Tiệc tất niên Tết Nguyên đán 2022 của các du học sinh Việt Nam tại Nga - Ảnh: HỘI LƯU HỌC SINH TP EKATERINBURG
Anh Trần Quốc Ngữ, du học sinh Việt Nam hiện đang học thạc sĩ ngành ngôn ngữ học tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên anh ăn Tết xa nhà - Ảnh: NVCC
Anh Trần Quốc Ngữ (du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc): Lần đầu ăn Tết xa nhà
Mình đang học thạc sĩ ngành ngôn ngữ học tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, Trung Quốc và đây là lần đầu tiên mình ăn Tết xa nhà.
Hiện tại thời tiết ở Trung Quốc rất lạnh, tuyết cũng đã rơi. Khi thấy các bạn học Trung Quốc trở về quê ăn Tết, điều đó khiến mình cảm thấy rất nhớ nhà và nhớ đồ ăn Việt Nam.
Hiện tại Trung Quốc đã mở lại biên giới cho khách du lịch và nới lỏng hàng loạt biện pháp hạn chế sau 3 năm đóng cửa vì dịch COVID-19, nên không khí đón Tết khá nhộn nhịp. Mọi người đang về quê ăn Tết, còn những câu thơ, câu đối để trang trí Tết xuất hiện ở nhiều nơi.
Bước sang năm mới, mình hy vọng bản thân có thể nỗ lực hoàn thành tốt luận văn và thuận lợi tốt nghiệp, cũng như trải nghiệm thật nhiều điều thú vị tại đất nước này. Đón Tết Quý Mão, mình chúc mọi người có một năm mới vui vẻ, bình an, mạnh khỏe và hạnh phúc.
Chị Hồ Phương Thanh (du học sinh ở bang Nordrhein-Westfalen, tây bắc Đức): Mâm cơm Tết đong đầy nỗi nhớ
Tết Nguyên đán của Việt Nam lại trùng với khoảng thời gian thi học kỳ ở Đức, nên tôi cũng như rất nhiều du học sinh Việt Nam khác gần như rất ít tổ chức tiệc hoặc các hoạt động vui chơi, giải trí.
Có thì chỉ là tôi cùng với những người bạn Việt Nam khác ở ký túc xá, tặng cho nhau những phong bao lì xì đỏ, cùng nhau quây quần trò chuyện để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ Tết Việt và sau đó lại cùng nhau ôn bài chuẩn bị cho những ngày thi.
Tuy mâm cơm Tết chúng tôi tự chuẩn bị cũng không đầy đủ bằng mâm cơm mẹ nấu, nhưng đó là tâm huyết của tất cả du học sinh Việt Nam ở đây. Bởi nó còn chứa đựng những nỗi nhớ và cả tình yêu quê hương sâu sắc.
Mâm cơm Tết của các du học sinh Việt Nam tại Đức - Ảnh: HỒ PHƯƠNG THANH
Tết Nguyên đán năm nay tôi dự định sẽ tham gia gói bánh chưng tại Thiền viện Pháp Quang, một ngôi chùa của cộng đồng người Việt ở bang Brandenburg để đỡ thèm cái không khí Tết ở nhà.
Trước thềm năm mới, tôi chỉ mong năm nay có thể vượt qua mọi khó khăn, thử thách để có thể nhanh chóng nhận được tấm bằng tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, tôi cũng chỉ mong gia đình, người thân và bạn bè được khỏe mạnh bởi trải qua khoảng thời gian hơn 2 năm đại dịch, tôi mới nhận ra sức khỏe quan trọng đến nhường nào.
Chị Linh Phan (Na Uy): Tết đơn giản nhưng không bao giờ nhạt
Có lẽ tôi chưa đếm được bao lần mình sẽ không ăn Tết nhà. Thấy cuộc đời đơn giản đi nhiều và Tết đương nhiên cũng vậy.
Nhưng đơn giản không phải mang nghĩa nhạt nhẽo. Tết vẫn vẹn nguyên trong những nếp suy nghĩ của những kẻ xa nhà như tôi. Dẫu có nhiều khoảnh khắc trong những ngày Tết phương xa, tôi chợt thấy mình trơ trọi.
Nhưng có lẽ rồi thời gian và những xa cách không gian sẽ dần khiến tôi không còn thèm nhiều thứ nữa, như là thèm sự trở về, được ăn món này món khác hay đơn giản là lượn lờ ngõ ngách khắp nẻo thành phố quê hương mình. Vì hiện tại là không thể, và có thể nhiều năm sau này cũng vậy.
Thiết nghĩ con người mỗi giai đoạn lại mang những mơ mộng và tâm tư khác nhau. Đời sống cũng lắm lúc thi vị hay nhạt nhẽo không biết được. Mong người ta sẽ khác đi ở mỗi đoạn hành trình, nhưng đừng già nua, đừng quên đi gốc gác. Là được.
Chị Lê Thị Kim Oanh (sinh viên năm 2 Đại học Tổng hợp Liên bang Ural, thành phố Ekaterinburg, Nga): Nhớ như in khoảnh khắc vỡ òa chúc Tết lúc giao thừa
Ở Nga, Tết Nguyên đán trùng với giai đoạn thi cuối kỳ nên du học sinh chúng tôi cũng chỉ tranh thủ tổ chức một buổi tiệc tất niên nho nhỏ để cùng nhau quây quần trò chuyện, cùng nhau thưởng thức những món ăn Tết của Việt Nam, giao lưu văn nghệ và sau đó sẽ tặng quà cho nhau và cùng đón giao thừa.
Mặc dù ở xứ người nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất nhất có thể, mang đậm hương vị của mâm cơm gia đình trong Tết Việt với những món ăn như bánh chưng, thịt gà luộc, giò, chả nem.
Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc vỡ òa khi tôi gọi điện thoại về Việt Nam để chúc Tết gia đình vào giao thừa năm ngoái. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi không đón Tết cùng gia đình nên bố mẹ, ông bà đều rất xúc động khi nhìn thấy tôi qua màn hình khiến tôi cũng không giấu nổi những giọt nước mắt vui mừng.
Dù năm nay đã năm thứ hai đón Tết ở Nga nhưng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng bởi không giống ở Việt Nam, người Nga không đón Tết Nguyên đán. Không những vậy, vốn sinh sống ở khu vực phía nam nên khi phải đón Tết giữa các giá rét nơi xứ người càng khiến nỗi nhớ nhà, nhớ Tết trong lòng tôi rõ nét hơn.
Chị Trần Thụy Vũ Vi (du học sinh ở bang Kansas, Mỹ): Tết từ những nỗ lực tự thân
Đây là cái Tết thứ hai của mình ở thành phố Manhattan, bang Kansas, Mỹ. Cộng đồng người Việt ở đây chủ yếu cũng là sinh viên và giảng viên đang học tập và công tác tại trường cùng với gia đình của họ, tổng cộng chưa đến 50 người.
Trên đất Mỹ này, sự hiện diện của văn hóa Việt Nam và quy mô của cộng đồng người Việt thể hiện qua hai thứ, một là quán phở, hai là cửa hàng Việt Nam.
Manhattan là nơi mà cả hai đều không tồn tại. Do đó, không khí Tết Việt hoàn toàn không thể tìm được ở bất cứ một không gian công cộng nào quanh đây.
Ở một nơi như vậy, Tết chỉ có thể được tạo ra bằng những nỗ lực tự thân, vun đắp bởi sự nhớ nhung về niềm vui ăn Tết quê nhà của mỗi người. Từ những mẫu trang trí Tết tự làm bằng giấy màu, đến những món ăn Tết nấu bằng nguồn nguyên liệu giới hạn ít ỏi tìm được ở các cửa hàng lân cận hoặc lái xe 1-2 tiếng đến các thành phố lớn hơn mua về.
Ở nơi không có Tết này, Tết đến từ chính mỗi người con xa xứ, còn nhớ về quê hương là còn Tết.
Anh Lê Tiến Duẩn (nhiếp ảnh gia tự do ở Seoul, Hàn Quốc):
Hàn Quốc cũng là một quốc gia vẫn còn duy trì truyền thống đón Tết Nguyên đán nhưng đối với người Hàn, Tết Nguyên đán lại không phải là ngày lễ lớn nhất năm nên bầu không khí vẫn không thể nhộn nhịp, tưng bừng như ở Việt Nam.
Vào những ngày Tết, tôi cùng với hội người Việt tổ chức tiệc đón giao thừa với những món ăn Tết Việt như bánh chưng, bánh tét hay các loại mứt.
Cũng như ở Việt Nam, chúng tôi cũng trao nhau những phong bao lì xì, những lời chúc tốt đẹp nhất, cũng xúng xính áo dài đi hái lộc và chụp hình với nhau.
Chương trình Tết xa 2023 của các du học sinh Việt Nam Trường đại học Sejong, Hàn Quốc - Ảnh: LÊ TIẾN DUẨN
Có thể bầu không khí không thể nào giống với "mùi Tết ở nhà" nhưng những buổi tiệc nhỏ với những món ăn giản đơn, không cầu kỳ đã gom đủ phong sắc của Tết Việt trên đất Hàn giúp xua tan phần nào nỗi nhớ nhà của những người con xa xứ.
Chị Nguyễn Thị Ánh Mai (Malaysia): "Tết năm nay không về à? Thế lại nhớ bánh chưng rồi"
Chiều 26 Tết, tôi vô tình nghe được một cuộc điện thoại của anh đồng nghiệp gọi về cho gia đình. Đầu dây bên kia, có tiếng người hỏi: "Thế Tết năm nay có về kịp không?".
Không chỉ anh, tôi, mà rất nhiều người bạn Việt Nam đang làm ở nước ngoài, chắc hẳn cũng nhận được những câu hỏi tương tự.
Tôi vẫn thường đùa với người nhà là sang chưa được nửa năm mà con đón đến 3 cái giao thừa (một là theo lịch Hindu, một là giao thừa theo giờ Malaysia - múi giờ GMT+8, một tiếng sau, lại tiếp tục gọi về Việt Nam để còn đón giao thừa - múi giờ GMT+7).
Bố tôi cười, nhưng vẫn không quên hỏi lại: "Vậy Tết năm nay không về à? Thế lại nhớ bánh chưng rồi".
Ánh Mai bộc bạch một năm ăn đến mấy cái Tết vì sống ở đất nước đa văn hóa nhưng vui nhất vẫn là Tết cổ truyền dân tộc - Ảnh: NVCC
Khi điện thoại hỏi thăm người ở nhà, tôi thường chúc vui: "Chúc nhà mình Tết năm nay bánh chưng đầy thịt nhé!".
Chúc người khác như thế, nhưng bản thân cũng không thôi mong mỏi… một chiếc bánh chưng (có thịt hay không cũng đều được cả).
Hóa ra, chúng tôi đi xa không chỉ nhớ bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ, nhớ gia đình, mà còn nhớ cả một tình cảm đầm ấm thiêng liêng, nhớ một mảnh hồn xưa rất Việt.
* Chị Nguyễn Thúy An (đang học thạc sĩ về lĩnh vực phim ảnh tại Berlin, Đức): Hy vọng có thời gian ra chợ Đồng Xuân
Đây là lần đầu tiên mình xa nhà khi Tết đến. Mỗi lần lên mạng xã hội thấy bạn bè đang hồ hởi về nhà, gói bánh hay thậm chí là dọn nhà, mình cảm thấy nhớ nhà và cô đơn rất nhiều, nhất là khi năm nay gia đình mình quyết định về quê nội ăn Tết với họ hàng.
Ở Đức, Tết Nguyên đán không phải ngày lễ chính thức và mình sống ở nơi không nhiều người Việt, nên là mình lại càng nhớ nhà những ngày cận Tết hơn. Mình may mắn sống với cô chủ nhà người Việt nên cô có mời mình ăn giao thừa với cô.
Tuy nhiên, dù giao thừa năm nay rơi vào cuối tuần nhưng mình vẫn có một lịch thi vào đúng thứ bảy (và 2 tuần sau đó mình cũng phải thi liên tục). Vì vậy, mình buộc phải dành toàn bộ thời gian cho việc học trước và trong Tết.
Mình cũng cân nhắc tới chuyện mùng 1 Tết sẽ ra khu chợ Đồng Xuân để "hưởng ké" không khí Tết ở đó nhưng mình cũng không chắc nữa.
* Chị Nguyễn Ngọc Minh Trân (Sydney, Úc): Tôi sẽ phải tưởng tượng về đêm giao thừa
Đây đã là năm thứ ba tôi không về Việt Nam dịp Tết. Cho tới thời điểm này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, và tôi sẽ xem Tết Nguyên đán như một dịp… cuối tuần. Sau cái Tết "cuối tuần" này, tôi sẽ lại phải đi làm vào "thứ hai".
Tôi sẽ tưởng tượng rằng ngày thứ bảy của mình là ngày 30 Tết, có đêm giao thừa. Đó là lúc tôi sẽ dành thời gian thăm một số cô, chú lớn tuổi tại Sydney. Họ là những người đã thương và giúp đỡ tôi rất nhiều khi vừa sang đây.
Năm nay, tôi sẽ tiếp tục gọi điện thoại Facetime để đón giao thừa cùng gia đình như những năm trước.
Với một người xa xứ, tôi dĩ nhiên luôn muốn tìm kiếm một chút ấm áp trong tim, một chút yêu thương, một cảm giác đoàn viên mỗi dịp xuân về. Ở Úc có những ngôi chùa của người Việt và tôi sẽ đi chùa năm nay, tìm kiếm sự ấm áp nơi Đức Phật.
Hạnh phúc cũng nằm ở quanh ta, ở những cử chỉ dù rất nhỏ của bạn bè và đồng nghiệp. Ví dụ, khi tôi nói với người Úc về phong tục Tết cổ truyền Việt Nam, họ luôn quan tâm và thường hỏi cách chúc Tết bằng tiếng Việt để chúc tôi.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC