Tiến sĩ Việt kiều Mỹ bức xúc về thực phẩm bẩn ở Việt Nam: Về nước tôi chỉ dám ăn trứng luộc

Tiến sĩ Việt kiều Mỹ bức xúc về thực phẩm bẩn ở Việt Nam: Về nước tôi chỉ dám ăn trứng luộc

TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ hiện đang sống và công tác tại TP.HCM cho biết, có 1 thời gian dài khi về Việt Nam ông chỉ dám ăn rau và trứng luộc vì sợ ăn phải thực phẩm bẩn.

Thưa ông, là một Việt kiều sống hơn 40 năm ở nước ngoài, khi về Việt Nam với niềm đam mê giúp cho ngành tài chính nước nhà, ông có gặp khó khăn gì trong đời sống như chuyện thực phẩm kém an toàn ở nước ta không?

TS Nguyễn Trí Hiếu:

Nói chung vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam là vấn đề lớn. Cách đây khoảng 30 năm, chúng ta còn thiếu ăn thì lúc đó ta có gì ăn đó.

Ngày nay xã hội đầy đủ hơn, con người có nhiều lựa chọn nhưng những lựa chọn lại chứa nhiều rủi ro, không an toàn. Nông sản Việt Nam từ đánh bắt đến nuôi trồng đều đã không còn an toàn, chứa nhiều hóa chất.

Mỗi ngày báo chí có hàng loạt các tin tức về mỡ heo bẩn, thịt bẩn, tái tạo bán cho các cửa hàng vỉ hè, quán cơm sinh viên, quán cơm các doanh nghiệp. Vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề rất lớn của xã hội hiện nay.

Riêng tôi, tôi lựa chọn thực phẩm rất chặt chẽ từ rau củ quả đến thịt cá để đảm bảo không ăn phải thực phẩm không an toàn.

1 Tien Si Viet Kieu My Buc Xuc Ve Thuc Pham Ban O Viet Nam Ve Nuoc Toi Chi Dam An Trung Luoc

Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu

Ông thường chọn thực phẩm cho bản thân mình thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước kia tôi thường ăn chỉ rau và trứng luộc. Lý do là tôi vừa sợ thực phẩm không an toàn và vừa tránh chất mỡ, tránh protein.

Tuy nhiên, cách mà tôi chọn cũng không phải tốt vì đem quá nhiều cholesterol vào cơ thể. Vì thế, hiện nay, thay vì ăn trứng, tôi ăn cá hồi hoặc cá ngừ đại dương.

Thực phẩm tôi cho chỉ mua trong siêu thị, cá hồi là loại nhập khẩu từ nước ngoài về cắt miếng. Khi mua tôi còn cẩn thận mở bao giấy xem mùi cá có tanh không, tươi hay không thì mới mua.

Có thể người bán không hài lòng về cách mua của tôi nhưng tôi cứ phải chọn thực phẩm cẩn thẩn để đảm bảo cho chính mình.

Ngoài ra, tôi còn ăn cá và rau quả của Việt Nam, tránh các chất từ thịt. Dù protein cần cho cơ thể và các loại thịt đỏ, thịt bò, thịt heo, thịt gà, thịt vịt dùng đúng liều lượng đều tốt nhưng tôi vẫn tránh ăn.

Theo tôi, cơ thể không cần quá nhiều protein, hơn nữa, nếu ăn nhiều những loại thực phẩm đó thậm chí còn mang hoá chất vào cơ thể.

Là một nhà kinh tế chắc ông sẽ đánh giá cao yếu tố lợi nhuận trong kinh doanh. Việc kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng cũng là vì lợi nhuận. Ông nhận định về lợi nhuận này như thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Nhiều người vì chạy theo lợi nhuận mà dùng hoá chất trong nuôi trồng nông sản, dùng nguyên liệu thiu thối để bán cho người dân. Điều này tôi không thể tưởng tượng ra và cũng không chấp nhận được.

Cách đây vài chục năm báo chí nước ngoài đã nói đến vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam. Nhưng lúc đó họ chỉ nói đến vấn đề vệ sinh thực phẩm thôi và tôi nghĩ có thể họ bêu xấu Việt Nam. Nhưng giờ sống ở đây tôi thấy cái họ nói đến còn thua xa so với thực tế.

Lợi nhuận đã áp đảo lương tâm của một số người họ bán hàng. Họ bán cho dân chúng loại thực phẩm không chỉ thiếu an toàn mà còn gây ung thư, gây chết người.

Có thể họ không nhìn ra sự nguy hiểm vì đã thấy ai ăn mà chết đâu, hàng ngàn người ăn không thấy ai chết.

Nhưng họ không biết rằng cái chết sẽ đến từ từ. Khi chưa tận mắt chứng kiến những cái chết đau đớn do bệnh tật gặm nhấm thì họ chưa thấy sợ và còn chạy theo lợi nhuận.

Được biết ông là giáo sư aikido nổi tiếng, ông có mong muốn nào về cách thay đổi lối sống của người Việt để tăng cường sức khoẻ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất ít quan tâm tới cách sống lành mạnh, kế hoạch ăn uống thích hợp và ít vận động thể dục thể thao. Bản thân họ rất cần thay đổi.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện quản lý, giám sát thực phẩm bảo vệ sức khoẻ người dân, phải tuyên truyền để người dân có tinh thần cộng đồng, biết nghĩ đến sự tồn vong của xã hội mà có ý thức hơn trong việc tạo ra 1 nền thực phẩm sạch.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan