Châu Âu “tỉnh giấc” sau khi ông Trump đổi giọng về hòa bình ở Ukraine

Sự trở lại của ông Trump trong vai trò Tổng thống Mỹ đã khiến nỗi lo sợ của các nhà lãnh đạo phương Tây trở thành hiện thực: Châu Âu phải tự lo cho mình và cho cả Ukraine.

1 Chau Au Tinh Giac Sau Khi Ong Trump Doi Giong Ve Hoa Binh O Ukraine

Châu Âu “tỉnh giấc”

Dấu hiệu đầu tiên của cơn địa chấn chính trị đến với châu Âu vào giữa tháng 2/2025, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đến Brussels và mang theo thông điệp: Ukraine nên từ bỏ giấc mơ giành lại toàn bộ lãnh thổ bị Nga chiếm giữ và viễn cảnh gia nhập NATO trong tương lai gần là bất khả thi.

Phát biểu tại hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO, ông Hegseth thẳng thắn gọi mục tiêu khôi phục biên giới trước năm 2014 là “ảo tưởng”. Trong khi các thành viên trong nhóm vẫn chưa kịp xử lý tuyên bố này thì một thông tin khác gây chấn động hơn xuất hiện: ông Donald Trump vừa công bố trên Truth Social rằng ông và Tổng thống Putin đã đồng ý bắt đầu đàm phán và sẽ gọi cho Tổng thống Zelensky để thông báo.

Đằng sau những cánh cửa kín, ông Hegseth cố trấn an các đồng minh: “Chúng tôi biết ai nên đứng về phía nào” nhưng điều đó không đủ để xua đi nỗi lo lắng đang lan rộng trong nội bộ châu Âu.

2 Chau Au Tinh Giac Sau Khi Ong Trump Doi Giong Ve Hoa Binh O Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. Ảnh: Reuters

Cùng thời điểm, Hội nghị An ninh Munich diễn ra trong bầu không khí nặng trĩu, khi giới lãnh đạo thế giới tụ họp để bàn về vận mệnh toàn cầu, nhưng lần này với cảm giác khẩn cấp rõ rệt hơn bao giờ hết.

Giữa hàng loạt gương mặt quen thuộc, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance – người trung thành với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump – đã có màn ra mắt quốc tế đầy ấn tượng, theo cách không ai mong đợi. Và đúng như những lo ngại trước hội nghị, bài phát biểu của ông Vance nhắm trực tiếp đến Ukraine.

Trong bài phát biểu dài 19 phút, ông Vance công kích hàng loạt chính phủ châu Âu vì làm ngơ trước ý nguyện người dân, bỏ qua tự do tôn giáo và không hành động dứt khoát với di cư bất hợp pháp.

“Điều khiến tôi lo lắng nhất với châu Âu không phải là Nga, không phải Trung Quốc – mà là những gì đang xảy ra từ bên trong”, ông Vance nói.

Phản ứng bất ngờ lan rộng khắp Hội nghị. Ngay hôm sau, ngày 15/2, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski bất ngờ thông báo về một cuộc họp khẩn cấp đang được chuẩn bị tại Paris, do Tổng thống Emmanuel Macron triệu tập. Pháp phải mất thêm một ngày mới xác nhận kế hoạch. Nhưng một điều đã rõ: Châu Âu không còn có thể đứng yên.

Hai tuần ngoại giao hỗn loạn

Cuộc họp khẩn tại Paris ngày 17/2, tiếp nối bằng một cuộc họp khác diễn ra hai ngày sau đó, mở màn cho hai tuần ngoại giao hỗn loạn: châu Âu tìm cách giành lại chỗ đứng trong các cuộc thảo luận về chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer lần lượt tổ chức các cuộc họp và chuẩn bị cho chuyến thăm Washington. Ở tuyến đầu, các nước gần Nga gây áp lực mạnh mẽ hơn để buộc toàn khối tăng chi tiêu quốc phòng.

Cuộc họp có phần khác thường: chỉ gồm lãnh đạo từ các cường quốc Tây Âu như Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đan Mạch và Ba Lan, cùng các quan chức EU – không có sự hiện diện của các nước Baltic hay những quốc gia Đông Âu khác. Tinh thần đồng thuận truyền thống của EU tạm nhường chỗ cho sự linh hoạt nhằm kịp thời ứng phó với tình hình thực tế.

Ông Starmer đẩy cao kỳ vọng chung khi tuyên bố ông “sẵn sàng” triển khai binh sĩ Anh tới Ukraine nhằm giám sát một lệnh ngừng bắn, ủng hộ ý tưởng gìn giữ hòa bình của Tổng thống Pháp Macron. Ông gọi đây là “khoảnh khắc ngàn năm có một”.

Chiều hôm đó, khi các nhà lãnh đạo bước qua sân của Điện Elysee dưới ánh hoàng hôn và sự chào đón của đội lính mũ đỏ, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics đến trễ nhưng kịp gửi một lời cảnh báo: “Đừng bao giờ ngừng cảnh giác”.

Ông Rinkevics không nói suông. Ngay hôm sau, từ Mar-a-Lago, ông Trump công khai chỉ trích Tổng thống Zelensky vì phàn nàn khi bị loại khỏi các cuộc đàm phán. “Ông ấy ở đó ba năm rồi. Ông ấy không bao giờ nên bắt đầu thỏa thuận này. Ông ấy có thể đã đạt được một thỏa thuận”, ông Trump cho biết.

Giữa cơn căng thẳng, cặp đôi Starmer-Macron vẫn nỗ lực giữ liên lạc với ông Trump. Thủ tướng Anh đã lên lịch tới thăm Nhà Trắng vào ngay tuần sau đó, còn Tổng thống Pháp nhanh chóng gọi điện vận động để tranh suất trở thành lãnh đạo EU đầu tiên đến gặp Tổng thống Mỹ.

Nỗ lực của Anh và Pháp

Tại Washington, nơi ông Macron nghỉ tại Blair House – nhà khách chính thức của tổng thống Mỹ nằm trên Đại lộ Pennsylvania, Tổng thống Pháp nỗ ực tìm cách hàn gắn mối quan hệ được các cố vấn của ông mô tả là “đặc biệt” với Donald Trump.

Tuy nhiên, sau những lời xã giao và cái bắt tay xã giao, bầu không khí bắt đầu trở nên căng thẳng khi hai bên bước vào các cuộc thảo luận thực chất. Khi ông Trump mô tả viện trợ châu Âu cho Ukraine chỉ là "một khoản vay", ông Macron lập tức phản bác. Theo một phụ tá thân cận, Tổng thống Pháp còn thúc đẩy ông Trump mở lòng với một nhà lãnh đạo khác: ông Zelensky. Đó là một bước đi có ý nghĩa chiến lược.

3 Chau Au Tinh Giac Sau Khi Ong Trump Doi Giong Ve Hoa Binh O Ukraine

Ông Macron (trái) và ông Starmer (phải). Ảnh: Reuters

Cùng lúc đó, tại London, ông Starmer bất ngờ tung ra đòn phủ đầu nhằm thu hút sự chú ý của ông Trump trước chuyến đi Washington. Ngày 25/2, Thủ tướng Anh tuyên bố “mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh” nhằm hiện thực hóa lời kêu gọi trước đó từ Nhà Trắng.

Ông Starmer đã bí mật thảo luận kế hoạch với Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves suốt nhiều tuần, giấu cả các đồng minh thân cận và nội các. Bộ trưởng viện trợ nhân đạo Anneliese Dodds chỉ được thông báo một ngày trước khi nhà lãnh đạo Anh công bố quyết định này.

Trên chuyến bay đến Mỹ, mặc quần jeans, giày thể thao Adidas, áo sơ mi xanh đậm và áo khoác đen, ông Starmer bước về cuối máy bay để trả lời phỏng vấn được yêu cầu không ghi âm với các nhà báo tháp tùng. Ông Starmer cho biết sẽ yêu cầu ông Trump đưa ra một “cơ chế đảm bảo an ninh” để bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine thời hậu chiến. Sau đó, các quan chức xác nhận rằng những đảm bảo an ninh này phải bao gồm các nhóm trinh sát trên không và các biện pháp hỗ trợ không quân trong trường hợp Nga tấn công lực lượng phương Tây.

Nhưng ông Trump đã không đưa ra câu trả lời mà Anh đang mong muốn. Tuy vậy, châu Âu vẫn không ngừng nuôi hi vọng.

“Mỗi sáng họ thức dậy và chờ xem ông Trump sẽ nói gì tiếp theo", Politico dẫn lời một quan chức Anh cấp cao cho biết.

Trong khi phái đoàn Anh hướng đến một chuyến đi khó lường, Paris lại nỗ lực xây dựng một liên minh mới. Tổng thống Pháp mở tiệc thân mật tiếp đón ông Friedrich Merz - Thủ tướng tương lai của Đức, ngay sau khi chính trị gia này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 2 vừa qua. Trong bữa tối tại Điện Elysee, ông Merz bất ngờ tuyên bố sẽ giữ “độc lập” trước chính quyền Trump - điều được xem một bước ngoặt mới so với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Olaf Scholz.

“Đó là điều tôi chưa từng nghĩ mình sẽ phải nói ra”, ông Merz thừa nhận. Nhưng gió đã đổi chiều.

Hòa bình còn ở "rất, rất xa"

Ông Starmer dành nhiều giờ chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Trump tại Đại sứ quán Anh. Trong 30 phút ở phòng Bầu dục, ông Starmer học theo người bạn Pháp Macron, chạm nhẹ vào tay ông Trump và rút từ túi ra lá thư của Vua Charles III, mời Tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước tới London.

Ông Trump đồng ý nhưng vẫn không đưa ra bất kỳ cam kết an ninh nào cho sáng kiến hòa bình của Anh: "lực lượng trấn an" của London “có thể tự lo cho mình” ở Ukraine nếu Nga tấn công.

Trở lại hai ngày trước, ông Zelensky thông báo Ukraine và Mỹ đã đồng thuận về một thỏa thuận khai khoáng, mở đường cho nhà lãnh đạo Kiev gặp ông chủ Nhà Trắng tại phòng Bầu dục ngay sau chuyến thăm của ông Starmer. Trong nội bộ chính quyền Ukraine, bầu không khí tràn đầy sự lạc quan.

“Đó là một chiến thắng”, một quan chức nói. “Ông Zelensky sẽ gặp ông Trump trước Nga”.

Gặp Tổng thống Mỹ vào ngày 28/2, ông Zelensky đã hy vọng có thể lồng ghép các cam kết an ninh vào cuộc trò chuyện, khi hai bên bàn thảo về thỏa thuận khai khoáng; rồi mang kết quả ấy trở lại London. Nhưng tính toán của ông Zelensky đã đổ vỡ. Sau 40 phút trao đổi, những gì lịch sử ghi lại là một thảm họa ngoại giao chưa từng có tại phòng Bầu dục.

Chỉ trong vòng 4 giờ, ông Starmer điện đàm với hai nhà lãnh đạo Trump lẫn Zelensky. Sáng hôm sau, Thủ tướng Anh đón Tổng thống Ukraine tại số 10 Downing và cùng ông Macron tuyên bố tập hợp một “liên minh tự nguyện” châu Âu, thảo luận về đề xuất hòa bình trình ông Trump.

Song nỗ lực này là chưa đủ để dập tắt cơn giận của Nhà Trắng. Chỉ 24 giờ sau, ông Trump ngừng viện trợ quân sự cũng như cắt thông tin tình báo cho quân đội Ukraine.

Trong những tuần sau đó, các nhà ngoại giao cấp cao ở Paris, London và Berlin tất tả tìm cách hàn gắn quan hệ ngày càng mong manh giữa bộ đôi Trump-Zelensky. Theo một quan chức Pháp, ông Starmer đã cử đại diện cấp cap đến Washington và Kiev, trong khi các nhà ngoại giao Pháp cũng trao cho ông Trump một bức thư hòa giải do chính ông Zelensky chắp bút.

Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực, mối quan hệ giữa tổng thống Mỹ và người đồng cấp Ukraine vẫn vô cùng mong manh. Khi ông Trump đang dời sự chú ý sang cuộc chiến thương mại mới, hòa bình ở Ukraine dường như vẫn còn ở “rất, rất xa”, đúng như câu trả lời trước báo giới của ông Zelensky sau cuộc họp căng thẳng với người đồng cấp Mỹ ở Nhà Trắng hồi cuối tháng 2/2025.


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan