Thuận, 31 tuổi, Phù Ninh (Phú Thọ) đang sinh sống tại Sakuragaoka, thành phố Toride, tỉnh Ibaraki, sát thủ đô Tokyo. Cô là nhân vật số mới nhất của tạp chí thành phố xuất bản đầu tháng 11, chuyên viết về những cá nhân nổi bật trên địa bàn, người nước ngoài xuất hiện trên báo rất ít. Tạp chí ra 2 số một năm, mỗi số viết về 6 nhân vật.
“Tại một nông trại ở Sakuragaoka, tôi đã gặp một phụ nữ trẻ có khả năng làm vườn rất giỏi. Cô ấy là một người chăm chỉ đến từ Việt Nam”, bài báo viết.
Bài báo viết về Lương Thị Thuận được dán lên văn phòng tại Viện dưỡng lão Tanpopo, nơi Thuận đang công tác. Những ngày qua cô được xem như ‘thần tượng’ ở cơ quan. Ảnh: Mỹ Thuận.
Đa phần người trồng trọt ở đây là các cụ già nghỉ hưu, thuê những mảnh đất nhỏ 30-40 m2, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa vui thú tuổi già. Riêng Thuận trồng hai mảnh vườn, tổng diện tích 150 m2. Mùa hè vừa qua cô thu hoạch 70 kg khoai tây, 30 kg cà chua và khoảng 50 quả dưa hấu…
“Các cụ cao niên ở đây gọi mình là ‘showa no okaa san’, vì bảo mình có phong thái cầm cuốc giống các bà mẹ Nhật thời Showa. Họ bàn tán mình trồng rau siêu, rồi tiến cử với người phụ trách tờ báo”, Thuận chia sẻ với VnExpress.
Vườn rau không chỉ giúp Thuận vơi đi nỗi nhớ quê nhà, tiết kiệm cho gia đình, mà nhờ đó người xung quanh có cái nhìn tích cực về cô hơn. Mỗi khi thu hoạch nhiều, cô đem biếu hàng xóm và đồng nghiệp nơi cô làm – một viện dưỡng lão gần nhà.
Hôm 10/11, Thuận thu hoạch khoai để dọn vườn, trồng lại sau trận bão Hagibis phá hoại hầu hết rau màu. Ảnh: Mochizuki.
Thuận từng học ngành dược ở Việt Nam, sau đó du học Nhật và kết hôn với anh Mochizuki vào năm 2017. Sau khi kết hôn, Thuận xin vào làm ở viện dưỡng lão này. Công việc 48 tiếng/tuần tại viện dưỡng lão rất áp lực, Thuận vẫn chăm sóc được vườn rau tươi tốt. Những nỗ lực trong công việc của cô tại viện dưỡng lão cũng được tờ báo ghi nhận.
Bố mẹ chồng và chồng thường làm hết việc nhà, để Thuận có thời gian cho vườn rau. Bố chồng cũng giúp nàng dâu chở phân bón và thu hoạch.
Thuận đang đặt mục tiêu sớm giành được trình độ tiếng Nhật N1, lấy chứng chỉ hộ lý và bằng lái xe.
Phan Dương
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC