Anh và Đức đã đạt được sự đồng thuận mang tính đột phá trong cuộc chiến chống lại nạn buôn người di cư bất hợp pháp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ biên giới và đấu tranh với các tội phạm có tổ chức. Thỏa thuận được ký kết tại London ngày 9/12, phản ánh nỗ lực mạnh mẽ của hai quốc gia trong việc đối phó với các vấn đề di cư ngày càng trở nên phức tạp.
Theo nội dung ký kết, Đức cam kết sửa đổi luật và coi hành vi buôn bán người vào Vương Quốc Anh là tội hình sự. Điều này không chỉ giúp tăng cường sức mạnh của hệ thống pháp luật Đức mà còn tạo hỗ trợ xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến hoạt động môi giới và phương tiện vận chuyển người di cư, đặc biệt là thuyền nhỏ thường được sử dụng để trao đổi người di cư qua eo biển Manche. Những giải pháp cứng rắn này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn người có tổ chức, vốn là mối đe dọa lớn đối với an ninh biên giới của cả Anh và Đức.
Thỏa thuận không chỉ là kết quả của các cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Anh Keir Starmer và Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tại Berlin hồi tháng 8, mà còn nằm trong chiến lược của chính phủ Anh nhằm tái thiết lập các quan hệ quốc tế sau Brexit. Trong bối cảnh tình trạng di cư ngày càng tinh vi và khó đoán định, sự phối hợp hành động giữa Anh và Đức không chỉ khẳng định cam kết quốc tế mạnh mẽ trong công việc bảo vệ biên giới, mà còn truyền thông điệp rõ ràng rằng các tổ chức buôn bán người sẽ không thể hoạt động trái pháp luật.
Biện pháp này được cụ thể hóa thông qua việc trao đổi thông tin tình báo, ngăn chặn nội dung quảng cáo của các tổ chức buôn bán người trên mạng xã hội và điều phối chung thông qua Europol - cơ quan cảnh sát châu Âu - để kiểm soát tình hình. Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper nhấn mạnh rằng các tổ chức tội phạm quốc tế thường lợi dụng hoàn cảnh "yếu thế" của người di cư để trục lợi, đồng thời gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả về nhân đạo và an ninh. Theo bà, sự hợp tác với Đức sẽ không chỉ tăng cường khả năng bảo vệ biên giới mà còn góp phần cứu sống nhiều sinh mạng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cũng nhấn mạnh quyết tâm chấm dứt các hoạt động buôn người vô nhân đạo. Bà cho biết nhiều kế hoạch buôn bán người được chuẩn bị ngay tại Đức và việc tăng cường chia sẻ thông tin giữa hai quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc truy vết các tổ chức tội phạm đứng sau. Thỏa thuận này cũng đặt mục tiêu giám sát chặt chẽ các luồng tài chính nhằm ngăn chặn nguồn tài trợ cho các hoạt động buôn người.
Trong bối cảnh tuyến đường vượt eo biển Manche vẫn là điểm nóng của nạn buôn người, việc đạt được sự đồng thuận này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mặc dù Anh và Pháp đã tăng cường các biện pháp kiểm soát, hơn 31.000 người di cư vẫn vượt biển thành công trong năm 2024. Tuy số lượng này giảm so với năm 2022 nhưng số người thiệt mạng lại ở mức cao kỷ lục, với hơn 70 trường hợp, khiến năm 2024 trở thành năm chết chóc nhất kể từ năm 2018.
Phát biểu tại một hội nghị ở Hungary, Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc triệt phá các mạng lưới buôn người trên khắp châu Âu. Ông khẳng định rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia là chìa khóa để đối phó với vấn đề phức tạp này. Minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của sự hợp tác giữa Anh và Đức là một cuộc điều tra chung gần đây đã dẫn đến việc bắt giữ một đối tượng buôn người tại Leicester, đồng thời thu giữ nhiều thiết bị phi pháp liên quan đến hoạt động tội phạm.
Kế hoạch hành động chung giữa hai quốc gia sẽ được triển khai từ tháng 12/2024 đến tháng 12/2025, với các mục tiêu được đánh giá và điều chỉnh định kỳ nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp và xử lý các tổ chức buôn người. Đây không chỉ là một nỗ lực nhằm bảo vệ biên giới mà còn là minh chứng cho cam kết chung của Anh và Đức trong việc xây dựng một hệ thống an ninh vững chắc, nhân đạo. Đồng thời, thỏa thuận này gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết quốc tế trong việc đối mặt với những thách thức toàn cầu.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo gov.uk/AP/Reuters)
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC