Giữ tiếng Việt – „tiếng bố đẻ“ cho con ở Phần Lan

Giữ tiếng Việt – „tiếng bố đẻ“ cho con ở Phần Lan

Ai đó giữ được tiếng mẹ đẻ cho con khi sống ở nước ngoài đã là rất quý. Vậy mà cô dâu Việt, người Phần Lan còn quan tâm và tìm cách ươm mầm tiếng Việt cho con, khi con chưa đầy tuổi.

Trong ngôn ngữ học, người ta chỉ nói nhiều đến khái niệm “tiếng mẹ đẻ” (mother tongue) và ai đó giữ được tiếng mẹ đẻ cho con khi sống ở nước ngoài đã là rất quý. Vậy mà cô dâu Việt, người Phần Lan này còn quan tâm và tìm cách ươm mầm tiếng Việt (vốn chỉ là tiếng bố đẻ của con nơi xứ sở của mình) cho con, khi con chưa đầy tuổi.

Thật đáng quý và trân trọng biết bao!

132 1 Giu Tieng Viet  Tieng Bo De Cho Con O Phan Lan

Một số cuốn sách được dịch ra tiếng Việt được cô gái người Phần Lan mua cho con

Mùa hè năm ngoái, một lần mở email, tôi nhìn thấy trong hộp thư của mình có thư từ một địa chỉ lạ gửi đến.

Sau một chút ngần ngừ, tôi liều mở ra và đọc được những dòng sau (dịch ra từ nguyên văn tiếng Phần Lan):

“Tôi nhận được thông tin liên lạc của bạn từ thư viện. Tôi là mẹ của con gái Phần Lan gốc Việt tên là Mỹ An, và chúng tôi muốn đọc sách cho con của mình nghe bằng cả hai thứ tiếng.

Tìm được rất nhiều cuốn sách hay từ trong thư viện, nhưng tôi cũng muốn mua cho con mình những cuốn sách riêng. Liệu có thể mua những cuốn sách bạn đã dịch qua bạn được không? Bạn có thể tư vấn cho tôi việc đặt mua những cuốn sách khác bằng tiếng Việt được không? Tôi rất muốn tìm mua các bản dịch tiếng Việt những cuốn sách tiếng Phần Lan và Bắc Âu vì chúng tôi thường nhận được bản dịch tiếng Anh của những cuốn sách này từ những người thân ở Hoa Kỳ.

Gửi lời chúc tốt đẹp nhất,Onerva Annaniemi-Nguyen và My An.”

Sau khi đọc được câu đầu tiên, tôi thấy yên tâm, vì nhớ ra tôi đã từng đồng ý với thư viện Helsinki để họ được cung cấp email của mình cho những ai muốn có thêm thông tin về những cuốn sách mà chúng tôi đã dịch sang tiếng Việt.

Trong thư trả lời, tôi ghi cho cô tên những cuốn sách Phần Lan được chúng tôi dịch sang tiếng Việt cùng với website và địa chỉ liên lạc của nhà xuất bản Kim Đồng, nơi đã xuất bản các cuốn sách đó và trang tiki.vn, khuyên cô liên lạc với họ để đặt mua từ Việt Nam. Nhưng hai hôm sau cô viết lại và cho biết cô vào hai địa chỉ tôi cung cấp, song không tìm được sách từ đó và nhờ tôi mua giúp cô, nếu có thể.

Ngạc nhiên và quí trọng sự quan tâm giữ tiếng Việt cho con gái của cô, tôi đã bàn với đồng dịch giả (vợ tôi) là để lại cho cô một số bản dịch, trong đó có vài cuốn là bản cuối cùng trong số sách biếu dành cho dịch giả của mình. Bởi thái độ trân trọng tiếng Việt chỉ là tiếng của bố đẻ con mình của cô khiến tôi cảm kích và nhớ lại một chuyện mà một nhà dân tộc học Việt Nam, người Nga rất yêu quý Việt Nam từng kể với chúng tôi cách đây hơn hai mươi năm.

Bà kể rằng, một lần đang chờ metro ở Helsinki, bà nghe thấy ở phía xa một tốp thiếu nhi nói tiếng Việt với nhau.

Bà liền đi đến gần và định bắt chuyện để được nói tiếng Việt, nhưng tốp thiếu nhi này liền đáp lại bà bằng tiếng Phần Lan, sau đó chuyển sang nói với nhau bằng tiếng Phần Lan. Chỉ là câu chuyện nhỏ, nhưng khi được nghe tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì có người bạn rất yêu quý ngôn ngữ của dân tộc mình. Quay trở lại câu chuyện người mẹ Phần Lan, hôm sau tôi gặp cô để trao sách, chúng tôi hết sức bất ngờ khi biết nàng dâu Việt còn rất trẻ và con gái cô mới sinh được 6 tháng.

Cô chia sẻ mặc dù con gái còn bé vậy, song cô và chồng thường thay nhau đọc cho con nghe cả sách tranh bằng tiếng Phần Lan và tiếng Việt mỗi khi chơi với con hoặc trước khi cho con ngủ. Thư viện gần nhà cô có rất nhiều sách cho thiếu nhi, trong đó có cả truyện tranh bằng tiếng Việt, song cô muốn “lập cho con một thư viện riêng” với sách tiếng Việt ở nhà.

Trong ngôn ngữ học, người ta chỉ nói nhiều đến khái niệm “tiếng mẹ đẻ” (mother tongue) và ai đó giữ được tiếng mẹ đẻ cho con khi sống ở nước ngoài đã là rất quý.

Vậy mà cô dâu Việt, người Phần Lan này còn quan tâm và tìm cách ươm mầm tiếng Việt (vốn chỉ là tiếng bố đẻ của con nơi xứ sở của mình) cho con, khi con chưa đầy tuổi. Thật đáng quý và trân trọng biết bao!

Mấy hôm sau, tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên trang facebook của “Cộng đồng người Việt ở Phần Lan”. Cũng thật bất ngờ, thú vị là câu chuyện đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của rất nhiều thành viên là phụ huynh trong cộng đồng, thuộc nhiều lứa tuổi.

Mọi người đều bày tỏ sự quý trọng cô dâu Việt người Phần Lan đó và mong cộng đồng có nhiều cô dâu, chú rể có quan điểm tương tự.

Nhiều người còn chia sẻ những trải nghiệm của mình trong việc ươm mầm và giữ gìn tiếng Việt cho con, cháu mình nơi đất khách. Có bạn kể: “Có lần có một ông bố người Phần Lan đến lớp tiếng Việt của em, em ngỡ ngàng không hiểu có chuyện gì, mãi lâu sau anh mới nói thằng bé nói muốn ba đến xem bạn học tiếng Việt. Vậy là lần đầu tiên trong đời, trong lớp tiếng Việt của em có một phụ huynh người Ba Lan học cùng con 90 phút và cậu bé đã rất vui và tự hào với ba (cậu bé không biết nói tiếng Việt).

Đặc biệt, sau khi đọc câu chuyện tôi chia sẻ, chủ một tiệm sách tiếng Việt ở Phần Lan có tên “Tiệm Mọt tại Phần Lan” đã xin tôi địa chỉ của cô dâu Việt và tặng một số sách tranh tiếng Việt rất đẹp cho con gái cô. Sau đó tôi lại nhận được thư của cô dâu người Phần Lan, biểu lộ sự bất ngờ và cảm ơn tôi đã chia sẻ việc làm hết sức “tự nhiên” của cô tới cộng đồng.

132 2 Giu Tieng Viet  Tieng Bo De Cho Con O Phan Lan

Một lớp học tiếng Việt tại Helsinki, Phần Lan, năm 2019

Nhưng cũng có người có quan niệm “thoáng hơn”, cho rằng tiếng nào tốt nhất sẽ là “tiếng mẹ đẻ” vì thấy việc giữ tiếng Việt cho con nơi xứ người thật không dễ.

Người đó viết: “Quan điểm của cháu không khác quan điểm của chú, là cháu vẫn cố gắng giữ tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - cho con mình.

Nhưng cháu không đặt mục tiêu từ đầu là con phải giỏi tiếng của mình, phải nói viết tốt... và cháu sẽ không buồn nếu sau này con cháu không giỏi tiếng mẹ đẻ. Khi tới tuổi đi học, vì lý do nào đó con cháu không chọn học tiếng Việt mà một ngôn ngữ nước ngoài khác thì cháu vẫn tôn trọng sự quyết định đó.

Cháu vẫn sẽ luôn nói tiếng Việt với con, làm bạn với con, học cách những bà mẹ khác giữ tiếng mẹ đẻ cho con, học cách làm cho con thích tiếng Việt, văn hoá của mình...

Suy tự đáy lòng mình ra thì ba mẹ nào cũng rất hạnh phúc khi con cái giao tiếp với mình bằng ngôn ngữ của chính mình, biết nguồn gốc.

Nhưng cháu biết điều cháu đang làm không hề dễ dàng vì nhà cháu có 3 ngôn ngữ (bố là người Phần Lan, mẹ là người Việt, bố mẹ giao tiếp nhau bằng tiếng Anh), môi trường xung quanh nhà cháu không có người Việt và chắc chắn con cháu chỉ học từ mẹ hoặc trường học tới tuổi đi học.

Cháu rất vui khi Phần Lan có chính sách dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh gốc nước ngoài (hình như 10 hay 12 bé trở lên đăng ký học là được mở lớp. Đó là quan điểm rất nhân văn và tiến bộ của bộ giáo dục Phần Lan mà những nước có nhiều người Việt như Anh, Mỹ, Úc, Canada... phải thèm muốn vì họ vẫn phải gửi con đi học ở trường Việt ngữ ở địa phương hoặc nhà thờ vào cuối tuần”. Tiếng Việt là một trong hơn 150 ngôn ngữ được nói ở Phần Lan.

Luật ngôn ngữ ở Phần Lan quy định người nói các ngôn ngữ khác nhau được quyền sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình trong một số lĩnh vực như an sinh xã hội, y tế, cảnh sát và tòa án.

Chính quyền địa phương đảm bảo dịch vụ phiên dịch và chi phí cho các lĩnh vực này. Trong lĩnh vực giáo dục, cũng như các nước Bắc Âu, ở Phần Lan, học sinh ở bậc học phổ thông (lớp 1 đến lớp 12) trong cả nước được học tiếng mẹ đẻ miễn phí ở trường, nếu có số đủ lượng để tổ chức lớp theo quy định của các cơ sở giáo dục. Hàng năm, trước khi kết thúc năm học, các học sinh đăng kí với các trường nguyện vọng học tiếng mẹ đẻ cho năm học sau để trường tìm giáo viên và tổ chức lớp.

Vì vậy tùy theo nguyện vọng của học sinh từng năm mà số lượng học sinh và lớp học tiếng mẹ đẻ được tổ chức khác nhau. Mấy năm gần đây, mặc dù ngân sách dành cho giáo dục bị cắt giảm, song kinh phí chi cho các lớp học tiếng mẹ đẻ của học sinh nhập cư vẫn được duy trì. Mỗi năm, học sinh của 50-55 ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Phần Lan hay tiếng Thụy Điển trong cả nước được học tiếng mẹ đẻ của mình ở trường miễn phí, nếu có đủ số học sinh để mở lớp.

Không chỉ trả tiền cho giáo viên dạy, các địa phương có lớp học còn cấp kinh phí mua sách giáo khoa cho các lớp học. Nhưng, đáng tiếc là không phải tất cả phụ huynh cũng như học sinh nhập cư ở đây đều thấy việc đó là cần thiết và tận dụng.

Nguồn: Võ Xuân Quế (từ Helsinki, Phần Lan)/quehuongonline


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan