọi người đều háo hức cho lần đầu chứng kiến một hiện tượng thời tiết chưa từng gặp. Không hiểu sao Loan có cảm giác bình thường, nó không phải là sự chai lì cảm xúc mà kiểu như không đủ sức để quan tâm đến điều đó. Đôi bàn tay của Loan bị khô xước, nứt nẻ bởi thời tiết của mùa đông. Nỗi nhớ nhà, nhớ bà, nhớ chồng thêm da diết. Sự thất vọng với cuộc sống hiện tại không như mong muốn. Tất cả làm cho đôi mắt của cô gái đôi mươi vốn đã buồn lại càng thêm chất chứa tâm sự hơn.

Khác với Loan, Thắm thuận lợi hơn vì có điều kiện kinh tế tốt hơn trong lúc chờ thẻ và được đi học làm nail. Sau hai tháng, Thắm cũng đã bắt đầu biết làm những việc căn bản và đã được nhận lương. Cuộc sống dễ thở hơn cũng làm Thắm luôn vui vẻ và tươi cười, khác với vẻ trầm ngâm và luôn ưu tư của Loan.

Nói đến Tuấn với Trung ở cùng nhà. Tuấn sang Ba Lan theo dạng xin đi du học rồi chuyển qua thẻ lao động và đi làm. Thấm thoát cũng được gần 10 năm. Đổi lại Tuấn cũng đã có được tấm thẻ 5 năm làm việc ở Ba Lan. Giờ đây, Tuấn có đủ điều kiện đi nước khác trong khối Schengen để làm việc.

Phần vì đã quen với Ba Lan, phần vì muốn ở lại để mở một nhà hàng riêng cho mình nên Tuấn quyết định chọn Ba Lan để lập nghiệp lâu dài. Ngày mới sang Ba Lan Tuấn mới chỉ là một chàng thanh niên 18 tuổi còn ngây thơ, hồn nhiên. Cuộc đời lao động vất vả, sau gần 10 năm Tuấn giờ trở thành một gã đàn ông chững chạc và có vẻ từng trải.

Ngược lại với Tuấn, con đường xuất ngoại của Trung lại lận đận vất vả hơn rất nhiều. Sau khi mất 10 ngàn đô cho dịch vụ, Trung sang được Nga. Từ Nga, Trung được đưa đến vùng biên giới rồi tập trung ở một ngôi nhà hẻo lánh. Trung phải chờ đợi ở đó hàng tuần. Trong suốt quá trình chờ đợi, nhóm của Trung chỉ có ăn bánh mỳ và uống nước lọc cầm hơi. Sau hai tuần chờ đợi, Trung cùng nhóm vượt biên qua rừng.

Ai đã từng đi theo con đường này đều hiểu những sự nguy hiểm vất vả như thế nào. Có nhiều người phải bỏ mạng trên đường.

Có những người bị lính biên phòng bắt, tạm giam rồi trục xuất về nước. Sau khi băng rừng vượt qua biên giới nhóm của Trung tiếp tục được đưa lên một xe ô tô đông lạnh. Họ phải ngồi suốt 8 tiếng đồng hồ trong điều kiện chật chội và lạnh giá trong chuyến xe định mệnh, đầy rủi ro để đến Ba Lan. May mắn là chuyến xe này không bị lính biên phòng bắt nên Trung đã đến được Ba Lan.

Trung quen Tuấn khi xin làm phụ bếp cho một nhà hàng Việt Nam rồi về ở cùng nhau.

Ở Ba Lan, ngoài buôn bán quần áo thì nghề chính của lao động người Việt là làm trong các nhà hàng. Không có con số thống kê chính thức, nhưng có hàng ngàn các nhà hàng Việt Nam ở lãnh thổ Ba Lan. Hoạt động kinh doanh ẩm thực của người Việt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sau năm 2003, từ sự kiện chó mèo, các nhà hàng Việt Nam đã bị tẩy chay.

Có nhiều chủ nhà hàng đang làm ăn phát đạt mà phải dừng hẳn hoạt động sau thời gian không thể cầm cự được. Nói đến sự kiện chó mèo, cụ thể là báo chí Ba Lan họ theo dõi và phát hiện có nhà hàng giết chó để tiêu thụ. Sự kiện được thổi ầm ĩ trên truyền thông vào thời điểm đó. Cũng có người Việt nói là đó là thịt dê, và chẳng qua sự kiện trên là một ý đồ nhằm đánh vào việc kinh doanh ẩm thực của người Việt. Tuy nhiên, một điều không thể bàn cãi là rất nhiều người Việt thích ăn thịt chó. Họ mang thịt chó từ Việt Nam sang, thậm chí giết chó để có thể thưởng thức món thịt mà mình yêu thích.

Đó lại là một hành vi không được chào đón ở Ba Lan, một quốc gia mà xếp theo thứ tự ưu tiên về quyền được tôn trọng, bảo vệ thì con chó đứng chỉ sau phụ nữ, trẻ em, thậm chí còn đứng trước cả đàn ông.

Tuy nhiên, theo thời gian, một số nhà hàng vẫn bám trụ, một số mới được mở ra và họ cố gắng xây dựng lại hình ảnh. Và sau một thời gian các nhà hàng đã lấy lại được thiện cảm của người dân. Hiện nay, số lượng nhà hàng ẩm thực Việt Nam đã rất lớn và không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng phát triển hơn.

Những người làm việc trong nhà hàng như Tuấn và Trung thường không có thời gian cho bản thân. Họ phải làm việc từ sáng đến tận 9 – 10 giờ đêm. Nếu ai đã từng làm quán đều hiểu được rằng, công việc của những người làm quán thường là rất vất vả.

Thứ nhất là họ phải làm việc liên tục trong một khoảng thời gian dài trong ngày và liên tục trong tháng, trong năm.

Thứ hai là môi trường làm việc tương đối độc hại. Họ phải tiếp cận với không gian bếp núc, nơi mà hàng ngày họ phải hít một lượng lớn các khí thải độc hại từ dầu ăn, từ các đồ nấu nướng, những thứ mà ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, làn da và mắt của họ. Ngoài ra, việc ăn uống của những người làm quán cũng rất thất thường. Họ không có thời gian cố định cho bữa ăn. Hình ảnh các đầu bếp đứng ăn, hoặc ăn vội ăn vàng là hình ảnh quá bình thường của các quán Việt Nam. Tuy nhiên, những thứ vất vả đó cũng chưa thấm vào đâu so với nỗi cô đơn trong con người họ.

Các mối quan hệ xã hội của người làm trong quán thường rất hạn chế. Họ gần như chỉ giao lưu với những người trong bếp, mà chủ yếu là sự giao lưu về công việc. Còn những chia sẻ về cuộc sống, về bạn bè, về tình yêu thực sự là một khoảng trống trong tâm hồn những người dầu chảo này. Họ biết tương tác với ai khi mà họ đi làm từ sáng và ra về khi phố phường đã dần chìm vào trong giấc ngủ.

Nói như vậy để biết là nhu cầu giao lưu chia sẻ, tâm sự của những người làm bếp họ thiếu thốn lắm. Vì vậy, khi Loan và Thắm đến ở chung nhà với Trung và Tuấn thì họ vui biết dường nào. Hàng ngày, sau giờ làm về Tuấn và Trung đều kiếm lý do để nói chuyện với Loan và Thắm. Rồi họ trở nên thân thiết như những người trong nhà.

Người ta nói, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Thắm và Tuấn chẳng mấy chốc trở thành một cặp. Họ quấn vào nhau như chưa bao giờ được yêu. Giờ làm hàng ngày của hai người dường như dài ra vì họ chỉ mong làm sao khi hết giờ làm để kịp về bên nhau.

Còn Trung cũng rất quý mến và thích Loan. Nhiều lần anh cũng muốn ngỏ lời với Loan.

Tuy nhiên, Loan đã là người đã có gia đình và luôn thể hiện là người đúng mực nên Trung không thể làm điều đó được. Loan cũng biết ý của Trung. Có những lúc trong lòng cô cũng trống trải, cũng muốn có một bờ vai dựa vào. Nhưng bản chất là một người có nhân cách, cô vẫn giữ mình một khoảng cách an toàn với cái ranh giới đó.

Cũng có một vài khoảnh khắc suy nghĩ hơi lạc một nhịp, cô lại tự tìm về những hình ảnh của chồng, của bà ngoại ở quê nhà để mạnh mẽ vượt qua.

Trung và Loan cũng thường xuyên nói chuyện, tâm sự với nhau. Những câu chuyện của Loan, cách ứng xử của Loan làm Trung càng quý mến cô hơn.

Vì là người trải qua những thăng trầm vất vả cuộc đời nên Trung dễ đồng cảm và biết trân trọng những giá trị thực của cuộc sống. Trung càng ngày càng quan tâm chăm sóc cho Loan mà không cần đòi hỏi một điều gì, kiểu như một tình yêu thầm lặng, không cần danh phận, không cần đền đáp. Và Trung cảm thấy vui với một kiểu quan hệ như vậy. Anh tự cho đó là một mối tình thầm kín của mình, và anh muốn duy trì, anh muốn ngắm nghía, ngẫm nghĩ về nó.

Loan đang bị ốm. Mà cô ốm rất nặng, người sốt 39 độ, toàn thân đau nhức.

Những lần trước dù có ốm Loan cũng cố gượng dậy để đi làm. Nhưng lần này, cô mệt đến nỗi không thể gượng dậy được. Mấy anh chị em trong nhà thay nhau chăm sóc Loan. Mấy hôm nay, Trung thường nhờ Tuấn làm một số việc thay cho mình và xin về sớm để lo lắng cho Loan. Mùa đông đã về, mới 3 giờ chiều mà trời đã trở tối tưởng như đã muộn giờ lắm rồi.

Đang chuẩn bị nấu một suất nữa cho khách, chuông điện thoại của Trung reo, bên đầu dây tiếng khóc của Loan nức nở không nên lời.

Trung chỉ kịp bảo Tuấn một câu rồi buông bỏ muôi chảo phi thật nhanh về nhà. Bên cửa sổ, trên chiếc giường, Loan đang ngồi khóc nước mắt đầm đìa. Chồng của Loan đã yêu người đàn bà khác và hai người đã có thai với nhau. Loan chỉ vừa biết chuyện khi chính cô bồ đó đã nhắn cho Loan. Loan đã kiểm tra lại thông tin với Dũng.

Chồng Loan đã thú nhận tất cả và phũ phàng nói lời chia tay với Loan. Trái tim Loan đau như có từng nhát cắt, bóp nghẹt. Cô cảm thấy quá khổ đau khi tình yêu bị phản bội, khi sự hy sinh, khổ cực suốt thời gian qua chẳng có ý nghĩa gì, khi lòng chung thủy một dạ sắc son của cô được đáp đền như vậy.

Trung đến ôm đôi vai gầy bé nhỏ của Loan thay cho sự chia sẻ vỗ về. Anh biết chẳng có lời nói nào lúc này có thể làm Loan vơi đi nỗi lòng. Hai người ngồi lặng im tựa vai nhau nhìn ra khung cửa sổ. Như hòa cùng nỗi buồn của Loan, những giọt nước mắt cũng lăn trên má Trung. Trung thương cho số phận của Loan cũng như thương cho chính mình như những cánh bèo trôi phiêu bạt giữa dòng đời không biết đâu là bến là bờ.

Ngoài trời, mưa tuyết vẫn rơi miên man, trắng xóa một miền, cả không gian châu âu đã bị nuốt gọn bởi một mùa đông u sầu.

Kim 3/2019

Nguồn: Queviet.eu


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan