"Vua rác" David Dương có sự nghiệp thành công ở Mỹ.
Trong một chuyến công tác tới Bắc Mỹ, tôi có cơ hội tới thăm công ty xử lý chất thải California Waste Solutions (CWS) của ông chủ người Việt David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Nhân chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyển Xuân Phúc tới New York tháng 9/2021 vừa qua, ông Dương và gia đình đã tặng thêm một triệu máy thở tự tạo khí oxygen (trị giá gần 3 triệu USD) phục vụ công tác chông dịch của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Chặng đường trở thành tỷ phú
Ông David Dương tên thật là Dương Tử Trung, sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Gia đình ông là chủ hãng giấy nổi tiếng Sài Gòn một thời, Logido. Cuối năm 1980, cả gia đình chuyển tới San Francisco (Mỹ) định cư. Bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ lạ, ông và gia đình đã trải qua những năm tháng khó khăn, thử thách, không vốn liếng, không phù hợp khí hậu thời tiết, không mối quan hệ….
Thời gian đầu, gia đình ông khởi nghiệp bằng nghề lượm ve chai. Người đàn ông nhỏ bé nhưng lanh lợi ngậm ngùi chia sẻ: “Đến đây nơi hoàn toàn xa lạ, lạc lõng, không biết ngoại ngữ, cha mẹ dạy chúng tôi không dành dụm lúc đầu thì không thể sung túc về sau, nên mấy anh em chúng tôi đi lượm ve chai để bán kiếm sống. Chúng tôi rong ruổi trên tuyến xe buýt số 16 đi khắp thành phố San Francisco, đến những con ngõ hẻm, tiếp cận và làm quen với dân ve chai nhặt từng mẩu giấy, vỏ hộp”.
Xe xử lý rác thải của Công ty California Waste Solutions.
Đến một ngày, các thành viên trong gia đình ông tích cóp được tổng số 700 USD và quyết định mua trả góp một chiếc xe tải cũ với giá hơn 2.000 USD, để thu gom phế liệu khắp thành phố, phân loại và đem bán. Từ chiếc xe cũ này, những chiếc xe khác được mua thêm, và cơ ngơi của “ông vua rác” bắt đầu khởi sắc từ đó. Rồi dần dần mua thêm được mấy chiếc xe và cơ ngơi bắt đầu khá dần lên.
Đến năm 1981, David Dương quyết định qua Đài Loan (Trung Quốc) tìm một người quen cũ của cha mình, rồi trở về cùng gia đình mua máy đóng kiện xuất khẩu phế liệu giấy tái chế sang Đài Loan. Công ty Quản lý và Tái chế Logido ra đời hai năm sau đó, nhưng đến năm 1990 thì đã ôm một khoản nợ lên tới hơn 1 triệu USD. Logido được bán lại cho Norcai Wastesystems, công ty rác lớn top đầu nước Mỹ khi đó.
Không chịu thua số phận, David Dương gắng gượng cùng gia đình thành lập công ty tái chế rác mang tên: California Waste Solution (CWS). Từ chỗ chỉ có một chiếc xe tải cũ, dần dần, CWS đã có đội xe 11 chiếc.
Đến năm 1993, gia đình ông đã mở rộng việc thu gom và tái chế rác ra nhiều thành phố Oakland, San Jose, Sac Ramento, Contra Costa…
Thời điểm đó, được biết thành phố Oakland sẽ tổ chức đấu thầu thu gom rác thải phế liệu, nên ông và gia đình quyết định xây dựng ba nhà máy với chi phí 250 triệu USD và tiếp tục đầu tư ba nhà máy mới với tổng vốn 350 triệu USD.
Năm 1992, CWS đã trúng gói thầu thu gom phế liệu một nửa thành phố với trị giá vài chục triệu USD, đánh bại nhiều đối thủ thứ hạng trong lĩnh vực này tại Mỹ.
Đến cuối năm 2014, CWS tiếp tục ghi dấu ấn trong một vụ đấu thầu thu gom, xử lý rác thải mới cho thành phố Oakland. Giữa năm 2015, CWS chính thức vận hành gói thầu xử lý rác trị giá hơn tỷ USD cho thành phố Oakland, đánh bại đối thủ “ khổng lồ” là Waste Manggement (WM) công ty thu gom và xử lý rác lớn nhất nước Mỹ, có trụ sở tại Texas và chi nhánh ở 50 tiểu bang.
Với gói thầu này, CWS không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhân viên mà có khả năng tăng lợi nhuận cao và bền vững hơn. Sản phẩm tái chế được xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia. Đối với thành phố San Jose, năm 2019 là năm đáo hạn hợp đồng. CWS đã yêu cầu thành phố tăng gần 60% giá dịch vụ.
David Dương cho rằng, việc tăng giá là bình thường, phù hợp với giá cả cạnh tranh trên thị trường. Lúc đầu thành phố không chấp nhận, nhưng qua thẩm tra và thí nghiệm thực tế, ngày 1/7/2021, chính quyền thành phố San Jose cũng đồng ý cho CWS tiếp tục hợp đồng thu gom, xử lý rác cho gần 170.000 hộ dân tại thành phố trong vòng 15 năm với hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD.
Nhìn lại hành trình đấu tranh, cạnh tranh vừa qua, David Dương cho biết, đó là một “cuộc chiến” thực sự và cân não. Song với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm thị trường, CWS đã vượt qua mọi khó khăn một cách ngoạn mục, trở thành một công ty nằm trong top 31/100 ở Mỹ.
Cá nhân ông David Dương cũng trở thành một trong những người có ảnh hưởng bậc nhất trong giới chính trị gốc Việt ở đây, có đóng góp tài chính lớn cho các chiến dịch tranh cử ở thành phố Oakland và San Jose.
Sau gần 40 năm, từ người nhặt ve chai, David Dương đã xây dựng thành công “đế chế” của mình và được gọi là “Vua rác”, “tỷ phú rác” ở Mỹ. Ông còn đảm nhận vị trí Chủ tịch Hiệp hội thương mại thung lũng Silicon, Ủy viên Hội Doanh thương quốc tế thành phố Oakland, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt-Mỹ (VABA), thành viên Hiệp hội Thương mại châu Á-Thái Bình Dương Sacramento và vinh dự được Tổng thống Mỹ Obama bổ nhiệm làm Ủy viên Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).
Hướng về quê hương
Gần 40 năm gắn bó với nghề, ông Dương nhận ra rằng, ngành công nghiệp xử lý rác và tái chế phế liệu đã mang lại hàng chục tỷ USD cho kinh tế Mỹ, tuy đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng cũng tạo ra hàng chục ngàn việc làm cho người lao động. Đó là lý do ông mở rộng quy mô đầu tư tại Mỹ và hướng về quê nhà.
“Tôi là người Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng, khi có đủ điều kiện tôi luôn đau đáu phải làm gì có ích cho quê hương. Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải ở nước ngoài tôi nhận ra rằng, rác cũng là nguồn tài nguyên. Những ai biết cách sẽ biến nó thành vàng, mang lại những giá trị kinh tế”, ông Dương nói.
Năm 2005, sau thành công của dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước cho TP. Hồ Chí Minh, Công ty Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS) 100% vốn nước ngoài do ông làm Chủ tịch được thành lập. VWS đã xúc tiến đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại Long An, với diện tích 1.760 ha, công suất xử lý 40.000 tấn/ngày, với số vốn đầu tư ban đầu là 450 triệu USD bằng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Khu Công nghệ môi trường xanh sẽ xử lý toàn bộ chất thải cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, nơi đây sẽ có những khu riêng biệt để phân loại, tái chế chất thải, tái tạo năng lượng từ chất thải cung ứng cho lưới điện quốc gia… Khu công nghệ môi trường xanh tại Long An còn có nhà máy xử lý nước sinh hoạt và bùn thải, sản xuất nước uống từ nước sau khi xử lý và nước mưa… Dự án còn có Khu trung tâm công nghệ hoa sen 450ha, nhằm xử lý kịp thời chất thải phát sinh từ các hoạt động trong khu.
Tổng mức đầu tư của dự án trong 20 năm đầu là 500 triệu USD và tăng dần khi công ty phát triển thêm các dây chuyền công nghệ hiện đại. Kết quả từ những dự án này góp phần quan trọng trong việc làm xanh, sạch, đẹp môi trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời mang lại lợi nhuận cho công ty (VWS) hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Mới đây, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, ông David Dương đã tặng Chính phủ Việt Nam 250 máy tạo oxy trợ thở trị giá 750.000 USD. Đặc biệt, nhân chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới New York tháng 9/2021 vừa qua, ông Dương và gia đình đã tặng thêm một triệu máy thở tự tạo khí oxygen (trị giá gần 3 triệu USD).
Người ta thường nói rằng, ra đi để trở về. Những người con đất Việt như David Dương vẫn luôn khắc ghi trong lòng ý nghĩa của bốn chữ: máu đỏ, da vàng. Dù có là ai, ở đâu, mang quốc tịch nào, thì dòng máu đỏ, màu da vàng của người Việt vẫn luôn hiện hữu, như một lời nhắc nhớ về nguồn gốc của những người con xa quê. Và như “Vua rác” David Dương, anh ấy đã trở về!
Nguồn: Đỗ Ngọc Dũng/ Baoquocte.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC