Những nơi có đông đảo cộng đồng người Việt ở Mỹ như San Jose, Santa Clara, Westminster (bang California) hay Houston (bang Texas), tiếng Việt được nói nhiều thì việc gìn giữ tiếng Việt có thể thuận lợi hơn đôi chút nhưng nhìn chung vẫn rất khó khăn.
Tại một số thành phố như Portland (bang Oregon), Seattle (bang Washington), Austin (bang Texas) đã có một số người Việt đứng ra lập trường học tư nhân dạy song ngữ Anh – Việt.
Một số trường mẫu giáo ở bang Oregon, trong đó có Trường Roseway Heights có chương trình dạy tiếng Việt trong buổi chiều. Bang Oregon là một trong những bang đi đầu về dạy tiếng Việt trong các trường công ở Mỹ và đang có kế hoạch dạy tiếng Việt từ mẫu giáo đến lớp 12.
Còn Texas được xem là bang đầu tiên đưa song ngữ Việt – Anh vào chương trình giảng dạy chính thức tại trường công.
Nhưng, số trường có dạy tiếng Việt vẫn còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, người Việt tại Mỹ ai cũng muốn cho con em mình thụ hưởng nền giáo dục chính thống của Mỹ thông qua những ngôi trường tốt nhất của người bản xứ. Chính vì vậy, việc học tiếng Việt nhìn chung là do cha mẹ, ông bà truyền đạt lại cho con cháu.
Thế hệ đi trước truyền lại thế hệ đi sau. Một số gia đình chọn cách đưa con mình đến các trường học tư nhân học thêm tiếng Việt vào cuối tuần.
Một lớp học song ngữ Anh - Việt ở Westminster, bang California, Mỹ
Cô Tina Trần đến Mỹ giữa thập niên 1990. John Nguyễn, con trai của cô sinh năm 1996, mặc dù nói tiếng Việt khá rành nhưng không biết viết chữ Việt. “Vì bận rộn mưu sinh nên tôi không có thời gian dạy cháu viết”, cô thổ lộ.
Tôi hỏi John có ý định học viết chữ Việt hay không thì cậu ấy nói: “Khó quá và không còn thì giờ”.
Nhìn chung, việc truyền đạt tiếng Việt từ thế hệ trước sang thế hệ sau ở Mỹ dù muốn hay không đã bị mai một và không thể nào bằng việc đến trường học một cách bài bản. Kết quả là đã có không ít các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt nói tiếng Việt lơ lớ và nhiều bạn phải vay mượn tiếng Anh rất nhiều chỉ trong một câu, có khi một câu thì pha hết 50% – 70% tiếng Anh. Nhưng như vậy có khi vẫn còn khá vì nhiều bạn không được các thế hệ đi trước dạy tiếng Việt.
Chị Mary Dương ở Austin, bang Texas, được cho là người có kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con, nói:
“Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi dạy con tiếng mẹ đẻ”.
Chị sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 1995. Monica Võ, con gái chị ra đời 2 năm sau đó. Giờ đây, vừa tốt nghiệp đại học, Monica cũng mới biết viết tiếng Việt sau vài năm được mẹ dạy.
Chị Mary kể khi bé Monica vào mẫu giáo của trường Mỹ, do muốn để con hòa nhập với các bạn cùng lớp nên chị ngưng dạy tiếng Việt cho con một thời gian dài đến tận đầu năm lớp 6.
Chính vì vậy mà sau này, dạy lại tiếng Việt cho con rất khó vì con đã quên gần hết. Theo chị, ngôn ngữ phải là một quá trình tiếp nhận liên tục và vì vậy, việc dạy tiếng Việt cho con phải thường xuyên, song song với tiếng Anh ngay từ khi con trẻ mới ra đời. Bên cạnh đó, theo chị, tiếng Việt phải được dạy kèm với các phong tục, tập quán của người Việt thì thế hệ trẻ mới có thể dễ dàng tiếp nhận.
Hơn nữa, nên để thế hệ trẻ sống cùng hoặc giao lưu càng nhiều với người Việt càng tốt.
Và điều không thể thiếu là khi có điều kiện sẽ đưa chúng về thăm quê hương. “Đó cũng là cách học tiếng Việt tốt nhất”, chị Mary nói.
Theo: sggp.org.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC