Phụ nữ Việt sang Tây làm gì?

Phụ nữ Việt sang Tây làm gì?

Sang Tây là để đổi đời, để sống thoải mái, chất lượng sống cao hơn, và nhất là chị em phụ nữ đều hy vọng sẽ hất được gánh nặng cố hữu chất lên vai khi phải làm vợ, làm mẹ ở Việt Nam, nơi vẫn nặng nề hủ tục, và những luật lệ bất thành văn nhằm trục lợi từ phụ nữ.

 

132 1 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

 

 

 

Có thể khẳng định rằng những phụ nữ dám bứt mình ra khỏi lối sống cũ, bước sang một chân trời mới mẻ, dẫu vốn chỉ có niềm hy vọng và vỏn vẹn chút thông tin về đời sống phương Tây, là những phụ nữ quả cảm.

Với họ, sang Tây, thay đổi hoàn cảnh sống là mọi thứ sẽ phải làm lại từ đầu với những thách thức mới, ngôn ngữ, kiến thức, văn hóa khác biệt, luật lệ, rào cản nhập cư, khí hậu, thức ăn, quan hệ...

Nếu bạn là một đứa trẻ ngoại quốc bơ vơ, bạn sẽ được cả xã hội phương Tây giúp đỡ, thậm chí sẽ nhận làm con nuôi và chăm sóc tử tế để có thể hòa nhập nhanh chóng và vươn lên.

Nhưng khi bạn là một phụ nữ đã trưởng thành mà lại muốn hội nhập xã hội phương Tây, rất nhiều thách thức chờ đợi bạn, sẵn sàng hẩy bạn trở về quê hương.

132 2 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

Phụ nữ Việt kinh doanh ở chợ trời nước Đức

Phụ nữ Việt khi đã bước chân ra đi, sang trời Tây thì hơn chín mươi phần trăm không muốn hồi hương. Bằng mọi cách, họ phải ở lại, phải bám chặt lấy môi trường đó, xã hội đó, trở về là thất bại, cuộc đời coi như khép lại vĩnh viễn.

Xét ra, phụ nữ Việt ham ở lại xã hội phương Tây hơn là đàn ông, cũng phải thôi bởi xã hội Việt vẫn chiều chuộng đàn ông hơn phụ nữ. Nên cho dù nhiều đàn ông đã đi Tây, làm ăn được nhưng rồi vẫn muốn trở về Việt Nam khi già, nhưng phụ nữ thì không. Trường hợp của vợ chồng Dương, một tiến sỹ ngành Dược là thế.

Dương đang là giảng viên một trường Đại học ở Việt Nam, anh được một suất sang Bỉ làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ.

Sang Bỉ một thời gian, Dương đón vợ con sang, vì học bổng của anh cùng với chế độ đãi ngộ ưu ái của Bỉ có thể hoàn toàn lo đủ cho Dương cùng vợ và hai con anh có cuộc sống đàng hoàng tại thành phố Leuven của Bỉ. Vợ Dương ôm hai con sang Bỉ đoàn tụ với chồng, mang tiếng sống nhờ học bổng của chồng, nhưng đã nhanh chóng khám phá vẻ đẹp châu Âu và yêu mến nơi này. Cô tranh thủ đi du lịch nhiều nơi ở châu Âu như Pháp, Hà Lan, Áo, Đức...

Thiên nhiên lãng mạn châu Âu, vẻ đẹp kỳ vĩ của kiến trúc, và nhất là chất lượng sống cao ở châu Âu đã khiến cô hình thành mong muốn được định cư lại châu Âu.

Thế là cô ngày đêm hối thúc chồng cô cố gắng nghiên cứu cho tốt, giành học vị Tiến sỹ với kết quả cao, được một giáo sư Hà Lan bảo trợ và mời sang Hà Lan tiếp tục công trình nghiên cứu về dược phẩm chống HIV. Bảo vệ luận án Tiến sỹ thành công, Dương không về lại trường Đại học ở Việt Nam mà chuyển sang Hà Lan sống và làm việc. Vợ Dương ở nhà chăm con cho chồng yên tâm làm việc.

Cô không đi làm ở nhà hàng hoặc tiệm nail nào cả, mà làm dịch vụ buôn bán online. Sẵn thời gian rảnh, cô săn được hàng hiệu hạ giá ở châu Âu, ship hàng về Việt Nam bán với giá bằng giá niêm yết là đã có lãi rất ổn.

Cô hào hứng cho biết, có khi chỉ cần tìm được khách đặt một chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền, cô săn hàng trong một tháng thì kiếm được, lãi tới cả ngàn Euro, cũng bằng nửa lương của chồng rồi. Làm như thế vừa nhàn, vừa vui, vẫn giữ được quan hệ với người Việt ở nhà, lại đỡ được gánh nặng kinh tế cho chồng, và nhất là có thể trụ lại và tận hưởng cuộc sống châu Âu chất lượng cao. "Mình có thể sống cao hơn, sống trước dân Việt ở Việt Nam cả trăm năm, thì tại sao lại không tận dụng cơ hội để ở lại châu Âu?" – Cô chia sẻ.

132 3 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

Phụ nữ Việt lấy chồng Tây, trụ lại ở xã hội Tây thì bớt áp lực hơn. Đàn ông Tây khi đã lấy vợ Việt thì thường xác định là sẽ nuôi vợ, chu cấp tài chính cho vợ cả đời, hơn nữa mọi việc cần đối đầu với bên ngoài về thủ tục nhập cư, về thuế má, về y tế... đều sẽ làm giúp cho vợ. Hầu hết phụ nữ Việt lấy chồng Tây đều yên tâm đời "tầm gửi". Họ chỉ ở nhà, làm nội trợ, sinh con, chăm sóc con và chăm sóc chính mình, ngoài ra có thời gian thì du lịch, đi học ngôn ngữ nước sở tại, học nấu ăn, cắm hoa, học nhạc, học lái xe...

132 4 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

Ở Pháp, lương hưu của chồng đủ nuôi sống vợ

Chị Hoan, một phụ nữ Việt lấy chồng Pháp. Chồng chị đã về hưu, nhưng lương hưu của anh, một kỹ sư và chuyên viên đào tạo cao cấp ngành điện của Pháp đủ nuôi chị, không những thế hàng tháng anh còn "bắn" vào tài khoản của chị ba trăm Euro để chị tiêu riêng hoặc để dành tùy ý. Cứ hai tháng một lần, anh chị lại đi du lịch một chuyến ở các nước gần Pháp.

Hai năm một lần anh chị về Việt Nam thăm người thân. Chị Hoan ở nhà lâu lâu chỉ nội trợ quanh quẩn cũng buồn, chị tính làm nem rán kinh doanh kiếm thêm. Những người bạn của gia đình anh chị ở Pháp biết chị làm nem rán ngon nên họ thường đặt chị làm nem mỗi khi gia đình họ có lễ sinh nhật, hoặc tổ chức liên hoan nhân gia đình có sự kiện vui. Chị định mở dịch vụ làm nem bán và nhận đặt hàng qua mạng. Tuy nhiên, chồng chị gàn, không muốn cho chị làm.

Thứ nhất, anh đủ sức nuôi chị, thì tại sao chị lại phải vất vả làm gì?

Anh lý luận rằng, trước khi lấy anh, chị đã sống rất vất vả ở Việt Nam, chỉ có cắm đầu vào làm, không bao giờ được vui chơi, được nghỉ ngơi và thư giãn, tận hưởng cuộc sống, thì bây giờ chị đã thay đổi cuộc đời, lấy anh và sang Pháp sống, chị nên tự cho phép mình sống an nhàn đến cuối cuộc đời mới đúng chứ.

Thư hai, lâu nay chị chỉ làm nem cho các gia đình bạn bè ăn, nếu họ cần nhiều thì trả tiền cho chị bằng tiền mặt.

Trong trường hợp chị định kinh doanh, thì phải có giấy phép, phải đóng thuế, và phải chịu trách nhiệm nếu khách ăn vào bị phản ứng tiêu hóa như đau bụng, ngộ độc... Nghe tới những vấn đề rắc rối đó, chị Hoan ngừng luôn ý định kinh doanh nem rán đặt hàng qua mạng.

Chồng chị nói đúng, gần 50 năm sống ở Việt Nam chị vất vả đủ rồi. Bây giờ là thời gian chị tận hưởng cuộc sống an nhàn. Tiền kiếm nhiều ra mà vất vả, mà phải lo lắng, và không có thời gian chăm sóc chồng, chăm sóc chính mình thì có đáng kiếm không?

Thế là chị không làm việc gì cho ra tiền nữa, thời gian rảnh chị trồng hoa, trồng cây gia vị Việt Nam trong vườn nhà, khám phá các địa danh nổi tiếng của Pháp, tìm hiểu các loại hoa trái bản địa và tập trung chăm sóc sức khỏe của cả hai vợ chồng. Chị hiểu ra rằng, phụ nữ cũng nên biết sống nhàn hạ, sống cho mình, không nhất thiết cứ phải cắm đầu làm việc và làm việc mới thấy mình có ý nghĩa.

132 5 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

Minh, một nữ phóng viên văn hóa văn nghệ tại Việt Nam, sau khi lấy chồng Tây thì định cư ở Bỉ.

Cô trở thành bà nội trợ toàn phần, ở nhà, sinh hai con, quanh quẩn việc nấu ăn và đưa con đi học. Tuy nhiên, máu làm báo vẫn sôi trong huyết quản, Minh tranh thủ lúc rảnh hoặc khi con đi học, viết báo gửi về đăng báo ở Việt Nam. Tuy thu nhập từ nhuận bút khá hạn chế, nhưng cô không phải dùng đến số tiền ấy mà cứ tích lại để vài năm vợ chồng cô về Việt Nam một lần, dùng tiền nhuận bút tích cóp làm chi phí du lịch tại Việt Nam. Còn trong khi sống ở Bỉ, cô được chồng "bao cấp" toàn bộ.

Đôi lúc Minh cũng băn khoăn, rằng cô sống dựa vào chồng thế này, đến khi về già chồng cô cũng hưu trí thì sẽ khá khó khăn trong chi tiêu. Lương hưu của chồng sẽ không cao, cô thì tất nhiên sẽ chẳng được xã hội Bỉ trợ cấp dù cô đã sinh ra hai công dân Bỉ, lúc đó thì phải làm thế nào? Hay là cô sẽ cố gắng kiếm việc làm ở Bỉ, để được đóng bảo hiểm xã hội, để khi già có chút lương hưu? Nhưng cô phải đợi con cô lớn hơn, tự đi học không cần cô đưa đón thì mới có thể đi tìm việc làm được.

Hiện tại, Minh vẫn vừa nội trợ, chăm con, vừa tranh thủ "cày cuốc" rồi gửi bài viết về đăng báo Việt Nam. "Được tới đâu hay tới đó vậy. Chưa biết là mình có thể kiếm được việc làm ở Bỉ hay không, nhưng mà từ bây giờ phải học tiếng bản xứ cho tốt, lái xe nhuần nhuyễn, chuẩn bị các điều kiện để đi làm sau này." – Minh cho biết kế hoạch của mình như thế.

 

132 6 Phu Nu Viet Sang Tay Lam Gi

Với một số phụ nữ khác, nhu cầu kinh tế chỉ là một phần, họ có nhu cầu muốn tìm hiểu đời sống việc làm ở xã hội Tây ra sao. Mặc dù sống trong xã hội Tây, nhưng chỉ quanh quẩn ở nhà nội trợ và đi chơi thì theo họ, cũng chưa phải đã hiểu hết xã hội phương Tây.

Cần phải đi làm, phải va chạm cuộc sống nơi công ty, nơi cơ quan của Tây, đối diện với những thách thức của cạnh tranh, của khác biệt quan niệm làm việc, của ngôn ngữ, thì mới biết mình yếu kém những gì, cần học hỏi thêm những gì. Còn nếu chỉ ở nhà, nhất vợ nhì chồng, xuê xoa cả cho nhau thì sẽ không bao giờ học hỏi tiến bộ được thêm.

Với suy nghĩ như vậy, Thoan, một phụ nữ Việt định cư ở Hà Lan đã hơn 10 năm, quyết định tìm việc làm. Ngôn ngữ hạn chế, không nghề trong tay bởi Thoan sang Hà Lan lấy chồng khi cô mới 19 tuổi, sau đó lại sinh hai con nên không thu xếp được thời gian đi học tiếng, học nghề cho chuẩn.

May mắn là Thoan được nhận vào làm công nhân vệ sinh trong một xí nghiệp sản xuất máy công nghiệp của Hà Lan. Được người quản lý hướng dẫn trong ba ngày, Thoan làm quen với các loại hóa chất tẩy rửa và các cách làm vệ sinh đặc thù trong một xí nghiệp. Được nết chăm chỉ và kỹ tính, Thoan làm việc miệt mài và sạch sẽ nên được chủ rất hài lòng, thường xuyên khen ngợi cô và dành việc lâu dài cho cô.

Công việc không quá nặng nhọc, tuy có chút tẻ nhạt, nhưng Thoan nghĩ hiện có một số người khác cũng muốn làm việc của cô, nếu cô tỏ ra thiếu nhiệt tình thì ông chủ sẽ thay thế cô ngay.

Nay cô đang được ông chủ thương mến và dành việc ưu tiên cho cô thì cô phải luôn cố gắng làm tốt nhất. Cô hạn chế việc xin nghỉ, hoặc xin về sớm để đón con. Cô nghĩ, đã không đi làm thì thôi, chứ khi có việc làm rồi thì nhất định phải luôn sẵn sàng với công việc, phải thu xếp khéo léo để không làm việc gia đình ảnh hưởng tới việc ở xí nghiệp.

 

Thoan cũng ý thức giữ gìn sức khỏe để làm việc không bị mệt mỏi, uể oải, hoặc để mình bị ốm mà phải nghỉ việc. Cô cũng muốn chứng tỏ với ông chủ và mọi người ở xí nghiệp rằng, người Việt có thể làm rất tốt và kỹ tính trong công việc, chứ không lười biếng và làm dối, làm ẩu như lâu nay người Tây hay nghĩ thế.

 

 

Trường hợp của Thu Hương thì khá hơn. Hương lấy chồng người Anh. Tuy lấy chồng Tây nhưng hai vợ chồng cô sống ở Việt Nam.

Chồng giảng dạy cho một cơ sở đào tạo của Anh tại Hà Nội, vợ mở một chuỗi sản xuất và bán lẻ thời trang. Sau hai mươi năm sống và làm việc tại Việt Nam, chồng Hương đến tuổi về hưu, muốn trở về Anh quốc để hưởng chế độ chăm sóc Y tế tốt hơn, trong lúc đó Hương đang ăn nên làm ra với chuỗi cửa hàng thời trang. Nhưng cô cũng nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh và thương hiệu thời trang để theo chồng sang Anh quốc định cư.

Sang tới nơi, cô thi tuyển vào hãng thời trang danh tiếng Marks & Spencer và ngỡ ngàng biết bao khi cô trúng tuyển vào vị trí tư vấn thời trang nam giới cho hãng.

Cả gia đình và bạn bè Hương ở Việt Nam đều bảo, chắc kiếp trước cô tu tốt nên vừa sang Anh quốc là có việc làm ngay, lại được tuyển vào một hãng thời trang danh tiếng, có cả trăm năm phát triển trên thị trường thế giới như thế. Người Anh còn mơ được làm việc ở đó, nữa là Hương, một phụ nữ Việt mới chân ướt chân ráo nhập cư Anh, giấy tờ chính thức cho việc nhập cư còn đang phải chờ đợi.

Tuy nhiên, phải xét thấy khi còn ở Việt Nam, Hương đã kinh doanh thời trang thành công. Người tài thì ở đâu cũng cần. Nhất là ở thị trường Anh, nơi người ta trọng nhất óc sáng tạo, có cả một nền công nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ mà cả thế giới phải học, thì việc tuyển người chỉ dựa vào năng lực, tuyệt đối không dựa trên sự quen biết. Hương có quyền tự hào về việc mình được xã hội việc làm nước Anh chấp nhận, nước Anh chấp nhận cô về năng lực của cô, chứ không vì cô đã lấy một người đàn ông nước Anh làm chồng.

Trải nghiệm thời gian đi làm, Hương nhận thấy công việc rất thú vị, phù hợp với cô. Cung cách làm việc hiện đại mà không quá phức tạp, hiệu quả công việc cao, quan hệ công việc cũng bình đẳng và sòng phẳng, không phải lo nghĩ quanh quẩn nên Hương thấy đầu óc rất thoải mái. Cô được tiếp xúc nhiều với đối tác, khách hàng, họ đều khen cô xinh đẹp, ăn nói duyên dáng và thân thiện.

Có anh còn mời cô đi uống cà phê sau giờ làm. Sếp của cô ở hãng cũng khen ngợi cô và luôn động viên để cô làm việc tốt hơn. Hương cho rằng dù đi làm ở hãng của Tây, nhưng cô vẫn thấy làm việc thoải mái và vui chứ không quá căng thẳng, quá áp lực như lời mọi người đồn đại.

Trường hợp của Hương cho thấy, không việc gì là không thể, cánh cửa công sở phương Tây vẫn mở cho phụ nữ Việt, miễn là người ấy có đủ năng lực làm việc và sẵn lòng làm việc, dám thử thách mình.

Trò chuyện với một số phụ nữ Việt sang Tây, trải nghiệm cuộc sống việc làm bên Tây, họ đều cho rằng, làm việc ở công sở Tây dễ chịu hơn so với ở ta.

Năng lực của bạn đến đâu, bạn cống hiến cho công việc đến đâu thì được hưởng đúng như thế. Bạn không phải lo đến việc quan hệ tốt với cấp trên thì mới được tăng lương, thưởng hay được cất nhắc. Thậm chí nếu có tặng quà cấp trên, bạn còn bị trả lại quà và bị phê bình. Họ chỉ cần bạn làm việc tốt là họ thưởng cao cho bạn, họ trân trọng bạn và gìn giữ bạn cho công ty họ.

Tất cả phụ thuộc vào hiệu quả làm việc và sự sáng tạo trong công việc của bạn, họ không cần gì hơn. Những phụ nữ Việt có năng lực, sống với tính cách thẳng thắn, không luồn cúi, sẽ vô cùng thích làm việc ở công sở Tây.

Có phụ nữ Việt, sang Tây một thời gian, làm ăn kinh doanh lẫy lừng, khiến Tây cũng phải ngả mũ cung kính.

Đó là trường hợp của bà Thu, từng là một người phụ nữ làm công việc nhỏ không mấy quan trọng trong đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc (cũ). Sau khi nổ ra cách mạng nhung ở nước sở tại, bà Thu chuyển ra ngoài kinh doanh. Hứng được "Cơn mưa vàng" tại Tiệp Khắc thời đó, khi hàng hóa thiếu thốn, bà Thu tranh thủ buôn bán đáp ứng nhu cầu hàng rẻ của dân thường, phất lên nhanh chóng, thành nữ đại gia nổi tiếng khắp các vùng biên giới Tiệp Khắc, Ba Lan, Đức...

Bà Thu mạnh tay đầu tư chợ cho người Việt ở nước sở tại, quy tụ nhiều người Việt kinh doanh nhỏ lẻ rải rác về chợ làm ăn, tạo nên một khu vực kinh doanh riêng cho người Việt, một xã hội Việt Nam thu nhỏ ở Trung Âu. Sau này bà Thu còn đầu tư xây dựng hẳn một nhà chùa Việt ở đây, một việc làm vô cùng khó khăn nhưng bà cũng thực hiện được.

Đã sinh ra trong trời đất này, rồi thì cũng sẽ tìm được chỗ đứng cho mình, dù là ở xã hội phương Tây, dù bạn là phụ nữ. Vả lại, xã hội phương Tây lại trân trọng và nâng niu phụ nữ hơn ở Ta nên dù phụ nữ Việt sang Tây chỉ nương tựa vào chồng, hay tự mình đứng lên khẳng định mình thì đều thuận lợi cả.

Nguồn: Kiều Bích Hậu/ petrotimes.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan