Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh thăm hỏi và chia sẻ với đồng bào di
Phân phối sức lực để trụ lâu dài
“Gọn nhẹ nhất có thể”, đấy là những câu nói quen thuộc khi chúng tôi trò chuyện với những người Việt ở Ukraine trên đường tránh bom đạn. Gọn nhẹ, đồng nghĩa với thiếu thốn. Nhiều người hầu như không kịp đổi ngoại tệ mạnh, tiền Ukraine mang theo không phải nơi nào cũng tiêu được.
Một “cuộc sống mới” cần những gì? Tối thiểu là cái ăn, cái mặc, chỗ ở, việc học hành của con cái… Mà châu Âu vẫn đang trong những ngày giá lạnh, xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết. Những tấm lòng không đủ. Cần sự chung sức, phân công giúp đỡ, mua sắm, đưa đón…
Ông Nguyễn Hoàng Tuyển, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tại Ba Lan là người “thấm” những vất vả ấy hơn cả.
“Mọi người đều bỏ lại sau lưng tài sản, tiền bạc, nhà cửa và thậm chí bỏ lại cả ước mơ, bỏ lại tất cả các mối quan hệ để di chuyển đến một mảnh đất xa lạ, tiền bạc không có, quan hệ thân thích không có, văn hoá chưa hiểu hết… Những khó khăn thật không thể tưởng tượng nổi”, ông Tuyển cho biết.
Ba Lan là một trong những nơi có nhiều người Việt đến lánh nạn nhất, cũng là nơi các anh chị em cật lực chạy việc đêm ngày. Rất may, cộng đồng người Việt tại Ba Lan là một cộng đồng mạnh. Ngoài Hội Người Việt Nam là tổ chức lớn nhất, còn có Hội Phụ nữ, Hội Doanh nhân…
Ông Nguyễn Hoàng Tuyển vận động doanh nghiệp Ba Lan hỗ trợ nơi ở cho người Việt sang lánh nạn.
Anh chị em đã lập các nhóm hỗ trợ người Việt. Ngoài những thông tin chung, bất kỳ ai nắm được thông tin về người lánh nạn đều cập nhật ngay lên nhóm để mọi người tuỳ theo hoàn cảnh hỗ trợ. Bởi thế, khi bà con người Việt vừa đến biên giới Ukraine, đặt chân sang Ba Lan, thì đã có nhân viên Đại sứ quán, đại diện của Hội Người Việt Nam chờ để hướng dẫn các thủ tục giấy tờ cần thiết, tổ chức đưa mọi người đến nơi ở tạm.
Ông Tuyển chia sẻ thêm: “Xung đột trên lãnh thổ Ukraine chưa biết bao giờ mới kết thúc. Bà con lại không có tiền. Bởi thế, sau khi hỗ trợ bà con ở tạm, hoặc bay về Việt Nam trên những chuyến bay giải cứu của Chính phủ, chúng tôi hỗ trợ bà con tìm kiếm thông tin tị nạn, những giấy tờ pháp lý tị nạn, hỗ trợ đi các nước khác nếu bà con có nhu cầu. Những cháu nhỏ được sắp xếp cho học hành. Những trường hợp khó khăn quá, chúng tôi khẩn trương giúp bà con tìm những công việc làm thuê tạm thời để bà con có thêm thu nhập”.
Đã có khoảng 600 người Việt được bay về nước từ Ba Lan. Nhưng vẫn còn hàng ngàn người nữa…Công việc của anh chị em ở Ba Lan còn nhiều. Mọi người bảo nhau phân phối sức lực để cùng “trụ” lâu dài với bà con đang gặp khó khăn.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Romania bố trí nơi ăn chốn ở cho bà con tại một điểm tiếp nhận. Ảnh: NVCC
Tấm lòng của đồng bào mình
Sau khi xung đột nổ ra gần một tuần tại Ukraine, những người Việt đầu tiên mới đặt chân đến Hungary trong hành trình trốn chạy bom đạn. Nhưng ngay từ 26/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã họp cùng với các tổ chức người Việt để lên kế hoạch hỗ trợ bà con.
Ban Hỗ trợ đồng bào được lập ra một cách khẩn trương, hoạt động 24/24 giờ vì những chuyến tàu, chuyến xe của người Việt có thể đến bất cứ lúc nào, khi thì đi qua Moldova, lúc thì qua nẻo Romania rồi sang Hungary.
Bà Phan Bích Thiện, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary cho biết: “Nhiều khi chúng tôi chỉ nhận được thông tin có đoàn đến trước 1 – 2 giờ. Có đoàn đông đến vài chục người nên mọi thứ phải hết sức khẩn trương. Bà con đã đi một chặng đường rất dài trong nỗi sợ hãi, lo âu, mệt mỏi nên cần hỗ trợ kịp thời. Một số anh chị em nhường hẳn nhà cho bà con ở. Nhiều chị em như các chị Minh, chị Nhung, chị Mỹ… bỏ công, bỏ việc để dọn dẹp nấu cơm, để bà con có bát cơm, bát canh ấm dạ ngay khi vừa đặt chân đến nơi. Có hôm chúng tôi đón ba đoàn sang một lúc. Phải nói công việc căng như dây đàn. Lo lắng lắm, nhưng khi sắp xếp để mọi người ai cũng có chỗ ở, ai cũng được ăn uống đầy đủ chúng tôi thấy ấm lòng”.
Bà Phan Bích Thiện (thứ 3 từ trái sang) và các thành viên trong cộng đồng người Việt tại Hungary đón bà con từ Ukraine sang lánh nạn Ảnh: NVCC.
Chúng tôi đã có nhiều dịp phỏng vấn, trao đổi với bà Phan Bích Thiện trên nhiều phương diện, nhưng có lẽ, chưa khi nào bà Thiện lại trả lời phỏng vấn trong nghẹn ngào như lần này. Bởi vì bà bảo, nhìn đồng bào chạy loạn có cảm giác như chính mình gặp khó khăn thế nên bà đã cố gắng hết lòng để giúp đỡ.
Làm công tác xã hội bao nhiêu năm, bà Thiện bảo, cũng chưa bao giờ chứng kiến tấm lòng của đồng bào mình lại đáng quý như vậy.
Nhóm Viber hỗ trợ cộng đồng hoạt động bất kể ngày đêm. Có hôm, lúc 23 giờ, gửi tin nhắn có đồng bào cần trợ giúp, bà cũng lo lắng, giờ đó mọi người đều yên giấc. Nhưng tin nhắn vừa gửi đi chưa đầy một phút, bà đã thấy chuông báo hồi âm. Thậm chí, ngay trong đêm, có người sẵn sàng chạy xe từ thủ đô Budapest sang tận biên giới để đưa hay đón đoàn. Có đoàn có cháu nhỏ có 5 tháng tuổi. Các đoàn đến cùng lúc đông quá khiến nơi ở thì thiếu chăn, chiếu đệm.
Lúc đấy đã tối rồi, nếu đi mua sắm cũng không thể kịp. Nhưng cũng chỉ tích tắc sau, các anh chị đã chia sẻ, thu xếp có đủ chăn đệm và chở đến cho mọi người. Có bạn có con nhỏ, nhường luôn sữa của con cho cháu bé.
“Bên cạnh những người Việt thì những người Hungary cũng hết lòng, nhất là những người là dâu, là rể người Việt”, bà Thiện cho biết thêm.
Đại sứ quán Việt Nam tại Romania giải quyết giấy tờ, thủ tục pháp lý cho bà con.
Những lớp học cấp tốc
Cộng hoà Liên bang Đức cũng là nơi nhiều người Việt đến lánh nạn. Trong đó có Trung tâm tiếp nhận tại thành phố Eisenhüttenstadt, bang Brandenburg nơi đang có gần 800 người sơ tán từ Ukraine, tuy nhiên nếu tính cả những người trong khu vực thì con số có thể lên tới hơn 2.000 người, trong đó có hơn 200 người Việt.
Ngay từ sớm, Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Vũ Quang Minh dẫn đầu đã cùng một số hội đoàn người Việt ở Đức tới thăm hỏi và tặng quà cho bà con di tản từ Ukraine. Nói như ông Dorschmann, Phó Giám đốc Trung tâm thì Đại sứ quán Việt Nam là cơ quan đại diện nước ngoài đầu tiên đến trung tâm để thăm hỏi, động viên và có hình thức hỗ trợ cho công dân của mình từ Ukraine sang Đức lánh nạn.
Đức là đất nước mến khách, luôn dang rộng vòng tay tiếp nhận và hỗ trợ, không chỉ người Việt mà còn nhiều sắc tộc khác từ Ukraine sang lánh nạn.
Tuy nhiên, Trung tâm tiếp nhận tại thành phố Eisenhüttenstadt, bang Brandenburg chỉ là trung tâm tiếp nhận ban đầu khi người lánh nạn (kể cả người di cư, người tị nạn) tới Đức, nên có thể coi đây là điểm trung chuyển để sau đó mọi người có thể được bố trí tới một nơi ở khác.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và Hội đoàn người Việt kiến nghị với lãnh đạo Trung tâm tiếp nhận thành phố Eisenhüttenstadt tăng cường hỗ trợ pháp lý cho người Việt lánh nạn. Ảnh: NVCC.
Trong khi chiến sự chưa hẹn ngày kết thúc, ngoài ăn ở, để duy trì cuộc sống tạm thời, thì rất cần biết ngôn ngữ bản địa. Cộng đồng người Việt nhanh chóng mở những lớp dạy tiếng Đức để giúp bà con. Biết tiếng Đức giúp bà con có thể kiếm công việc. Hàng loạt lớp dạy tiếng Đức đã được bà con người Việt tổ chức, trong đó, nhiệt tình, hăng hái nhất chính là các bạn trẻ.
Nhóm “Nhịp cầu Sinh ngữ” đã tổ chức các lớp dạy tiếng Đức online 0 đồng cho cả người lớn và trẻ em Việt Nam. Lớp học đầu tiên đã khai giảng hôm 18/3, dành cho các em dưới 12 tuổi. Riêng trong ngày 22/3, hai lớp tiếng Việt khác cũng đi vào giảng dạy, một lớp dành cho học sinh từ 12 tuổi trở lên, một lớp cho người lớn. Ngoài ra, còn một số lớp cấp tốc khác. Do không kịp chuẩn bị, do sự thiếu thốn, nhiều học sinh chưa có sách vở, có em phải viết bài lên túi phát đồ ăn.
Tiến sĩ Phan Hồng Đức, Chủ nhiệm nhóm Nhịp cầu Sinh ngữ cho biết, những lớp học của bà con lánh nạn thấp thoáng hình ảnh của những lớp học miền núi ở vùng sâu vùng xa, có những em phải viết lên nền gạch thay giấy bút. Ở đây, nhiều em chưa có sách vở. Nhưng ở không gian nào, thì người Việt vẫn luôn hiếu học.
Ngoài những tổ chức hội, đoàn chính thức, cộng đồng người Việt ở châu Âu đã chủ động lập ra những diễn đàn, thông qua đó có thể kết nối, giúp đỡ đồng bào thuận lợi hơn. Fanpage Tương trợ người Việt ở Ukraine chính là trang thông tin hoạt động sôi nổi nhất. Ở đó, lại một lần thấy sự đoàn kết, chung tay của cộng đồng người Việt.
Rất nhiều người ở Đức, ở Pháp đăng thông tin tuyển người Việt chạy nạn từ Ukraine. Có những người “bao” luôn cả chỗ ăn, chỗ ở và xin phép thủ tục lao động. Nhiều người đăng thông tin về nhà ở để bà con có chỗ tá túc.
Mái ấm trong chùa Nhân Hòa ( Ba Lan) dành cho đồng bào chạy nạn. Ảnh: NVCC.
Cuộc xung đột còn diễn biến phức tạp, tương lai vẫn còn mờ mịt. Phần lớn người Việt ở Ukraine làm ăn buôn bán nhỏ. Nhiều khu chợ đến giờ đã cháy tan tành. Ngày trở về quê hương thứ hai vẫn còn dài lắm. Nhưng mọi người có niềm tin. Ở đâu có những tổ chức người Việt, Đại sứ quán, những Hội đồng hương, Hội Phụ nữ, Hội Doanh nhân…ở đó sẽ có những vòng tay rộng mở.
Bà con đến Cộng hoà Séc nhiều người còn được tiếp đón ở chùa. Không chỉ là mái ấm tạm thời, mái chùa còn đem đến cho mọi người sự che chở tâm linh, ai cũng vững lòng hơn. Ông Trịnh Tân - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết, ở Cộng hoà Séc, tỉnh, thành phố nào cũng có hội đoàn người Việt, các hội đồng hương. Bình thường, anh chị em các hội đồng hương sinh hoạt, kết nối theo địa bàn, vùng miền sinh sống khi ở Việt Nam, nhưng bây giờ, không ai phân biệt đồng hương đến từ tỉnh, thành nào nữa. Hai chữ “đồng hương”, bây giờ, chính là hai tiếng Việt Nam ...
(Còn nữa)
Ân tình từ những cộng đồng người Việt Ông Chu Tuấn Đức. Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Chu Tuấn Đức, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cho rằng, trong cơn hoạn nạn, càng thấm thía ân tình từ cộng đồng người Việt và các hội đoàn ở Đức. Không ai bảo ai, mọi người đều sẵn sàng trợ giúp. Đối với những người phải sơ tán ra nước ngoài khi nhận được sự trợ giúp như vậy sẽ thấy rất ấm lòng. PV: Thưa ông, hiện đã có bao nhiêu người Việt từ Ukraine sơ tán sang Đức? Ông Chu Tuấn Đức: Hiện nay chưa có thống kê chính xác số người Việt Nam từ Ukraine sơ tán sang Đức. Tuy nhiên căn cứ vào số lượng người ở một số trại tập trung, tính cả số người đang có hộ chiếu Ukraine gốc Việt Nam thì con số có thể lên đến hàng nghìn. Với số lượng như vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã có những nỗ lực như thế nào để hỗ trợ bà con, thưa ông? - Đầu tiên phải nói rằng cộng đồng người Việt Nam và các hội đoàn của mình tại Đức có tinh thần tương thân, tương ái và có tính chủ động rất cao trong công tác hỗ trợ. Trong cơn hoạn nạn của người Việt từ Ukraine, càng thấm thía ân tình từ cộng đồng người Việt và các hội đoàn ở Đức. Không ai bảo ai, mọi người đều sẵn sàng trợ giúp. Người thì chia sẻ chỗ ở. Người lo cung cấp những suất ăn. Đối với những người phải sơ tán ra nước ngoài khi nhận được sự trợ giúp như vậy sẽ thấy rất ấm lòng. Trung tâm Thương mại Đồng Xuân tại Thủ đô Berlin- trung tâm thương mại của người Việt lớn nhất ở Đức và cũng là địa chỉ đỏ của người Việt khi sang đây là một ví dụ. Bất cứ ai đến trung tâm này đều được mọi người giúp đỡ rất nhiều. Về phía Đại sứ quán, chúng tôi đẩy mạnh một số việc như kết nối với Bộ Ngoại giao của CHLB Đức và trao đổi với chính quyền địa phương để tiếp nhận người Việt. Ví dụ như Berlin, Munich…chúng tôi đề nghị họ cung cấp cho người Việt những trợ giúp cần thiết. Đại sứ quán cũng tổ chức một số hoạt động như tổ chức hỗ trợ giấy tờ; tham gia cùng các hội đoàn trong các hoạt động từ thiện, thiện nguyện. Chúng tôi đóng vai trò cầu nối để kết nối các hội đoàn lại với nhau. Trong ngày 22/3 vừa qua, Đại sứ Vũ Quang Minh đã cùng hai hội đoàn người Việt tới Trung tâm tiếp nhận người tị nạn Eisenhüttenstadt (bang Brandenburg) để thăm hỏi bà con người Việt sơ tán từ Ukraine sang. Đoàn cũng đã trao các phần quà và giải đáp những vướng mắc của bà con liên quan thủ tục pháp lý, thực hiện công tác bảo hộ công dân. Theo ông, nhu cầu lớn nhất hiện nay mà bà con mong muốn được Đại sứ quán giúp đỡ khi sơ tán sang Đức là gì? - Qua một số kênh thông tin, qua trao đổi trực tiếp với bà con và qua đường dây nóng bảo hộ công dân thì có thể thấy sau khi được tiếp nhận vào các trung tâm của Đức, quan tâm lớn nhất của bà con chính là vấn đề giấy tờ. Bởi vì, một khi đã vào trung tâm tiếp nhận, bà con sẽ được cung cấp 3 bữa ăn một ngày, được cung cấp chỗ ở, cung cấp đồ vệ sinh… tức là điều kiện sinh hoạt ban đầu được cung cấp đầy đủ. Các chế độ của Đức rất nhân đạo. Sau này khi đã được đăng ký và làm các thủ tục như là các điều kiều về y tế, trợ cấp xã hội …phía Đức họ cũng sẽ lo hoàn toàn. Thế thì bây giờ cái bà con cần mà mình có thể hỗ trợ được đó chính là thủ tục giấy tờ. Ví dụ như là làm sao có được hộ chiếu, làm sao có được giấy tờ cần thiết để làm các thủ tục về phía Đức, đây là điều bà con rất quan tâm. Thấu hiểu được điều này nên khi đến thăm bà con ở Trung tâm, ngoài việc tổ chức phát quà, chia sẻ với bà con, chúng tôi đem theo giấy tờ để thực hiện ngay việc hướng dẫn các thủ tục xin ở lại, đăng ký nhập trung tâm, rồi thủ tục cư trú, làm việc tại Đức… Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động này. Ngày 1/4 tới đây chúng tôi cũng có lịch làm việc với quận Lichtenberg của Thủ đô Berlin. Đây là quận có Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, nơi có nhiều người Việt lánh nạn sang ở. Chúng tôi sẽ trao đổi với chính quyền thành phố để làm sao đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho bà con mình. Chúng tôi cũng tiếp tục đẩy mạnh, tạo thuận lợi về các mặt giấy tờ của phía Việt Nam. Vì trong quá trình chạy nạn rất nhiều bà con bị mất hộ chiếu, trẻ con không có giấy khai sinh… Phải làm sao cố gắng tối đa để cấp phát lại giấy tờ cho bà con, từ đó giúp họ sớm xin được quy chế cư trú tại Đức, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đồng hành cùng với các hội đoàn người Việt trong hoạt động thiện nguyện. Trân trọng cảm ơn ông! Hoàng Yến - Nguyễn Phượng (thực hiện) |
HOÀNG YẾN - NGUYỄN PHƯỢNGNguồn: daidoanket.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC