Nhắc đến đất nước Pakistan, trước đây tôi, cũng như nhiều người, vẫn thường hình dung đó là một nơi xa xôi cách trở, có nhiều điều bí ẩn để tìm hiểu mà đôi khi còn có cả những mối hiểm nguy tiềm tàng khi bóng dáng chiến tranh, phiến quân vẫn lảng vảng.
Trải qua hai mươi ngày lang thang khám phá, tôi mới biết những suy nghĩ tiêu cực về đất nước này hoàn toàn sai lầm. Pakistan an toàn và bình yên với những núi tuyết kỳ vỹ vây kín trời xanh, triệu cây hoa cherry nở trắng trời phương Bắc, và người dân chẳng những xinh đẹp, dịu dàng mà còn nhiệt thành chào đón những người khách lạ.
Tôi cũng chưa từng nghĩ có một ngày mình lại vượt hàng dặm đến tận biên giới Pakistan xa xôi, băng qua những dãy núi tuyết kỳ vỹ để đến ngôi làng nhỏ tận cùng dưới chân núi tuyết Ghulkin để tham dự một đám cưới Hồi giáo của cô dâu Việt.
Khi có kế hoạch khám phá Pakistan, thông qua lời giới thiệu, tôi gặp gỡ Karim Ahmed, đại diện một công ty du lịch lớn ở phía Bắc Pakistan, có chi nhánh tại quận 7 Sài Gòn với lý do cực kỳ thú vị là anh chàng đến Việt Nam để: lấy vợ.
Sau khi lên lịch trình, Karim hồ hởi nói với tôi, ngày tôi đi tour cũng trùng hợp là ngày diễn ra đám cưới của anh và tôi bắt buộc “phải” có mặt tham dự.
Cô dâu Việt ấy là Tạ Hạnh Liên. Bất ngờ hơn khi biết Liên còn là giám đốc kiểm toán nội bộ một tập đoàn lớn tại Việt Nam. Cơ duyên nào khiến Liên quyết định làm dâu một chàng trai xa lạ nơi xứ tuyết xa xôi khắc nghiệt như thế?
Là một người yêu thích du lịch khám phá, Liên đã từng đi rất nhiều nơi ở trong và ngoài nước. Khi tìm hiểu những điểm thú vị trên thế giới để chuẩn bị cho một chuyến xuất ngoại của mình, Liên chợt thấy thông tin và hình ảnh về thung lũng Hunza, Pakistan trên mạng. Bị cuốn hút bởi những núi tuyết kỳ vỹ và những cung đường hiểm trở mà tuyệt đẹp nên Liên đã chọn ngay không chút do dự.
Khi gửi thông tin cho các công ty du lịch Pakistan để nhờ thiết kế tour thì công ty của Karim trả lời nhanh nhất và nhiệt tình nhất. Chính sự tận tụy hướng dẫn cũng như phong cách trò chuyện gần gũi thân thiện mà Liên cảm thấy tin tưởng và chính thức chọn công ty của Karim để gửi gắm chuyến đi.
Thú vị hơn là bình thường Karim không tự mình dẫn tour, nhưng vì đây là đoàn khách Việt Nam đầu tiên, thế nên anh chàng đích thân hướng dẫn cho hai mẹ con cô gái Việt suốt 16 ngày.
Vừa gặp nhau ở sân bay, Karim như bị tiếng sét ái tình đánh trúng, anh chàng khen ngợi cô gái Việt xinh đẹp và bắt đầu “chăm sóc đặc biệt”.
Lúc đầu Liên cũng chưa thấy xiêu lòng vì nghĩ anh hướng dẫn nào lại chẳng dẻo miệng, thế nhưng 16 ngày trôi qua, Karim đã để lại một ấn tượng khác biệt. Bao nhiêu sự cố phát sinh trên suốt hành trình, Karim vẫn lo chu toàn cho hai mẹ con người khách và không quên nấu những món ăn hợp khẩu vị người Việt.
Những lần về thăm làng, thăm trường cũ, gặp thầy cô giáo của Karim, Liên nhìn thấy ai cũng yêu thương quý mến Karim. Chính sự chân thành ấy của chàng trai Hồi giáo đã đánh thức trái tim 9 năm khép cửa của cô gái Việt.
Liên xa xăm và thoáng buồn khi nhắc về cuộc hôn nhân tan vỡ 9 năm trước, lúc ấy Liên đã tự nhủ: “Lòng tôi, có đôi lần khép cửa. Rồi bên vết thương tôi quỳ”. Hôn nhân sẽ vĩnh viễn kết thúc và vết thương lòng sẽ là chiếc ổ khóa mất chìa mãi mãi. Không chỉ thế, Liên còn mang nỗi đau thể xác khi phải trải qua một đợt phẫu thuật u xơ tử cung dẫn đến việc có con hết sức khó khăn.
Thế nhưng duyên số là một điều gì đó mà đến tận bây giờ Liên vẫn không thể giải thích nổi. Bay ngàn dặm đến đất nước Hồi giáo xa xôi, rồi vượt hàng trăm km để đến ngôi làng nhỏ dưới chân núi tuyết và lấy một chàng trái Hồi giáo. Ngay cả trong giấc mơ hoang đường nhất cũng không thể nghĩ tới lại thành hiện thực.
Liên vẫn nhớ như in sự thảng thốt và phản đối quyết liệt của bố khi nghe tin con gái lấy chồng nơi khắc nghiệt hiểm trở, nơi nghe đến tưởng chỉ có bạo loạn và chiến tranh. Thời gian luôn là câu trả lời thuyết phục nhất.
Karim bắt đầu thường xuyên đến Việt Nam gặp gỡ gia đình Liên, trò chuyện với bố mẹ Liên. Và anh dần thuyết phục được ông bố Việt khó tính. Điều tưởng như nan giải nhất là chuyện tôn giáo thì lại may mắn giải quyết dễ dàng. Karim tuy là Hồi giáo nhưng thuộc dòng Ismailii là một dòng khá thoáng và cởi mở, Liên không bị bắt phải theo đạo Hồi, việc đi cầu nguyện cũng là tự nguyện mà thôi. Còn về việc đàn ông lấy 4 vợ cũng là chuyện rất hiếm ở làng Karim.
Khi những nỗi âu lo lớn đã không còn nữa, cô gái Việt đã không còn chút do dự nào để khoác lên mình trang phục cưới truyền thống cho ngày hôn lễ.
Đám cưới Hồi Giáo ở làng Karim diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên nhà trai và nhà gái gặp nhau và cùng thông báo với dân làng về đám cưới của con cái, sau đó mọi người sẽ cùng ăn kẹo, bánh ngọt, hạt hạnh nhân, bánh truyền thống trộn sữa.
Ngôi nhà mang đậm kiến trúc Hồi giáo chạm trổ tinh xảo mà Karim mới dựng cho người vợ sắp cưới Việt Nam còn thoang thoảng mùi gỗ thông tươi mới.
Cô dâu Tạ Hạnh Liên mừng rỡ khi gặp chúng tôi, những người khách đặc biệt đến từ Việt Nam. Cô Nguyễn Thị Xuyến, mẹ Liên, cùng chú Tạ Duy Tiến, ba Liên, vội vàng đi lấy bánh, rót trà đãi khách mà gương mặt không giấu được sự hân hoan.
Sau đó chúng tôi cùng ba mẹ Liên đến nhà trai để ra mắt họ hàng. Ông Karim Ahmed và bà Perveen Hussin, bố mẹ của Karim, ra tận cửa tay bắt mặt mừng đón ông bà sui gia. Một thoáng bỡ ngỡ ban đầu của sự khác biệt văn hóa cũng vội tan biến bởi tấm chân tình của hai bên.
Buổi sáng ngày thứ hai bắt đầu khi nhà trai giết bò Yak để ăn mừng, sau đó nhà gái và nhà trai dành tiếp một ngày cùng trò chuyện vui chơi, để hiểu nhau và gắn kết mối quan hệ thân thiết. Vào buổi tối, cô dâu sẽ được mọi người chăm chút cẩn thận và làm đẹp với những họa tiết, hoa văn được vẽ tay tỉ mỉ để chuẩn bị cho lễ cưới vào ngày cuối cùng.
Tôi trở lại làng Ghulkin vào ngày thứ 3 của đám cưới. Vẫn không khí se lạnh trong nắng dịu nhẹ, vẫn triệu đóa cherry rực rỡ khoe sắc sau những dãy núi tuyết kỳ vỹ, chỉ khác là hàng trăm dân làng với muôn sắc màu rực rỡ nhuộm thắm những ngả đường đến nhà Karim.
Toàn vùng Gilgit Baltistan, Pakistan với hơn 1.5 triệu dân hồi giáo đón đám cưới đầu tiên của cô dâu Việt. Nhà gái chỉ có 3 người, cô dâu và ba mẹ nhưng phía Karim thì cả 1.800 người dân cùng hân hoan chào đón “sự kiện lịch sử” của làng.
Ai cũng chọn những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất để cùng chia niềm vui chung của cả làng. Khi tôi đến nhà Karim thì đã có hàng trăm người tề tựu, mọi người đều hân hoan chào đón những người khách phương xa mà gọi vui là: đại diện cho họ nhà gái.
Trong gian nhà chính chia làm 4 khu vực, khu quan trọng nhất dành cho các bậc trưởng bối, người chủ hôn và chú rể. Còn 3 gian còn lại dành cho người thân trong gia đình và khách mời quan trọng. Chú rể sẽ ở trong một gian phòng khác cùng những anh em và bạn bè của mình.
Khi đến giờ làm lễ, Karim thay bộ trang phục Kurta Pajama truyền thống Hồi Giáo màu mận chín, ai cũng trầm trồ khi thấy Karim như hoàng tử trong truyện cổ tích.
Đi cùng Karim luôn có 2 người bạn thân thiết trợ giúp, họ cũng sẽ là người làm cha tinh thần cho cô dâu. Hai người cha tinh thần này có nhiệm vụ giúp cô dâu những khó khăn trong cuộc sống, động viên tinh thần, vượt qua khó khăn và thậm chí còn là “quan tòa” hòa giải những vướng mắc nếu có phát sinh giữa 2 người.
Sau khi tất cả an vị, vị chủ hôn đứng lên tuyên bố về sự kiện trọng đại của nhà trai với họ hàng và dân làng, sau đó mọi người cùng đọc kinh cầu nguyện chúc phúc, rồi cùng nhau ăn bánh kẹo, uống trà truyền thống. Karim lúc này đi ra sân vòng quanh nhà để chào cảm ơn tất cả họ hàng và dân làng đến chia vui.
Sau chừng 30 phút, một buổi lễ ngắn thứ 2 diễn ra, một đoàn nhạc vào trong nhà trai bắt đầu tấu những giai điệu chúc mừng truyền thống, và Karim bắt đầu cùng họ nhà trai sẽ di chuyển về nhà cô dâu trên một ngọn đồi gần đó, nhạc được tấu vang suốt cả đoạn đường.
Khi đến nhà cô dâu thì chỉ có một số ít người được phép vào trong nhà, còn mọi người đều ở bên ngoài. Bố mẹ Liên đã đứng sẵn ở cửa với trang phục áo dài Việt nam truyền thống. Gương mặt bà không giấu được sự hân hoan vui sướng khi thấy con rể dừng trước cửa và cúi đầu chào. Mọi người an vị và chờ đợi, ai cũng mong muốn được thấy mặt của cô dâu Việt trong trang phục Hồi giáo như thế nào.
Và rồi Liên xuất hiện ở cửa, gương mặt dịu dàng mà ánh mắt ngời sáng hạnh phúc. Liên khoác lên mình bộ trang phục Hồi giáo đặc biệt dành riêng cho ngày cưới: chiếc váy dài màu vàng rực rỡ được đính một lớp trang sức bạc chạm trổ hoa văn tuyệt đẹp, chiếc khăn lớn che đầu màu đỏ được thêu viền hoa cầu kỳ, chiếc vòng cổ kết ngọc trai cùng với nón đội đầu nhiều màu sắc được đính kết những viên đá tinh xảo.
Tay Liên đeo nhiều vòng và đặc biệt nhất là những hoa văn Mehndin được vẽ khắp 2 bàn tay. Khi tôi hỏi ý nghĩa thì được biết những hoa văn này truyền từ ngàn năm qua. Theo truyền thống, bột Mehndi được làm từ lá henna khô. Lá được phơi khô trong nắng, giã nát và lọc để lấy bột màu xanh lá cây. Sau đó hòa tan trong nước, nước chanh, tinh dầu bạch đàn và một vài nguyên liệu khác.
“Mực Mehndi” được ngâm qua đêm sau đó đổ vào trong một phễu nhựa, cắt ở đầu, tương tự phễu bắt kem. Miếng cắt to nhỏ sẽ tạo nên độ đậm nhạt của nét vẽ. Bên cạnh việc trang trí làm đẹp thì còn mang ý nghĩa chúc phúc tốt lành và mong muốn hạnh phúc của đôi trẻ được bền vững dài lâu.
Nghi lễ cưới đơn giản nhưng không kém phần trang trọng, người chủ hôn một lần nữa đại diện nhà trai ra mắt nhà gái, thông báo về cuộc hôn nhân và tuyên bố cả hai chính thức trở thành vợ chồng, Sau đó tất cả cùng đọc kinh cầu nguyện và thực hiện nghi lễ quan trọng nhất là ký giấy kết hôn.
Thật bất ngờ khi người chủ hôn yêu cầu tôi làm người làm chứng, tôi được yêu cầu trình hộ chiếu và thông tin cá nhân để ghi vào sổ hôn phối. Sau đó tôi ký tên vào giấy kết hôn bằng cả tiếng anh và tiếng urdu. Tôi nghĩ đó là một cơ duyên thật đặc biệt và là vinh dự hiếm có trong đời.
Sau khi nghi lễ kết thúc, Liên và Karim cùng ra sân để chung vui với cả làng. Hàng trăm người đã quây quần quanh khoảng sân rộng chừng 200m2 theo hình chữ nhật. Có những người ngồi dọc theo bờ tường và những hàng ghế được chuẩn bị trước. Tất cả đều khoác lên mình trang phục thật đẹp như thể hiện sự trân trọng và chia vui đám cưới.
Những người đàn ông thay phiên nhau nhảy múa hòa mình vào điệu nhạc, còn phụ nữ sẽ theo dõi và cùng vỗ tay tán thưởng, điệu nhảy của họ khá đơn giản nhưng cũng đủ thể hiện rõ sự hân hoan, chào đón, vui mừng, chia sẻ niềm vui trong lễ cưới cũng như cho cô dâu và chú rể. Cuộc vui kéo dài suốt đến tận nửa đêm mới kết thúc.
Thời gian không cho phép vì hành trình vẫn còn dài, chúng tôi chia tay vợ chồng Liên và Karim cùng dân làng trong sự quyến luyến bịn rịn. Chiếc xe jeep lại lồng lên trên con đường lổn ngổn đá hộc để lại tiếng nhạc tưng bừng rộn rã sau lưng.
Tôi thầm nghĩ mình thật sự may mắn vì có cơ duyên tham dự đám cưới tuyệt đẹp này. Nó không chỉ cho tôi được sống trải nghiệm trong những không gian văn hóa đặc sắc Hồi giáo mà còn cho tôi một niềm tin bền vững vào cuộc sống. “Hãy nỗ lực bước về phía trước và hạnh phúc phía cuối con đường.”
Theo Soha/Trí Thức Trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC