Đi Tây – Mình đang đang đứng đợi xe buýt ở trạm xe, có một bà già cất giọng hỏi: Cô ơi, cô làm ơn xem cho tôi xe số 2 đến lúc mấy giờ, chân tôi đau, đứng lên rất khó.Mình trả lời : Không sao, bà cứ ngồi đó, khi nào xe đên, tôi sẽ gọi xe cho bà, bơỉ vì tôi cũng đi xe số 2. Bà già bắt đầu bắt chuyện: Cô nói tốt quá, cô sinh ra ở đây à? Mình cười.
Tại tiệm móng, không ít khách ngạc nhiên hỏi mình: Ồ, cô nói được tiếng Đức à? Tôi ít thấy nhân viên làm móng tay lại nói tiếng Đức trôi chảy như cô.
Mình cười: Mình pha trò vậy thôi, chứ trong lòng cũng hơi bực mình. Bực vì trong con mắt không ít người Đức (nhất là những bà già và các ông bà trung tuổi) thì những nhân viên làm móng là dân châu Á (China, Vietnam), không biết tiếng bản địa, học thức kém… (các bạn làm móng nếu đọc được điều này thì tự ái cũng lên đầy bồ, nhưng thực tế bao giờ cũng đau lòng).
Người Đức làm gì cũng có lý do, những suy nghĩ của họ tất nhiên cũng phải có lý do. Không phải hầu hết tất cả người Việt sang đây đều có kiến thức xã hội thấp, tùy vào môi trường bạn sống và làm việc. Nếu bạn sang đây với tư cách du học sinh, hay bạn kết hôn với một giám đốc, giáo sư… thì không nên so sánh với những người làm móng, đầu bếp, phụ việc, chạy bàn…
Có rất nhiều bài báo chê trách người Việt, nhưng nếu họ không đứng vào hoàn cảnh của người khác thì không thể hiểu được.
Khổ thế đi Tây làm gì?
Mình lớn lên trong một gia đình nghèo khó, lao động vất vả, bố mẹ quần quật lo lắng miếng cơm manh áo. Khi bước chân sang đây, mình lại gặp những người cũng như bố mẹ mình ngày xưa, chỉ cắm đầu cắm cổ đi làm, không có thời gian cho bản thân, không có thời gian cho con cái.
Mục đích duy nhất là kiếm tiền. Những người lao động chân tay sang đây, việc đầu tiên là kiếm tiền đền trả nợ số tiền chạy chọt đi tây, việc thứ hai, kiếm tiền duy trì cho việc gia hạn giấy tờ (cho cò mồi thôi, chứ làm giấy tờ chính thức ở đây chả mất xu mẹ nào), việc thứ ba kiếm tiền cho một dãy họ hàng đằng sau. Một người đi Tây là cả họ được nhờ, ở các thành phố lớn thì tư tưởng này không còn nữa hoặc ít đi, còn ở các làng quê thì nạn này đúng là tệ nạn luôn.
Vì thế, ở Việt Nam đã ít học, sang đây không có thời gian giao lưu, học hỏi, lại càng dậm chân tại chỗ.
Có những em gái, tuổi còn mây mẩy, sang đây đứng xào mì, bán hàng, làm Nail từ sáng đến tối, một tuần 6, 7 ngày liên tục, thì coi như tuổi thanh xuân và hoài niệm thời con gái xin đi vào dĩ vãng, trong khi các bạn cùng lứa ở Việt Nam tung tăng hớn hở, chồng con tíu tít. Ừ, có nhiều người hỏi, một câu hỏi lặp đi lặp lại, một câu hỏi ai cũng biết câu trả lời: Khổ thế thì đi Tây làm gì? Thì đó, đi Tây là để kiếm tiền.
Đi Tây để cho đời con cái nó có cuộc sống tốt hơn?
Làm việc trong môi trường dân lao động, sống trong môi trường dân lao động, giải trí thì có Internet nên xã hội càng ngày càng đóng các bạn lại trong một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ thoát ra được, chỉ còn mong chờ và dồn hết hy vọng và tiền bạc lại vào cho thế hệ F2.
Và thêm một lý do để đi Tây, đi cho đời con nó có một cuộc sống tốt hơn và phải hy sinh vì con cái. Mình là người tuyệt đối chống lại việc đưa con cái ra làm lý do cho những hành động của cha mẹ. Nên các bạn cho dù đang làm giáo sư hay làm làm phụ bếp thì cũng đừng nói là vì con cái mà thế này hay thế nọ.
Bởi vì, bố mẹ lựa con để sinh ra, chứ không phải con cái lựa bố mẹ để sinh ra.
Mình viết bài này, thứ nhất để cho các bạn thông cảm với dân mình, đừng chê bai, chỉ trích nhau làm gì.
Thứ hai, để các bạn trẻ sang đây đừng phí hoài tuổi xuân trong cái vòng luẩn quẩn. Tha thiết mong muốn, khi các bạn còn trẻ, còn sức phấn đấu, thì hãy học tiếng bản địa, không cần giỏi nhưng ít nhất phải giao tiếp được. Việc học rất quan trọng, học không vì nước Đức, không vì bộ giấy tờ, mà học cho bản thân mình. Các bạn quên đi cái tôi nhiều quá, nên bỏ mặc bản thân nhiều quá.
Cái tôi ở đây không phải là quần áo hàng hiệu, cái tôi ở đây không phải số tiền vài trăm nghìn Euro, cái tôi ở đây không phải vài biệt thự Villa ở Việt Nam, người Đức họ cóc cần quan tâm đến việc bạn có bao nhiêu tiền, quần áo bạn mặc hiệu gì, mà họ quan tâm đến việc:
Tôi nói, anh có hiểu không?
Thứ ba, các bạn hãy tranh thủ thời gian cùng con cái tham gia các hoạt động văn hóa của người Đức, tại trường lớp hay các câu lạc bộ thể thao, xem phim xem kịch…
Lúc đầu, bạn thấy rất ngại ngùng vì khả năng giao tiếp của bạn kém, nhưng nếu càng ngại thì bạn càng thiệt thòi, con cái bạn càng thiệt thòi. Nếu bạn mong muốn con cái có một tương lai tốt đẹp hơn ở nước Đức, thì hãy giúp chúng từ bây giờ, không chỉ bằng tiền, mà còn bằng sự cố gắng hòa nhập, nỗ lực của bản thân.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC