Chuyện một anh chàng tốt nghiệp Thạc sĩ Kế toán và Tài chính tại Anh, thông thạo 2 ngoại ngữ mà về nước vẫn thất nghiệp đã dấy lên làn sóng tranh cãi trên khắp các trang mạng xã hội ngày hôm qua. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bài viết thể hiện quan điểm của một vị tiến sĩ sinh năm 1988, anh Ngô Văn Hoàn - người từng nhận được học bổng nghiên cứu của Hiệp hội Hoàng gia Anh - (The Royal Society) - Học bổng quốc tế Newton với công trình nghiên cứu về 1 loài vi khuẩn nguy hiểm bậc nhất thế giới mang tên Shigella.
Anh Ngô Văn Hoàn từng học tiến sĩ ở New Zealand, làm việc tại Đại học Hoàng Gia London (Anh) và hiện đang làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch tễ và Y học Nhiệt đới London.
Khi đang còn là một cậu sinh viên tại Đại học Y Hà Nội, anh Hoàn đã nhận được bọc bổng thạc sĩ của ĐH Chonnam, Hàn Quốc và học bổng tiến sĩ của Đại học Otago, New Zealand. Trong quá trình học, Hoàn cũng "săn" được rất nhiều học bổng ngắn hạn để đến học hỏi tại Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Với kinh nghiệm 7 năm du học qua nhiều nước, tôi hoài nghi về khả năng của anh chàng với hàng loạt câu hỏi trong đầu: tấm bằng Thạc sĩ có tương xứng với khả năng của anh ta?
Anh ta bị từ chối hết nơi này đến nơi khác là do thể hiện kém trong vòng phỏng vấn hay do anh ta đòi hỏi quá mức từ nhà tuyển dụng? Nhân tiện, tôi cũng có một số quan điểm cá nhân về những góc khuất của việc du học để mọi người thấy rằng: không phải du học sinh nào cũng giỏi, du học về nước thất nghiệp một phần do bản thân quá kém cỏi mà thôi.
Thứ nhất, mọi người đi du học theo những con đường khác nhau, không ai giống ai. Có người nhà khó khăn nên muốn đi du học phải học giỏi, trầy trật xin học bổng để được đi. Có nhiều người sinh ra đã ngậm thìa vàng, bố mẹ có tiền mà nhà lại mỗi đứa con nên "tống cổ" nó đi nước ngoài để tiêu bớt tiền. Nhưng lại có những gia đình không mấy khá giả, nhưng cố chạy vạy lo cho con đi du học mà thực chất là đi xuất khẩu lao động với mong muốn sang đó kiếm tiền gửi về
Do xuất phát điểm khác nhau, nên khi sang trời Tây cách học của mỗi người cũng khác nhau. Những người đi theo diện học bổng thì cố gắng cày quốc, để tiếp tục giành học bổng để trụ lại. Những người đi du học để "tiêu tiền", trước ở nhà bị gò bó và quản lý bởi gia đình thì nay tha hồ mà "bung lụa" ở khắp các tụ điểm ăn chơi. Những người sang mục đích để kiếm tiền thì xuất hiện ở giảng đường thì ít, mà vật vờ ở các nhà hàng quán ăn thì nhiều. Do đó, đừng quá ngạc nhiên nếu một du học sinh về nước với một cái đầu rỗng và một trái tim thích đòi hỏi.
Thứ hai, mọi người hay bị mấy cái tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ nước ngoài làm cho choáng ngợp. Tuy nhiên, không phải tấm bằng nào cũng phản ánh chân thực khả năng và công sức của mỗi người cố gắng bỏ ra để có được. Có những trường, có những tấm bằng cứ bỏ tiền ra là vào được và cứ học là sẽ có bằng.
Các nhà tuyển dụng đều là những người có kinh nghiệm, nên điều dễ hiểu là họ có con mắt biết nhìn người hơn chúng ta. Và chỉ cần qua phỏng vấn tiếp xúc là họ có thể đánh giá khá chính xác khả năng của mỗi người, chứ không cần dựa vào bằng cấp. Hơn nữa, ngoài cái tấm bằng thì còn đủ thứ mà nhà tuyển dụng muốn ở một người làm như sự tự tin, khả năng xử lý tình huống… Nếu bạn nói bạn giỏi, đi gặp 10 nhà tuyển dụng thì cả 10 đều từ chối thì họ nên xem lại họ. Còn nếu bạn đi gặp 100 nhà tuyển dụng mà cả 100 đều lắc đầu với bạn thì bạn nên xem lại mình. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, hãy tự trách bản thân mình vì đã quá yếu kém.
Thứ ba, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Những người học trong nước rồi tìm được việc trong nước xin hãy khoan đắc ý và mỉa mai du học sinh về nước rằng: "Tao học trong nước, giờ cũng kiếm được công việc nghìn đô. Đâu cần phải đi du học như mấy đứa để rồi thất nghiệp đầy ra".
Bạn học trong nước, rồi xin được việc trong nước là điều bình thường như cân đường hộp sữa, chả có gì để khoe. Còn nếu bạn học trong nước, rồi xin được việc ở nước ngoài thì lúc đó hãy tự đắc.
Đối với các bạn du học sinh, cũng đừng vì nghe những lời dè bỉu hay sự đánh đồng của những kẻ ngoài kia mà buồn. Nếu bạn có khả năng thực sự, hãy về nước và chứng minh cho những người kia thấy bạn đã tiếp thu được gì ở trời Tây. Còn nếu bạn không làm được thì hãy chấp nhận một sự thật rằng: bạn đi du học với hai bàn tay trắng, sau bao năm trở về bạn gây dựng cho gia đình cả một khoản nợ khổng lồ và không gì khác.
Tóm lại, đi du học hay học trong nước không quyết định việc bạn có thành công hay không. Bạn tốt nghiệp ra trường, dù học ở bất cứ đâu, mà không xin được việc là do bạn không có khả năng, chỉ vậy thôi. Còn với những ai ảo tưởng sức mạnh, gắn cái mác du học sinh rồi tự cho là mình giỏi và chê bai các nhà tuyển dụng không có mắt nhìn người thì hãy tự mở công ty và tự mình làm chủ, đâu ai cấm?!
Nguồn: Kênh 14
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC