“Nếu nghĩ trước là sang Mỹ làm nông thì ai đi Mỹ làm gì. Nhưng thời thế đưa đẩy, qua Mỹ không biết một chữ tiếng Anh, muốn đi làm hãng không ai giới thiệu, đi may ba cọc ba đồng, nên thôi, mua đất làm nông để khỏi lệ thuộc ai hết. Rồi ông bà cũng thương cho mình cái vườn, buôn bán được, nên bây giờ nơi đây trở thành như một vựa trái cây.”
Bằng chất giọng miền Tây thân thiện, bà Chín, chủ vựa trái cây Chín Nguyệt lớn nhất vùng Homestead, Miami, vừa ngồi tỉa lại những chùm nhãn tươi nguyên mới hái để sắp vào thùng chuẩn bị giao đi các tiểu bang vừa tỉ tê kể chuyện lập nghiệp làm giàu trên xứ người bằng chính cây trái quê hương.
Phải có “tâm” mới có thể trụ được với nghề nông “dầm sương dãi nắng” này.
Cũng giọng nói chân chất, hiền lành như cọng rau ngọn cỏ, ông Chín vừa đứng phụ người làm cầm vòi nước tưới lên những rổ rau lang lớn mới cắt từ vườn về, vừa tâm sự: “Những năm đầu mới xuống đây lận đận lắm. Khi đó cuối tuần hai đứa con gái phải đi làm nail thêm để lấy đó làm nguồn sống, mướn nhà, phụ tiền chợ. Còn thằng con trai thì theo phụ vợ chồng tôi làm cực mà không có thu nhập. Mình vừa trồng tốt thì mùa lạnh đến cây bị đông đá. Rồi lại cố gắng vừa trồng tốt trở lại thì bão tới, nước lên. Mình lại xui mua nhầm miếng đất bị ngập nước.”
“Nhưng cũng may là xuống năm 96, đến năm 97-98 thì thời tiết yên. Trời yên bão tố thì mình mần được, mần ngày mần đêm, không nghỉ ngày nào, từ sáng sớm đến 9-10 giờ đêm. Đến năm 99-2000 là bắt đầu dư tiền mua đất rồi, cứ có tiền là tôi mua đất thêm.” Ông Chín nhớ lại.
Ông nói tiếp, “Nhiều người thấy tôi mần được nên cũng đến hỏi cách làm vườn. Tôi nói dễ lắm, chịu dang nắng dầm mưa là được. Nhớ đến mùa bồ mắt cứ đứng vuốt hoài rát mặt luôn vì nó chui vô mắt, nói chuyện thì nó bay vô miệng. Vậy đó nên làm nghề này ít có ai theo vì nó không chỉ khổ mà đến cực lận.”
Khởi đầu từ năm 1996 với 7.5 acres đất mua để trồng rau, đến nay, chưa đầy 20 năm, vợ chồng bà Chín cùng ba người con, hai gái một trai, đã có trong tay hơn 100 acres vườn cây ăn trái với đầy những đặc sản quen thuộc của người Việt Nam, từ nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu, sa bô chê, đến thanh long, trái vải, mận, mít, bơ, táo, ổi, cả cóc, khế cũng không thiếu.
Vườn trái cây Chín Nguyệt không phải chỉ tọa lạc một trên một mảnh đất duy nhất mà là “mười mấy vườn gần nhau, cứ vườn 10 acres, vườn 20 acres quanh quanh nhà, có nơi cách 15 phút lái xe.”
Nhà ông bà Chín nằm trên mảnh vườn rộng khoảng 7 acres, là mảnh vườn thứ hai vợ chồng bà “tậu” được. Đây cũng là nơi tập trung trái cây rau quả từ các vườn thu hoạch về, cho vào phòng lạnh (cooler) trước khi chất lên các xe tải chuyển đi đến những nơi bán sỉ ở New York, Washington D.C., Chicago, Portland, Seattle, Texas, Minnesota, Atlanta, North Carolina, South Carolina…
Hỏi một phòng lạnh như thế chứa được bao nhiêu tấn, anh Thắng, con trai bà Chín trả lời rằng, “mỗi phòng này có thể chứa đủ đồ cho 3 xe tải 18 bánh.”
Chúng tôi đến nơi đây khi mùa trái cây chính đã qua, nhưng nhãn, ổi cuối mùa thu hoạch từ các vườn đưa về cũng đủ làm cho cả một góc sân vườn trở nên bận rộn, tíu tít.
Hơn 10 người đàn ông gốc Hispanic ngồi chăm chú nhặt lên từng trái ổi từ trong các rổ lớn mới hái ngoài vườn về, gỡ từng chiếc túi ni-lông đen bọc bên ngoài, chỉ chừa lại chiếc bao xốp, rồi mới cho vào thùng giấy cân và dán lại.
Nhãn – một loại trái cây miền nhiệt đới được ông bà Chín trồng trên đất Mỹ
Cũng trên khoảng sân lớn đó, một góc khác, nhiều người làm đang tỉa tót từng chùm nhãn cũng mới được đưa từ vườn về, rồi chia thành “size 1, size 2” trước khi cho vào thùng đóng gói.
Nơi góc kia, nhiều người đàn ông lăng xăng khuân những rổ rau lang lớn mới được chở về từ một vườn rau nào đó, khiêng xuống, xịt nước trước khi bỏ vào từng thùng cân theo số lượng qui định để làm lạnh nhằm giúp rau không bị hư trong quá trình vận chuyển.
Tại góc nọ, nhiều khách Việt đủ mọi lứa tuổi, có người địa phương, có người từ xa đến ghé vào mua trái cây lẻ mang về làm quà cho người thân hay cho chính mình. Nói là lẻ, nhưng hầu hết họ đều mua cả thùng nhãn 20 lbs, hay thùng chôm chôm 5 lbs. Dĩ nhiên, một người cháu gái của bà Chín cũng sẵn sàng cân từng pounds cóc, khế, ổi, xoài, nhãn để bán theo yêu cầu của khách.
Thậm chí có một cô gái đến hỏi “Có khế bán không cô?”, bà Chín đáp ngay, “Có, chờ chút.” Rồi bà lái chiếc golf cart chạy liền ra vườn khế, cắt vội một mớ, mang vào cân… nửa pound bán với giá $2.50
Nghĩa là, vựa trái cây Chín Nguyệt không chỉ có những chiếc xe tải 18 bánh xếp hàng lũ lượt chờ lấy hàng đưa đi bỏ sỉ các nơi mà muốn mua lẻ thế nào chủ vựa cũng chìu khách hết mình. Đến nỗi, Trân, người con gái út của bà Chín nói như than, “Hình như má em làm không biết mệt. Quần quật cả ngày như vậy, tối vào nhà còn ngồi bào từng trái cóc để ngâm muối đường bán nữa!” Thu nhập tính bằng tiền triệu của vườn trái cây bà Chín có lẽ cũng được gom góp từ một phần những điều nhỏ nhặt như thế, theo đúng tinh thần cần kiệm, chịu thương chịu khó của người Việt Nam.
Đầu đội nón lá, áo kiểu tay ráp-lăng, tóc búi gọn sau gáy, vòng cẩm thạch xanh biếc, dáng người đậm chắc, gương mặt tròn phúc hậu, bà Chín mang đầy đủ dáng dấp của một phụ nữ miền Tây mà ai cũng có thể bắt gặp khi bước chân về miền Mỹ Tho, Tiền Giang, Hậu Giang. Thế nhưng khi nhìn bà điều khiển một cách nhuần nhuyễn chiếc “golf cart” chạy băng băng giữa những vườn cây, từ khu này sang khu khác để đi thăm vườn, hay nhìn bà đứng “chỉ huy” nói chuyện với những người làm gốc Lào hay Hispanic người ta lại nhìn ra bóng dáng của người nông dân hiện đại ở xứ Cờ Hoa.
Phải có “tâm” mới có thể trụ được với nghề nông “dầm sương dãi nắng” này.
Nhìn cách bà Chín vừa lái xe vừa chỉ vào từng hàng cây giới thiệu đây là nhãn, đây là ổi, đây là vú sữa… mới thấy bà yêu mảnh đất miếng vườn của mình đến nhường nào. Bởi, nếu không yêu thương, gắn bó, chăm sóc nó thì bà đã không thể có cơ ngơi như hiện tại.
Trái cây có nhiều loại, nhưng thu nhập chính của vườn bà Chín Nguyệt đến từ nhãn và ổi.
Bà Chín cho rằng thu hoạch mỗi mùa “hên xui” khác nhau nên khó mà nói được một năm bà bán được bao nhiêu tấn nhãn hay ổi và thu nhập là bao nhiêu, “Chỉ biết mỗi vườn một mùa thu hoạch chừng hai ba trăm ngàn pounds, nhưng gặp năm thời tiết không tốt có thể bị mất một số vườn. Rồi giá cả lên xuống mỗi mùa mỗi khác, như năm nay cuối mùa nghĩ trúng vườn nhãn này, nhưng tự nhiên hàng Trung Quốc qua, giá hạ xuống liền nên tiền mình cũng mất.”
Cả 100 mẫu tây đất vườn của bà Chín đều có trồng nhãn, không biết mỗi vườn có bao nhiêu cây, chỉ biết nhãn nối tiếp nhãn, ngay cả những cây nhãn cuối mùa mà trái cũng từng chùm trĩu xuống, nặng oằn. Theo bà Chín, “Bên này được cái trồng nhãn nghịch mùa nên bán được giá hơn. Mùa nhãn rơi vào Tháng Tám thì ai cũng có nên giá hạ, còn lại những tháng khác người ta hết nhưng tôi có nhãn bán gần như quanh năm.”
Đến một vườn nhãn đang được thuê người hái, bà Chín vừa lom khom lụm từng trái nhãn rụng vì “đây là tiền, mà bỏ đi những gì còn ăn được là mang tội,” bà vừa giải thích, “Ngày xưa mới làm chỉ có hai vợ chồng tôi, rồi mướn thêm một người Mễ, rồi có thêm 2-3 người, lên 4-5 người, giờ thì phải từ 30-40 người mới phụ nổi. Riêng hai vườn nhãn đang thu hoạch thì tôi không có người coi nữa phải mướn một cô người Lào, giống như thầu, cứ hái mỗi thùng 20 lbs trả công $10. Cô Lào này đứng ra mướn thêm nhiều người phụ.”
Một điều cần chú ý là “Sáng nào muốn hái nhãn thì phải chờ ráo mùi sương mới hái được, vì nếu hái sớm có mùi sương thì trái nhãn sẽ bị nứt!” Bà Chín chia sẻ kinh nghiệm.
Xen với nhãn là những vườn ổi. Bà Chín nói, “Tất cả ổi trên cây khi lớn cỡ bằng trái chanh đều được bọc lại bằng túi xốp bên trong và thêm một bao ni-lông đen bên ngoài và để vậy cho đến khi thu hoạch mang về vựa thì túi ni-lông mới được tháo ra. Nếu không bọc lại thì ổi sẽ bị sâu và không được đẹp. Nên trồng ổi cũng tốn nhiều công lắm.”
Đây đó trong khu vườn chúng tôi đến là những cây mãng cầu dai còn lại ít trái cuối mùa, trong đó có những trái to gần bằng cái chén. Mãng cầu trong vườn bà Chín được trồng “cốt để có bán” nhưng huê lợi không đáng kể bởi “cây không ra trái nhiều và trái không đều nên khó bán.”
Những cây sa bô chê dù đến Tháng Sáu mới vào mùa, nhưng trong vườn bà Chín Nguyệt sa bô chê cũng “tưng bừng” ra trái, nhuộm nâu cả một góc vườn.
Trong số những trái cây đặc trưng ở Việt Nam, chỉ có sầu riêng, măng cụt và chôm chôm là không được trồng trên đất vườn Chín Nguyệt bởi “khí hậu không thích hợp” còn lại thì hầu như tìm loại gì cũng có.
Theo ông Chín, so với nghề trồng rau, thì làm vườn trồng trái cây đỡ vất vả hơn, “công làm 10 acres rau bằng làm 40 acres vườn.” Tuy nhiên, vốn đầu tư làm vườn không hề nhỏ.
“Lúc khởi nghiệp tôi mua đất trồng khoảng $17,000/ acres, xa xa hơn thì khoảng $12,000/acres. Năm 2001, có vườn tôi mua với giá $25,000/acres. Lúc cao điểm có khi đến gần $100,000/acres. Hiện giờ, một mảnh vườn khoảng 40 mẫu tây, chưa tính tiền đất, chỉ mới tiền đầu tư cây trái, máy cày, máy xới, hệ thống tưới tiêu… chiếm khoảng $600,000.” Bà Chín ước tính.
Vườn nhà bà Chín có hơn 20 máy cày, máy tưới phân, máy đóng lỗ gieo hạt, máy đào lỗ trồng cây, chưa kể dàn “golf cart” dùng để đi thăm vườn, hay những xe truck, xe forklift dùng trong việc vận chuyển trái cây, và khoảng 40 nhân công, chưa kể con cháu trong nhà.
“Nghề nông quan trọng nhất phải chịu khó, chịu cực, phải siêng năng…”
Tuy nhiên, có thể do tính cần cù, hay lo toan của người Việt nên nhiều công việc chăm nom các mảnh vườn đều phải do chính chủ nhân đảm trách. Đây lại chính là điều đưa đến sự thành công hay thất bại cho những ai bươn chải vào nghề “ruộng nương, rẫy bái” này.
Bà Chín nhận xét, “Nhiều người làm nghề này thất bại là do không siêng, không chịu khó. Làm nghề này phải biết để ý, phải chịu khó, chịu cực, phải siêng năng, đòi hỏi công sức của mình rất nhiều.”
Có lẽ chỉ nghe lời giải thích của Thắng, con trai bà Chín, về lý do vì sao không mướn người cắt cỏ, mà phải do chính anh làm công việc này cũng đủ để cảm nhận được kết quả họ có được ngày hôm nay là đến từ đâu. Thắng nói, “Nhiều khi ‘farm’ lớn quá mình đâu thể coi hết được, chỉ có khi đi cắt cỏ mình mới thấy được chỗ này chỗ kia trong vườn bị gì. Ví dụ có chỗ ống nước bị tắt nghẽn cả năm mà mình không đi thì làm sao biết. Nước nghẽn không tưới thì cây sẽ héo, sẽ chết.”
“Nhưng có trải qua những gian khó thì mình mới thấy hài lòng với những thành công của mình.” Người con trai tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc nhưng lại theo nghiệp cha mẹ dấn thân vào ruộng vườn kết luận bằng nụ cười tươi rói trước khi hối hả chạy đi phụ người làm chuyển những thùng trái cây lên từng chuyến xe tải đang nối đuôi nhau đứng chờ.
Nguồn: nguoi-viet
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC