Bữa cơm cuối năm và ba ngày tết luôn thiêng liêng và ấm cúng để con cái tụ tập về chung tay nấu bữa cơm với những món mỗi năm chỉ được ăn một đôi lần, vậy mà...
Sau một năm làm việc vất vả, tết Nguyên Đán là dịp ông bà, con cháu sum vầy. Ngày tết cổ truyền được coi như là “ngày trở về” cội nguồn, về với quê cha đất tổ. Thế nhưng, do hoàn cảnh cuộc sống và làm dâu xứ người nên rất nhiều cô dâu không thể về nước trong dịp năm mới. Chính vì vậy, những người Việt ở nước ngoài đều mang chung tâm trạng bồi hồi nhớ quê hương.
Chị Phan Hà Anh (37 tuổi, quê Hải Phòng) kết hôn với chồng người Đức, hiện đang sống ở thành phố Lubeck, Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Chia sẻ về những ngày sắp tết ở nơi đất khách quê người, chị Anh cho biết:
“Vì gia đình cũng đông người, nếu về Việt Nam ăn tết thì tốn rất nhiều tiền cho các khoản như vé máy bay, tiền quà cáp, biếu người thân… Nếu không phải quá khó khăn thì tôi cũng mong muốn được về quê hương đón tết với cha mẹ”.
Theo lời chị, từ ngày theo chồng sang Đức định cư đến nay cũng gần sáu năm, “chỉ có đúng một lần chúng tôi cùng nhau về Việt Nam ăn tết thôi”.
6 năm theo chồng sang Đức, chị Hà Anh chỉ mới về quê đón tết được một lần |
Những ngày tết trên quê hương chồng, chị Hà Anh sẽ viết thư cho các con như là cách thể hiện tình cảm bằng văn chương.
“Tôi kể cho các con nghe về ngày tết ở Việt Nam có những gì, ví dụ như gói bánh chưng, đi chùa, được tiền mừng tuổi, được mặc quần áo đẹp…
Hai đứa nhỏ rất hào hứng nghe, các con thắc mắc nhiều điều và tỏ ra thích thú lắm. Nhìn thấy các con vui vậy thì tôi cũng phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”, chị tâm sự.
Với chị Thu Thủy (30 tuổi, người Hà Nội) thì “mỗi khi tết đến, nỗi nhớ nhà cồn cào đến mức không từ nào diễn tả được”. Cách đây hai năm, chị theo chồng sang Úc định cư, cũng từ dạo đó đến nay, chị Thủy chưa có dịp về Việt Nam ăn tết.
Chị tâm sự:
“Mình với chồng cũng không phải khá giả gì, đi làm được bao nhiêu tiền cũng tích cóp để dành sinh con. Lâu lâu có nhiều thì gửi về biếu bố mẹ ở quê, để bố mẹ hưởng tuổi già”.
Hai năm rồi, chị Thủy đã đón tết bằng những cuộc điện thoại đêm giao thừa, chị gọi về Việt Nam để nghe bố kể đã chuẩn bị cây đào ngày tết như thế nào, mẹ đã nấu đồ cúng tất niên ra sao.
“Mấy đứa cháu cứ ríu rít trong điện thoại, khoe được đi mua mứt tết với bà, được trang trí cây cảnh với ông… Mình vui mà nước mắt cứ chảy dài”, chị kể.
Bữa cơm tất niên chị Thủy và những người Việt sinh sống gần đó cùng nhau làm để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà |
May mắn là gần nơi chị Thủy sinh sống cũng có nhiều người Việt sang định cư, vậy nên mỗi bận sắp sửa tết, mọi người lại tụ tập nhau lại để cùng tổ chức tiệc tất niên.
“Người này làm chả giò thì người kia luộc gà, làm đủ thứ món, bánh chưng bánh tét có đủ cả. Chồng mình cũng hào hứng tham gia và phụ giúp nhiều việc lắm.
Ăn tất niên ở Úc mà mọi người thi nhau kể chuyện hồi còn ở Việt Nam, rồi lại tưởng tượng cảnh được đi xem bắn pháo hoa giao thừa, đi chùa xin lộc. Vui thì vui thật, nhưng thể nào lúc sau cũng ôm nhau khóc thút thít vì nhớ nhà”, chị bộc bạch.
Cùng tâm trạng như những cô dâu Việt khác đang sinh sống nơi trời Tây, chị Anh Đào (38 tuổi), hiện đang sống cùng chồng và hai con ở Mỹ cũng háo hức đi sắm sửa tết.
Chị vui vẻ khoe về những thứ mình mua được sau khi đi chợ hoa:
“Tôi mua được cả cành đào và cành mai để đón tết. Ở nhà, chồng tôi cũng phụ nấu món thịt kho hột vịt. Tôi sẽ đi chùa và tổ chức một bữa cơm mời bạn bè đến nhà vào ngày mồng 3 tết. Vợ chồng tôi còn chuẩn bị cả áo dài để mặc trong năm mới nữa”.
Chị kể chuyện vui vẻ là vậy, nhưng rồi lại thở dài bảo:
“Tết năm ngoái cả nhà được về Việt Nam, mỗi người mỗi việc, sơn tường, sơn cổng, mua cây cảnh, làm mứt, gói bánh chưng, bánh tét… Năm nay không đủ kinh phí để về nên thôi. Hi vọng năm mới công việc kinh doanh gặp thuận lợi để sang năm có thể về lại Việt Nam ăn tết”.
Với họ, một bữa cơm quê đơn sơ, có đầy đủ cả gia đình luôn là nỗi khát khao cháy bỏng... |
Trải lòng về cuộc sống ở trời Tây, chị Đào nói giọng rầu rầu: “Nhiều lúc tôi nhớ nhà, nhớ Việt Nam vô cùng. Khi mình sống ở một đất nước xa lạ, không thể tránh khỏi việc cảm thấy lạc lõng vì văn hóa khác biệt.
Cụ thể, bên này họ không ăn tết Âm lịch, đêm 30 tết tôi thèm nhìn thấy một người đồng hương lắm nhưng không có, bảo chồng đưa ra đường để tìm thử xem sao thì chẳng thấy bóng dáng ai, tuyết trắng xóa một vùng, tự dưng nước mắt tôi cứ chảy thành hàng dài, không kìm nổi”…
HẢI ĐƯỜNG - Báo Thanh Niên
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC