Người Việt qua Úc với nhiều mục đích khác nhau. Có người qua để du học, để làm việc, hay để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều người khi mới qua cũng chưa xác định rằng, liệu mình có muốn tiếp tục sống ở đây cho đến hết quãng đời còn lại hay không.
Thế nhưng sau một khoảng thời gian ổn định và thích nghi với cuộc sống mới, phần lớn đều muốn ở lại đất nước này. Và từ đó, những day dứt về nước Úc như là một quê hương thứ hai, cũng như về bản sắc Việt trong bản thân mỗi người lại trỗi lên.
Chị H., một nhân viên văn phòng ở Sydney, kể lại quá trình hoà nhập với cuộc sống Úc của mình.
“Mình qua Úc hồi đầu năm 2010, đến nay là tròn 9 năm. Lúc đầu thì mình đi học, là sinh viên, sau đó tốt nghiệp xong cũng bắt đầu nghĩ đến việc… cuộc sống ở đâu thì phù hợp hơn. Lúc đó thì mình nghĩ là ở Úc thì mình cũng không biết là có thực sự phù hợp hay không, nhưng mà mình muốn thử.
“Cho nên mình bắt đầu tìm việc làm và cố gắng tăng số điểm để mà có visa ở lại. Càng ngày càng quen dần với cuộc sống ở đây thì tính đến nay là 9 năm. Mình vừa mới có được quốc tịch hồi tháng rồi.”
Nói về bản sắc Việt của mình, chị H. cho rằng dù đã sống ở Úc gần 10 năm, song chị vẫn cảm thấy mình “hoàn toàn là người Việt Nam.”
“Thú thật là sau 9 năm sống ở Úc thì mình vẫn thấy mình hoàn toàn là người Việt Nam. Mặc dù nói thật là khi về Việt Nam thăm gia đình hoặc đi chơi với bạn bè ở Việt Nam thì mình cũng cảm thấy là cách sống của mình cũng thay đổi khá nhiều so với mọi người ở đó.
“Nhìn lại quá trình sống ở Úc, mình cũng học được rất nhiều, chẳng hạn như cách cư xử với mọi người, hoặc là cách suy nghĩ cũng cởi mở hơn và cũng khác nhiều so với thời gian mình sống ở Việt Nam. Mình thấy quãng thời gian sống ở Úc đã dạy cho mình được nhiều điều. Tuy vậy, mình vẫn không thấy mình trở thành một người Úc hoàn toàn.”
Còn anh Đ., một nhân viên y tế ở Melbourne, thì cho biết anh cảm thấy rất vui khi có được quốc tịch Úc.
“Mình qua Úc từ năm 2003 dưới hình thức là du học sinh trung học. Mình có quốc tịch từ khoảng năm 2015. Nói chung là vui vì mục tiêu chính của mình là có quốc tịch để được định cư tại Úc theo con đường hợp pháp nhất có thể.”
Thế nhưng anh cũng có quan điểm giống với chị H., rằng dù mang quốc tịch Úc, song anh vẫn xem mình là người Việt Nam “chính gốc”.
“Mặc dù đã có quốc tịch Úc nhưng mà mình vẫn coi mình là người Việt, tại vì thực sự mình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.
“Mình có dịp may được qua Úc nên mình có thể tiếp thu được nền giáo dục của một nước tiến bộ như vậy thì mình rất là cảm ơn nước Úc, nhưng mà thực chất thì mình vẫn là dân Việt Nam chính gốc thôi.”
Chị Đ. sang Úc hồi năm 1997 và có quốc tịch hai năm sau đó, chia sẻ rằng chị luôn cố gắng dung hòa cái hay, cái đẹp của cả hai nền văn hóa.
“Mình là người Úc gốc Việt. Người Úc gốc Việt thì dù muốn dù không mình cũng không bỏ đi cái gốc của mình rồi. Nhưng mà nếu 100% Việt thì thực ra ở lâu thì cái suy nghĩ, cái quan điểm cũng thay đổi ít nhiều theo ảnh hưởng của người Úc.
“Với lại mình luôn theo quan điểm là cái gì hay của mình thì mình giữ lại, nhưng mà cái gì hay của người ta thì mình học hỏi theo. Cho nên từ quan niệm nuôi dạy con cái, về vấn đề đa sắc tộc, những cái đó mình cởi mở hơn và mình theo quan điểm của Úc nếu mà mình thấy nó hay.
“Còn quan điểm Việt Nam của mình còn nhiều cái phong kiến, bảo thủ thì những cái đó mình cảm thấy nó không thích hợp, thì mình sẽ bỏ qua. Cho nên mình cảm thấy là mình dung hòa được hai nền văn hóa.”
Tuy nhiên, chị Đ. cho rằng khả năng sử dụng tiếng Anh là rất quan trọng trong việc xóa bỏ rào cản ngôn ngữ và giảm thiểu kỳ thị tại Úc.
“Thời gian mới tới Úc, không biết tiếng Anh nhiều, rồi cũng không tiếp xúc, không mở rộng bên ngoài nhiều, tôi thấy không thay đổi gì nhiều lắm. Sống ở Úc nhưng mà quan điểm, suy nghĩ cũng không thay đổi gì nhiều, cũng không cảm thấy thích hợp lắm với nước Úc.
“Sau này bắt đầu đi học, đi làm, tiếp xúc với người Úc nhiều, mở rộng tầm nhìn ra ngoài, thì mình cảm thấy mình hòa đồng được hơn. Tôi nghĩ vấn đề ngôn ngữ là trở ngại lớn. Nếu mình sống ở nước người ta mà mình không nói được ngôn ngữ của người ta, thì mình sẽ bị gò bó rồi mình sẽ cảm thấy khoảng cách rất lớn, cảm thấy bị tách biệt, bị cô lập.
“Cho nên nếu mình xóa được rào cản ngôn ngữ thì tự dưng mình sẽ thấy sự gần gũi đối với nước Úc và mình cũng giảm thiểu đi được một số vấn đề kỳ thị hay là những vấn đề làm mình không vui.”
Chị H. cũng kể rằng hồi mới qua Úc, chị rất tích cực giao tiếp với các bạn bè quốc tế nhằm cải thiện vốn tiếng Anh. Song sau một thời gian, chị dần quay lại nếp sinh hoạt cũ của người VIệt.
“Mình nhớ là thời kỳ đầu tiên khi mình mới qua Úc, mình muốn học và muốn cải thiện vốn tiếng Anh, nên mình ở với các bạn sinh viên quốc tế và người Úc rất nhiều. Nhưng càng ngày có vẻ như bản chất người Việt của mình vẫn kéo mình trở về.
“Mình vẫn không thể nào thay thế hoàn toàn được cách sống, vẫn ăn uống theo kiểu người Việt, sinh hoạt, gặp gỡ cộng đồng người Việt nhiều hơn, và bạn bè mình cũng là người Việt Nam nhiều hơn. Có thể nói là cho dù mình sống ở Úc càng lâu thì mình cũng không thể nào biến mình hoàn toàn trở thành một người Úc được, vẫn là người Việt Nam.”
Chị Đ. ví von tiếng Anh như là chiếc chìa khóa để mở ra những chiếc hộp đóng kín trong xã hội Úc.
“Có nhiều người nói với tôi rằng họ qua Úc lúc lớn tuổi rồi nên cảm thấy không cần thiết học tiếng Anh. Thì thực sự tôi cũng khởi điểm lúc tuổi cũng bắt đầu lớn. Nó khó chứ không dễ. Nhưng mà nhờ tôi xóa dần rào cản ngôn ngữ thì nó đã giúp ích mình rất nhiều, từ việc nuôi dạy con cái, xóa bỏ kỳ thị, dẫn tới sự hòa nhập văn hóa và làm cho mình bớt bị cô lập, bớt bị buồn tẻ.
“Bởi vì nhiều người nói ở Úc buồn như mà thực sự ra nó có nhiều cái rất là hay, giống như những cái hộp đóng kín mà mình cần những cái chìa khóa, đó là chìa khóa ngôn ngữ để mở những cái hộp đó ra, thì có rất nhiều điều hay để khám phá ở đó.”
Nhìn chung, phần lớn người Việt đều bày tỏ lòng biết ơn đối với nước Úc, vì những đãi ngộ về xã hội, y tế hay giáo dục. Chị H. nói:
“Nước Úc đã cho mình sự tự do. Mình nhìn lại quá trình mình ở Úc, thì mình cũng có phần tự hào là mình đã cố gắng và làm việc để mình chọn được một cuộc sống tự do hơn.”
Kết hôn giả để định cư Úc: Câu chuyện về “Ly hôn giả thành thật, mất cả chì lẫn chài”
Còn anh Đ. thì chia sẻ rằng nếu chọn sống giữa Úc và Việt Nam, thì anh sẽ chọn sống ở Úc khi trẻ.
“Riêng độ tuổi mình thì mình nghĩ mình sẽ sống ở Úc nhiều hơn, tại vì thực sự có nhiều việc mà mình cảm thấy hợp lý hơn, ví dụ như an ninh xã hội tốt hơn, vấn đề y tế cũng tốt hơn, thì nó có thể giúp cho mình làm việc một cách tối ưu, và con mình sẽ hưởng được một nền giáo dục tốt.”
Theo SBS Vietnamese
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC