Vì sao người lao động "đánh đổi tất cả" để làm việc "chui" ở nước ngoài?

Vì sao người lao động "đánh đổi tất cả" để làm việc "chui" ở nước ngoài?

Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi ra nước ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng lao động khiến nhiều nước e dè, thậm chí từ chối lao động Việt.

1 Vi Sao Nguoi Lao Dong Danh Doi Tat Ca De Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai

Mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: P.N).

Nhiều năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị phần của lao động Việt Nam ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể.

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài đạt mức trung bình 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân, mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước nhiều tỷ USD.

Ngoài những điểm sáng, phải thừa nhận một thực tế rằng, còn rất nhiều lao động ở nước ngoài bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Việc này đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Chia sẻ về vấn đề trên, bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Saigon Inserco, cho hay, tại Hàn Quốc, mỗi năm có từ 8.000- 11.600 người lao động mới của Việt Nam sang làm việc. Tuy vậy, có thời điểm 75% lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp. Do vậy, từ cuối năm 2012 đến tháng 6/2016, Hàn Quốc đã tạm ngừng tiếp nhận lao động người Việt. Hiện nay, trong số hơn 48.000 lao động tại Hàn Quốc, có khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp.

"Thị trường Đài Loan hiện có 25.500 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp, chiếm gần 50% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng. Thị trường lao động nước ngoài chủ lực hiện nay của nước ta là Nhật Bản thì tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc cũng khá cao", Tổng giám đốc Saigon Inserco, nêu rõ.

2 Vi Sao Nguoi Lao Dong Danh Doi Tat Ca De Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai

Bà Dương Thị Thu Cúc, Tổng giám đốc Saigon Inserco (thứ 2 từ phải qua) (Ảnh: N.T).

Theo bà Cúc, nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ do ý thức của người lao động mà còn vì các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ sử dụng lao động nước ngoài, các cơ quan quản lý của Nhà nước, thậm chí có cả yếu tố bất cập trong các quy định pháp luật.

"Người lao động muốn tìm công ty khác trả lương cao hơn hoặc bị những đối tượng xấu tại nước sở tại dụ dỗ bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc. Nhiều lao động sợ về nước sẽ thất nghiệp nên tìm mọi cách ở lại nước sở tại sau khi kết thúc hợp đồng. Ngoài ra, không ít lao động đã quen và thích nghi với cuộc sống ở nước sở tại nên không muốn hồi hương", bà Dương Thị Thu Cúc nói.

Lãnh đạo Saigon Inserco cho hay, lao động chấp nhận "đánh đổi tất cả" để sống bất hợp pháp thường có bạn bè, người thân đang sinh sống tại nước sở tại. Họ sẽ được lo công việc, hỗ trợ tìm chỗ ở với chi phí giá rẻ để ở lại, tiếp tục đi làm kiếm tiền.

"Vì phải đầu tư một khoản tiền khá lớn trước khi sang nước ngoài làm việc nên nhiều lao động Việt Nam luôn luôn có tâm lý là phải kiếm cho nhanh, cho bằng được thật nhiều tiền để "thu hồi vốn", bất chấp việc vi phạm pháp luật nước sở tại", bà Cúc nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu, bà Cúc cho rằng, một số công ty thu phí của người lao động cao gấp đôi, gấp ba so với quy định. Tuy vậy, khi người lao động qua nước ngoài làm việc tiền lương thực lãnh theo hợp đồng thấp, thường bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc để kiếm tiền trả nợ.

"Một số chủ sử dụng lao động vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận với người lao động. Trong khi đó, các công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa kịp thời phối hợp với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động", bà Cúc đề cập thêm lý do khiến lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài do trình độ nhận thức, tác phong lao động chưa cao. Người lao động chưa nhận thức được những nguy hiểm, tác hại của việc này. Khi bị phát hiện, lao động sẽ bị nước bạn bắt giam, trục xuất và mất cơ hội nhập cảnh trở lại.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2022 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên); Hải Dương (TP. Chí Linh); Nghệ An (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa).

3 Vi Sao Nguoi Lao Dong Danh Doi Tat Ca De Lam Viec Chui O Nuoc Ngoai

Tổng giám đốc Saigon Inserco cho rằng, cần nâng cao công tác giáo dục cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh: P.N).

Về giải pháp ngăn ngừa tình trạng trên, bà Dương Thị Thu Cúc cho rằng, đầu tiên, cần tăng cường mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra việc thu phí của các công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc nhiều doanh nghiệp "ép" người lao động phải ký quỹ, đặt cọc... đã tạo gánh nặng khiến người lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm việc nhằm trang trải nợ nần.

Tiếp đó, phải nâng cao công tác giáo dục người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Các công ty đưa lao động đi nước ngoài cần giúp người lao động hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, từ đó an tâm làm việc theo hợp đồng đã ký kết.

Đặc biệt, vị chuyên gia khuyến cáo áp dụng những chế tài nghiêm khắc hoặc truy cứu hình sự đối với doanh nghiệp và người lao động nếu có hành vi phá vỡ hợp đồng lao động, bỏ ra ngoài làm việc.

"Về lâu dài, cần tạo việc làm cho người lao động khi trở về nước. Đó là những lao động có tay nghề, biết ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp, tiếp tục khai thác tốt giúp tránh lãng phí nguồn lực. Tiếp đó, cần nâng thời gian lao động làm việc ở nước ngoài lên mức 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Được như vậy, người lao động sẽ yên tâm làm việc, không có tâm lý trốn ở nước sở tại để kiếm thêm tiền", Tổng giám đốc Saigon Inserco nêu giải pháp.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan