Thanh xuân nơi xứ tuyết

Thanh xuân nơi xứ tuyết

Cái ngày hắn phải xa Hà Nội và lưu lạc đến xứ sở của "rừng bạch dương sương trắng nắng tràn" đến nay đã hơn hai mươi năm.

Cũng chỉ vì cái tính ngông cuồng, bồng bột đến dại dột của tuổi trẻ mà hắn đã phải từ bỏ hoài bão, từ bỏ công việc mà hắn yêu thích, để đưa chân tới một nơi xa lạ với mùa đông đầy tuyết trắng, đất nước của những thiên tài Kopernik, Chopin, Sienkiewicz ... - đất nước xinh đẹp của những nàng tiên tóc vàng mắt biếc, đất nước của âm nhạc và thơ ca .

132 1 Thanh Xuan Noi Xu Tuyet

Ảnh: Một góc chợ Bałucki Rynek, Łódż - Ba Lan thời cách đây vài chục năm

Ngày ấy, trong một công ty xây lắp của bộ Nội Thương, hắn là thằng rất có năng lực, nhưng do bản tính hơi ngang tàng nên bị lão giám đốc  không ưa và nhiều lần chơi bẩn. Hắn không thèm chấp, nhưng lần cuối cùng, do bị xúc phạm, hắn đã nổi điên và lao vào gã kia  như một con thú - vì hồi nhỏ hay đánh nhau vặt ngoài phố nên trong tích tắc hắn đã làm cho đối phương lĩnh sẹo.

Chính cái khoảnh khắc làm cho lão kia phải khâu vài mũi trên đầu đã làm cuộc đời hắn rẽ sang hướng hoàn toàn khác. Lão giám đốc qủy quyệt kia đã chớp ngay cơ hội này mà nhổ được cái gai trong mắt mình. Hắn đã bị ép tự viết đơn xin thôi việc và biến khỏi cái công ty mà hắn có nhiều ấp ủ , đổi lại lão kia sẽ không cào cái vết thương kiểu "cái gai mồng tơi"  ra mà ăn vạ. Hắn sẽ được yên, không bị rắc rối với pháp luật.

     Chán nản vì bị mất việc, hắn quyết định theo chân lũ bạn sang Nga làm ăn, hơn nửa năm trời nếm đủ mùi cực nhọc  lẫn nguy hiểm, cuối cùng hắn quyết định vượt rừng vào Ba Lan, vì nghe nói đó là đất nước thanh bình, người dân  hiền lành, việc kiếm ăn cũng dễ dàng và ít nguy hiểm hơn ở Nga. Bao lần nghĩ lại hắn không biết cuộc sống ở đây hay Việt Nam sẽ tốt hơn, nhưng chưa bao giờ thấy ân hận khi để lại vết sẹo trên đầu lão giám đốc nhỏ nhen và ngu dốt kia.

     Hôm nay hắn trở về nhà sớm hơn mọi ngày vì phải tạt qua bưu điện nhận một bức thư bảo đảm. Hắn băn khoăn nghĩ, thời đại này rồi không biết ai còn chịu khó viết thư tay thế này nữa nhỉ? Ngày xưa mà được em nào gửi cho bức thư tay thì có lẽ đọc đi đọc lại, sướng cả tuần. Bên ngoài bì thư có  ghi được gửi từ thành phố Łódż*.  Hắn vội mở, hóa ra thư của Jan, thằng bạn tây, thằng bạn  giang hồ già. Tức thì hình ảnh lúc mới đặt chân đến  thành phố này hiện về như một thước phim.

     Ngày đó, người Việt ở Łódż có khoảng trăm mạng, số ít chị em đi làm trong nhà máy còn lại hầu như mọi người đều tỏa ra các chợ bán hàng quần áo. Có lẽ vì thu nhập cao hơn, công việc thì đơn giản và tiếng tăm cũng chỉ là những từ giao tiếp tối thiểu. Người tiếng dài như "cái đòn gánh" thì thuận lợi hơn, người tiếng ngắn thì chịu khó nói "mỏi tay" một tý, tây cũng hiểu. Những người trẻ khỏe thì dậy rất sớm đi chợ phiên, chợ quê, kiếm cũng khá, người già hơn có thể quanh quẩn chợ rau, góc phố với túi hàng nhỏ cũng kiếm ăn được. Vốn lười và vì mới sang chưa sắm được xe ô tô  chở hàng nên hắn chọn một cái chợ gần nơi hắn thuê trọ, bán hàng cùng mấy đứa ma cũ cho tiện, vừa đỡ phải dậy sớm. Chợ có tên Ba Lan đàng hoàng, nhưng để cho tiện, người Việt ở đây gọi là Chợ Sân Gạch, vừa cho dễ nhớ và vừa để phân biệt với cái Chợ Sân Đất gần đó. Chợ Sân Gạch rất to nằm gần khu trung tâm  và bốn phía được bao quanh bởi các phố lớn, có đủ các loại phương tiện công cộng nên rất thuận tiện, rất đông khách. Nhưng hỡi ôi như người đời thường nói "Chỗ nào có máu, chỗ đó có cá mập" - Chợ Sân Gạch trộm cắp  như rươi, cứ sểnh ra là mất, có khi còn bị kéo đi mất tăm cả những bao hàng to như con lợn tạ. Chính hắn đã bao lần xô xát với bọn trộm cắp ở đây để giành lại hàng hoá. Còn nhớ một lần, chỉ vì giằng lại đồ giúp một em gái mà  hắn bị dính một đòn  trời giáng của kẻ to gấp rưỡi mình, ba tháng sau nhai cơm, thái dương vẫn đau nhói.

     Lúc bất ổn nhất, trấn cướp hoành hành, tưởng chừng phải bỏ Chợ Sân Gạch mà đi thì Jan xuất hiện ...Về Jan, gã vốn là dân  giang hồ,  thiên hạ đồn thì gã từng bị giam vài niên do đánh nhau và vài vụ việc to nhỏ khác nữa. So với bọn phia pháo vùng này gã chỉ là hàng chiếu dưới, tuy vậy cũng đủ để cho mấy thằng trộm vặt ở chợ xanh mặt. Với thân hình cao lớn, nét mặt cô hồn đầy vẻ tinh quái, hai cánh tay đầy sẹo thâm do vết châm của thuốc lá và vết rạch của mảnh chai bia rượu, nhìn qua người ta đã ngại. Gã không thèm làm những vụ vặt vãnh kiểu nhón mấy cái áo xoa, tếch mấy cai áo gió, bộ thể thao của mấy em gái Việt bé nhỏ yếu ớt mà chuyên rình lấy cả túi lớn hàng gia dụng đắt tiền của mấy cô gái Nga hoặc Ucraina to vật. Khi làm qủa lớn, chúng  thường đi vài thằng, đợi các cô bán hàng xong, thu dọn đồ đạc,  thừa cơ cuối chợ nhá nhem và vãn người, đè ngửa các cô ra lột hết tiền bán hàng cả ngày. Thậm chí có cô cẩn thận nhét kỹ vào khu "tam giác vàng" mà vẫn bị bọn nó móc được, kêu la oai oái thật tội nghiệp ...

     Nhớ lại, vào một chiều cuối tuần, trời rất lạnh, đang ngồi co ro vì hàng ế thì Jan ra chỗ hắn và chìa tay: 

- Chào Karol, tao là Jan, chắc mày không lạ gì tao vì cùng kiếm ăn chợ này. Tao  không có thói quen mời đứa nào về nhà bao giờ, nhưng mày là trường hợp đặc biệt. Nếu không ngại, mời mày đến nhà tao làm mấy chai bia!

Rất lạ là Jan không mấy quan tâm đến sự có mặt của đám người bé nhỏ lam lũ, chuyên trải tấm nylon ra đất bán rong kiếm vài đồng bạc lẻ, kể cả những lúc có xô xát lớn với đám trộm vặt kia cậu cũng chỉ nheo mắt đứng nhìn. Sao lại mời mình đến nhà? Nghĩ bụng, cả gia tài có mỗi cái túi bán hàng mang theo đây, trên răng dưới dép ,  nhà thì thuê trọ, nếu có kẻ đột vòm chắc chỉ lấy được mỗi... gạo, sợ gì mà không đi. Hắn gật đẩu đồng ý.

     Nhà của  Jan rất gọn gàng và sạch sẽ, hoàn toàn khác với cảm nghĩ của hắn, mặc dù  nằm lọt thỏm trong con phố nhỏ xám xịt. Hớp xong ngụm bia lạnh, hắn thẳng thắn hỏi: - Sao mày mời tao đến nhà chơi?

- Thì tao thấy mày hay hay, phong thái của mày có thể tin được ... và vì mày biết cách đánh nhau ..hahahah - Jan hóm hỉnh cười lớn.

Có lẽ do đã nốc hết vài chai bia, cả hai cùng thấy thoải mái và cởi mở hơn.  Hắn cũng cười lớn và hỏi:

- Sao mày nói tao biết đánh nhau? 

- Ừ thì vừa tuần trước bọn mày vừa tẩn nhau. Bữa đó, thằng Krysztof bị một trận bét nhè còn gì, nhưng cái tao muốn nói ở đây không phải là chuyện đánh nhau giỏi ...

     Nghe vậy hắn khoái qúa, cố lấy bộ mặt ra vẻ lạnh tanh tiếp lời:

- Mày biết không, hồi  học cấp ba ở Việt Nam, tao bốn lần oánh nhau vỡ đầu đấy - hắn cố tình cộng  gian thêm hai lần nữa, để tăng độ máu, kinh nghiệm thực chiến, tức là tăng level của mình .

- Khi Thằng Krysztof máu me be bét, nó cay lắm, nên hôm sau quay lại với hơn chục đứa. Tao thấy mày xử lý rất khôn ngoan khi bị quây, nói mày biết đánh nhau là ở chỗ đó! Lúc bị chúng nó quây kín, mày đã hét lớn : "Nam! Chạy  vào đồn Policja**kêu mấy người quản lý chợ ra đây"! He he ...  Tao biết thừa cu con kia chạy vào toilet đứng, chứ làm chó gì có thằng policja nào quan tâm đến bọn bán rong, chuyên trốn vé chợ  mà cầu cứu  - Nói đoạn, Jan nheo mắt vẻ già đời -  Nhưng nghe loáng thoáng câu "Policja"cùng lúc thằng nhỏ chạy vụt đi, bọn dặt dẹo  tưởng nó đi gọi Policja thật và nhanh chóng phắn hết .... không có võ lừa  này thì  hai thằng  mày bét nhè là chắc!

- Ừ thì lúc đó chỉ tao nghĩ cách nào để thoát thân thôi. Thật lòng với mày, bọn tao phải sang đây kiếm ăn cũng chẳng sung sướng gì. Phải còng lưng làm việc mười ba, mười bốn tiếng mỗi ngày, đầu tắt mặt tối và không có ngày nghỉ, luôn bị trộm cắp trấn lột rình rập. Tao không bao giờ muốn xảy ra xô xát, gây mất đoàn kết với người Ba Lan, bất kể người ấy là ai. Bởi trong thâm tâm, kiếm miếng ăn từ người Ba Lan, bọn tao mang ơn... Nhưng ngày nào cũng bị mất hàng hóa như vậy thì không bao giờ bọn tao chịu.

     Hai thằng sắp cùng nhau khiêng hết két bia thì con gái nhỏ của Jan đi học về. Con bé trông xanh xao, ốm yếu. Vì không muốn nó nhìn thấy hai thằng mặt đỏ như gà chọi, nói chuyện ông ổng nên hắn cáo lui. Có thể vì men bia làm con người ta dễ gần nhau hơn, cũng có thể thằng bạn đã hiểu và đồng cảm với nỗi khổ của những kẻ kiếm ăn xứ người nên cùng với cái  siết chặt tay tiễn khách, Jan nói:

- Từ mai, chỗ bán hàng của mày sẽ không có thằng chó nào bén mảng quấy nhiễu nữa.

Chiều chiều, Jan hay ra chỗ hắn bán hàng. Hai thằng cùng nhau rít thuốc, tán gẫu và cũng dần thân thiết với nhau hơn. Từ đó, chỗ hắn bán hàng không còn  kẻ nào quấy nhiễu nữa, thậm chí vài chú dặt dẹo khi đi ngang còn bắt tay kêu  "Cześć" *** rất thân thiện.

Bẵng đi vài tháng, đột nhiên Jan lại xuất hiện, với cánh tay bị bó bột và chân đi khập khiễng. Hắn vồn vã hỏi: 

- Mày làm sao mà ra nông nỗi này? Tao tưởng mày không ra Sân Gạch là do dạt vòm đi nơi khác kiếm ăn?

- Nào có đi đâu - Jan cúi mặt buồn bã. Mẹ kiếp đúng là đi đêm lắm có ngày gặp ma. Tao bị mấy con Nga cho sập bẫy. Xẩm tối hôm đó, tưởng đè  mấy ả gà béo ra móc được xèng thì bất ngờ mấy chú to như gấu xuất hiện, tẩn cho gãy hết tay chân. Có lẽ bọn này là dân KGB giải nghệ được mấy ả kia thuê, nên ra đòn cực nặng và chuyên nghiệp.Tao đã phải nằm viện mấy tháng mới đi lại được thế này.

-  Thôi! Sau lần nhớ đời này, mày kiếm việc khác mà làm, bỏ cái việc kia đi - Hắn cất giọng ân cần.

- Tao thì còn làm được cái gì? Nhìn thấy bản mặt tao người ta muốn tránh như tránh hủi. 

- Không nên nghĩ tiêu cực thế! Mày biết không, bạn bè thấy tao qua lại với mày đều khuyên không nên, vì sợ sẽ bị phiền phức, nhưng tao vẫn tin và làm bạn với mày!

- Cảm ơn mày đã tin tưởng và không xa lánh tao! Nhưng tao đang thương tích thế này ........

- Hay là thế này - Hắn sốt sắng cắt ngang - Khi nào lành vết thương, mày đi lấy hàng cho tao? Hàng tuần, tao vẫn phải lên Warszawa* lấy hàng. Thay vì tao phải thuê xe khác thì mày có ô tô, chở cho tao! Tao sẽ trả tiền sòng phẳng. Hơn nữa ở đây có nhiều người Việt, tao sẽ giới thiệu thêm, cứ làm việc uy tín sẽ sống được!

     Jan nhận lời. Cứ như thế, suốt cả năm trời, tuần nào, hai thằng cũng  rong ruổi từ "Sân vận động" **** về Łódż với xe hàng đầy ắp. Jan  khá chính xác và tỏ ra cần mẫn nên không có gì chê trách.

Cho đến một hôm, vì phải tìm quyển sổ ghi chép hàng hoá, hắn vô tình phát hiện ra dưới gầm ghế xe của Jan có một khe bí mật. Hắn lôi trong đó ra được  hơn chục chiếc áo gió và mấy tệp áo xoa.Thì ra mỗi lần đi chở hàng, thằng  này đều thăn của hắn bằng cách như vậy. 

     Với tâm trạng buồn chán của một kẻ bị bị lừa dối và mất niềm tin, hắn chả thèm gọi Jan ra để sỉ vả cho hả giận mà chọn cách lẳng lặng thu gọn đồ đạc, trả nhà. Một tuần sau, hắn cuốn gói lên Warszawa tìm công việc mới.

Trải qua nhiều năm tháng, công việc cứ cuốn đi với bao bận bịu và thay đổi, rồi còn cuộc sống gia đình với bao lo toan lớn nhỏ khác, hắn cũng chả còn thì giờ mà nhớ đến ký ức buồn ở thành phố Łódż và thằng bạn Jan nọ . 

Thước phim một đoạn thanh xuân của cuộc đời phải dừng lại khi hắn đọc những dòng trong  thư Jan viết :

     " Xin chào Karol ! Tao là Jan. Trước hết, mày đừng ngạc nhiên vì sao  tao có thể mò ra địa chỉ của mày để gửi được bức thư này.  Tuy có gặp khó khăn vì mày đổi chỗ ở nhiều lần - nhưng mày biết tài của tao mà. 

Tao đã rất rằn vặt khi mày phát hiện ra việc làm đáng xấu hổ của tao. Việc mày biến đi một cách kỳ quái lại càng làm tao ân hận. Chắc mày khinh tao lắm. Nhưng cũng mong mày hiểu tao một lần,  không dám mong mày tha lỗi. Mày hãy hiểu cho hành động ngu xuẩn tao đã làm, vì lúc đó bé con nhà tao bệnh nặng,  bao nhiêu việc  cần đến tiền đã làm tao quẫn trí.Thú thật tao đã năm lần lấy hàng của mày để lo cho con. Kèm theo đây, xin gửi trả mày số  tiền hàng tao đã lấy, cùng với khoản lãi xuất theo thời gian. Hãy ra bưu điện nhận lại cho tao được thanh thản nhé!

Nhân đây, nói thêm để mày biết, hiện tao không còn ở nhà cũ. Cuộc sống  tạm ổn. Tao sống  cùng con gái, con bé vẫn hay ốm đau quặt quẹo như xưa, nhưng học rất khá. Tao giờ phải sống tốt vì nó thôi.

Sở dĩ tao không ghi  địa chỉ của mình vì vẫn còn cảm thấy nhục nhã. Chúng ta không nên có ngày gặp mặt. Nếu có khoảnh khắc nào nhớ đến tao, xin mày đừng  nghĩ rằng tao cũng chỉ là thằng trộm vặt, đáng khinh và không thèm nhìn mặt. Hãy nghĩ tao là một gã giang hồ già tuy thất thế nhưng vẫn còn liêm sỉ !" .

Ảnh - Tác giả về thăm lại khu "Chợ Sân Gạch" (Bałucki Rynek, Łódż -Ba Lan)

    Từ hôm nhận được bức thư của Jan, trong lòng hắn luôn nặng trĩu sự áy náy. Hôm nay, hắn quyết định quay lại Chợ Sân Gạch, thăm lại chốn xưa, như để tự nhủ lòng là đã tha lỗi cho bạn già. Hắn bồi hồi nhớ lại một thời thanh xuân cặm cụi bon chen. Chợ sân Gạch với sự bát nháo, lộn xộn giờ không còn nữa mà mọc lên một khu thương mại khang trang và quy củ,  luôn tấp nập khách khứa và sáng rực ánh đèn. Khi tiến vào trong, hắn vẫn đưa mắt nhìn quanh như cố tìm lại những bóng hình xưa cũ. Hắn chợt cười và thầm nghĩ: với khu buôn bán hiện đại thế này, những gã giang hồ già kia tuyệt tự là phải và đương nhiên sự lương thiện đã được thay thế. Tuy nhiên, trong lòng hắn sẽ không bao giờ phai nhạt hình ảnh chợ Chợ Sân Gạch, những gã giang hồ cùng với góc khuất đầy bi tráng, vừa đáng nhớ lại vừa đáng quên này.                                                                 . 

Warszawa, 15/05/2019.

PS :

Kopernik, Chopin, Sienkiewicz: Nhà thiên văn học, nhà soạn nhạc , nhà văn  thiên tài của Ba Lan .

*        Łódż, Warszawa: hai thành phố lớn của Ba Lan .

**    Policja : Cảnh sát 

***  " Cześć  : Xin chào - kiểu thân mật

.**** Sân vận động : Là khu chợ trời lớn nhất châu Âu , nơi có nhiều người Ba Lan và Việt Nam buôn bán .

Truyện ngắn, Giải Ba - Cuộc thi truyện ngắn Báo Quê Việt - 2019

 

Tác giả: Hà Dương Quân

Nguồn: Queviet.eu


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan