‘Ăn Tết xa nhà’ – điều mà bất cứ cô dâu Việt nào cũng phải làm quen khi quyết định lấy chồng ngoại quốc. Nhưng với Trần Thị Hòa – cô gái Việt Nam lấy chồng tại Pháp thì ngày Tết ở một nơi xa xôi không có nhiều điều lạ lẫm lắm, bởi cả nhà vẫn có được không khí ấm áp của ngày đầu xuân. Đặc biệt, giữa đất Pháp mà Hòa vẫn có đủ hoa đào, bánh chưng, phong bao lì xì đỏ đón Tết.
Anthony Ung và Trần Thị Hòa đã kết hôn được 3 năm và có một cô công chúa nhỏ xinh xắn. Hiện tại, hai vợ chồng đang sống và làm việc tại Pháp.
Hòa và ông xã về Việt Nam ăn Tết năm đầu tiên sau cưới.
Trong 3 năm qua thì ngay năm đầu tiên Hòa đã đưa ông xã về Việt Nam ăn Tết. Đó cũng là lần thứ 2, Ung đón Tết Việt. Lần đầu tiên thì là khi hai người về Việt Nam tổ chức đám cưới. Lần đầu lúc nào cũng mang đậm tính ‘khám phá’, bởi với một anh chàng người Pháp thì đây là lần đầu tiên biết quê vợ đón năm mới ra sao.
Trong đó, ấn tượng nhất là chuyện đi đến đâu, mọi người cũng đều rất nhiệt tình mời ăn uống. Đó cũng là điều đầu tiên mà Hòa nhớ mỗi khi kể lại chuyện đưa ông xã về Việt Nam ăn Tết cổ truyền cách đây 2 năm.
Ngày 30 Tết, Hòa rủ ông xã đi chợ Tết. Ở quê Hòa mọi người gọi chợ Tết là ‘chợ cọ’, vì ngày này chợ rất đông, mọi người cứ cọ sát vào nhau nên thành chợ cọ. ‘Mình nhớ như in, hôm đó dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, hứng lên thế là hai vợ chồng đi hai đôi dép lê rồi chạy xe đạp điện lên chợ. Hôm đó là lần đầu tiên chồng mình được chạy xe đạp điện trên đường quê, nhà mình cách chợ cũng chỉ 2-3 km. Ở đó, hai vợ chồng chỉ mua các thứ đồ trang trí Tết như đèn nháy, đèn lồng với hoa quả thôi. Nhưng vui vì lúc đi thì không có gì, nhưng khi về thì tay xách nách mang đủ thứ. Về đến nhà, trang trí nhà cửa rồi lắp đèn là vừa kịp trời tối, hai đứa đi dạo đến giờ về là đón giao thừa. Mấy anh em trong nhà rủ nhau lên Đình thắp hương và đi hái lộc, xông đất cho nhà O và bác đã hẹn sẵn từ trước rồi về ăn uống. Cả nhà mừng tuổi cho nhau rồi nghỉ ngơi’, Hòa chia sẻ.
Lần đầu tiên, Ung được đốt lửa sưởi ấm trong trời mưa phùn giá lạnh ngày Tết.
Sáng mùng 1, hai vợ chồng Hòa theo chân các anh đi chúc Tết họ hàng một vòng. Điều khiến Ung cảm thấy rất thú vị là đi đến nhà ai cũng được mời ăn uống, thành ra anh khá ngần ngại vì không biết uống rượu. Nhưng vì mọi người nhiệt tình mời nên Ung cũng nhấp môi, đi đủ một vòng thì cũng đỏ mặt. Thêm nữa, đến nhà ai cũng mời ăn thịt, bánh chưng rồi thịt đông. Nên Ung học thêm được câu tiếng Việt ‘no rồi’, ‘ăn rồi’ và cứ thế dùng mãi.
Chiều mùng 1, hai vợ chồng lại đến nhà chú ăn cơm. Năm đầu tiên có chàng rể nước ngoài đến chơi nên gặp ai, mọi người cũng muốn ‘chào hỏi’ bằng một chén rượu. Kết quả là về nhà Ung chỉ biết lăn ra ngủ vì mệt và say.
Ngày mùng 2 cũng diễn ra y như vậy. Buổi sáng hai vợ chồng chia ca, 8h ăn ở nhà, đến 10h ăn ở nhà bác, rồi 12h ăn ở nhà một bác khác. Đến đâu cũng ‘chén bác chén cháu’, rồi trưa về nhà, chiều lại làm cơm tiễn ông bà.
Ngày mùng 3, hai vợ chồng lên đường đi Vinh thăm bà ngoại và chúc Tết cậu mợ, họ hàng trong đó. Ngày mùng 4, lịch ăn uống vẫn tiếp diễn như mấy ngày vừa qua. Buổi chiều, hai vợ chồng chuẩn bị đồ để mùng 6 lên đường đi Thái Lan du lịch.
Kết thúc cái Tết đầu tiên của một chàng rể Pháp tại Việt Nam, tuy lịch chỉ đa phần là ăn uống nhưng Ung vẫn rất vui vì được khám phá cách đón Tết của người Việt. Thêm nữa, vì họ hàng, làng xóm ai cũng thân thiện và cởi mở, nên dù hơi mệt vì phải uống nhiều rượu nhưng vẫn vui. Ngày Tết lại được ăn nhiều món ăn truyền thống, Ung vốn dễ ăn uống, rất thích các món ăn Việt nên món nào cũng ăn được. Quê vợ lại ở gần biển nên các loại hải sản như tôm, ghẹ đều rất nhiều và tươi. Ngày mùng 2 đã họp chợ rồi, nên nấu nướng rất dễ. Nhà Hòa có nguyên vườn rau tươi trước nhà, vậy là thích ăn gì lại ra vườn hái.
Kỷ niệm cũng khá vui là ngày Tết trời mưa phùn và lạnh. Ung có cơ hội được đốt lửa sưởi ấm ngồi với bố vợ. Vì hoạt động nào cũng là lần đầu tiên trải qua nên Ung thích lắm, ngồi đốt lửa cũng khen với vợ rằng lửa đẹp.
Ngày Tết ấm áp của Hòa giữa đất Pháp.
Ngược lại với Tết Việt Nam, Tết ở Pháp khá đơn giản vì bình thường, nhà chồng Hòa chỉ làm cơm cúng buổi tối, không có tiết mục cúng giao thừa như người Việt. Khác nữa là đồ cúng, nếu ở Việt Nam là món gà luộc thì phong tục của người Hoa sẽ là lợn da. Rồi bánh tét, bánh dày thay vì bánh chưng. Ngoài ra, Tết mọi người vẫn có mục lì xì nhau để một năm mới thêm may mắn.
Bố mẹ chồng Hòa là người gốc Hoa tại Pháp, nên hầu như phong tục Tết cũng có nhiều điểm giống với Việt Nam. Ngoài mâm cơm tất niên, trong nhà cũng có hoa đào, phong bao đỏ đón Tết. ‘Về lịch trình ngày Tết thì tối 30, nhà mình sẽ sang nhà bố mẹ ăn cơm. Mùng 1 nếu có thời gian thì sang bà ngoại và thăm hỏi họ hàng. Nếu năm nào quá bận thì sẽ sang chúc Tết mọi người từ trước. Mẹ chồng thì chắc chắn phải sang thăm bà rồi nhưng con cháu thì được đặc cách, lúc nào rảnh sang thăm sau cũng được, vì hôm đó mọi người vẫn đi làm như bình thường. Người Pháp chỉ nghỉ theo Tết dương lịch thôi’, Hòa kể.
Tết năm nay, từ 25 Tết, Hòa đã bày biện đủ mọi thứ để gói bánh chưng cùng con gái và ông xã. Lần đầu tiên tự tay gói bánh chưng ăn Tết tại nhà chồng nên cô tỏ ra rất hào hứng. Hòa chia sẻ, cô hi vọng trong năm mới này, mọi thành viên trong gia đình sẽ có thêm thật nhiều điều may mắn.
Theo tiin
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC