Khi đến Anh, Iola Nguyen xin trông trẻ nhưng chưa được ba tháng đã bị đuổi việc. Trong túi còn vỏn vẹn 100 bảng, cô gái Pháp gốc Việt đành phải đi thuê phòng trọ tập thể, 8 người ở chung. Trong căn phòng giá rẻ đó, cửa sổ vỡ toác, mùa đông ngồi trong nhà vẫn phải mặc áo khoác quấn mình trong chăn mới đỡ cóng. Được một tuần, trộm vào khoắng hết đồ, Iola chính thức tay trắng nơi đất khách.
“Lúc đó tôi bị sốc. Nhưng khóc chán rồi lại tự ngồi dậy, nhắc nhở bản thân mục đích chính sang Anh làm gì”, Iola nhớ lại. “Tôi phải thành công và tôi tin điều đó bởi trong tôi có dòng máu kiên cường của người Việt”.
Iola Dilaw có tên tiếng Việt là Nguyễn Kim Nga, sinh năm 1991, ở quận 9, TP HCM. Cô có một em gái sinh đôi nhưng bị tách rời nhau khi vừa tròn một tuổi. Vì bố mẹ đẻ quá nghèo, Kim Nga được gửi vào trại trẻ mồ côi. Nửa năm sau, cô bé được một cặp vợ chồng giáo viên người Pháp ở quận Perpignan, tỉnh Pyrénées-Orientales, nhận làm con nuôi.
Từ khi còn nhỏ, Iola đã biết mình không phải con đẻ bởi bố mẹ nuôi không giấu giếm cô bất cứ điều gì về người sinh thành ra mình. Họ lưu trữ mọi giấy tờ liên quan đến việc nhận con nuôi, các bức ảnh từ khi Iola ở trại trẻ mồ côi trong một chiếc hộp. “Nhờ đó, tôi luôn nhớ về nơi mình sinh ra”, cô nói.
Vượt qua sự hoài nghi và đau khổ về lý do bị bỏ rơi, Iola tự giải tỏa bằng những lời tự giải thích “do mẹ quá nghèo, mẹ cũng không muốn làm như vậy”. Từ nhỏ, cô bé đã mong muốn được trở về Việt Nam, được gặp mẹ để nói lời cảm ơn vì đã cho cô cuộc sống. “Tôi không bao giờ trách mẹ đã bỏ rơi mình, vì cuộc sống có những hoàn cảnh không thể làm khác được”, cô nói.
Iola thông cảm cho ba mẹ đẻ, nhưng không phải đứa trẻ thành phố nào cũng đồng cảm với gốc gác Việt Nam của cô. Cô bé bị bắt nạt, vài lần bị chặn giữa đường dọa đánh, nên lấy việc học đàn piano, ca hát và nhảy thành niềm vui. Iola cũng rất thích học tiếng Anh với ước mơ được ra nước ngoài, trở thành nghệ sĩ đa tài.
Tốt nghiệp cấp 3, Iola học đại học ngôn ngữ một năm nhưng bỏ dở khi kết thúc năm học. Cô muốn sang Anh theo đuổi giấc mơ nghệ thuật, nhưng bị mẹ nuôi phản đối gay gắt. “Con sẽ không nhận được một đồng nếu quyết tâm theo con đường đó”, mẹ nuôi nói với con khi cô một mình sang Anh.
Không tiền bạc, không mối quan hệ, sau những ngày đầu trông trẻ rồi thuê phòng chung 8 người bị trộm mất đồ, Iola trúng tuyển vào một đoàn phim của Ấn Độ. Vai diễn vũ công không lời thoại nhưng đủ khiến cô vui quên ăn quên ngủ. Hàng ngày, cô làm việc tại đoàn, cơm ăn miễn phí, tối đến ngủ nhờ trên sàn nhà của một nữ diễn viên trong đoàn.
Cũng từ thời điểm này, cô lấy nghệ danh là Iola Nguyen, theo họ gốc khai sinh. “Tôi khát khao thành công để tôn vinh cội nguồn của mình. Thật tuyệt khi nhìn thấy tên tôi, mọi người đã biết tôi là người Việt Nam”, Iola chia sẻ.
Ở nhờ đồng nghiệp hai tháng, vì không muốn làm phiền lâu, Iola xin dọn ra ngoài sống nhờ nhà một nữ diễn viên khác. Do khúc mắc, cô lại rời đi, sống vạ vật trong công viên. Nhiều lần cô gái trẻ bị gạ gẫm bởi những người đàn ông nên trong túi lúc nào cũng thủ sẵn bình xịt hơi cay. Sau này, Iola được một vị cha xứ cho ở nhờ. Thu nhập từ nghề diễn viên và người mẫu tự do dần ổn, cô rời nhà cha xứ, thuê một căn phòng nhỏ. Nhưng lần thứ hai, trộm lại khoắng sạch đồ, khi vừa dọn đến vài ngày.
Lần mất trộm này như giọt nước tràn ly. Bao ấm ức, tủi hổ bỗng trào dâng. Iola quyết về Pháp kiếm đủ tiền rồi mới quay lại London. Đó là năm 2013.
Sau hai năm làm việc tại Pháp, cô quyết định trở lại Anh với 3.000 euro tiền tiết kiệm. Cổ làm đủ nghề từ diễn viên, nhiếp ảnh, cho tới trợ lý cá nhân… Ngày nào Iola cũng làm việc đến 4h sáng. Buổi đêm, cô dành thời gian cho việc sáng tác nhạc và dựng phim, chỉnh ảnh, video cho khách hàng.
“Dù sống vất vả ở London nhưng chưa lần nào tôi thấy Iola kêu ca. Mỗi lần hai chị em nói chuyện, cô gái tràn đầy năng lượng nói về các dự án nghệ thuật của mình”, Hien Do Benoit, chị dâu của Iola, người dõi theo sự trưởng thành của cô gái gốc Việt chia sẻ.
Sau 6 năm làm việc điên cuồng, năm 2017, Iola đủ tiền thực hiện bộ phim hài sitcom do cô vừa làm đạo diễn, vừa là nhà sản xuất, kiêm diễn viên chính. Từ bộ phim này, cô lọt vào mắt xanh của một ông bầu chuyên tuyển diễn viên tại Anh. Hiện, cô gái gốc Việt đã xuất hiện trong 11 bộ phim. Gần đây, bộ phim ngắn “The Dormant Truth” do cô đạo diễn được gửi tới tham dự Liên hoan phim Cannes 2022.
Không chỉ đam mê phim ảnh, hướng tới là nghệ sỹ đa tài, năm 2019, Iola còn tự sáng tác ca khúc. Một số tác phẩm được sử dụng trong phim truyền hình Mỹ, cũng như nhận được nhiều giải thưởng khác. Iola hiện là một trong 6 ứng viên lọt vào vòng xét chọn cuối cùng của Giải thưởng AWA (Phụ nữ thành tựu châu Á) ở hạng mục “Nghệ thuật và Văn hóa” tại Anh năm 2022.
Trước đây, Iola thường xấu hổ vì vóc dáng đậm chất Á Đông của mình. Nhưng giờ, cô lại hiểu, sự khác biệt đôi khi là một ưu thế. “Tôi giờ luôn tự hào về bản thân, về mái tóc, đôi mắt và nụ cười đậm chất Việt Nam của mình”, cô gái khẳng định.
Ngày bé, mỗi lần tới sinh nhật, Iola đều nghĩ về mẹ ruột. Cô khao khát được gặp lại người đã sinh ra mình. Năm 2015, lần đầu Iola về Việt Nam thăm gia đình mẹ đẻ. Gặp bà, muốn hỏi mẹ khỏe không, thấy vui khi gặp mình không, nhưng cô chỉ thốt lên được hai từ “Mẹ ơi” – tất cả vốn tiếng Việt khi đó – rồi ngồi khóc.
Bà Nguyễn Thị Bảy, 63 tuổi, mẹ ruột của Iola, một chữ tiếng Pháp bẻ đôi không biết. Iola, sống ở Pháp hàng chục năm, không hiểu nổi một câu tiếng Việt. Họ trò chuyện với nhau qua thông dịch viên, kể cho nhau nghe sự dằn vặt, về nỗi đau đã trải qua sau 24 năm chia cắt.
“Con bé rất dân dã, tôi nằm dưới đất nó cũng ôm tôi nằm theo. Mẹ con bất đồng ngôn ngữ nhưng nhìn vào mắt nhau là tôi hiểu con bé muốn nói gì”, bà Bảy chia sẻ. Còn với Iola, gặp lại mẹ đẻ, cô thấy mình rất giống bà, từ khuôn mặt, vóc dáng, cho đến tính hài hước và sự mạnh mẽ. Năm 2018, lần thứ hai cô quay lại Việt Nam thăm mẹ đẻ một tháng cùng với bố nuôi.
Cuối năm sau, Iola dự tính sẽ trở lại quê hương thăm gia đình lần nữa. Cô gái trẻ đã lên kế hoạch phát triển kinh doanh tại Việt Nam, vừa gần gia đình, vừa tạo việc làm cho anh chị em ruột.
Nhưng đó là chuyện của tương lai. Hiện, cô gái 31 tuổi tham gia một khóa học tiếng Việt với hy vọng khi về thăm mẹ đẻ lần tới, cô có thể hiểu lời bà nói.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC