Ngày 13/11, Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức công bố báo cáo dự báo thường niên cho biết nền kinh tế nước này vẫn đang trong tình trạng khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng yếu cho thấy nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang tiếp tục chậm lại.
Tỷ lệ lạm phát dự kiến sẽ ở mức 2,2% trong năm nay và 2,1% trong năm tới.
Báo cáo cho thấy trong năm nay, cả sản lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất đều sẽ giảm. Khối lượng đầu tư cũng giảm. Đồng thời, nền kinh tế toàn cầu phục hồi không dẫn đến xuất khẩu tăng lên mức thông thường. Mặc dù tiền lương thực tế tăng đáng kể trong năm 2023 và 2024 nhưng cho đến nay, mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình tại Đức chỉ tăng nhẹ.
Chuyên gia Martin Werding, thành viên Hội đồng chuyên gia kinh tế Đức, nhận định sự phát triển kinh tế ở Đức yếu hơn đáng kể so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Ở Mỹ, GDP đã cao hơn 12% so với mức ngay trước cuộc khủng hoảng COVID-19; ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số này là 4%.
Trong khi đó, GDP của Đức trong năm tới được dự báo sẽ chỉ tương đương với thời điểm ngay trước đại dịch.
Theo các chuyên gia kinh tế Đức, trong nhiều năm qua, lĩnh vực đầu tư công tại nước này không được ưu tiên đầy đủ và luôn ở mức thấp.
Điều này đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông, quốc phòng và giáo dục phổ thông. Để nền kinh tế tăng trưởng trở lại, Hội đồng cho rằng cần ưu tiên đầu tư công theo định hướng tương lai.
Do đó, Hội đồng chuyên gia kinh tế đã đề xuất thành lập một quỹ cơ sở hạ tầng giao thông và quy định hạn ngạch tối thiểu chi tiêu cho giáo dục và quốc phòng.
Hội đồng chuyên gia cũng cho rằng Đức cần phải bắt kịp xu hướng số hóa thị trường tài chính.
Ngoài ra, đồng euro kỹ thuật số đã được lên kế hoạch có thể sẽ cung cấp một giải pháp thay thế mới cho thẻ tín dụng và các phương thức thanh toán qua Internet, mang lại sự an toàn và hiệu quả về mặt chi phí, đồng thời tăng cường sự độc lập với các nhà cung cấp dịch vụ ngoài châu Âu./.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC