Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 30/10 yêu cầu hộ vệ hạm Baden-Wuerttemberg và tàu hậu cần Frankfurt am Main vòng qua phía nam châu Phi để về nước sau đợt triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay vì đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải.
"Mối đe dọa ở Biển Đỏ khá cao. Nhiều vụ tập kích rất phức tạp bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay không người lái (UAV) và nhiều loại vũ khí khác đã diễn ra tại khu vực suốt nhiều tháng qua", đại tá Mitko Mueller, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức, cho biết.
Hộ vệ hạm Baden-Wuerttemberg tại thị trấn Wilhelmshaven tháng 4/2017. Ảnh: Wikimedia
Đại tá Mueller giải thích Đức quyết định cho hai tàu hải quân vòng tránh Biển Đỏ do chúng không được thiết kế để làm nhiệm vụ phòng không. Hộ vệ hạm Baden-Wuerttemberg dự kiến vào Địa Trung Hải để tham gia Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL), còn tàu hậu cần Frankfurt am Main sẽ về nước.
Baden-Wuerttemberg là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu hộ vệ cùng tên, là một trong những chiến hạm mới, hiện đại nhất của hải quân Đức và được biên chế từ năm 2019. Mỗi chiếc thuộc lớp Baden-Wuerttemberg có lượng giãn nước 7.200 tấn, là loại tàu hộ vệ có lượng giãn nước lớn nhất thế giới, gần tương đương các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Lớp chiến hạm Baden-Wuerttemberg được chế tạo thay thế lớp Bremen, tối ưu cho các chiến dịch cường độ thấp và trung bình, tập trung vào tuần tra phi đối xứng, yểm trợ hỏa lực và hỗ trợ đặc nhiệm đổ bộ bờ biển. Điều này khiến hộ vệ hạm Baden-Wuerttemberg trang bị ít vũ khí và radar chuyên dụng hơn lớp Bremen, trong khi nhiệm vụ phòng không hạm đội giao cho lớp Sachsen.
Baden-Wuerttemberg được lắp một hải pháo 127 mm, hai pháo tự động 27 mm, 5 bệ súng 12,7 mm điều khiển từ xa, hai bệ phóng tên lửa phòng không tầm ngắn RIM-116 Block II với tổng cộng 42 đạn, 8 tên lửa diệt hạm RGM-84 Harpoon và mang theo hai trực thăng NH90.
Trong khi đó, Frankfurt am Main là tàu thứ hai thuộc lớp tàu hậu cần Berlin, được biên chế tháng 5/2022. Tàu có lượng giãn nước hơn 20.000 tấn, tốc độ tối đa 37 km/h. Các tàu lớp Berlin được trang bị 4 pháo tự động 27 mm và tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger, chở theo hai trực thăng WS-61 hoặc NH90.
Khu vực Houthi kiểm soát ở Yemen. Đồ họa: AFP
Lực lượng Houthi tại Yemen bắt đầu tập kích tàu thuyền đi qua Biển Đỏ và vịnh Aden từ tháng 11/2023, tuyên bố đây là hành động thể hiện đoàn kết với người dân Palestine tại Dải Gaza, nơi Israel đang triển khai chiến dịch chống Hamas. Houthi đã bắt một tàu hàng, đánh chìm hai chiếc và làm hư hại hàng chục phương tiện ở khu vực này.
Những cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận tải toàn cầu, buộc các chủ tàu phải điều chỉnh lại hành trình vòng qua Nam Phi xa hơn, gây tốn kém hơn.
Mỹ cùng các đồng minh và Liên minh châu Âu (EU) đã lập các nhóm tác chiến riêng biệt để đối phó những vụ tập kích tàu hàng của Houthi. Washington và London cũng nhiều lần tấn công các mục tiêu của Houthi để trả đũa hoặc ngăn hoạt động tập kích tàu hàng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự đã đặt dấu hỏi về tính hiệu quả và khả năng duy trì chiến dịch của Mỹ - Anh, khi chưa có dấu hiệu cho thấy Houthi sẽ ngừng tấn công tàu hàng qua Biển Đỏ.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC