Đức có thể rơi vào khủng hoảng nếu không sớm kiểm soát được suy thoái

Đức có thể rơi vào khủng hoảng nếu không sớm kiểm soát được suy thoái

Trong cả quý 4/2022 và quý 1/2023, nền kinh tế Đức đều ghi nhận suy giảm và nếu suy thoái tiếp tục kéo dài, nó có thể biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự.

1 Duc Co The Roi Vao Khung Hoang Neu Khong Som Kiem Soat Duoc Suy Thoai

Foto: Người dân mua sắm tại siêu thị ở Düsseldorf, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đức đã chính thức bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật với những thống kê cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2023. Vậy điều gì đã tạo ra suy thoái và nó kéo theo những gì?

Nền kinh tế Đức đang đối mặt với thời kỳ thử thách khắc nghiệt. Đầu tiên là đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề và hiện tại tác động của cuộc chiến ở Ukraine đang đẩy nền kinh tế đến bờ vực khủng hoảng trầm trọng.

Lạm phát, giá năng lượng tăng cao và tắc nghẽn nguồn cung, tất cả tạo nên một cơn bão “lớn” cho nền kinh tế, mà theo lý thuyết của các chuyên gia, nó lên xuống theo từng đợt, khác hẳn so với quy thuật 4 giai đoạn thường thấy trong kinh tế là: Liên tục tăng trưởng (hay còn gọi là thời kỳ thịnh vượng); bùng nổ; suy thoái và trì trệ.

Chẳng hạn, một cuộc suy thoái thường đánh dấu bằng sự giảm sút khi năng lực sản xuất không còn được sử dụng do xuất khẩu giảm, nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ trong nước đều giảm.

Mức chuẩn được tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giá trị của tất cả các dịch vụ và hàng hóa được sản xuất trong một thời kỳ nhất định.

Nếu GDP giảm trong hai quý liên tiếp, thì đây được gọi là “suy thoái kỹ thuật.”

Như năm 2021, nguy cơ suy thoái kỹ thuật từng xảy ra khi GDP của Đức trong quý cuối cùng của năm giảm 0,3% do hậu quả của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2022, sản lượng kinh tế đã tăng 0,2%.

Trong khi đó, tình hình bây giờ dường như khác hẳn. Cả quý cuối cùng của năm 2022 và quý đầu tiên của năm 2023, nền kinh tế Đức đều suy giảm.

Nếu suy thoái tiếp tục kéo dài trong một thời gian, nó có thể biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự.

Tỷ lệ thất nghiệp và số các vụ vỡ nợ gia tăng, hàng hóa tồn kho và khủng hoảng tài chính, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và ngân hàng sẽ tạo nên một kịch bản ác mộng.

Nhiệm vụ của chính phủ lúc này là ngăn chặn nền kinh tế trượt vào suy thoái, từ đó có thể rơi vào giai đoạn thấp nhất của chu kỳ kinh tế.

Chính phủ sẽ phải nỗ lực để chống lại các cuộc suy thoái đang lớn dần hoặc kiểm soát suy thoái trong thời gian càng ngắn càng tốt.

Các công cụ sẵn có lúc này chỉ có thể là các gói cứu trợ cho công ty và người dân, chẳng hạn như trợ cấp của chính phủ và cắt giảm thuế, giống như những gì chính phủ Đức đã đưa ra để giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng vài tháng trước.

Theo các nhà phân tích, suy thoái kinh tế và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu là tin xấu đối với toàn bộ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) với hệ lụy rõ ràng nhất là sự điều chỉnh giảm GDP quý đầu tiên của Eurozone.

Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế hàng đầu của châu Âu tại Capital Economics, cho biết GDP của Eurozone dự báo sẽ được điều chỉnh từ 0,1% xuống 0% trong quý đầu tiên năm 2023, nghĩa là khối này sẽ tránh được suy thoái kỹ thuật nhờ biên độ lãi suất thấp nhất.

Eurozone cũng đang quay cuồng với lạm phát cao và lãi suất gia tang, những yếu tố đang siết chặt tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh trong khi lĩnh vực công nghiệp đang phải vật lộn với số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh.

Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ vẫn là một điểm sáng trong bối cảnh các gia đình bị ảnh hưởng từ bão lạm phát lại ưu tiên chi tiêu cho du lịch và giải trí hơn là mua hàng hóa.

Tình hình kinh tế dự báo sẽ tồi tệ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất để giảm nhu cầu nhằm hạ giá. Lạm phát ở khu vực Eurozone ở mức 7% trong tháng 4/2023, vẫn cao hơn nhiều so với  mục tiêu của ECB đặt ra là 2%./.

Phương Hoa (Vietnam+)


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan