Tiến sĩ gốc Việt được giải thưởng hóa sinh ở Anh

Tiến sĩ gốc Việt được giải thưởng hóa sinh ở Anh

TS Nguyễn Thị Hoàng Dương (Kelly Nguyen), là người gốc Việt đầu tiên được Hiệp hội Hóa sinh Vương Quốc Anh trao giải thưởng Colworth Medal trong 60 năm qua.

Trang chủ của Hiệp hội hóa sinh (Biochemical Society), cộng đồng học thuật về lĩnh vực hóa sinh được thành lập ở Vương Quốc Anh từ năm 1911 vừa thông báo Kelly Nguyen đạt giải thưởng Colworth năm 2024 - giải thưởng dành cho những nhà khoa học trẻ nổi bật trong lĩnh vực hóa sinh dưới 35 tuổi.

Đây là một trong những giải thưởng uy tín nhất dành cho những nhà khoa học trẻ ở Anh, trị giá khoảng 3.000 Bảng.

1 Tien Si Goc Viet Duoc Giai Thuong Hoa Sinh O Anh

TS Kelly Nguyen tại nơi làm việc. Ảnh: MRC LMB

Kelly Nguyễn làm việc tại Phòng thí nghiệm sinh học phân tử của Hội đồng nghiên cứu y khoa ở thành phố Cambridge (MRC LMB ). Tại đây cô là nhóm trưởng của một nhóm nghiên cứu về telomeres (nucleoproteins ở đầu mút của nhiễm sắc thể) và cách enzyme telomerase xây dựng lại telomeres bị mất trong quá trình sao chép bộ gene. Đây là mô hình nguyên tử đầu tiên về enzyme telomerase ở người.

Kelly Nguyen giải thích, bên trong tế bào, DNA tổ chức thành những cấu trúc dài gọi là nhiễm sắc thể (chromosomes). Ở đầu mút của nhiễm sắc thể chính là telomeres. "Telomeres bảo vệ bộ gene, như đầu nhựa bảo vệ dây buộc giày", Kelly Nguyen so sánh.

Với các bế bào thông thường, telomeres (đóng vai trò bảo vệ) sẽ ngắn lại theo thời gian, khi telomeres quá ngắn thì tế bào sẽ chết. Nhưng các tế bào ung thư thì sẽ kích hoạt telomerase, làm cho nó duy trì một thời gian dài. Như vậy tế bào ung thư sống lâu hơn các tế bào khác, kết hợp với sự tăng sinh tế bào không kiểm soát sẽ hình thành nên khối u.

2 Tien Si Goc Viet Duoc Giai Thuong Hoa Sinh O Anh

TS Kelly Nguyen so sánh, telomeres nằm ở đầu mút của nhiễm sắc thể, như đầu nhựa của dây buộc giày, bảo vệ bộ gene. Trong tế bào thông thường telomeres sẽ ngắn lại và tế bào chết đi (trái) nhưng với tế bào ung thư thì telomeres được duy trì lâu hơn do enzyme telomerase kích hoạt (phải). Ảnh cắt từ youtube

Cô cho biết, hiện việc thiết kế các loại thuốc đánh vào telomerase gặp khó bởi vì "chúng ta không biết nó trông như thế nào". Vì vậy nhóm cô tìm cách vẽ hình dạng ba chiều của telomerase để giải quyết vấn đề trên.

Huy chương Colworth được trao từ năm 1963, cho các nhà khoa học trẻ thực hiện nghiên cứu ở Vương Quốc Anh ở Ireland. Người được trao huy chương sẽ được mời thuyết trình và gửi bài báo cho ấn phẩm của hội Hóa sinh.

Trên website của MRC LMB, Kelly nói: "Tôi rất vui mừng được nhận Huy chương Colworth. Tôi muốn chia sẻ niềm vinh dự với tất cả các thành viên phòng thí nghiệm trước đây và bây giờ, các cố vấn, đồng nghiệp và cộng tác viên, những người đã có những đóng góp thiết yếu vào công trình này".

3 Tien Si Goc Viet Duoc Giai Thuong Hoa Sinh O Anh

Enzyme telomerase (phía dưới) tác động đến việc duy trì telomere (màu xanh lá cây) ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (chữ X màu xanh dương). Hoạt động này ảnh hưởng tới quá trình ung thư và lão hóa. Ảnh: MRC LMB

Kelly Nguyen lớn lên ở miền quê tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi học lớp 10, cô qua New Zealand học trung học hai năm cuối. Sau đó cô học Đại học Quốc gia Australia và có bằng tiến sĩ danh dự về Hóa học.

Cô chuyển đến Vương quốc Anh và rẽ sang ngành sinh học phân tử, lấy bằng tiến sĩ ở Cambridge. Năm 2016 cô đến đại học California để nghiên cứu về telomerase trước khi thành lập nhóm nghiên cứu riêng ở MRC LMB năm 2019.

Công trình nghiên cứu của cô trước đây đã được ghi nhận bởi giải thưởng Eppendorf dành cho những nhà nghiên cứu trẻ châu Âu năm 2022, giải thưởng Suffrage Science năm 2020 của Viện khoa học Y tế London.

Phạm Linh

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan